“Tôi không chỉ là cô gái “Xách ba lô lên và đi”. Tôi không chỉ là lập trình viên máy tính. Tôi không chỉ là đứa con gái nhà nông. Tôi là tất cả những thứ đó, và còn nhiều hơn nữa. Tôi là tôi, cá thể và riêng biệt.”

Gần 4 năm sau ồn ào xoay quanh 2 tập “Xách ba lô lên và đi”, Huyền Chip trở lại với nhiều sự thay đổi. Cô nuôi dưỡng niềm đam mê về chuyên ngành học Trí tuệ nhân tạo, cô thấy mình tham vọng hơn và gần hơn với ước mơ viết một cuốn sách bằng tiếng Anh. 

Huyền Chip nhận ra, càng gặp nhiều người, cô càng thấy câu chuyện của mình thật nhỏ bé. Vì vậy, cô muốn tập trung vào những việc có thể giúp cô đóng góp thực sự cho xã hội.   

Chuyến trở về Việt Nam lần này, cô dùng hết 14 ngày tưởng nhiều mà ít để phân chia tỷ mỉ các đầu mục công việc cần hoàn thành. Trong đó, cô cùng cộng sự của mình xây dựng chương trình dạy lập trình miễn phí qua internet, đi du lịch ít ngày với gia đình và ra mắt cuốn sách mới. Những công việc đó lấp đầy 2 tuần của nữ tác giả "Xách ba lô lên và đi" trong sự mong chờ, hạnh phúc và trọn vẹn.

Thế giới với Chip khi còn là cô bé cấp 1, cấp 2 chỉ mang tính chất khoảng cách địa lý nên cô suy nghĩ phải đi mới khám phá được bao la ngoài kia. Vậy là, khi Chip bằng tuổi cậu em trai của cô bây giờ, cô mang trong mình nhiều bỡ ngỡ về cuộc sống, hăm hở đi để khám phá những điểm đến cô đã nắn nót ghi lại mỗi lần đọc được trong sách hay trên báo.

Tuy nhiên, định nghĩa về khám phá của cô bây giờ không dừng lại ở việc đi từ nơi này tới nơi khác nữa bởi khi cô tới 1 số nước, sự háo hức vẫn có nhưng cô không còn học hỏi được nhiều như trước đây. Và cô nhận ra, có những việc khác dạy cho mình nhiều điều hơn. Đó là việc đi học và gặp gỡ mọi người.

“Đi thì rất vui nhưng việc đó chẳng mang lại giá trị gì cho ai ngoài tôi cả. Tôi muốn tạo ra sản phẩm gì đó có ích cho xã hội.

Bận rộn là một chuyện, sợ ồn ào, thị phi cũng là một lý do khiến tôi ậm ừ sắp ra mắt sách rồi lại thôi. Tôi vẫn tiếp tục viết. Mỗi khi gặp ai đó thú vị, tôi viết về người đó. Mỗi khi nghe được điều gì mới mẻ, tôi ghi vội vào nhật ký. Những điều tôi làm có thể thật nhỏ bé nhưng câu chuyện của những người tôi gặp thì không nhỏ bé chút nào”, Huyền chia sẻ.

Cô nhận ra, việc cô đi nhờ xe dọc Châu Phi chẳng có nghĩa lý gì so với việc anh chàng học cùng lớp với cô đã tìm ra cách cắt giảm chi phí lắp đặt và tiêu thụ năng lượng mặt trời và lọt vào danh sách “30 under 30” của Forbes trên toàn thế giới. Học tập và làm việc tại Thung lũng Silicon với những con người xuất sắc, cô bỗng giật mình lo lắng cho cậu em trai của mình và đồng thời nhận được nhiều tin nhắn, email từ độc giả bày tỏ những mối lo ngại của lứa tuổi.

Để rồi, 10 năm sau chuyến đi đầu tiên, Huyền ngồi xuống tâm sự chân thành với độc giả của mình về một “Tuổi trẻ không hối tiếc” với suy ngẫm: “Không ai hiểu mình bằng chính mình. Dù mình nhận được lời khen từ ai đó nhưng lương tâm mình cắn rứt thì mình cũng không thể ngủ ngon được. Còn hạnh phúc thì tôi không quá coi trọng. Hạnh phúc chỉ mang tính tương đối.

Có người hạnh phúc đơn giản chỉ vì họ không biết những cái tốt đẹp hơn để mà mong muốn. Cuộc sống của mình là của mình. Thành công mình hưởng. Thất bại mình chịu. Mình không đổ lỗi cho bất kì ai về sự thất bại của mình. Nếu bạn đổi lỗi do xã hội xô đẩy, bố mẹ bắt ép thì tôi sẽ nói bạn hèn!”

Chip nói: “Tôi không nghĩ cái tên Huyền Chip sống lâu trong lòng công chúng với những tiêu cực của 4 năm về trước lâu đến vậy. Có một số người nghĩ cuốn sách này sẽ lại tiếp tục gây tranh cãi vì họ cho rằng tôi có cách sống và suy nghĩ khác, không phù hợp với quan điểm của họ”.

Như cuốn sách “Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford”, Chip muốn mọi người biết rằng “Tôi vẫn ổn. Tôi chưa bỏ cuộc và sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi làm vì tôi muốn làm chứ không phải tôi muốn chứng tỏ với ai đó về điều gì đó cả!”

Đó lời khép lại bức thư Huyền Chip gửi tới độc giả sau khoảng thời gian dài im ắng.

Ngày 19/9/2013, Huyền Chip ngồi trước hàng trăm khán giả và đối mặt với những câu hỏi về tính xác thực của các chi tiết trong cuốn sách “Xách ba lô lên và đi - Tập 1: Châu Á là nhà, đừng khóc” được xuất bản năm 2012.

Đó cũng là ngày Huyền Chip ra mắt tập 2 trong bộ sách của mình, có tên “Đừng chết ở châu Phi”. Thế nhưng, thông tin về tập 2 bị chìm nghỉm giữa vô vàn những tranh cãi về về tập 1.

Trước những tranh cãi, cô chọn cách nghĩ im lặng và nghĩ làm vậy sẽ tốt hơn. Cô cho rằng, thời điểm đó dù có nói gì thì mọi người vẫn sẽ không tin, bởi họ chỉ tin những gì họ muốn tin. Có khá nhiều người hỏi tại sao cô không lên tiếng? “Thời điểm đó, tôi không kiểm soát được những gì báo chí viết về tôi. Nhiều điều tôi muốn nói, báo chí không đưa và nhiều điều tôi không nói, báo chí lại đưa”, Chip giãi bày.

Huyền Chip của năm 22 tuổi tự hỏi tại sao cuộc đời lại bất công đến vậy, khi hầu hết mọi người đã thay vì lắng nghe thì lại quy chụp cô. Cô trở thành mục tiêu tranh luận của cộng đồng những người yêu thích du lịch vì những câu hỏi không có câu trả lời thoả đáng.

Cô mất vỏn vẹn một tuần để thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, tự bơi khỏi vũng lầy cảm xúc buồn tủi đang dần nhấn chìm cô. Dư luận vẫn tiếp tục công cuộc chứng minh sự “hư cấu, không trung thực và sai sự thật” về hành trình du ký của cô, còn cô, lặng lẽ tới Y Tý, đem hết tất cả vốn liếng niềm tin còn lại gieo vào vùng đất này với hy vọng nó giúp chính cô thoát khỏi mớ bòng bong và bình tâm trở lại.

Từng ngày trong suốt một tuần đó, cách ly internet, cô cần mẫn tham gia các trải nghiệm để cố gắng quên đi những gì tiêu cực nói về mình mà cô đã kịp đọc trước khi lên xe, cố gắng không để tâm tới bất kỳ điều gì liên quan tới từ khoá “Huyền Chip” hay “Xách ba lô lên và đi”. Và rồi, cô tìm lại được sự yên an trong lòng, “đứng dậy và đi tiếp”.

Cô ý thức được việc mình cần phải dũng cảm đứng lên, bản lĩnh bước tiếp ngay sau chuyến đi từ Y Tý trở về, nhưng cô phải cần hơn 3 năm để mọi thứ thấm dần, đủ chín chắn. Để rồi, mùa thu năm 2017, tại Berlin, Chip viết đôi lời:

“Nhân tròn bốn năm sự kiện đã làm thay đổi cuộc đời tôi, tôi xin phép được một chút ích kỷ và nhìn lại sự việc từ góc nhìn của tôi. Khoảng cách, cả về thời gian lẫn địa lý, đã giúp cho tôi nhìn thấy nhiều khía cạnh của sự việc. Tôi đã phạm phải nhiều lỗi lầm ngốc nghếch, và đã nhận được nhiều bài học.

Tôi có xấu hổ về những chuyện đã xảy ra không? Có, rất nhiều. Tôi xấu hổ vì đã trẻ con, ngu ngốc, yếu đuối, hiếu thắng, coi mình là trung tâm vũ trụ, chỉ biết nhận mà không biết cho. Sự việc đã giúp tôi cũng như những người liên quan nhận ra nhiều điều về bản thân, về cuộc sống, cũng như về xã hội ngày nay”.

Sau khi Chip gửi lá thư đó tới toàn thể cộng đồng, Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh – người ngồi chung sân khấu với Huyền Chip giữa “tâm bão” dư luận đã nhắn tin cho cô: “Huyền ơi sao em lại viết thư xin lỗi, em có lỗi gì đâu mà phải xin!”. Nhưng với Chip, “Tôi xin lỗi không phải vì tôi phạm lỗi mà tôi nhìn thấy rất nhiều người, cả quen biết lẫn không quen biết, lên tiếng bảo vệ mình. Có nhiều người vì tôi mà chịu lây không ít gạch đá của thiên hạ. Tôi thấy buồn vì điều đó.

Tôi không hy vọng rằng mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho tôi. Tôi cũng không cố gắng làm cho những ai ghét mình yêu quý mình. Tôi chỉ có thể nỗ lực hết mình, dùng sức hèn tài mọn của mình để giúp ích cho đời. Trong suốt chuyến đi của mình, cũng như sau chuyến đi, tôi đã nhận được vô số sự giúp đỡ của người khác mà tôi chưa bao giờ đền đáp được xứng đáng. Tôi đã dành bốn năm qua cố gắng trả những cái nợ đó – đôi khi trực tiếp, đôi khi gián tiếp qua việc giúp đỡ những người khác”.

“Cơn bão” của tuổi 22 ập đến không báo trước là một trong những lý do khiến cô quay trở lại trường học. “Tôi muốn ở trong một môi trường giáo dục bài bản để sửa chữa những thiếu sót”, Chip chia sẻ.

Sau những ồn ào về "Xách ba lô lên và đi" dần lắng xuống, giữa tháng 10 đến cuối tháng 12/2013, cô chuẩn bị bộ hồ sơ du học. Cuối tháng 3/2014, cô nhận tin trúng tuyển Đại học Stanford. Trong khoảng nửa năm chờ tới California, Mỹ nhập học, cô đã “xách ba lô” đến khu du lịch Sơn Đoòng, Phong Nha – Kẻ Bàng rồi sang Ấn Độ cùng một người bạn của mình.

"Tôi nhận ra, đôi khi không có người đúng, người sai mà do góc nhìn của mỗi người khác nhau. Dù có chuyện gì thì cũng nên bình tĩnh nhìn nhận mọi thứ ở mức tổng thể, đừng để những mảng tối và sáng lẫn lộn. Và rồi, mọi chuyện sẽ qua thôi!”, Chip nhắc lại những vui buồn đã qua.

Ánh nắng chói chang của tháng 5 đưa cả gia đình gồm Huyền Chip, bố mẹ, em trai, anh trai, chị dâu và các cháu từ quê nhà Nam Định tới đảo Cát Bà. Đây là lần đầu tiên gia đình cô đi chơi xa cùng nhau và cũng là lần đầu tiên bố mẹ cô được đi du lịch.

Với những người thuần nông như bố mẹ cô, việc di chuyển gần 100 km tới điểm du lịch là một giấc mơ mà đến bây giờ cả nhà mới thoải mái cùng nhau thực hiện được thì việc cô đi ra nước ngoài là một điều không tưởng. Bố mẹ cô từng không biết và nhớ nổi tên ngôi trường Đại học Stanford danh giá mà cô con gái theo học, lại càng không rõ chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo là gì?

Nó giống như thuở niên thiếu của cô với ước vọng được học tập tại khối chuyên của trường Đại học Quốc Gia Hà Nôi. Hồi đó, Chip chỉ nghĩ đơn thuần, Hà Nội sẽ cho cô những cơ hội mà ở quê cô không có được. Quyết tâm đó theo cô từ những năm học tiểu học, trầm trồ “Các anh chị giỏi thật!” khi đọc được đâu đó cái tên trường Chuyên Khoa học tự nhiên, những năm học cấp 2 củng cố niềm tin “Mình nhất định làm được!” khi một anh khoá trên thi đỗ vào ngôi trường này và những bữa cơm cô buâng quơ nói với bố mẹ sẽ ra Hà Nội học cấp 3 – điều mà bố mẹ cô cho là viển vông.

Bố mẹ Chip đã từng không ủng hộ cô một thân một mình tới Thủ đô học, chưa bao giờ thực sự thích những chuyến đi của cô và họ chỉ bắt đầu chấp nhận khi cô đã đạt được những thành quả nhất định ban đầu. Và bây giờ, trong mắt bố mẹ cô, điều gì cô làm cũng dễ dàng làm được.

Nam Định là nhà, Việt Nam là quê hương, Hà Nội hay California là một trong những nơi giúp cô hiện thực ước mơ, thực hiện khát khao của cuộc đời. Chip sẽ tiếp tục đi, dừng chân học tập và sinh sống ở nơi nào phù hợp với nhu cầu và công việc của cô.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính