Thăng trầm, đắng cay
‘Cuộc đời chị buồn lắm, nhiều lúc cảm thấy mình không thể đứng lên được nữa’, chị Nguyễn Thị Đào (sinh năm 1982, xã Tân Khánh, xóm Kim Bảng, huyện Phú Bình, tỉnh quê Thái Nguyên) bắt đầu kể lại chuỗi những khổ đau mà chị đã trải qua.
Là người duy nhất trong gia đình bị dị tật bẩm sinh ở 2 bàn chân, chị Đào đã sống cả thời thanh thiếu niên trong chán nản, tuyệt vọng và không phương hướng.
Thay vì đứng trên đôi chân di chuyển như người bình thường, chị chỉ có thể bò hoặc đi bằng 2 đầu gối.
Sau 20 năm đi lại khó khăn, cuộc phẫu thuật chân đã giúp chị có thể di chuyển được bình thường. Chị lấy chồng, sinh con như những người phụ nữ bình thường. Cuộc sống của chị khi đó trôi qua êm đềm.
Hằng ngày, chị dậy từ 4 giờ sáng mổ gà và giao hàng tận nơi cho khách. Quãng đường từ nhà chị tới trường của con gái lớn ngắn lại theo đồ ăn vơi đi trong giỏ xe đựng đầy hàng đặt của khách.
Sau đó, chị vừa làm may vừa bán hàng tạp hoá. Khách quen nhiều đã giúp chị trang trải được cuộc sống gia đình khi đó.
10 năm sau cuộc phẫu thuật thành công đó, chị bị nhiễm trùng nên phải cắt ngang bắp chân. Chị lại quay về những tháng ngày di chuyển bằng đầu gối.
Sau cuộc phẫu thuật không may mắn này, người chồng đã bỏ chị đi sau 9 năm gắn bó, để lại 2 đứa con một trai, một gái đang tuổi ăn tuổi lớn.
Vừa đi vừa khóc
Cuộc đời đưa đẩy chị đến với anh Dương Văn Cường - người đàn ông bị liệt nửa người sau vụ tai nạn thương tâm. Anh Cường cùng chung số phận với chị, vợ anh bỏ đi biền biệt, để lại 2 con trai.
Hai con người, chung số phận này đã quyết định dọn về chung một nhà. Trong suy nghĩ của chị Đào lúc đó, chị chỉ thấy thương anh, muốn ở gần để 2 người nương tựa vào nhau, cùng chăm sóc 4 đứa con.
6 năm đi dọc dài khắp các khu chợ, không ít lần chị Đào bắt gặp những ánh mắt dò xét nhìn về phía mình, thậm chí họ còn nói thẳng vào mặt chị lời lẽ vô tâm: ‘Què quặt thế thì ở nhà chứ ra đường làm gì cho bôi bác xã hội…’
Nuốt nước mắt vào trong, chị tiếp tục hành trình mưu sinh của mình, vì chị còn phải lo cho 4 đứa con và chồng bị bệnh nặng.
Chị bộc bạch, người ta nói vậy mình cũng buồn lắm, vừa đi bán hàng vừa khóc nhưng mình đi bán hàng để kiếm sống bằng chính sức lao động của mình chứ không đi ăn trộm ăn cướp của ai cả.
Nếu ai thông cảm mua giúp mình thì mình biết ơn còn nếu người ta không hiểu thì mình cũng đành phải chấp nhận thôi, không làm trái lương tâm là được.
‘Họ đâu biết rằng mấy trăm ngàn được trợ cấp mỗi tháng thì sao mà chị có thể lo cho cuộc sống của mình được’, chị Đào chưa hết bẽ bàng khi nhớ lại những lời khiếm nhã.
Hai vợ chồng chị, người hát rong người bán đồ lặt vặt, dắt díu nhau đi hết các khu chợ trong tỉnh Thái Nguyên lại đi các thị trấn lớn ở các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang.
Anh chị đi khoảng 20 ngày, sốt ruột con cái, quay về nhà rồi lại tiếp tục hành trình bươn bả kiếm sống. Nếu anh Cường không bị bệnh nặng thì mỗi năm anh chị cũng tiết kiệm để ra được một vài triệu đồng.
Những ngày anh Cường phải nằm viện vì di chứng của vụ tai nạn 14 năm trước để lại, chị Đào tranh thủ đi những khu đông người ở gần bệnh viện tỉnh, bán được gói tăm bông, đôi kẹp tóc… để có tiền chi trả các khoản sinh hoạt.
Ngày đi bán hàng rong, tối về chị Đào lại cặm cụi thêu tranh chữ thập để tìm kiếm cơ hội ai mua thì bán. ‘Chị thêu được 10 bứ rồi mà không biết có ai mua không’, chị Đào nhìn vào bức tranh thêu dở.
Mơ về đôi chân giả
Khoảng thời gian đầu, để di chuyển được, chị đã phải bọc nhiều mảnh mảnh vải để đi. Có những hôm nắng to, chị đi lại nhiều, 2 đầu gối bị phồng rộp hết lên.
Sau đó, vài người cùng đi chợ gợi ý chị mua đôi tông rồi chế quai vừa đúng kích cỡ để đi lại cho đỡ vất vả. Kiểu tông đặc biệt này đã đồng hành với chị 6 năm qua.
‘Mỗi năm đi tiết kiệm thì chị thay 2 đôi, không thì cũng phải 5,6 đôi. Đi mưa bị trơn, nhiều hôm chị bị trượt ngã lạch bạch', chị Đào tâm sự.
Đi lại bằng đầu gối nhiều quá, sức khoẻ chị bị ảnh hưởng. Chị hay bị đau nhức buốt ở xương, không ngủ được.
Các bác sĩ nói, nếu chị Đào vẫn tiếp tục di chuyển theo cách này thì đầu gối sẽ bị hỏng.
6 năm trời bước đi trên đôi tông tự chế, đã rất nhiều lần chị muốn bỏ cuộc nhưng hoàn cảnh không cho phép chị gục ngã.
Lúc nào chị cũng tự nhủ, dù không còn lành lặn nhưng mình cần phải đứng vững, để lo cho bản thân mình và cả gia đình nữa.
Là phụ nữ, không ai không muốn mình đẹp đẽ, có một đôi chân lành lặn như bao người.
Còn chị, sau bao cay đắng, chị đã không còn trách cuộc đời quá bất công mà chỉ còn cháy bỏng mơ ước có được một đôi giả để mưu sinh hàng ngày...
Sáng 13/8, Gia Đình Mới đã phối hợp với Công ty 3Dmaster tiến hành khảo sát đôi chân của chị Nguyễn Thị Đào, đồng thời đã tiến hành scan 3D lấy dữ liệu số hóa đôi chân của chị.
Ông Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Công ty 3Dmaster cho biết, hiện phần còn lại của chân chị Đào có khả năng sử dụng được và hoàn toàn có thể chế tạo chân giả sinh kỹ thuật (Bionic Leg) cho chị Đào.
Đôi chân giả có kết cấu thăng bằng cơ khí tại khớp bàn chân và có trang bị công nghệ cảm biến nhiệt cảm xúc tránh hoại tử chân.
Công ty 3Dmaster cho biết chi phí một đôi chân như vậy có giá 260 triệu/đôi chân. Tuy nhiên, do chị Đào có hoàn cảnh đặc biệt, 3Dmaster muốn đồng hành cùng Gia Đình Mới nên ủng hộ 30 triệu đồng.
Như vậy, cần số tiền 230 triệu đồng để chị Đào có được đôi chân trở lại.
Ban biên tập Gia Đình Mới quyết định sẽ đứng ra vận động tiền tài trợ, ủng hộ, đóng góp của bạn đọc số tiền làm chân cho chị Đào.
Gia Đình Mới sẽ ký hợp đồng trực tiếp với công ty 3Dmaster để thực hiện mong ước của chị Đào. Ban biên tập sẽ dừng tiếp nhận ủng hộ khi đã đủ số tiền này.
Điều ước về một đôi chân của chị Đào có thể thành hiện thực được hay không, vẫn chờ sự thương yêu của mỗi người.
Mọi đóng góp, xin gửi về tài khoản:
Tạp chí điện tử Gia Đình Mới
TK ngân hàng: 22010000842834
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN-BIDV chi nhánh Thăng Long
(Nội dung chuyển tiền ghi rõ: Ủng hộ làm chân giả cho chị Nguyễn Thị Đào)