Người có thâm niên đi chống dịch dài nhất, lâu nhất của Bệnh viện E
Tôi có dịp gặp Ths.BS Đỗ Quốc Phong - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc BV E ngay sau khi anh cùng đoàn y bác sĩ của bệnh viện E đi chi viện chống dịch COVID-19 trở về từ Tây Ninh hồi cuối tháng 1.
Đây là đợt chi viện thứ 2 anh tham gia và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Bộ Y tế và Ban giám đốc Bệnh viện E giao phó.
"Đợt đầu tiên mình chi viện tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ tháng 7 tới tháng 10. Tại đây mình tham gia vào khu ICU của bệnh viện, cứu chữa những bệnh nhân COVID-19.
Sau đó, hồi cuối tháng 12, khi tình hình ở Tây Ninh căng thẳng, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện E chi viện. Mình nhận được "lệnh" và sự động viên từ Giám đốc bệnh viện làm trưởng đoàn y bác sĩ của bệnh viện vào Tây Ninh chi viện.
Thế là ngày đầu tiên của năm mới 2022, đoàn chúng nình vào Tây Ninh hỗ trợ tỉnh chống dịch. Đoàn vào hỗ trợ tỉnh trong thời gian 3 tuần rồi trở về, kịp sum vầy cùng gia đình, đồng nghiệp sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Chuyến chi viện đáng nhớ ở Tây Ninh xa xôi vì cái gì cũng... thiếu
Bác sĩ Phong kể, thời điểm Đoàn vào Tây Ninh là khi dịch đang rất căng thẳng ở đây.
Tây Ninh hơn 1 triệu dân, từ giữa tháng 12 trung bình mỗi ngày gần 1.000 ca, số tử vong xấp xỉ 20 người/ngày, nên tính số ca nhiễm trên số người dân là cao nhất lúc bấy giờ. Số tử vong trên số người nhiễm cũng cao nhất toàn quốc.
Có 1 số lý do khiến dịch ở Tây Ninh hồi đó tăng mạnh như: Khi TP.HCM xóa hết giãn cách, người dân bắt đầu về. Tây Ninh có cửa khẩu giáp Campuchia nên người dân sang cũng nhiều. Tây Ninh cũng chỉ mới có gần 40% người dân tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 thì rất ít.
Mặc dù đã tìm hiểu nhiều về dịch COVID-19 nhưng khi vào tới đây, bác sĩ Phong cùng các đồng nghiệp không khỏi “ngợp” bởi số lượng bệnh nhân mỗi ngày một nhiều.
Rồi khi khảo sát và tìm hiểu tình hình, bác sĩ Phong thấy tình hình chống dịch và chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng ở Tây Ninh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cả nhân viên y tế, thiếu trang thiết bị cần thiết, thiếu cả đồ bảo hộ, thuốc men cơ bản...
"Khi mình vào, mình cùng Sở Y tế đi tất cả các bệnh viện dã chiến trong đó và các bệnh viện đa khoa. Chúng mình thấy 'căng' nhất là ở khu điều trị bệnh nhân nặng vì vừa thiếu nhân lực, vật lực và cả cách chăm sóc, chữa trị cũng còn nhiều hạn chế.
Sau đó tập trung quân của BV E tại mấy địa điểm, chủ yếu tập trung tại Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 ở BV đa khoa tỉnh để tập trung vào các bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Áp lực với chúng tôi khá lớn, phải chăm sóc tích cực nhóm chưa thở máy, thở oxy để giảm tối đa số bệnh nhân phải đặt nội khí quản; đối với nhóm bệnh nhân đang thở máy thì nỗ lực để giảm thiểu tử vong".
Trước tình trạng đồ phòng hộ, thuốc men cơ bản của bệnh viện thiếu, cá nhân bác sĩ Phong đã kêu gọi các bạn bè, mạnh thường quân ủng hộ cho các bạn nhiều đồ phòng hộ như hơn 4.000 khẩu trang N95 đạt chuẩn, quần áo phòng hộ và nhiều loại thuốc để kịp thời chữa trị cho bệnh nhân.
Vừa chữa cho bệnh nhân COVID-19, vừa mở lớp đào tạo cho 300 nhân viên y tế của tỉnh
Bác sĩ Phong kể, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đa khoa tỉnh cũng rất thiếu do có tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc. Khi đi khảo sát thực tế 1 tầng 50-60 bệnh nhân, chỉ có 4-5 nhân viên y tế quay vòng 24/24 nên cực kỳ quá tải. Các nhân viên y tế ở đó thực sự quá vất vả.
Bên cạnh đó thì về chuyên môn Hồi sức các bạn ấy cũng còn hạn chế.
Bọn mình chia quân vào hướng dẫn các bạn kể cả từ những động tác cơ bản nhất của chăm sóc bệnh nhân COVID-19 như vỗ rung, đặt xông tiểu, bảng kiểm...
Chúng mình đã cùng làm việc, hướng dẫn, phối hợp với phòng đào tạo chuyển tuyến mở được một lớp đào tạo cho 300 nhân viên y tế của Tây Ninh về các bước điều trị cơ bản cho bệnh nhân COVID-19 để các bạn có khái niệm điều trị bệnh nhân COVID-19 đạt chuẩn.
Chúng mình đã triển khai được 2 ca lọc máu, vì ở đó chưa lọc máu bao giờ. Chúng mình triển khai lọc máu tranh thủ để cho các bạn học thêm 1 bước nữa trong quá trình điều trị COVID-19.
Mình đã cử một bạn kĩ thuật viên phục hồi chức năng vừa giảng lí thuyết, ngày đi buồng hai lần cùng các bạn điều dưỡng, hướng dẫn từng bệnh nhân một, đã góp phần rút ngắn thời gian thở máy cho bệnh nhân.
Chúng mình cũng rất quyết liệt với Sở y tế Tây Ninh đề xuất các ý kiến, tham vấn, tư vấn trong việc quản lí F0 tại nhà tránh lây nhiễm chéo, giảm quá tải cho nhân viên y tế ở các cơ sở điều trị COVID-19. Rồi cùng với Sở Y tế trình lên Ủy ban tỉnh gấp rút cung ứng đủ các vật tư, thiết bị, thuốc men cần thiết để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.
Sau 2 tuần, số ca tử vong giảm dần theo từng ngày, rút bỏ máy thành công vài bệnh nhân để anh chị em trong đó thấy không phải cứ đặt nội khí quản cho bệnh nhân COVID-19 là bệnh nhân chết, cứ thở máy là chết.
Những gì chúng mình làm góp phần làm cho tình hình dịch ở Tây Ninh dịu xuống. Khi số ca nhiễm giảm mình đề xuất với tỉnh gom bệnh nhân lại, đóng cửa một số bệnh viện dã chiến để nhân viên y tế được nghỉ ngơi.
Mỗi lần lên đường 1 cảm giác khác nhau, nhưng luôn nhớ thực hiện lời thề Hippocrates
2 lần đi chi viện đều vào những nơi rất căng thẳng, khốc liệt, bác sĩ Phong chia sẻ: "Tôi sẵn sàng xung vào trận chiến nhưng cảm giác và tâm trạng mỗi lần lại rất khác nhau".
Thời điểm chi viện ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, là khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc. Cái cảm giác khi giãn cách xã hội cũng thôi thúc tôi và đồng nghiệp thêm một phần cố gắng và nỗ lực hết sức. Chúng tôi luôn xác định mình cố gắng, các bạn đồng nghiệp cố gắng thì sẽ nhanh đẩy lùi dịch bệnh, người dân nhanh chóng được trở về cuộc sống bình thường còn chúng tôi thì nhanh được về nhà.
Còn tới lần thứ hai đi chống dịch ở Tây Ninh thì lại với một tâm lí rất khác. Khi đó mình đã hiểu rất rõ về COVID-19, hiểu cả những phác đồ điều trị, hiểu kĩ cả những đặc tính của nó, hiểu đặc điểm diễn tiến bệnh trên nền kiến thức mình có về hồi sức, các bệnh trong gần 20 năm làm nghề nên mình vào Tây Ninh với tâm thế rất tự tin.
Mình xác định vào nơi nguy hiểm nhất, nơi dịch bệnh căng thẳng nhất để góp phần nhỏ bé vào việc giảm thiểu số ca mắc mới, giảm thiểu tử vong. Mình vào Tây Ninh với một hi vọng sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra. Do đó khi lên đường rất hào hứng, trên đường vào mình truyền nhiệt huyết cho các bạn trong đoàn.
Ngày về chúng tôi rất vui, thỏa mãn vì chúng tôi đều mạnh khỏe và đã góp phần làm giảm bệnh nhân mắc COVID-19 ở Tây Ninh, vui mừng vì đã làm thay đổi góc nhìn của nhân viên y tế Tây Ninh về việc bệnh nhân cứ thở máy là chết, làm việc khoa học, quy củ hơn, hướng dẫn được cho các bạn thế nào là hồi sức chuẩn, thế nào là chăm sóc bệnh nhân COVID-19...