Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp hàng đầu trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới.
Trong các bệnh ung thư phổi có đến 85% những người ung thư phổi thuộc loại ung thư không tế bào nhỏ. Với loại ung thư này, nếu phát hiện sớm, phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị có thể chữa khỏi.
TS Đinh Văn Lượng – Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng Ngực, Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó giám đốc Trung tâm Ung thư phổi quốc gia đã chia sẻ với Gia Đình Mới về cách có thể chữa khỏi ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Với tư cách là PGĐ Trung tâm Ung thư Phổi Quốc gia, ông nhận định như thế nào về tình hình ung thư phổi hiện nay?
- Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp tử vong liên quan đến ung thư trên thế giới.
Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 26.000 – 27.000 người phát hiện mắc mới ung thư phổi. Trong đó, có 85% bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Theo các nghiên cứu, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (giai đoạn I, II) và 70% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV).
Các triệu chứng lâm sàng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bệnh nhân bỏ qua. Phần lớn bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên khi đã có di căn xa. Vì thế, thời gian sống thêm sau chẩn đoán xác định thường ngắn.
Vì vậy, việc chẩn đoán sớm sẽ kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì bệnh nhân có thể sống trên 5 năm.
Vậy thì, xu hướng điều trị ung thư phổi hiện nay như thế nào, thưa ông?
- So với các loại ung thư thì ung thư phổi là loại ung thư khó và điều trị phức tạp. Xu hướng chung điều trị ung thư phổi là điều trị đa mô thức. Việc lựa chọn và kết hợp các phương pháp điều trị phụ thuộc vào tuýp mô bệnh học và giai đoạn bệnh.
Những trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm, phẫu thuật là biện pháp lựa chọn hàng đầu cho kết quả điều trị tốt với tỷ lệ sống thêm sau 5 năm đạt 50 – 70%.
Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi điều trị ung thư phổi nguyên phát không tế bào nhỏ có tỷ lệ sống trên 5 năm chiếm 80%.
Trung tâm Ung thư phổi Quốc gia ra mắt ngày 26/5/2015.
Trung tâm có nhiệm vụ: cung cấp một gói dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán và điều trị ung thư phổi tiêu chuẩn, tiên tiến, tiện lợi và dễ tiếp cận cho người bệnh tại Bệnh viện Phổi Trung ương;
Xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp giữa Bệnh viện Phổi Trung ương, các bệnh viện chuyên khoa ung thư và các bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi các tuyến để cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị ung thư phổi tiêu chuẩn cho nhân dân;
Xây dựng hướng dẫn, đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi phát triển dịch vụ chẩn đoán và điều trị ung thư phổi;
Tạo điều kiện cho hợp tác nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi tại Việt Nam;
Vận động chính sách, truyền thông và huy động xã hội cho công cuộc phòng chống ung thư phổi ở Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ thêm về phương pháp phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt thùy phổi?
- Tất cả các bệnh nhân ung thư phổi có thể cắt bỏ trong phẫu thuật mở ngực kinh điển đều có thể cắt bỏ qua phẫu thuật nội soi lồng ngực.
Tại bệnh viện Phổi Trung ương, phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt thùy phổi do ung thư phổi được thực hiện từ tháng 6/2015, với số bệnh nhân được phẫu thuật trung bình là 70- 80 trường hợp mỗi năm.
Đa số bệnh nhân này đều được phát hiện sớm, khi chưa có triệu chứng. Chính vì vậy, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi đúng tiêu chuẩn đạt hiệu quả cao, tỷ lệ khỏi của bệnh nhân trong nhóm này rất cao.
Phương pháp này có ưu điểm như thế nào so với các phương pháp khác, thưa ông?
- Có các ưu điểm của phẫu thuật cắt thùy phổi qua nội soi lồng ngực đã được khẳng định: xâm lấn tối thiểu, vết mổ nhỏ (phẫu thuật mở ngực kinh điển với vết mổ dài hơn 20 cm còn phẫu thuật cắt thùy phổi qua nội soi lồng ngực chỉ với 2 vết mổ nhỏ khoảng 1 cm và một vết mổ khoảng 4-5 cm), tính thẩm mỹ cao; không banh kéo xương sườn nên ít đau sau mổ; rút ngắn thời gian nằm viện nên giảm bớt chi phí điều trị cho bệnh nhân; giảm đáng kể nguy cơ suy hô hấp cũng như nhiễm trùng vết mổ.
