Thải độc cơ thể hay chiêu trò đánh tráo khái niệm?

Linh Ly
Những phương pháp thải độc cơ thể được mọi người truyền tai nhau như uống nước, uống nước chanh, uống nước muối, tẩy sỏi gan bằng dầu dừa… không thể thải được độc tố cho cơ thể.
  Không ít người đã phải vào viện điều trị vì thải độc sai cách. Ảnh minh họa

Không ít người đã phải vào viện điều trị vì thải độc sai cách. Ảnh minh họa

Xem thêm

Thải độc sai cách tác hại khôn lường

Trao đổi với Gia Đình Mới về thực hư của các phương pháp thải độc cơ thể được nhiều người truyền tai nhau, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: ‘Tôi đã từng gặp một bệnh nhân phải vào viện cấp cứu vì bị sốc, mất nước do detox (thải độc).

Trước đó, bệnh nhân có mua một sản phẩm detox ở trên thị trường và được khuyến cáo là điều trị theo liệu trình. Tuy nhiên, mới dùng được ngày thứ nhất bệnh nhân bị tiêu chảy nặng và phải vào viện cấp cứu trong tình trạng sốc mất nước.

Mục đích của bệnh nhân chỉ là mua sản phẩm uống để thải độc cho cơ thể nhưng vì đường tiêu hóa nhạy cảm nên bị kích thích, dẫn đến tổn thương và bị tiêu chảy liên tục.

Bệnh nhân đó đã tốn khoảng trên dưới 200 triệu tiền điều trị và sụt khoảng 10kg từ lúc vào viện cho đến lúc ra viện.

Qua câu chuyện này tôi muốn khuyến cáo mọi người không nên nghe và làm theo những cách thải độc sai cách để tránh gây tổn thương cho hệ tiêu hóa và nguy hại đến sức khỏe của chính mình’.

Thải độc cơ thể hay chiêu trò đánh tráo khái niệm? 1

Hiện, nhiều người cho rằng, môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm không an toàn… khiến cơ thể con người vô tình bị nhiễm các độc tố và họ tìm đến các phương pháp detox với mong muốn loại bỏ các độc tố này. Quan điểm của bác sĩ về vấn đề này thế nào?

Để nói về vấn đề thải độc mọi người cần biết rằng, lịch sử của thải độc có từ thời Hippocrates.

Và nó được bắt nguồn từ thuyết thể dịch (humour theory). Theo thuyết này thì cơ thể con người được cấu thành bởi bốn chất cơ bản, gọi là thể dịch. Cân bằng của bốn chất này là điều kiện cơ bản để con người khỏe mạnh.

Bệnh tật là hậu quả của một tình trạng quá thừa thãi hay thiếu hụt của ít nhất một trong bốn chất này. Trong đó, bốn thể dịch là: máu, mật đen, mật vàng và niêm dịch.

Đây là quan niệm cổ xưa khi mà khoa học chưa phát triển. Còn ngày nay, khi mà khoa học ngày càng phát triển thì con người càng thấy rằng những quan điểm cổ xưa của Hippocrates không còn đúng nữa. Nó chỉ có giá trị lịch sử mà không có giá trị khoa học.

Trong y học, danh từ thải độc có trong danh pháp y học. Tuy nhiên, nó không giống như những gì mọi người đang hiểu.

Thực chất, thải độc là việc khi cơ thể bị ngộ độc một chất nào đó và các y bác sĩ dùng một số loại thuốc, một số loại hóa chất để thải chất độc đó ra ngoài.

Và việc chúng ta đang đánh đồng giữa quan điểm y học cổ xưa với quan điểm của y học hiện đại đã gây ra cách hiểu không đúng về thải độc và dẫn đến những phương pháp thải độc phản khoa học.

Việc sử dụng thuốc để làm sạch đường ruột, hay uống nước muối thải độc, uống nước chanh thải độc, ăn dầu dừa, bỏ đói cơ thể… là những cách làm không tốt cho cơ thể, có thể gây ra tổn thương cho niêm mạc ruột. Đáng sợ nhất là trào lưu thụt cà phê vào đại tràng để thải độc.

  Thụt cà phê vào đại tràng để thải độc là việc làm nguy hiểm

Thụt cà phê vào đại tràng để thải độc là việc làm nguy hiểm

Xin bác sĩ nói rõ hơn về cách thải độc mọi người đang truyền tai nhau không đúng ở chỗ nào?

Như tôi đã nói, uống một lượng nước lớn, đặc biệt là uống nước chanh vào buổi sáng là việc làm không tốt cho sức khỏe.

Buổi sáng mới thức dậy dạ dày đang còn rỗng, có rất nhiều axit ở trong dạ dày mà lại uống thêm một lượng lớn nước có chứa axit vào nữa thì sẽ tạo một áp lực rất lớn cho dạ dày, tình trạng này diễn ra lâu dài thì sẽ hủy hoại dạ dày của bạn.

Hay như trào lưu tẩy sỏi gan của một số người truyền tai nhau bằng cách uống dầu dừa. Phương pháp này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Nó bắt nguồn từ thuyết thể dịch có từ thời Hippocrates, với bốn thể dịch là: máu, mật đen, mật vàng và niêm dịch. Mà thuyết này là thuyết cổ xưa, bây giờ đã không còn đúng.

Theo mô tả của những người đã thực hiện phương pháp tẩy sỏi gan thì sau khi uống dầu dừa, họ đã ‘đãi’ ra sỏi và hàng nghìn viên sỏi nổi lềnh phềnh trên nước. Điều này là hoàn toàn vô lý và không hợp logic.

Thực chất, cái mà họ thải ra ngoài là đám tế bào và các chất cặn bị quyện với dầu dừa, nó nhẹ hơn nước lên nổi trên mặt nước.

Việc uống dầu dừa sẽ cung cấp một lượng lớn lipid vào đường tiêu hóa. Trong khi đó, cấu tạo của đường tiêu hóa theo tiến hóa là được cấu tạo bởi những lớp tế bào đặc biệt để chứa các chất cặn bẩn như phân ở trong đó. Mà, các lớp tế bào ở đường ruột rất dễ bị tổn thương và nó sẽ bong ra liên tục nếu như chúng ta tác động đến nó nhiều.

Ví như, nếu chú ý đến một đứa trẻ bị tiêu chảy do vi khuẩn tả thì sau khi đi ngoài đến lần thứ 10 là sẽ đi luôn cả ra các tế bào niêm mạc ruột, bong ra thành từng mảng và có nguy cơ bị tổn thương.

Hơn nữa, trong đường tiêu hóa của con người luôn luôn tồn tại những con vi khuẩn tốt cho đường ruột để giúp cho quá trình tiêu hóa, hấp thu thức ăn được tốt hơn, đặc biệt là ở đại tràng.

Phương pháp detox là ép buộc tống hết mọi thứ trong đường ruột ra ngoài thì sẽ có nguy cơ gây rối loạn đường tiêu hóa vì tống hết các vi khuẩn có lợi ra ngoài. Nguy cơ nữa là gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Điều này về lâu dài là không tốt cho sức khỏe.

Còn về phương pháp thải độc bằng cách dùng cà phê thụt vào đại tràng, điều này là không tốt. Bởi, khi chúng ta thụt ngược dung dịch từ bên ngoài vào trong đại tràng nó sẽ đi ngược lên. Cách làm này sẽ gây tăng tình trạng nhiễm trùng do chúng ta bơm các vi khuẩn ngoại lai vào trong đường ruột và như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Nhưng nhiều người thực hiện thải độc xong họ thấy cơ thể dễ chịu hơn và điều đó làm họ tin tưởng vào các phương pháp thải độc. Vậy phải lý giải điều này thế nào, thưa bác sĩ?

Điều này liên quan đến vấn đề cảm giác của cơ thể sau khi thải độc. Nguyên nhân làm một số người mê muội và rất thích phương pháp thải độc khi thực hiện một vài lần đầu tiên là bởi chất lượng cuộc sống của chúng ta đang ngày càng được nâng lên, chế độ ăn uống của chúng ta quá đầy đủ.

Hơn nữa, việc ăn uống không khoa học dẫn đến cơ thể bị thừa nhiều năng lượng. Sau những bữa ăn thừa năng lượng làm cho chúng ta cảm thấy đầy bụng và khó chịu.

Vậy nên, khi nhiều người thực hiện thanh lọc, thải độc bằng biện pháp uống nước chanh, nhịn ăn làm cho cơ thể tiêu bớt năng lượng còn thừa và cảm thấy cơ thể nhẹ nhõm, dễ chịu hơn.

  Việc uống nước chanh để thải độc cơ thể có thể gây ra tổn thương cho niêm mạc ruột

Việc uống nước chanh để thải độc cơ thể có thể gây ra tổn thương cho niêm mạc ruột

Xem thêm

Chính điều này làm cho nhiều người tin tưởng sau thải độc cơ thể dễ chịu, nhẹ nhàng, thoải mái hơn và tỏ ra rất thích thú.

Nhưng cảm giác nhẹ nhõm này không phải là do cơ thể loại bỏ hết chất độc mà là cơ thể đã tiêu bớt các năng lượng dư thừa.

Cách thải độc tốt nhất là ăn sạch, uống sạch, ở sạch…

Vậy một người bình thường có cần thiết phải thải độc không, thưa bác sĩ?

Cơ thể con người có cơ chế tự cân bằng rất tốt. Nếu cơ thể chẳng may bị nhiễm độc từ từ theo nhiều năm thì các chất độc sẽ ngấm vào các mô cơ quan và nó sẽ gây độc cho cơ thể.

Lúc này, phương pháp thải độc bằng uống nước, thụt đại tràng hoàn toàn không có tác dụng. Bởi, khi các chất độc đã ngấm sâu vào trong cơ thể thì các phương pháp thải độc mà mọi người vẫn truyền tai nhau không thể có tác dụng.

Thải độc cơ thể hay chiêu trò đánh tráo khái niệm? 4

Chúng ta đang dùng từ thải độc không đúng và nên xác định lại cách dùng từ thải độc. Tất cả các phương pháp mà mọi người đang tin và truyền tai nhau thực chất không phải thải độc. Đây là đang đánh tráo khái niệm.

Cách thải độc tốt nhất là ăn uống cân bằng, ăn sạch, ở sạch, uống sạch, chăm luyện tập thể thao để tăng sức để kháng cho cơ thể. Khi mà có chất độc vào trong cơ thể thì chính cơ thể con người sẽ tự tìm cách để thải độc ra ngoài. Đó là phản xạ tự nhiên để bảo vệ cơ thể.

Mọi người có thể hiểu đơn giản là khi cơ thể chẳng may bị nhiễm phải chất độc thì hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động để tìm cách đẩy chất độc đó ra ngoài.

Ví dụ đơn giản là khi chúng ta bị cảm cúm do virus, chính con virus sinh ra chất độc tấn công vào cơ thể làm cơ thể mệt mỏi. Theo một nghĩa nào đó thì đây cũng chính là một dấu hiệu cơ thể bị nhiễm độc.

Và khi đó, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ khởi động để tìm cách chống lại con virus gây cảm cúm và chống lại các chất độc do con virus đó gây nên.

Các triệu chứng biểu hiện như sốt, mệt mỏi chính là quá trình hệ thống miễn dịch đánh lại các chất độc do con virus gây ra và sau một tuần là khỏi.

Đấy chính là cách thải độc của cơ thể nhờ vào hệ thống miễn dịch. Do đó, cơ thể có khỏe mạnh thì hệ thống miễn dịch mới khỏe và cơ thể mới tự thải độc, thanh lọc được tốt nhất.

  Bác sĩ Ngô Đức Hùng cho rằng: 'Cách thải độc tốt nhất là ăn sạch, uống sạch, ở sạch…' -

Bác sĩ Ngô Đức Hùng cho rằng: 'Cách thải độc tốt nhất là ăn sạch, uống sạch, ở sạch…' -

Dường như có sự đánh tráo khái niệm thải độc ở đây?

Cũng giống như việc mọi người vẫn nói thải độc cho não bằng cách cho não được nghỉ ngơi. Nhưng bản chất của vấn đề ở chỗ, stress cũng chính là chất độc tấn công vào não làm cho chúng ta mệt mỏi.

Và những cuộc đi chơi, nghỉ ngơi… là cách thải độc cho não, giúp cho các tế bào não được nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, mệt mỏi, tái lập lại hoạt động bình thường.

Cũng giống như sản phẩm trà giải độc gan vẫn bán trên thị trường. Đó là một vị thuốc Đông y, có tác dụng làm chức năng gan hoạt động tốt lên. Về một khía cạnh nào đó, tác dụng của nó giống như thực phẩm chức năng, có tác dụng hỗ trợ, kích thích cho tế bào hoạt động hiệu quả hơn, không gây hại gì.

Những sản phẩm này làm tăng cường hoạt động của chức năng gan, giúp gan hoạt động tốt hơn và làm cơ thể khỏe mạnh hơn, chứ không phải là để thải chất độc ra ngoài. Cách đánh tráo khái niệm này là chiêu trò quảng cáo để đánh vào tâm lý của người tiêu dùng là mong muốn thải độc tăng cường sức khỏe.

Muốn cơ thể khỏe mạnh mọi người cần nhớ ăn uống và nhu cầu cuộc sống phải cân bằng với nhau. Đặc biệt là vấn đề ăn uống cần cân bằng giữa protein, lipid, gluxit.

Khi mà chúng ta ăn quá nhiều đạm, tích lũy quá thừa thì có thể ngưng ăn thịt và chuyển sang ăn chay một thời gian, tức là ăn rau, củ, quả nhiều hơn, giảm lượng đạm đi, giúp cho cơ thể hồi phục được tốt hơn, tiêu bớt năng lượng còn thừa đi. 

Đó là lý do mà có người sau một bữa đại tiệc với những thực phẩm giàu đạm thấy bụng nặng nề. Hôm sau, người ta ăn chay hoặc nhịn ăn một bữa lại thấy cơ thể nhẹ nhàng, dễ chịu hơn.

Đó lại là một cách thải độc chân chính. Tức là giúp cho cơ thể tiêu bớt năng lượng còn thừa đi, giúp cho cơ thể có được một khoảng thời gian yên tĩnh để tự đào thải ra những chất độc trong quá trình ăn uống.

Đấy mới gọi là thải độc, là cách để cho tế bào có cơ hội hồi phục, nghỉ ngơi một cách hợp lý. Chứ không phải là ép buộc cơ thể bằng những cách đang được nhiều người truyền tai nhau hiện nay. Cơ thể con người phải cân bằng giữa con đường hấp thu và thải trừ nên cái gì quá cũng không tốt cho cơ thể.

Cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính