Kết thúc ca trực của mình, điều dưỡng Nguyễn Thị Thiện, Trung tâm Gây mê hồi sức Ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khoác lên mình chiếc váy nữ tính, thay cho bộ đồ màu xanh của Phòng hồi sức.
Đầu bên kia của thành phố, điều dưỡng Phạm Đức Anh (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội) cũng vừa kết thúc ca trực của mình lúc 8h sáng. Anh vội vã chào hỏi đồng nghiệp và trở về nhà sau một đêm trực dài.
Những tiếng bíp bíp của máy điện tim, những tiếng chân chạy khẩn trương, những bóng áo trắng, áo xanh của không gian làm việc đã trở nên quá quen thuộc với điều dưỡng trẻ như anh Đức Anh và chị Thiện.
Bất chợt, trong vô vàn tiếng bíp ấy bỗng có tiếng kéo dài bất thường và giọng nói của người nhà thất thanh… là những ám ảnh khôn nguôi với họ.
Đặc thù công việc tại Trung tâm Gây mê hồi sức Ngoại khoa của một bệnh viện tuyến cuối, bệnh nhân được lưu lại tại đây phần lớn đều nặng, có nhiều người gần như vô thức, phản xạ chậm chạp, thậm chí có người rơi vào trạng thái mê man, mất tri giác phải đưa vào phòng hồi sức cấp cứu, cách ly người nhà để bác sĩ theo dõi. Vì vậy, với những trường hợp này, điều dưỡng Thiện và đồng nghiệp thay người nhà bệnh nhân chăm sóc họ.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thiện luôn tự nhủ: Phải làm thế nào để bệnh nhân được tốt nhất.
Cứ cách 5 ngày, điều dưỡng Đức Anh trực một lần. Mỗi ca trực của anh thường kéo dài từ 16h30 ngày hôm trước đến 8h sáng hôm sau. Vào những ngày lễ, anh trực từ 7h30 sáng hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Thậm chí, có những khi 48 tiếng đồng hồ, anh không chợp mắt. Đôi khi, nếu khoa có quá nhiều bệnh nhân thì anh ở lại giúp các đồng nghiệp dù đã hết ca trực.
Còn với điều dưỡng Thiện, gần 10 năm làm điều dưỡng tại Trung tâm gây mê hồi sức ngoại khoa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chưa bao giờ chị trải qua Tết nào như Tết Mậu Tuất 2018. Chị trực Ngày 30, Mùng 2, Mùng 4, bệnh nhân nằm kín giường. Những nhân viên y tế như chị chỉ tạm nghỉ khi bàn giao công việc cho tour trực sau.
“Làm việc tại Khoa Cấp cứu, đặc thù là cấp cứu tim mạch nên mọi thứ đều phải khẩn trương, từ khâu tiếp nhận người bệnh đến việc cấp cứu. Nếu như điều dưỡng các khoa khác có thể chủ động công việc thì chúng tôi, những người làm việc tại Khoa Cấp cứu lại bị động. Do vậy, chúng tôi luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống”, điều dưỡng Đức Anh chia sẻ.
Là một nhân viên Khoa cấp cứu và Trung tâm gây mê hồi sức của hai bệnh viện lớn, điều dưỡng Đức Anh và Nguyễn Thiện luôn phải làm việc trong tình trạng khẩn cấp bởi mỗi giây, mỗi phút lãng phí cũng có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhân hoặc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng với điều dưỡng Đức Anh, “Dù có khó khăn như thế nào thì y bác sĩ cũng không khổ bằng bệnh nhân”.
Niềm vui và nỗi buồn đan vào nhau trong mỗi ca trực. Những lúc chứng kiến bệnh nhân của mình ra đi, họ buồn và cùng mang trong mình cảm giác người thân của mình ra đi vậy. Với họ, không có niềm vui, niềm hạnh phúc nào to lớn bằng việc bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch.
“Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa bệnh nhân trở lại với sự sống”, điều dưỡng Đức Anh quyết tâm.
Làm việc trong guồng quay áp lực ở những nơi đòi hỏi sự chính xác và nhanh chóng, điều dưỡng Đức Anh và Nguyễn Thiện luôn cố gắng hết sức có thể, tự tạo niềm vui cho chính mình và đồng nghiệp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa người bệnh.
