Cậu bé T.T.K. (9 tuổi ở Nghệ An) mua diêm về nhà cạo đầu đỏ lấy thuốc diêm để chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng, pháo tự chế nổ tung khiến bàn tay bé bị thương nặng phải vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu.
Một bệnh nhi khác là P.T.B.(15 tuổi, ở Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng nhập Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An do pháo nổ. Được biết, bệnh nhi bị thương do tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng bằng cách giã nát đầu que diêm, lấy chất bột diêm đỏ trộn với phốt pho cạo ra từ vỏ bao, quấn giấy lại làm thành pháo nổ.
Cách đây không lâu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận bệnh nhi (15 tuổi, ở tại Nam Định) nhập viện với tình trạng tay biến dạng. Theo như gia đình kể lại, bệnh nhi tự mua pháo về chế, không may pháo phát nổ khiến bàn tay dập nát, phải cắt cụt nhiều ngón để bảo toàn mạng sống.
Trước đó, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cũng đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân bị bỏng nặng do tự chế pháo nổ ở nhà.
Các bệnh nhân này cùng học theo hướng dẫn trên mạng, trộn bột lưu huỳnh và KClO3 sau đó cho vào máy xay sinh tố để nghiền và trộn.
Thuốc nổ bùng lên gây bỏng và phải nhập viện điều trị với tổn thương do bỏng thuốc pháo ở mặt, cổ, hai tay. Tổn thương ở các vùng này có thể gây phù nề tiến triển nhanh, cản trở hô hấp gây suy hô hấp.
Bỏng vùng mặt cổ khi khỏi có thể để lại di chứng về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau bỏng. Bỏng ở hai tay và bàn tay có thể để lại di chứng sẹo co kéo ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và lao động sản xuất.
Dịp giáp Tết, người dân đều được cảnh báo về mối nguy hiểm của pháo, nhưng vẫn thường xảy ra nhiều vụ tai nạn do nổ pháo. Việc tự chế tạo thuốc pháo theo hướng dẫn trên các trang mạng đã có từ nhiều năm nay, có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra cho các học sinh và sinh viên, nhiều trường hợp để lại các di chứng bỏng rất nặng nề, không ít trường hợp chơi pháo đã bị hỏng mắt hoặc mất bàn tay, ngón tay,…
Các bác sĩ cảnh báo trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh, người đốt thường phải tiếp xúc rất gần nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực…
Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Vì thế, gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.
L.MinhBạn đang xem bài viết Bé trai bị bỏng nặng, nát tay do tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].