Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị bệnh nhân 43 tuổi mắc bệnh Ho gà (Pertussis).
Bệnh nhân là Ong Văn T., 43 tuổi, được chuyển đến từ Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương vì ho từng cơn và khó thở có tiếng rít, bệnh nhân được chẩn đoán: theo dõi Hen phế quản.
Qua khai thác bệnh sử cho thấy, trước khi đi viện khoảng 1 tuần, anh Ong Văn T. có biểu hiện: đau họng, không sốt, đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn và được chẩn đoán: Viêm Amidan mủ.
Anh T. dùng thuốc theo đơn nhưng sau đó thấy xuất hiện những cơn ho, khó thở nên gia đình đã đưa anh T. trở lại Bệnh viện Thanh Nhàn và được nhập viện.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân T. xuất hiện nhiều cơn ho, kèm khó thở, trong cơn có tiếng thở rít, sau cơn ho, khó thở, bệnh nhân khạc đờm trắng, dính, mỗi cơn kéo dài 5 - 10 phút, không có triệu chứng báo trước.
Bệnh nhân ho khó thở nhiều cơn trong ngày, nhiều nhất lên đến 8 cơn/1 ngày, có cơn ho, khó thở nặng, tím tái, phải chuyển khoa hồi sức tích cực; khám, và nội soi tai mũi họng, kết quả chẩn đoán là liệt cơ mở thanh quản nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi họng Trung ương (TMH TW).
Sau đó, tại Bệnh viện TMH TW, bệnh nhân được được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán theo dõi hen phế quản vì nội soi tai mũi họng không phát hiện bệnh lý của chuyên khoa Tai mũi họng.
PGS.TS Nguyễn Hải Anh, người trực tiếp thăm khám điều trị cho bệnh nhân cho biết: “Với kinh nghiệm lâm sàng 35 năm khám và điều trị bệnh về hô hấp, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi thấy một bệnh cảnh đặc biệt như bệnh nhân T., ho cơn và khó thở, sau cơn ho khó thở là cơn khạc đờm trắng, trong, dính, không sốt trong suốt quá trình bị bệnh, khám phổi không thấy ran rít, ngáy như trong bệnh hen phế quản, hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”.
Bác sĩ Hải Anh đã cho bệnh nhân làm một số xét nghiệm chuyên sâu, tìm nguyên nhân của cơn ho và khó thở của bệnh nhân như: chụp CT ngực, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm máu, xét nghiệm đờm của bệnh nhân để tìm chẩn đoán xác định nguyên nhân.
Kết quả tại Khoa vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy: Vi khuẩn định danh PCR Ho gà (PCR real time: Bordetelle pertusis dương tính) - dương tính.
Để khẳng định chắc chắn chẩn đoán, mẫu đờm của bệnh nhân được gửi sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và kết quả Vi khuẩn định danh PCR Ho gà cũng trả lời: dương tính.
Sau 7 ngày điều trị tại Trung tâm Hô hấp, bệnh nhân Ong Văn T. đáp ứng tốt, tỉnh táo, giảm triệu chứng ho và khó thở. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện vào ngày 8/3.
Qua trường hợp của bệnh nhân, PGS.TS. Nguyễn Hải Anh khuyến cáo: dù bệnh Ho gà về cơ bản đã được kiểm soát và thường chỉ xảy ra ở trẻ em nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, không nghĩ đến ho gà trên người lớn.
Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân mới giúp cho điều trị hiệu quả. “Người dân, cũng như các thầy thuốc cần ý thức được rằng, người lớn cũng có thể mắc bệnh Ho gà, mặc dù rất ít gặp. Để phòng bệnh, cần phải đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.
Ở Việt Nam theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, năm 1991 – 1995: tỷ lệ mắc ho gà là 7,5 người/100.000 dân, đến năm 1996-2000 tỉ lệ giảm xuống 1.8/100.000.
Đ.HằngBạn đang xem bài viết Người đàn ông 43 tuổi mắc bệnh ho gà, ca bệnh hiếm gặp hơn 35 năm tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].