Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Nghiên cứu: Dấu ấn cộng đồng trong gia đình Việt Nam truyền thống

Mỗi con người chúng ta, ngoại trừ những trường hợp thật đặc biệt, đều được sinh ra và lớn lên từ một gia đình. Mỗi gia đình ấy lại hợp nhau thành cộng đồng, xóm làng, quê hương, Tổ quốc.

Dường như người Việt Nam nào cũng đều biết rằng cái gia đình thật đông con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, với một trăm người con trai đầy sức sống, được nở ra từ một trăm quả trứng, đã bắt đầu cho một bản trường ca vĩ đại, đầy bi ai và hào hùng về dựng nước và giữ nước của dân tộc mình. Nhưng tại sao lại bắt đầu sự tồn tại và phát triển của dân tộc từ một gia đình và tại sao gia đình ấy lại phải đông đúc con cái đến như vậy.

Chúng ta đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu phân tích khoa học văn minh Việt Nam, những đặc điểm lịch sử, kinh tế, xã hội Việt Nam, so sánh nó với những nền tảng văn minh khác trên thế giới. Điều đó giúp chúng ta có những kiến thức cơ bản để phân tích, lý giải những dạng thức và khía cạnh cụ thể của xã hội Việt Nam trong đó có gia đình và văn hóa gia đình Việt Nam từ lịch sử.

Rất nhiều nhà khoa học đã nói tới các đặc trưng về môi trường địa lý, sinh thái, về khí hậu và thời tiết, về bão lụt và giông gió, về những trở ngại trong lao động sản xuất, những điều đã khiến cho con người Việt Nam phải liên kết lại với nhau chặt chẽ, tôn trọng cuộc sống cộng đồng hơn nhiều dân tộc trên thế giới.

Sự tôn trọng cuộc sống cộng đồng không phải là một đặc trưng chỉ có riêng ở xã hội Việt Nam, nhưng việc coi trọng lợi ích chung của cộng đồng như là chuẩn mực đạo đức đầu tiên và cao nhất, một lẽ sống của toàn bộ các cá nhân, các gia đình và toàn bộ dân tộc theo cách hiểu về Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiểu rằng mọi thành viên dân tộc đều được sinh ra từ một bào thai ban đầu và duy nhất, có trăm trứng, thì hiếm dân tộc nào trên thế giới lại như vậy.

Ở Việt Nam việc duy trì một cộng đồng xã hội chặt chẽ đã là nền tảng cơ bản của xã hội Việt Nam truyền thống. Trên cơ sở kinh tế của một chế độ sở hữu ruộng đất mang tính Nhà nước và cộng đồng, toàn bộ hoạt động xã hội, các thiết chế xã hội, việc điều hành và quản lý xã hội từ trung ương tới làng xã và gia đình, các chuẩn mực văn hóa, pháp lý và đạo đức đều được đặt trên nguyên tắc của tính cộng đồng. Các mục tiêu, nội dung và phương thức vận động của toàn xã hội đều xoay quanh cộng đồng. Có thể nói những đặc trưng của cái mà Mác gọi là "phương thức sản xuất châu Á", đều thể hiện khá đầy đủ và đậm nét ở Việt Nam nhưng với những cách thức riêng biệt.

Dân tộc trở thành một cộng đồng lớn bao gồm trong đó một tổng thể những cộng đồng - nhũng cộng đồng làng xã. Những cộng đồng làng xã lại bao hàm nhiều cộng đồng tộc họ và gia đình. Con người sinh ra, lớn lên và tôi luyện mình trong môi trường cộng đồng vừa là cộng đồng sinh sống nhỏ - cộng đồng gia đình, tộc họ rồi rộng hơn là cộng đồng làng xã, vừa là thành viên của một cộng đồng lớn nhất, cồng đồng dân tộc - Tổ quốc. Bởi vậy costheer nói rằng xã hội Việt Nam về thực chất là sự tổng hợp của những cộng đồng theo các cấp độ xã hội khác nhau về môi trường địa lý và môi trường xã hội. Sự phát triển hay trì trệ, mặt tiến bộ hay lạc hậu của xã hội đều gắn với những nguyên nhân có liên quan đến hoạt động  của các dạng thức cộng đồng nói trên.

Khi con người là một bộ phận của cộng đồng, thì mọi đặc điểm về nhận thức, tâm lý, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng cũng gắn liền với bản chất cộng đồng. Các chuẩn mực và định hướng nhân cách của con người cũng chính là sự tuân thủ những chuẩn mực và định hướng chung của cộng đồng. Bởi vậy, có thể nói, nhân cách cơ bản của con người Việt Nam là nhân cách cộng đồng, trong đó những nguyên tắc cao nhất trong cách xử lý mọi mối quan hệ cá nhân và xã hội là cá nhân phải phục tùng cộng đồng, con người phải vị tha và không vị kỷ, con người phải biết hy sinh quyền lợi bản thân vì quyền lợi chung của những người khác trong cộng đồng. Nhân cách này có thể được biểu hiện trong mỗi gia đoạn lịch sử, mỗi cá nhân cụ thể theo những cách thức, chuẩn mực và giáo lý đặc thù, nhưng những định hướng nhân cách cơ bản theo nguyên tắc "thương người như thể thương thân" là không thể thay đổi.

Chính vì "thương người như thể thương thân" mà việc phân xử mọi mối quan hệ xã hội đều phải đặt trên cơ sở tình cảm, có tình có lý nhưng cái tình thường phải đi trước. Đó chính là đặc điểm nhân cách của người Việt. Ngày nay, trong những điều kiện phân hóa xã hội của kinh tế thị trường chúng ta mới bàn bạc nhiều đến các chính sách xã hội, quan tâm đến những nhóm xã hội nghèo khổ khó khăn, nhưng chúng ta lại ít biết rằng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam, các chính sách này bao giờ cũng rất được chú ý. Lá lành đùm lá rách, để người xung quanh mình phải nghèo đói, khốn khổ cũng là một tội lỗi. Sử gia Phan Huy Chú miêu tả luật pháp xưa về vấn đề này như sau: "Trong các phường, các ngõ ở kinh thành và các làng mạc mà có người ốm đau không kẻ chăm nuôi, phải nằm ở đường, cầu, điếm, chùa, quán thì cho các quan phường xã đến nơi ấy làm lều cho họ, lại cấp cơm cháo thuốc men để cứu sống, không được ngồi nhìn, mặc họ rên rỉ đau khổ. Không may họ chết thì phải trình lên quan trên để tùy tiện chôn cất, không được để phơi lộ hài cốt. Làm trái, các quan phường xã bị xử biếm bãi. Nếu người đau ốm đến ở chùa quán không trình lên quan biết và không tùy tiện giúp nuôi thì cũng bị xử phạt".

Nhưng gia đình khó khăn, xã hội cũng phải có trách nhiệm giúp đỡ: "Những người góa vợ góa chồng, mồ côi và người tàn tật nặng, nghèo khổ không có người thân thích để nương tựa, không thể tự mưu sống được, quan y sở tại đáng phải thu dưỡng mà lại bỏ họ thì bị xử 50 roi, biếm một tư. Nếu có quần áo lương thực phải cấp cho họ mà quan lại rút bớt thì xử theo tội người giám thủ lấy trộm của công mà giảm bớt".

Nếu tính cộng đồng là đặc trưng cơ bản của xã hội và con người Việt Nam trong truyền thống lịch sử, thì nó cũng là cơ sở để xem xét và phân tích những đặc trưng của gia đình Việt Nam. Nguyên tắc "thương ngưởi như thể thương thân" trong cộng đồng cũng trở thành nguyên tắc ứng xử trong gia đình. Với tính chất là một thiết chế cơ bản của xã hội, việc tồn tại và phát triển các dạng thức gia đình Việt Nam truyền thống đều in đậm dấu ấn của xã hội cộng đồng. Nằm ở điểm giữa của mối quan hệ cơ cấu chức năng: cá nhân - gia đình - cộng đồng xã hội, gia đình mang cả những đặc trưng của xã hội cộng đồng lần những đặc trưng của nhân cách cộng đồng của cá nhân.

Trên thực tế, tính cộng đồng ở gia đình thể hiện ở hai mặt. Thứ nhất, gia đình là một bộ phận cấu thành của cộng đồng, hoạt động không chỉ cho mục đích tự thân mà còn chịu sự chi phối bởi những lợi ích cộng đồng. Thứ hai, theo chiều ngược hướng ngược lại, mô hình tổ chức hoạt động của gia đình lại được mở rộng trong cộng đồng, biến mọi tổ chức và hoạt động của cộng đồng thành tổ chức và hoạt động của một gia đình lớn. Tính cộng đồng của gia đình buộc việc thực thi các chức năng gia đình phải tuân thủ các giá trị cộng đồng, đặt nó vào vị trí cao nhất. Nghĩa vụ và trách nhiệm của gia đình không chỉ xoay quanh những nhu cầu và lợi ích của các thành viên trong gia đình mà còn là với làng xã và lớn hơn là dân tộc và Tổ quốc.

Bởi vậy thực tế lịch sử đã cho thấy, chừng nào mà viên đá tảng giá đình còn vững chắc thì chừng đó, các cấu trúc xã hội được xây dựng trên đó còn ổn định. Trong xã hội Việt Nam sự ổn định của các mối quan hệ gia đình, các giá trị gia đình đã giúp cho xã hội vượt qua nhiều sóng gió, có điều kiện phục hồi và chấn hưng sau những biến động phức tạp của chiến tranh và ly loạn. Và ngược lại, sự ổn định của cộng đồng xã hội lại là cơ sở để tạo dựng hạnh phúc gia đình, tạo dựng cái mô hình đẹp đẽ "chồng cầy vợ cấy, con trâu đi bừa" trong truyền thống.

Sự tôn trọng và tuân thủ tính cộng đồng là cơ sở cho việc hình thành các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống. Các giá trị này, hàm chứa trong đó bản chất nhân đạo của người Việt Nam và văn hóa gia đình Việt Nam. Nó thể hiện ở các mặt cơ bản sau đây:

Thứ nhất, sự tôn trọng gia đình, tôn trọng các quan hệ gia đình, đề cao hạnh phúc gia đình. Điều này không chỉ vì bản thân gia đình mà còn vì lợi ích chung của cộng đồng. Sự tôn trọng gia đình cũng buộc cộng đồng xã hội phải quan tâm và có trách nhiệm với gia đình. Mối quan hệ hai chiều giữa gia đình và cộng đồng xã hội vừa là nền tảng cho sự ổn định xã hội vừa là cơ sở và sự đảm bảo cho việc duy trì hạnh phúc gia đình.

Thứ hai, chuẩn mực cao nhất của hạnh phúc gia đình người Việt không phải là sự sang giàu mà là tình nghĩa. Trong văn hóa gia đình Việt Nam, hoạt động kinh tế, lao động sản xuất là cơ sở đầu tiên cho hạnh phúc gia đình. Người Việt yêu lao động, dẻo dai và cần cù trong lao động là để mưu cầu hạnh phúc, nhưng với họ, điều kiện vật chất chỉ là phương tiện mà chưa bao giờ lại được đề cao như là mục đích của hạnh phúc.

Lấy tình cảm là cơ sở để xử lý các mối quan hệ gia đình và xã hội, xem xét mọi vấn đề theo cảm tính nhiều hơn lý tính, người Việt đã tạo ra được một bộ mặt xã hội ôn hòa và khoan dung. Luật pháp quốc gia đôi khi bị đặt thấp hơn luật lệ con tim theo kiểu cách của vua Lý Thánh Tông khi xót thương cho bọn  phạm nhân trong tù: "Ta làm cha mẹ dân. Lòng yêu dân cũng như yêu con ta đây (chỉ vào công chúa Đổng Thiên đứng hầu bên cạnh). Nhân dân vì không biết mà sa vào hình phạt, ta rất thương. Từ nay về sau, không cứ tội nặng tội nhẹ, đều nên khoan hồng". Chính điều này đã được sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét như sau: "Xem đó thấy Thánh Tông thành thực thương dân, khoan rộng việc hình, cùng là vua tôi thân nhau, không ngăn cách trên dưới, phong độ trung hậu dễ dãi có thể tường thấy được. Cứ theo đạo ấy mà làm, thói dở đâu còn che lấp, dân tình đâu còn không thông. Thiên hạ đâu còn lo chẳng thịnh trị".

Tuy nhiên chính cách xử lý các vấn đề chỉ theo những nguyên tắc tình cảm cũng không chỉ tạo ra những ưu điểm mà còn cả những hạn chế. Hiện tượng nàng Mỵ Châu trong truyền thuyết, có "trái tim để trên đầu" đến nỗi đế nước mất nhà tan chỉ là một trong những sự nhắc nhở về những hạn chế này.

Thứ ba, coi tình nghĩa là cơ sở của hạnh phúc, người Việt truyền thống cũng coi trọng sự bình đẳng trong gia đình, đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng, coi trọng sự "thuận vợ thuận chồng". Từ quan hệ tình nghĩa trong gia đình, người Việt tôn trọng vai trò của người mẹ. Tục thờ mẫu trong truyền thống là bằng chứng nói lên đặc điểm này của gia đình Việt Nam.

Qua rất nhiều biến động của lịch sử, những tác động của các xu hướng và trào lưu tư tưởng từ bên ngoài đã có những thay đổi không nhỏ. Nhưng về bản chất, các gia đình dân ở Việt Nam vẫn còn giữ được những nét truyền thống bản địa vốn có nói trên.

GS Đặng Cảnh Khanh - GS Lê Thị Quý

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính