Đó là nhận định của Giáo sư Daniel Kammen, Đại học California, Berkeley, nguyên Đặc phái viên khoa học của Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama về biến đổi khí hậu, trước thềm Lễ trao giải VinFuture lần thứ 3. Vị Giáo sư hàng đầu về phát triển bền vững sẽ có bài thuyết trình quan trọng tại Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” do Quỹ VinFuture tổ chức ngày 19/12/2023.
Phi carbon hóa cần trở thành cốt lõi của nền kinh tế
- Phát triển bền vững tiếp tục là một trong những chủ đề được quan tâm nhất năm nay, đặc biệt là tại COP28. Giáo sư có thể chia sẻ về những vật liệu và công nghệ mới tiềm năng nhất hiện nay cho năng lượng bền vững và giao thông xanh?
Một trong những công nghệ thú vị nhất mà tôi đang nghiên cứu là pin lithium phosphate. Đây là loại pin không sử dụng Cobalt, giúp giảm thiểu tác động cho cả môi trường và người lao động.
Một chủ đề khác cũng đang thu hút giới khoa học là các tấm màng năng lượng mặt trời mỏng và trong suốt. Các tòa nhà văn phòng cao tầng có thể được che phủ bởi những tấm màng này nhằm sản xuất năng lượng từ mặt trời mà không tốn thêm diện tích. Công nghệ đã được nghiên cứu khoảng một thập kỷ, và bây giờ chúng ta bắt đầu thấy những công ty đầu tiên đang áp dụng vào thực tế.
Tuy nhiên, tôi nghĩ thách thức cho vấn đề không phải ở khía cạnh khoa học công nghệ. Chúng ta đã và đang tạo ra những công nghệ mới để khử carbon, nhưng chúng ta chưa triển khai các công nghệ này đủ nhanh. Đồng thời, sự chia sẻ và chuyển giao những công nghệ với các nền kinh tế mới nổi diễn ra chưa đủ quyết liệt.
Điều tối thiểu là cần phải thực hiện được, sau đó duy trì và mở rộng, cam kết tài chính 100 tỷ đô la Mỹ hàng năm cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là một trong những cam kết chính được đưa ra tại Hội nghị Khí hậu Paris vào năm 2015.
- Giáo sư đánh giá thế nào về quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông trên toàn cầu?
Chúng ta đang được chứng kiến những đổi mới công nghệ diễn ra rất nhanh chóng. Các phát minh hiện nay đang giúp nỗ lực giảm phát thải đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông. Nhưng chúng ta vẫn chưa thể vội mừng, vì vẫn còn nhiều quốc gia chưa khẩn trương triển khai các kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: cắt giảm tối thiểu 90% khí thải nhà kính cho đến năm 2050.
Tất cả các quốc gia đã và đang phát triển cần tăng cường việc sử dụng phương tiện công cộng một cách hiệu quả hơn. Các quốc gia cũng cần đẩy nhanh xu hướng điện hóa để xe điện trở thành “một bình thường mới”, và pin cùng tấm năng lượng mặt trời cần đạt mức tái chế cao hơn.
- Theo Giáo sư, đâu là những thách thức quan trọng về mặt kỹ thuật khi triển khai các công nghệ bền vững mới cũng như điện hóa giao thông, đặc biệt ở các khu vực đang phát triển như Đông Nam Á?
Tôi nghĩ vấn đề không hẳn ở khía cạnh công nghệ. Biến đổi khí hậu và các hiện tượng khí hậu cực đoan hiện nay không còn liên quan đến công nghệ nữa. Vấn đề là chúng ta chưa thúc đẩy đủ nhanh nỗ lực phi carbon hóa hệ thống năng lượng. Và nguyên nhân nằm ở các yếu tố chính sách và xã hội nhiều hơn.
Theo quan sát của tôi, các công nghệ về năng lượng mặt trời, điện gió, địa nhiệt... đang phát triển rất nhanh, nhưng tốc độ này chưa đi đôi ở phương diện triển khai và áp dụng vào thực tế. Đó mới là thách thức, và vấn đề là cần đưa nỗ lực phi carbon hóa trở thành cốt lõi của nền kinh tế hiện nay, chứ không chỉ là công nghệ đang tiến triển tới đâu.
Giải thưởng tôn vinh những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo
- Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực và tiến bộ trong chuyển đổi sang năng lượng bền vững và giao thông xanh ở khu vực Đông Nam Á?
Chắc chắn, Châu Á đang có những bước tiến ấn tượng khi hầu hết các quốc gia đang tăng cường phát triển các ngành công nghiệp năng lượng sạch. Việc các Tập đoàn như Vingroup đầu tư quyết liệt vào các phương tiện chạy điện đã gây tiếng vang lớn. Một tín hiệu tích cực khác là nỗ lực tăng cường xe máy điện ở Indonesia.
Nhưng đồng thời chúng ta vẫn thấy sự mở rộng của những ngành gây ô nhiễm. Việc thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng sạch vẫn chưa đáng kể. Ở khía cạnh này, không chỉ Đông Nam Á, mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Nhìn chung, để loại bỏ những nguồn năng lượng là tác nhân ô nhiễm đòi hỏi những chính sách mạnh mẽ.
- Vậy, Giáo sư trông đợi điều gì khi đến Việt Nam tham dự và trình bày tại Tọa đàm do Quỹ VinFuture tổ chức sắp tới đây?
Hiển nhiên, những sự kiện quan trọng như vậy, và rộng hơn là Giải thưởng VinFuture, cho thấy tất cả chúng ta đều đề cao đổi mới sáng tạo và những người đi đầu trong nỗ lực này. Nhưng điều tôi đặc biệt hy vọng là chúng ta sẽ cùng nhìn nhận rằng các phát minh, sáng kiến công nghệ giúp thay đổi thế giới không chỉ khởi nguồn từ những nước giàu mà hoàn toàn có thể đến từ các quốc gia đang phát triển.
Không những thế, khi được khai sinh từ những khu vực đang phải đối mặt với các thách thức gay gắt nhất, các phát minh này có thể chú trọng nhiều hơn vào việc phát triển nguồn năng lượng sạch và những giải pháp xanh.
Với tầm ảnh hưởng toàn cầu, VinFuture không chỉ thu hút sự chú ý của thế giới dành cho các vấn đề cấp bách đó mà còn tập hợp được trí tuệ của nhân loại để tìm kiếm lời giải cho các bài toán chung. Qua đó, Giải thưởng sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
GS. Daniel Kammen, Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, là Giáo sư James & Katherine Lau về Phát triển bền vững tại Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ). Vào tháng 4 năm 2010, ông được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton bổ nhiệm làm chuyên gia năng lượng đầu tiên của sáng kiến Đối tác Môi trường và Khí hậu cho Châu Mỹ (ECPA). GS. Kammen cũng đã được tin tưởng giao đảm nhiệm vị trí Đặc phái viên Khoa học cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.
Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh”
· Thời gian: 9h00 - 10h15 - Ngày: 19/12/2023
· Địa điểm: Trung tâm Hội nghị quốc tế Almaz, Khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội
· Đăng ký tham dự TẠI ĐÂY
Chủ tọa: GS. Soumitra Dutta, Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford (Vương quốc Anh)
Diễn giả:
· Ông Akihisa Kakimoto, Thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, nguyên Giám đốc Công nghệ tại Tập đoàn hóa chất Mitsubishi (Nhật Bản
· GS. Daniel Kammen, Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture và Giáo sư James & Katherine Lau về Phát triển bền vững tại Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ)
· GS. Kostya S. Novoselov, Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture và Giáo sư Thế Kỷ Tan Chin Tuan tại Đại học Quốc gia Singapore, Chủ nhân Giải Nobel Vật lý năm 2010
· GS. Nguyễn Thục Quyên, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) và Giáo sư Khoa Hóa học & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ.