20795117_822376487931974_1782225269_o (1)

 

K2 là cái tên gọi tắt của Bệnh viện ung bướu Trung Ương cơ sở 2. Nó không chỉ là cái tên mà đã trở thành nỗi ám ảnh của những người trót mang căn bệnh ung thư trong người.

Gói bánh, suất cơm và lòng nhân ái

Kế hoạch đã định sẵn, cứ sáng thứ 7 hàng tuần, cô Hoàng Thị Oanh (Trú tại Hoàng Mai - Hà Nội) lại mang theo thùng bánh ngọt vào bệnh viện K2 phát cho các bệnh nhân ở đây.

Mỗi lần đi như vậy, cô phát được khoảng hơn 100 cái bánh ngọt và 30 gói mỳ tôm cho các bệnh nhân.

Cô tập trung chủ yếu vào các bệnh nhân khoa xạ và điều trị hóa chất. Đây là những bệnh nhân cần phải điều trị đặc biệt và cuộc sống của họ hầu như còn rất ngắn ngủi.

Với những suất quà ít ỏi này cô muốn động viên người bệnh và gia đình trong cuộc đấu tranh chống lại bệnh tật. Để mọi người ở đây biết rằng đang có rất nhiều người trong xã hội quan tâm và đồng hành với họ chống lại bệnh tật.

20883478_824315981071358_

Cô Oanh trò chuyện cùng những người chung cảnh ngộ 

Cô Oanh cũng đang mang trong mình căn bệnh hiểm ác. Thấu hiểu được những gì mà mọi người đang phải chịu đựng, cô mở lòng sẻ chia những gì mình có với những người có cùng cảnh ngộ.

Có cùng tâm nguyện như cô Oanh, các đội thiện nguyện, nhà hảo tâm khác cũng muốn đóng góp những phần nhỏ bé của mình mong hỗ trợ phần nào cho những người đang điều trị tại đây bằng các suất cơm, nồi chè…

Khoảng 10h30 sáng mỗi ngày, những chiếc xe ba gác lại chở những suất cơm miễn phí đến phát cho người bệnh.

Như thói quen, mỗi khi thấy xe chở cơm đến là mọi người lại xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt để nhận những hộp cơm còn đang nóng hổi.

Mẹ lại chăm con như xưa 

Tại một góc của buồng bệnh chật chội, bà Trần Thị Nhu (sinh năm 1945 quê ở Yên Bái) đang cẩn thận bón từng thìa cháo cho đứa con gái của mình là chị Đoàn Thị Huế (sinh năm 1983). Chị Huế được chẩn đoán bị ung thư màng ổ bụng, đang chờ để được điều tri bằng hóa chất.

Bà sinh ra được hai người con gái thì chồng mất. Ba mẹ con nương tựa vào nhau kiếm sống. Rồi lần lượt hai đứa con gái cũng lớn lên rồi đi lấy chồng để lại mình bà.

Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bà vẫn phaỉ tự lao động để lo cho bản thân. Cả 2 người con gái đều lấy chồng xa rất khó khăn nên không thể chu cấp, chăm sóc được cho bà.

tran-thi-hue

Bà Nhu chăm con ở bệnh viện 

Nhận được tin con gái đầu là chị Đoàn Thị Huế bị ung thư ổ bụng trong hoàn cảnh khó khăn, 2 con nhỏ không có chỗ gửi gắm nên bà đành phải đóng cửa khăn gói xuống để chăm sóc cho con.

Sống đến tuổi gần đất xa trời, bà chưa bao giờ nghĩ rằng vẫn phải tự tay bón cho con mình từ thìa cháo ở nơi này.

Đôi mắt ngấn đục, khuôn mặt khắc khổ và đôi bàn tay run rẩy vì tuổi già nhưng bà vẫn cố gắng chạy qua chạy lại để lo cho con gái mình.

Hàng ngày, hết lau người rồi bà lại đi xin cơm từ thiện để mẹ con no lòng qua bữa. Tối đến, bà lại rải chiếc giường gấp ra hành lang bệnh viện để tìm cho mình một giấc ngủ vội vàng.

Trường kỳ 

Cầm hộp cơm đang ăn dở trên tay, cô Nguyễn Thị Năm (Văn Giang - Hưng Yên) chia sẻ rằng, chồng cô được chẩn đoán bị ung thư phổi đã vào đây điều trị được hơn 6 tháng. Không tiện đi đi về về, hai vợ chồng quyết định điều trị nội trú.

Bệnh viện K2 luôn trong tình trạng quá tải. Có lúc ba bệnh nhân phải nằm chung một giường. Vì số lượng bệnh nhân quá đông nên người nhà  không thể nằm lại trong buồng bệnh được.

Những người có điều kiện hơn thì ra ngoài thuê nhà trọ rồi đến giờ lại vào thăm khám. Còn những người như cô Năm thì đành phải chiụ cảnh nằm chen nhau hoặc ra sân nằm với chiếc dường xếp có sẵn.

Được thành lập năm 2000, với mục đích giảm tải cho cơ sở 1 tại Quán Sứ. Bệnh viện K2 (Tam Hiệp - Thanh Trì) bao gồm các khoa: khoa Ung bướu trẻ em, khoa Ngoại, Dược - Xét nghiệm, Nội, Xạ...

K2 tiếp nhận chủ yêu các bệnh nhân có chẩn đoán bị ung thư về điều trị. Bệnh nhân vào đây thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau, từ nhiều nơi tìm về.  

Sân khoa Xạ có mái tôn che kín, nắng mưa không đến đầu. Với nhiều người nhà bệnh nhân đây là chỗ lý tưởng để nghỉ ngơi trong lúc chờ đợi.

Còn đối với những người như cô Năm thì đây đã trở thành nơi tá túc chính trong cả quá trình điều trị bệnh. Hình ảnh người nhà bệnh nhân nằm la liệt ở đây mỗi lúc đêm xuống đã trở nên quen thuộc mỗi khi đến đây. Xung quanh liểng xiểng nào chăn, chiếu, chậu, bát… 

20821182_822376467931976_

Chỉ cần manh chiếu, bà Năm đã có thể ở bất kỳ góc nào của bệnh viện để chiến đấu  

Việc ăn uống của hai vợ chồng ở đây cũng hoàn toàn nhờ vào các nhà từ thiện. Cứ đều đặn ba bữa trong một  ngày, cô lại đi xếp hàng xin cơm của các nhà từ thiện hảo tâm về để hai vợ chồng cùng ăn. Mọi thứ đã diễn ra đều đặn như vậy hơn nửa năm nay.

‘Chẳng ai muốn ở vất vưởng và đi xin cơm mãi thế này cả, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà việc điêù trị thì còn dài nên đành phải chấp nhận’, cô Năm tâm sự.

‘Nhiều lúc cũng thấy khổ quá, nhất là có những hôm bảo vệ và lãnh đạo bệnh viện xuống dẹp không cho mọi người nằm ngoài sân. Phải chờ khi bảo vệ đi khuất lại quay vào nằm tiếp. Những lúc đó khổ lắm, nhưng nghĩ chồng mình còn đang phải điều trị ở đây lâu dài nên phải cố gắng. Mình mà không chịu được thì làm sao giúp chồng chiến đấu với bệnh được.’

Giấc mơ tuổi 15

Mới rời phòng mổ hơn 30 phút, nét mặt còn nguyên sự đau đớn và sợ hãi, em Hoàng Thanh Lan (sinh năm 2002 ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) phải chống chọi với cơn đau của hai căn bệnh quái ác.

Chưa kịp vui mừng với kết quả thi đỗ đầu vào trường Trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám thì em phát hiện mình có một khối u ở vú.

Sinh ra mồ côi bố, lại mang trong mình căn bệnh suy tủy bẩm sinh, ngay từ bé, gần như mọi điều may mắn đều quay lưng lại với Lan.

Vì hoàn cảnh thiếu thốn, mẹ em đành phải gửi em cho một người bạn để lên cửa khâủ Móng Cái mưu sinh.

Thanh-lan

Ánh mắt Lan vẫn còn lộ nguyên vẻ đau đớn sau ca phẫu thuật 

Được một thời gian thì người đó phát hiện mình bị ung thư gan và không thể tiếp tục chăm nuôi cho em được. Em lại được đưa về cho người bác ở quê chăm sóc cho tận bây giờ.

Dù bị bệnh nhưng mẹ của Lan đi làm từ đầu năm đến cuối năm mới về. Cả một năm dài có khi em không được gặp mẹ. Trừ những lúc bệnh tái phát, em phải đi chuyền máu thì mẹ em mới về để chăm sóc được.

‘Biết bỏ con mà đi biền biệt vậy là không phải, nhưng giờ không đi thì lấy đâu ra tiền mà lo cho con. Lúc nó khỏe thì không sao, những lúc nó phát bệnh lại phải lên viện Huyết học để chuyền máu. Mỗi lần như thế cũng tốn kém lắm, ở nhà thì không làm gì ra tiền được’, mẹ Lan tâm sự.

Những điều kém may mắn với em vẫn chưa chịu dừng lại ở đó khi em phát hiện ra mình có một khố u ở vú cách đây không lâu.

Tuy được chẩn đoán là u lành tính, nhưng việc phải vào phòng giải phẫu với tiếng dao kéo lạch cạch cũng đủ khiến cho đứa bé 15 tuổi lo sợ và ám ảnh.

Em ngồi dựa vào tường thều thào với mẹ: ‘Lúc nãy vào trong phòng mổ con sợ lắm, họ tiêm vào thì con không biết gì nữa. Giờ con vẫn thấy sợ và đau lắm, mẹ ở nhà với con lâu lâu rồi lại đi. Sau này con học xong con làm hướng dẫn viên du lịch rồi con sẽ đưa mẹ đi chơi nhiều nơi mẹ nha’.

Bước qua cánh cổng K2 là một thế giới khác. Chỉ những người ở bên trong mới hiểu thế nào là sự nghiệt ngã của bệnh tật.

Chỉ có những người ấy mới thực sự thấu hiểu thế nào là giấc mơ sống một cuộc đời bình thường. 

Đình Cương

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính