Đêm 19/6/2016, tại Trung tâm y tế (TTYT) Cô Tô, một bệnh nhân được chẩn đoán chửa ngoài tử cung vỡ, sốc mất máu, cần phải mổ cấp cứu, truyền máu gấp.
Cách trụ sở TTYT khoảng 10 phút di chuyển bằng xe cấp cứu, chiếc xuồng cấp cứu đang neo đậu tại bến, chỉ trực chờ lệnh báo động đỏ là sẵn sàng rẽ sóng.
Nhưng theo thông báo của Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh, cấm các phương tiện, tàu thuyền xuất bến đi Cô Tô và ngược lại vì lý do thời tiết xấu, gió Nam thổi mạnh nên sóng biển cao, gây mất an toàn.
22 giờ, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh nhận được cuộc gọi cứu trợ từ đồng nghiệp của mình nơi đảo xa. Không cần suy nghĩ nhiều, ông nhanh chóng di chuyển gần 1 tiếng đồng hồ từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh xuống cảng Cái Rồng thay vì đi hết 1,5 tiếng như mọi khi.
Biết lệnh cấm tàu, ông Lương Văn Long - người gần 25 năm lái chiếc xuồng cấp cứu đã nhanh chóng đưa xuồng về Vân Đồn đón bác sĩ đến từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Trong cơn gió giật cấp 7, cấp 8, chiếc xuồng cấp cứu 14 mã lực rẽ sóng, lao nhanh trong đêm đen để kịp thời cấp cứu bệnh nhân đang nguy kịch tại TTYT Cô Tô.
Để an toàn, xuồng quy định chở khoảng 6-7 người, đi trong điều kiện gió dưới cấp 4. Tuy nhiên, những lúc cấp cứu, tàu bè bị cấm, sóng to gió lớn thì vẫn phải lên đường. Ông Long kể, bình thương sẽ mất khoảng 45 phút để đưa bệnh nhân vào bờ nhưng cũng có lúc mất hơn 1 tiếng, thậm chí mất 3-4 tiếng nếu thời tiết nhiều sương mù, song to và gió lớn.
1 giờ sáng, xuồng cấp cứu tới Cô Tô. Lúc này, bác sĩ Hùng và ông Long mới tin mình an toàn. Ngay lập tức ông vào TTYT để gặp bệnh nhân. Sau khi được kíp cấp cứu khẩn trương, 4h sáng, bệnh nhân ổn định.
Bác sĩ Bùi Thị Thuy - Giám đốc TTYT Cô Tô cho biết: Huyện đảo Cô Tô nằm cách cảng Vân Đồn khoảng 32 hải lý đường biển và mất khoảng 1 tiếng di chuyển bằng tàu cao tốc. Vì vậy, điều kiện đưa bệnh nhân cấp cứu vào đất liền hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Với những trường hợp bệnh nhân phải chuyển vào tuyến trong khi thời tiết không ủng hộ như trên là một thách thức lớn, thậm chí không thực hiện được.
Trong nhiều trường hợp, TTYT Cô Tô không đủ điều kiện cấp cứu cho bệnh nhân, các y bác sĩ của TTYT Cô Tô trực tiếp đưa họ vào bờ.
Cuối tháng 6/2018, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh vừa trải qua đợt mất điện suốt gần 2 tuần liên tiếp. Bất ngờ, hơn 20 giờ ngày đầu tháng 7, sản phụ Nguyễn Thị Đào (1993, Trường Xuân, Đồng Tiến, Cô Tô) bị đau bụng dữ dội.
Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Phạm Tiến Dũng - trưởng khoa Ngoại - Sản - Chuyên khoa cho biết, sản phụ thai 38 tuần, thăm khám ban đầu cho thấy, thai, rau, ối đều bình thường nhưng bị đau vùng hạ vị.
Bác sĩ Bùi Thị Thuy, bác sĩ Phạm Tiến Dũng, bác sĩ sản khoa Nguyễn Thị Huyền Trang hội chẩn khẩn nhanh chóng và đưa ra kết luận bệnh nhân có nguy cơ vỡ tử cung và chỉ định triển khai mổ cấp cứu để đảm bảo an toàn cho sản phụ.
Ca mổ được tiến hành trong điều kiện mất điện toàn huyện đảo. Máy phát điện đã được bố trí để kíp cấp cứu tiến hành thực hiện chuyên môn. Bằng quyết định ấy, con của sản phụ Đào được sinh mổ cấp cứu thành công.
“Tôi lo sợ mình và con không qua khỏi nhưng thật may may, hai mẹ con tôi được các y bác sĩ tại trung tâm kịp thời cấp cứu”, chị Đào phấn khởi.
Bác sĩ Dũng chia sẻ, “Đây không phải lần đầu tiên TTYT Cô Tô tiến hành phẫu thuật trong điều kiện này. Tôi rất mừng vì trong điều kiện mất điện nhưng ca mổ vẫn thành công.”
Nằm cạnh chị Đào trong phòng hậu phẫu, chị Nguyễn Thị Cánh (1995, xã Thanh Lân, Cô Tô) đang cưng nựng đứa con được 5 ngày tuổi của mình. Chị Cánh có nguyện vọng sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Tuy nhiên, do chuyển dạ đột ngột, chị phải cấp tốc di chuyển từ xã Thanh Lân tới Thị trấn Cô Tô bằng chuyến tàu nhanh 20 phút.
“Tôi muốn vào trong đất liền sinh con để giảm thiểu được tối đa các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sinh nở. Nhưng tôi đã không kịp di chuyển vào bờ”, chị Cánh chia sẻ.
Cả chị Đào và chị Cánh đều không đăng ký theo dõi thai sản tại TTYT Cô Tô nhưng bác sĩ Thuy cho biết, nhiều sản phụ không đăng ký khám thai kỳ tại TTYT Cô Tô. Vì vậy, việc theo dõi chặt chẽ sản phụ để phòng ngừa nguy cơ tai biến bị hạn chế.
TTYT huyện Cô Tô là đơn vị y tế duy nhất của huyện đảo Cô Tô, gồm 5 khoa phòng và 1 bộ phận, quy mô gồm 50 giường. Với nhân lực 42 người, trong đó có 15 bác sĩ ( 1 Thạc sỹ, 2 bác sỹ CKI, 11 bác sỹ đa khoa) thực hiện công tác y tế cho khoảng 6.500 người dân của huyện.
Bác sĩ Thuy bày tỏ, trung tâm lo nhất là vào mùa du lịch cao điểm với con số khách du lịch lên tới hơn 4.000 người. Thách thức lớn đặt ra, ví dụ trường hợp hàng trăm khách du lịch cùng bị ngộ độc thực phẩm một lúc thì làm thế nào? Chúng tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc đưa hết bệnh nhân tới trung tâm.
Mùa du lịch 2018, tiếng còi ủ rú vang trời, chiếc xe cấp cứu đưa một du khách và một người dân bị chấn thương sọ não do tai nạn xe máy từ TTYT Cô Tô ra bến tàu - nơi có xuồng cấp cứu đang chờ sẵn. Bên trong, 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng đang tích cực duy trì dấu hiệu sống cho hai bệnh nhân.
Bác sĩ Hoàng Văn Hùng – bác sĩ đa khoa phụ trách nội nhi và truyền nhiễm tại TTYT Cô Tô cho biết: “Với những trường hợp bệnh nhân nặng, chúng tôi tiến hành sơ cấp cứu ban đầu, ổn định dấu hiệu sống cho người bệnh và nhanh chóng chuyển vào đất liền bằng xuồng cấp cứu. Với ca cấp cứu 1 bệnh nhân, chỉ có 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng đi cùng”.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Đức, người thường xuyên có mặt trên những chuyến xuồng đưa bệnh nhân cập bờ bộc bạch, “Không ít lần chúng tôi thực hiện chuyển bệnh nhân vào đất liền trong đêm tối sóng to, gió lớn. Sóng trùm lên cả boong xuồng, lênh đênh giữa biển khơi tối đen. Mỗi lần bước xuống xuồng cấp cứu, tôi đều cầu nguyện chúng tôi được cấp bến an toàn”.
Trong năm 2016, xuồng cấp cứu đã chuyển được 27 ca, năm 2017 giảm xuống còn 11 ca. Giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến là mục tiêu quan trọng của trung tâm.
Ông Nguyễn Văn Thiều (1954, xã Thanh Lân, Cô Tô) đang được bác sĩ Hùng thăm khám. Ông Thiều nằm nội trú tại trung tâm đã 3 ngày do bị gút. Đây là lần thứ 2 ông tới trung tâm điều trị, lần đầu tiên cách đây gần 1 năm.
Do việc di chuyển từ đảo này sang đảo kia khó khăn nên khi thấy bệnh đỡ, ông không dùng thuốc và ăn uống kiêng khem theo chỉ định của bác sĩ và không quay lại thăm khám cho tới khi tái phát.
Nhiều bệnh nhân ở các xã đảo, người bệnh thường xuyên đi tàu hoặc sinh sống trên tàu nên việc theo dõi bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Trong số đó, không ít người không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tới khi bệnh tái phát hoặc nặng lên, họ mới tới trung tâm điều trị.
Từ 2016, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hỗ trợ TTYT Cô Tô về con người, trang thiết bị bằng cách cử bác sĩ trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, chuyển giao kỹ thuật.
Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, trung tâm triển khai được một số kỹ thuật mới như nội soi tiêu hoá, nội soi cổ tử cung và điều trị đường ruột ở trẻ em và đặc biệt là kỹ thuật mổ nội soi được tiến hành thường quy.
Ngày 13/10/2017, TTYT Cô Tô lần đầu tiên thực hiện ca mổ nội soi. Đó là ca mổ nội soi cắt u buồng trứng cho cụ bà 75 tuổi. Ca mổ được thực hiện trong 45 phút, kíp mổ do các bác sĩ và kỹ thuật viên TTYT huyện Cô Tô tiến hành cắt thành công u nang buồng trứng cho bệnh nhân. Sau mổ bệnh nhân có thể ăn nhẹ, và chỉ sau 2-3 ngày bệnh nhân có thể xuất viện.
Trước đây, những ca bệnh tương tự phải đưa vào đất liền, mất ít nhất nửa ngày di chuyển, nguy cơ tử vong cao. Kỹ thuật được triển khai góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ở vùng đảo xa, người dân không phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
Cùng với việc ứng dụng kỹ thuật được chuyển giao, tất cả nhân viên y tế làm việc tại trung tâm luôn trong tâm thế sẵn sàng hiến máu cho người bệnh khi cần.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Giang - Phó Giám đốc TTYT Cô Tô cho biết, trung tâm lên danh sách mỗi người theo nhóm máu. Vì trung tâm không có nguồn máu dự trữ nên khi cần thì chúng tôi buộc phải huy động huy động.
Những ngày cuối tuần, thị trấn Cô Tô yên bình, kíp trực có thêm 1 bác sĩ tăng cường thay vì chỉ có 1 lãnh đạo, 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng trực như các ngày trong tuần.
24 năm TTYT Cô Tô hình thành và phát triển là chứng ấy thời gian chiếc xuồng cấp cứu khiêm nhường lênh đênh theo từng con sóng lớn, neo đậu trong bến. Và luôn có 2 két xăng hơn 200 lít được người lái xuồng chuẩn bị sẵn sàng chinh chiến bất chấp thời tiết.