Khai thác lợi thế rừng, khí hậu để phát triển cây sâm Lai Châu

Việt Linh
Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Lai Châu đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các đề tài, dự án, mô hình nghiên cứu phát triển các loại Sâm Lai Châu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao.

 Tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển Sâm Lai Châu

Lai Châu có tổng diện tích rừng hiện có là 481.261 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 447.005 ha, tỷ lệ che phủ trên 50% diện tích đất tự nhiên là đất rừng và đất lâm nghiệp. Rừng Lai Châu thuộc loại rừng nhiệt đới, có nhiều rừng già, nguyên sinh với quần thể thực vật phong phú, đa dạng. Cùng với tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4% và có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng. Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, phát triển dược liệu, đặc biệt là cây sâm Lai Châu.

Sâm Lai Châu là dược liệu quý hiếm được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2007) với tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Loại dược liệu này phát triển ở độ cao từ 1.400 - 2.300 m, thường gặp ở độ cao từ 1.600 - 1.900 m.

Sâm Lai Châu là dược liệu quý hiếm đang được tỉnh Lai Châu chú trọng phát triển thành cây chủ lực.

Sâm Lai Châu là dược liệu quý hiếm đang được tỉnh Lai Châu chú trọng phát triển thành cây chủ lực.

Qua rà soát, đánh giá, Lai Châu xác định có hơn 38.000 ha có khả năng phát triển tốt sâm Lai Châu. Hiện nay, Lai Châu đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Đáng chú ý, ở trên dãy núi Pu Si Lung cao hơn 3.000m so với mực nước biển, thời tiết mát mẻ quanh năm, ở đây đang có vườn sâm Lai Châu quý hiếm với 4.800 gốc sâm bố mẹ, tuổi đời ít nhất cũng 30 năm. Mỗi cây giống có giá từ 100-300 triệu đồng/kg. Nếu được chăm sóc tốt, cây cho thu hạt rồi đem hạt đi nhân giống sẽ giúp mở rộng diện tích.

Đưa sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực

Trên cơ sở tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh để định hướng và hỗ trợ phát triển.

Nhằm bảo tồn và đưa sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực, tỉnh đã triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu. Tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị liên quan đến trồng và mở rộng diện tích dược liệu; giúp cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thêm thông tin về cây Sâm Lai Châu nói riêng và cây dược liệu nói chung.

Tỉnh Lai Châu đã triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu.

Tỉnh Lai Châu đã triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu.

Tỉnh đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trồng, nhân giống Sâm Lai Châu nhằm bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc hữu tại các huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu”, qua dự án đã tuyển chọn 1.185 cây mẹ và trồng 1.009 cây mô hình. Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho hai loài dược liệu quý hiếm (Sâm Lai Châu, Bảy lá một hoa) của tỉnh Lai Châu”, thông qua Dự án đã tuyển chọn 500 cây mẹ và trồng 5.000 cây mô hình.

Triển khai 2 đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài Sâm Lai Châu (Panaxvietnamensis var.Fuscidiscus), Tam thất hoang (Panax stipuleanatus) ở các xã vùng cao huyện Mường Tè”, kết quả tuyển chọn được 22 cây mẹ Sâm Lai Châu. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và trồng cây Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. Fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai), qua đề tài tuyển chọn được 1.000 cây mẹ Sâm Lai Châu và trồng 15.000 cây mô hình. Lai Châu đã nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài Sâm Lai Châu, Tam thất hoang ở huyện Mường Tè”, kết quả tuyển chọn được 1.000 cây mẹ Sâm Lai Châu và trồng 15.000 cây mô hình.

Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, gây trồng được 50 ha tại các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tam Đường. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư đang quan tâm đầu tư phát triển cây Sâm Lai Châu dưới tán rừng. Đây chính là cơ hội giúp bà con vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu… Từ khi có cây sâm Lai Châu, bức tranh kinh tế của xã Sà Dề Phìn nói riêng, huyện Sìn Hồ nói chung có nhiều thay đổi hết sức rõ rệt. Bà con người Mông đi trồng sâm có kinh tế ổn định hơn.

Đồng bộ các giải pháp phát triển sâm Lai Châu

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng đáng giá, quá trình phát triển cây Sâm trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Cây Sâm Lai Châu là loài cây thuộc danh mục loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, do vậy, việc đảm bảo nguồn giống hợp pháp theo quy định gặp nhiều khó khăn, bất cập. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn và liên kết vùng chưa hoàn thiện, cơ sở vật chất, hạ tầng của tỉnh chưa phát triển, nhất là tại các huyện, xã biên giới, những vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nuôi trồng, phát triển cây Sâm Lai Châu dẫn đến khó khăn trong tiếp cận, triển khai đầu tư các dự án.

Tiến sỹ Phạm Quang Tuyến – Viện Nghiên cứu lâm sinh cho rằng việc quan trọng là cần quản lý, bảo tồn nguồn giống sâm tự nhiên ở nơi đây.

“Bảo tồn nguồn gen trong tự nhiên, trước hết phải xây dựng vườn giống. Xây dựng đề án khoanh vùng bảo tồn nguồn gen có cây sâm phân bổ trong tự nhiên; xây dựng đề án lưu giữ nguồn gen sâm Lai Châu. Cùng với đó, định hướng phát triển vườn cây giống cụ thể như: xây dựng mỗi huyện tối thiểu 1 trung tâm phát triển vườn giống chất lượng cao được chọn lọc, đủ điều kiện sản xuất tối thiểu 1 triệu cây giống/năm, đáp ứng công suất trồng 10ha/năm (100.000 cây/ha; xây dựng đề án phát triển nguồn giống tại chỗ trong dân. Hoàn thiện kỹ thuật nhân giống (từ hạt), tiêu chuẩn cây giống chất lượng cao. Xây dựng trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao".

Ông Nguyễn Trọng Lịch – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu.

Ông Nguyễn Trọng Lịch – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu.

Thứ hai là vấn đề cơ chế chính sách, ông Nguyễn Trọng Lịch – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho hay: Cần đẩy nhanh tiến độ giao rừng và phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững cho các ban quản lý rừng phòng hộ. Hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ cao để trồng sâm Lai Châu; tạo điều kiện cho các tổ chức thuê đất thực hiện dự án; khuyến khích người dân cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất hoặc liên kết để thực hiện các dự án trồng sâm ứng dụng công nghệ cao…

Ông Ngô Tân Hưng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sâm Lai Châu trăn trở, hiện nay, sâm Lai Châu chỉ chế biến một số sản phẩm đơn giản chưa có sản phẩm chế biến sâu. Hiện, một công ty thành viên của Hiệp hội Sâm Lai Châu đã tự bỏ kinh phí ra ký hợp đồng với cơ quan có chức năng nghiên cứu và một nhóm các nhà khoa học thực hiện việc nghiên cứu tính chất, công dụng, thành phần, liều lượng sử dụng của sâm Lai Châu. Thời gian dự kiến hoàn thành đề tài sớm nhất khoảng cuối năm 2023. Sau khi hoàn thành nghiên cứu này mới có cơ sở nghiên cứu tiếp ra các sản phẩm chế biến sâu từ sâm Lai Châu. Các sản phẩm sau khi được Cục Quản lý dược Bộ Y tế kiểm định phê duyệt sẽ được sản xuất tại các nhà máy sản xuất dược phẩm tiêu chuẩn GMP thì mới được phân phối ra thị trường.

Do đó, tỉnh cần đồng hành phối hợp với doanh nghiệp và các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu để sớm có kết quả, ứng dụng vào chế biến sâu sâm Lai Châu.

Vấn đề quan trọng nữa là cần quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông đến các vùng dược liệu, đây là ý kiến của ông Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè. Theo ông Khánh, hiện nay, huyện đang thu hút các doanh nghiệp vào khảo sát, phát triển Sâm Lai Châu trên địa bàn. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút nguồn nhân lực và tổ chức phát triển sâm trên diện rộng. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế nên việc thu hút nguồn lực còn gặp khó. Do vậy, huyện mong muốn được đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông vào vùng trồng và phát triển dược liệu quý, trong đó có sâm Lai Châu. Bố trí nguồn vốn nhất định đưa điện lưới, nguồn nước; tổ chức quy hoạch phát triển vườn giống, đủ điều kiện cung cấp giống cho bà con trồng trên diện rộng. 

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Lai Châu đã đến thăm vườn sâm Lai Châu do Công ty Thái Minh trồng tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ. Thủ tướng đánh giá cao mô hình kinh tế khép kín đối với cây sâm Lai Châu mà doanh nghiệp đã đầu tư và áp dụng.

 Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện liên kết "4 nhà" (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông) nhằm đảm bảo lợi ích, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

 Ông mong muốn tỉnh Lai Châu làm tốt việc quy hoạch, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, trong đó phân tích kỹ hàm lượng dược tính để chứng minh chất lượng, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, mẫu mã...

 Huy động sự tham gia của ngân hàng, doanh nghiệp, hình thành mô hình hợp tác xã phù hợp. Tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm và chuyển giao công nghệ để bà con nhân dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO