Kẻ quân tử nghiêm khắc với chính mình, bao dung với thiên hạ
Trung Quốc thời cổ đại có một câu chuyện lưu danh thiên cổ, được hậu nhân ca tụng như sau. Xưa kia, thời Bắc Triều, có một người tên là Thôi La, giữ chức tả Thừa tướng, rất được Hoàng đế trọng dụng.
Ngày nọ, Thôi La bèn đề cử Hình Thiệu – một nhân tài hiếm có với vua Thế Tông. Thế Tông chấp thuận. Quả nhiên sau đó, Hình Thiệu rất được việc, xử lý chính triều đâu ra đấy, khiến muôn dân an cư lạc nghiệp.
Tuy nhiên, mỗi lúc nói chuyện với Thế Tông, Hình Thiệu thường hay gièm pha nói xấu Thôi La, khiến ngài không hài lòng. Thế Tông bèn nói chuyện với Thôi La: “Khanh luôn kể những điểm tốt của Hình Thiệu, mà Hình Thiệu lại chuyên gièm pha khanh. Khanh quả thực ngốc hết thuốc chữa.”
Nghe xong, Thôi La không những không tức giận, mà còn mỉm cười: “Hình Thiệu kể ra những nhược điểm của thần, thần nói đến những chỗ tốt của Hình Thiệu, hai người đều nói sự thật, không có gì sai cả.” Vua nghe xong, hết sức cảm động. Quả là một bậc trượng phụ hiếm có, nghiêm khắc với chính mình, độ lượng với thiên hạ, không vì thù riêng mà khiến vận nước đi xuống.
Làm người sống quá xét nét sẽ bị tiểu nhân ám hại
Người xưa có câu: “Nước quá trong thì không có cá.” Làm người nếu quá để bụng, xét nét, chỉ nhìn vào sai lầm của đối phương, không những chẳng thể kết giao tri kỷ, mà còn gây thù chuốc oán, bị tiểu nhân ám hại. Con người đừng vì oán hận mà vô tình biến mình thành kẻ thấp kém, luôn soi mói nhược điểm của người khác. Nếu mở lòng bao dung sẽ được nhận lại những điều tốt đẹp, công đức vô lượng, hậu vận viên mãn.
Cuộc đời vốn dĩ “nhân vô thập toàn”, đối đãi với người không thể thiếu vắng hai chữ “nhân” và “đức”. Vương tử nếu muốn trị một nước lớn, lòng phải tĩnh lặng, ôn nhu, cân nhắc nặng nhẹ, không quá xét nét. Một tập thể nếu quy định quá hà khắc, thành viên sẽ bị gò bó, tù tùng, không thể thoải mái sáng tạo, phát triển. Cuối cùng giống như cá nhỏ mà bị lật qua lật lại sẽ nát thành trăm mảnh vụn.
Trong một quán nước nọ có mấy người đang đàm luận với nhau, một người nói: “Thời buổi hiện nay thật khó tìm người giỏi làm thuê cho mình, chỉ hơi có chút năng lực là làm mấy ngày liền nhảy đi tìm chỗ khác tốt hơn”.
Một người khác nghe vậy thì bèn thẳng thắn đáp lại:
“Nếu như làm người mà chỉ để ý đến khuyết điểm của người khác thì bản thân chỉ như cái thùng rác. Còn nếu chỉ chú trọng tới ưu điểm của người khác thì mình giống chư chiếc đĩa ngọc tụ hợp nhân tài”.
Sống ở đời ai mà không có lỗi lầm, ai mà không từng phạm phải sai sót? Nếu có thể lấy khoan dung độ lượng mà đối đãi với mọi người thì chúng ta sẽ biết ứng xử như thế nào khi người khác có khuyết điểm hoặc phạm phải sai lầm.
Đạo lý là như vậy, nhưng lại có rất nhiều người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp không hiểu được điều này. Có một vị cao nhân tu Đạo từng nói rằng:
“Nếu như bạn là một thánh nhân, người khác trong mắt bạn đều là người ưu tú, nhìn trái nhìn phải đâu đâu cũng thuận mắt. Nếu bạn là một người tiểu nhân, người khác trong mắt bạn chỉ toàn là khuyết điểm, nhìn đâu cũng thấy chướng tai gai mắt. Chỉ có người mang tâm đại từ bi thì nhìn núi non, sông nước, hoa cỏ, muôn loài đâu đâu cũng thấy đáng yêu”.
Tuệ TâmBạn đang xem bài viết Trong mắt thánh nhân ai cũng là người ưu tú, trong mắt tiểu nhân đâu cũng là khuyết điểm tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].