Ngoài ra, phẫu thuật được thực hiện dưới quan sát phóng đại của camera nên phẫu thuật viên có thể nhìn thấy rõ các cấu trúc, cắt được toàn bộ thùy phổi chứa khối ung thư và lấy bỏ toàn bộ các hạch nằm lân cận bị ung thư di căn đến.
Kết quả lâu dài và tỷ lệ thành công của phương pháp này tương đương hoặc cao hơn so với phẫu thuật mở ngực trước đây.
Phẫu thuật nội soi cắt u phổi là phương pháp điều trị mới, an toàn, hiệu quả, nhiều ưu điểm cho những ai không may mắc phải bệnh lý này.
Vậy thì, phương pháp này áp dụng với những trường hợp bệnh nhân ung thư như thế nào?
- 4 trường hợp có thể áp dụng phẫu thuật cắt thùy phổi qua nội soi lồng ngực. Đó là: Ung thư phổi giai đoạn sớm với kích thước khối u nhỏ hơn 5 cm, nằm cách xa các cấu trúc mạch máu lớn vùng rốn phổi; ung thư chưa xâm lấn các cơ quan lân cận hoặc chưa di căn đến các cơ quan xa như: gan, xương, não…; bệnh nhân chưa được phẫu thuật về lồng ngực để điều trị các bệnh lý khác trước đây; bệnh nhân không xạ trị vùng ngực để điều trị bệnh lý khác trước đó.
Vậy phương pháp này có được áp dụng với ung thư phổi tế bào nhỏ không, thưa ông?
- Phẫu thuật thường không được sử dụng để điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ, trừ khi bệnh ở giai đoạn rất sớm. Điều này là do ung thư phổi tế bào nhỏ thường lây lan nhanh và có thể đã lan rộng ra khỏi phổi tại thời điểm chẩn đoán. Do đó, phẫu thuật không thể loại bỏ được hết ung thư.
Thưa ông, những yếu tố nào của người bệnh ảnh hưởng tới hiệu quả của cuộc phẫu thuật?
- Sức khỏe của người bệnh cũng có ảnh hưởng quan trọng. Nếu người bệnh có các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim nặng, bệnh phổi, có thể họ sẽ không đủ sức khỏe để trải qua cuộc phẫu thuật lớn.
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng và làm một số xét nghiệm để xem người bệnh có đủ khả năng để phẫu thuật hay không. Nếu người bệnh không thể phẫu thuật, các phương pháp điều trị khác như hóa trị, xạ trị có thể thay thế.
Với kỹ thuật tiên tiến như vậy, Bệnh viện Phổi Trưng ương đã làm thế nào để bắt kịp được?
- Mỗi năm, chúng tôi thường xuyên có 2-3 đợt giao lưu, học tập kỹ thuật mổ với các nước trên thế giới, đặc biệt các nước ở Châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore… Có thể nói, kỹ thuật mổ nội soi của chúng tôi ngang với các nước trong khu vực.
Bệnh viện Phổi Trung ương hiện có 4 giàn mổ nội soi, trong đó có 1 giàn mổ 3D được trang bị máy móc hiện đại với đội ngũ cán bộ y, bác sĩ với trình độ chuyên môn cao.
Trung bình mỗi tuần, có 30 – 40 ca mổ nội soi với các bệnh lý phức tạp. Tất cả hệ thống nội soi đều được sử dụng một cách triệt để, phát huy tối đa hiệu quả.
Điều đáng mừng, bệnh nhân tại Việt Nam không còn phải đi ra nước ngoài để thực hiện kỹ thuật phẫu thuật cắt thùy phổi qua nội soi lồng ngực vì tại Bệnh viện Phổi Trung ương, kỹ thuật này đã được ứng dụng với tỷ lệ thành công cao.
Như ông chia sẻ, các triệu chứng lâm sàng của ung thư phổi thường không rõ ràng. Vậy ông có lời khuyên nào để kịp thời phát hiện căn bệnh này?
- Nhắc đến ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng, nhiều người lo lắng, thậm chí hoang mang về sự sống của mình. Nhưng với đa dạng phương pháp như hiện nay, chúng ta không nên nghĩ ung thư phổi là bệnh không chữa được mà nên lạc quan.
Tôi biết, không ít người khi được chẩn đoán bị ung thư phổi thì ngay lập tức bỏ cuộc, không chấp nhận bất cứ điều trị nào. Tôi nghĩ là không nên như vậy!
Ung thư phổi là bệnh hoàn toàn có thể chữa được, thậm chí đạt hiệu quả cao nếu như được phát hiện sớm. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì chúng ta vẫn có thể dùng nhiều phương pháp khác kết hợp.
Bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sớm hoàn toàn có thể khỏi bệnh, thưa ông?
- Điều đáng nói là đa phần các ca bệnh ung thư phổi diễn biến âm thầm, lặng lẽ, ít hay không có triệu chứng; giai đoạn sớm thường được phát hiện tình cờ qua chụp X - quang phổi khi khám sức khỏe định kỳ.
Hầu hết bệnh nhân ung thư phổi đi khám khi cơ thể đã xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài, ho ra máu, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, sút cân nhanh, khó thở kéo dài, xuất hiện hạch ở cổ, nách...
Khi đó, hầu hết các trường hợp bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn dẫn đến tiên lượng bệnh thấp, thời gian sống của bệnh nhân sau khi phát hiện bệnh rất ngắn.
Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, đặc biệt là bệnh ung thư. Bởi, khi phát hiện sớm, khối u còn nhỏ, ít xâm lấn vùng lân cận cũng như di căn xa việc điều trị sẽ triệt để hơn, giảm chi phí, giúp kéo dài thời gian sống sau mổ.
Mỗi năm, chúng ta nên chụp X-quang phổi 1-2 lần, đặc biệt nhóm người hút thuốc lá hoặc thường xuyên hút thuốc thụ động. Chụp X-quang có giá trị lớn trong chẩn đoán ung thư phổi.
Như vậy, việc khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện ung thư là vô cùng cần thiết…
- Ngay cả khi bản thân cảm thấy khỏe mạnh, chưa có các triệu chứng bệnh thì nhiều bệnh đã có thể đang âm thầm phát triển mà chúng ta không hề hay biết.
Chỉ đến khi phải nhập viện cấp cứu thì bệnh đã diễn biến nặng, thậm chí đã ở giai đoạn cuối và có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Hơn nữa, việc điều trị bệnh muộn cũng là nguyên nhân kéo dài ngày nằm viện, làm tăng chi phí điều trị. Với bệnh ung thư, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả, thậm chí khỏi bệnh.
Vậy thì, nên khám sức khỏe tổng quát có tầm soát được bệnh ung thư hay không, hay chỉ cần khám chuyên khoa ung bướu, thưa ông?
- Bản chất của việc khám sức khỏe tổng quát nhằm phòng ngừa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe. Việc khám sức khỏe tổng quát không chỉ giúp chẩn đoán các yếu tố nguy cơ gây ung thư mà còn chẩn đoán các bệnh lý nguy hiểm khác.
Khám sức khỏe tổng quát là việc làm nhằm kiểm tra bao quát tình trạng sức khỏe, xác định yếu tố nguy cơ về bệnh lý nguy hiểm của người khám chứ không nhằm tầm soát ung thư. Những kết quả kiểm tra sức khỏe tổng quát không thể phản ánh kết quả tầm soát ung thư.
Với những trường hợp không ghi nhận được những bất thường ở cơ thể, bác sĩ sẽ dựa vào các kết quả xét nghiệm trong gói khám tổng quát để đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của người khám.
Khi những ghi nhận bất thường trong cơ thể chưa đủ để chẩn đoán hoặc hỗ trợ điều trị, có thể bác sĩ sẽ chỉ định thêm các phương pháp cận lâm sàng khác như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu… siêu âm, chụp xạ hình, chụp X-quang để xác định chẩn đoán.
Bao lâu thì cần tầm soát ung thư phổi 1 lần, thưa ông?
- Việc tầm soát ung thư phổi lần sau phụ thuộc vào kết quả lần trước. Nếu lần trước không phát hiện ra nốt nào trong phổi thì một năm sau bạn tầm soát lại. Nhưng nếu phát hiện ra nốt lạ trong phổi thì cần tầm soát lại sau 3-6 tháng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!