Bước vào mỗi ca cấp cứu, mỗi ca trực, cả điều dưỡng Đức Anh và điều dưỡng Nguyễn Thiện đều quyết tâm cùng với các y bác sĩ khác cứu chữa người bệnh trong cơn nguy kịch hay trong các ca mổ. Khoảng thời gian hối hả trôi qua trong cả niềm vui và nỗi buồn, khi điềm đạm ngồi xuống, điều dưỡng Đức Anh và Nguyễn Thiện đều suy nghĩ, các thành viên trong gia đình có người làm nghề y đều thiệt thòi.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân của mình nhưng khi bố mẹ, người thân của họ ốm đau, họ không chăm sóc được. Đôi khi, họ thấy bất lực vì công việc bận rộn không cho phép họ rời bỏ vị trí của mình để làm những việc của một người con, người cha, người chị, người anh.
Mỗi khi bước vào ca mổ, từng người trong êkip mà điều dưỡng Thiện tham gia sẽ phụ trách một phần việc riêng và phải cố gắng để phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau.
Điều dưỡng Thiện chia sẻ: “Chúng tôi hiểu từng thao tác, thói quen của mỗi phẫu thuật viên. Sự phối hợp nhịp nhàng này giúp ca mổ diễn ra thuận lợi. Để quen với mỗi phẫu thuật viên, tôi đã tham gia với họ trong nhiều ca mổ với thời gian khoảng vài tháng. Với các ca mổ cấp cứu thì sự phối hợp ăn ý lại càng cần thiết. Nếu không hiểu ý nhau thì sẽ dẫn tới sự thay đổi cục diện của cuộc phẫu thuật, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân”.
Điều dưỡng cũng chính là người gắn bó với người bệnh nhiều nhất, đặc biệt trong những lúc nằm viện. Chính điều đưỡng là những người luôn duy trì tinh thần của Nightingale bên ngọn đèn dầu - thức canh giấc ngủ ngon cho từng người bệnh, và luôn sẵn sàng cho mọi chăm sóc về y tế và động viên tinh thần, cùng người bệnh vượt qua những cơn đau và mệt mỏi trong quá trình điều trị.
Chia sẻ với Gia Đình Mới, ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam cho rằng, người điều dưỡng chuyên nghiệp thực hiện hoạt động chuyên môn không chỉ thuần túy là làm đúng quy trình mà còn phải tạo cảm xúc tích cực để tạo niềm tin cho người bệnh. Điều dưỡng là công việc của trái tim.
Người điều dưỡng phải nhạy cảm với đau đớn về thể chất và tinh thần của người bệnh, giúp đỡ người bệnh giảm nhẹ đau đớn và bớt lo lắng là thước đo về sự tận tụy với người bệnh của người điều dưỡng. Do đó, người điều dưỡng ngoài việc tuân thủ quy trình kỹ thuật chuyên môn phải đặc biệt quan tâm tới cảm xúc của người bệnh để động viện họ an tâm điều trị.
Những công việc chuyên môn thường quy như cho người bệnh uống thuốc, tiêm thuốc, thay băng của điều dưỡng cho người bệnh hằng ngày có thể người bệnh không nhớ nhưng nếu điều dưỡng viên tạo cảm xúc tích cực cho người bệnh, giúp họ giảm nhẹ đau đớn và lo lắng có thể họ sẽ không bao giờ quên.
Làm việc tại Trung tâm Gây mê hồi sức Ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gần một thập niên, điều dưỡng Thiện nhận thấy bản thân thay đổi rõ rệt trong sự ân cần, nhẹ nhàng khi giao tiếp.
Chị bộc bạch, “Công việc của một người điều dưỡng đòi hỏi chúng tôi phải giao tiếp với bệnh nhân và người nhà của họ một cách ân cần và nhẹ nhàng. Thái độ của tôi khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà của họ ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Bởi lẽ, nếu tôi hoà nhã với họ thì họ sẽ hợp tác với sự tin cậy. Ngược lại, nếu tôi vô tình khiến họ có suy nghĩ và cái nhìn tiêu cực về công việc của mình, hiệu quả điều trị sẽ bị giảm".
Ngày Quốc tế Điều dưỡng hằng năm được các nước trên thế giới tổ chức vào ngày 12/5, ngày sinh của bà Florence Nightingale, nhằm tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại cũng như sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội về vai trò của của người điều dưỡng trong chăm sóc con người đặc biệt là chăm sóc người bệnh.