Năm 18 tuổi, nghe bạn bè rỉ tai hỏi nhau chuyện kinh nguyệt, Mai ngơ ngác không biết đấy là gì. Cô giật mình không hiểu sao mình không giống các bạn? Lúc đó, cô chỉ mơ hồ cảm nhận được những bất thường của mình nhưng không quá để tâm vào điều đó.
“Cháu bị dị tật bẩm sinh không có âm đạo nên máu kinh nguyệt không chảy ra”, Mai chết đứng trước lời bác sĩ kết luận. Cô run rẩy, tai ù đi trong sự tư vấn của bác sĩ.
Trên quãng đường từ bệnh viện về nhà, Mai chẳng nhớ gì ngoài sự cảm thông từ bác sĩ: cháu có thể phẫu thuật tạo âm đạo và sẽ tìm được một người thương yêu mình thật lòng. Cô bám víu vào sự lạc quan ấy mà tiến bước về phía trước dù thấy tương lai của mình chỉ một màu mịt mờ.
Hơn 100 triệu cho ca phẫu thuật tạo hình âm đạo là con số quá lớn đối với Mai và gia đình vào thời điểm năm 2009. Bố mẹ cô định bụng bán miếng vườn, đàn lợn để vun vén cho cô tìm được con đường mới nhưng cô không dám đánh đổi. Bởi cô sợ, biết đâu ca phẫu thuật không thành công thì sẽ mất cả chì lẫn chài.
Mai buông thõng, “Kệ! Dù sao mình cũng đã sống được hơn 20 năm như vậy rồi thì vẫn sống tiếp như thế đi!”
Và quyết tâm cao độ: “Chỉ cần ông trời cho tôi sức khoẻ thôi, tôi có thể làm việc, tự kiếm tiền để chữa bệnh cho mình!”
Cuộc phẫu thuật tái tạo âm đạo của Mai bị khất lần.
Biết cơ thể mình khiếm khuyết, Mai chủ động tránh xa những người đàn ông có ý yêu thương mình. Nhưng khi cảm xúc đến, Mai không thể kìm nén được, cô đã nhận lời yêu người đàn ông sau một thời gian quen biết. Đó là năm cô 22 tuổi.
Sau 2 năm yêu, Mai nói chuyện và bày tỏ mong muốn kết hôn với bạn trai. Mẹ cô nhìn con gái 24 tuổi đau lòng:
- Bố mẹ sinh ra con nhưng con lại không được như người ta, bị khiếm khuyết thì phải chịu. Nếu có một người chấp nhận và yêu thương con thật lòng thì con hãy đồng ý kết hôn. Còn không thì con cứ ở với bố mẹ…
- Bố mẹ để con suy nghĩ…
“Chỉ cần bố mẹ anh không biết em mắc chứng không có âm đạo thì sẽ không sao cả”, bạn trai đã thuyết phục Mai can đảm tiến tới cuộc hôn nhân. Cô gật đầu đồng ý với suy nghĩ đơn thuần: Hai người đến với nhau vì tình yêu và có sự thông cảm, sẻ chia trong cuộc sống thì sẽ vượt qua được tất cả.
Nhiều lúc nhìn bạn bè đồng trang lứa có mái ấm gia đình hạnh phúc bên những đứa con, Mai chạnh lòng nghĩ về cuộc đời mình với một lần đò dở dang. Mỗi khi đi chơi, bạn bè bảo “Lấy chồng lâu rồi sao chưa có con”…, cô ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong.
Hai vợ chồng Mai sống với nhau hơn 1 năm, gia đình chồng không thấy cô con dâu chửa đẻ gì, đã bắt hai vợ chồng cô đi khám. Đến lúc này, hai vợ chồng cô không thể giấu gia đình chồng được nữa.
Sau lời thú nhận đó, gia đình chồng Mai đối xử với cô bằng cái nhìn coi thường, bằng lời nói cay nghiệt như dao sắc đâm vào tim cô. Hơn 10 ngày, cô sút hơn chục cân.
Cuộc sống của Mai đang bằng phẳng bỗng rơi xuống vực thẳm.
Vợ chồng xích mích, gia đình chồng đay nghiến, Mai bắt xe ôm ra cầu Chương Dương với ý định gieo mình xuống dòng nước để không phải sống trong cảnh tủi nhục nữa, không phải chịu lời gièm pha: “Người không có âm đạo, không có kinh nguyệt thì chẳng phải là phụ nữ”.
Đứng trên thành cầu, người đàn bà 25 tuổi nghĩ về thân phận mình với biết bao biến cố ập đến, khiến cuộc hôn nhân rẽ lối. Rồi hình ảnh bố mẹ đẻ vụt qua đầu, cô ngưng lại giây lát. Đó như một điểm tựa cuộc đời, cô quay đầu lại.
Trên đường đi từ cầu Chương Dương về phòng trọ cách đó vài cây số, Mai bước từng bước: “Không gì bằng tự mình vượt lên chính mình. Cố gắng! Cố gắng! Cố gắng!”.
Mẹ của Mai nhớ mãi cái ngày ông bà đón con gái từ nhà chồng về. Nửa đêm, bà thông gia gọi điện nặng lời:
- Thế ông bà không đón nó về à?
- Bà cứ yên tâm! Tôi khắc bảo cháu nó về. Con bà sẽ đi lấy vợ được…
Vậy là, 3 giờ sáng, bố Mai đi xe máy đón con về nhà – nơi chị đã sinh ra và lớn lên.
Ngồi sau xe người bố của mình, Mai ngoảnh đầu lại, bẽ bàng nhìn ngôi nhà cô đã tưởng rằng đây là tổ ấm hạnh phúc của mình qua màn nước mờ đang dâng lên ầng ậc nơi khoé mắt.
Qua cuộc điện thoại đường dài, người chồng thứ 2 của Mai biết cô vừa trải qua cuộc phẫu thuật tái tạo âm đạo cách đây 4 ngày. Nước mắt chảy tràn, chồng cô chỉ dám bảo “Em cứ nằm viện, khi nào khoẻ thì về. Mồm đau chưa nói được thì gọi điện anh pha trò cho em vui cũng được…”.
Mai gặp người chồng thứ 2 trong sự mặc cảm, bẽ bàng về cuộc hôn nhân đã qua. Còn anh, anh yêu thương và nguyện ở bên cô bất chấp tình trạng sức khoẻ của cô.
Những đêm hai vợ chồng tâm sự với nhau, chồng của Mai vỗ về cô: “Yêu ai đó là yêu tính nết con người của họ chứ đâu phải chuyện thể xác. Chúng mình có con cũng được, không có cũng không sao, miễn là vợ chồng yêu thương nhau”.
Không muốn chồng thiệt thòi, thương chồng đã chấp nhận và yêu thương mình hết mực mà không đáp ứng được đời sống vợ chồng như bao người khác, Mai thấy tội lỗi nên đã quyết định phẫu thuật tái tạo âm đạo.
“Tại sao người ta chấp nhận mình mà mình lại không thể hy sinh, đau đớn về mặt thể xác một chút nhưng sẽ có được sự thoải mái trong tinh thần?”, Mai tự đặt ra bài toán cho cuộc đời mình.
Cuộc phẫu thuật kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ tái tạo âm đạo bằng niêm mạc miệng thành công đã làm thay đổi cuộc đời của Mai. Sau khi phẫu thuật, cô có cảm giác như trút được gánh nặng mà bao nhiêu năm nay như đeo đá trên người.
Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung – khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn cũng là người trực tiếp phẫu thuật Mai cho biết: “Lòng âm đạo mới tái tạo mềm mại, trơn nhẵn, đủ độ ẩm, rất giống với lòng âm đạo thật. Nên các bệnh nhân sau tái tạo âm đạo bằng phương pháp niêm mạc miệng đều có thể quan hệ tình dục bình thường. Ngoài ra, nhờ sự phát triển của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ, ước mơ có một gia đình hạnh phúc bên những đứa con của các bệnh nhân này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực”.
Những bước chân nhịp nhàng, suy nghĩ tích cực trên con đường đi từ cầu Chương Dương về phòng trọ ngày nào đã níu giữ Mai ở lại với cuộc đời, như cách cô lựa chọn “tái sinh” bằng ca phẫu thuật tạo hình âm đạo.
*Tên nhân vật đã được thay đổi