Mở đầu là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thùy Dương (36 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) có "bí kíp" để trong 7 năm chị sinh và nuôi 4 con khỏe mạnh, đáng yêu và mẹ thì vẫn được “vừa làm mẹ, vừa làm chính mình”.
Chị Thuỳ Dương sinh con đầu lòng năm 2015, khi ấy chị 27 tuổi. Sau đó, cứ xấp xỉ 2 năm một, anh chị lại sinh thêm một bé. Năm nay, cậu con trai lớn của anh chị lên 9 và cậu bé út mới 2,5 tuổi.
Chị chia sẻ: “Mình đã có hành trình nuôi các con nhỏ rất vui vẻ và đó là những trải nghiệm tuyệt vời để mình và các con gắn bó, đồng hành cùng nhau”.
PV: Đa số các bố mẹ trẻ hiện nay lựa chọn chỉ sinh 1 – 2 con, vì sao anh chị lại chọn mô hình “nhà đông con” và sinh liền 4 bé chỉ trong 7 năm?
Chị Thùy Dương: Sinh ba bé đầu tiên nằm trong kế hoạch của hai vợ chồng vì cả hai vợ chồng đều rất yêu con và rất thích nhà đông con. Còn bé thứ tư là “nhỡ” kế hoạch.
Khi “nhỡ” cậu bé út, mới đầu vợ chồng mình không nói với ai mà tự hỏi bản thân những câu hỏi: Thêm con thì cuộc sống gia đình sẽ như thế nào, mình có thể sắp xếp được cuộc sống có tới 4 đứa con không, có vượt qua được những khó khăn của một gia đình đông con không, 3 con đầu sẽ như thế nào khi có một thành viên mới…
Bản năng của người mẹ và tình yêu lớn dành cho con đã cho mình suy nghĩ sẽ nuôi con tốt và rất tin tưởng sẽ làm được.
Khi bầu bé út được 6 tháng, vợ chồng mình thông báo cho mọi người trong gia đình cũng như bạn bè, đồng nghiệp thì cũng nhận được rất nhiều lời góp ý, lo lắng khi sinh bé thứ tư nhưng bản năng làm mẹ khi ấy rất mãnh liệt nên mình vẫn quyết định sinh con. Kết quả là vợ chồng mình hiện đang có 4 bé, mình vẫn hay nói đùa như một nhà trẻ vậy, nhiều lúc hỗn loạn nhưng cũng đầy niềm vui.
PV: Mỗi lần sinh thêm con có điều gì mà chị lo lắng nhất?
Chị Thùy Dương: Vì mình sinh liền, 7 năm 4 bạn, nên mỗi khi sinh thêm một em, thì anh chị lớn cũng vẫn còn rất nhỏ, rất bám mẹ. Ví dụ như khi mình sinh bé thứ hai, khi đó bạn đầu tiên mới 2 tuổi, vẫn giằng em ra không cho ti mẹ. Hay khi sinh bạn thứ ba, thì hai bạn đầu vẫn rất nhớ mẹ, vẫn muốn ngủ với mẹ.
Mình không muốn là khi có em sinh ra thì những người anh chị lại không thích em vì phải san sẻ tình yêu của mẹ với em. Mình đã kéo các con lớn vào cùng mẹ chăm em, để trong quá trình chăm em, các anh chị lớn sẽ thấy là em rất đáng yêu.
Mẹ và anh chị cùng chăm sóc em, cho em ngủ, cho em ăn. Khi em ngủ, mẹ ôm anh chị vào lòng, nói lời yêu thương. Mình tìm những khoảnh khắc trong ngày để gắn kết mẹ với các con lớn, anh chị lớn với người em mới sinh ra.
PV: Điều khác nhau khi có 1 bé và 4 bé là gì?
Chị Thùy Dương: Vợ chồng mình vẫn thường đùa với nhau: "Một con thì vất hơn nhà… 4 con".
Có thể khi mọi người nghe tới nhà có 4 đứa trẻ sẽ có rất nhiều vấn đề, như ồn ào tới mức mệt mỏi nhưng với nhà mình, vấn đề lớn nhất lại là khi trong nhà chỉ có một bé.
Mình nói thế là vì trong nhà sẽ có khoảng thời gian như hè hoặc trước dịp Tết, ba bé được về quê nội hoặc quê ngoại chơi, còn một bạn sẽ ở nhà cùng bố mẹ. Khi đó, vợ chồng mình thấy thà nuôi 4 đứa còn thấy dễ hơn… nuôi 1 đứa.
Bởi vì khi có 4 anh em ở cùng nhau, chúng tự tạo nên một “cộng đồng” tự chơi với nhau, bố mẹ hầu như có thời gian để thoải mái làm việc nhà thậm chí thư giãn như đọc sách, xem ti vi…
Còn khi chỉ có một bạn ở nhà thì bạn ấy trống vắng, chơi một mình mãi cũng buồn, chán, thế là đòi hỏi bố mẹ chơi cùng, cứ 5 phút lại bố ơi, rồi mẹ ơi, nảy sinh rất nhiều nhu cầu của bản thân con, đòi hỏi bố mẹ lúc nào cũng phải ở bên.
PV: Hành trình chăm con sơ sinh từ bé đầu tiên tới bé thứ tư của chị có vất vả không và chị đã vượt qua như thế nào?
Chị Thùy Dương: Nhiều điều đáng nhớ nhất khi các con trong giai đoạn sơ sinh là giai đoạn 3 tháng tuổi của bạn đầu tiên. Lần đầu làm mẹ, mình đã chuẩn bị trước rất nhiều những điều mà mình được nghe, được đọc trong "sách vở" là sẽ tốt nhất cho con như: cho con ăn những cữ nào mới là tốt nhất, con ngủ giờ nào mới khỏe rồi theo phương pháp nọ, phương pháp kia...
Nhưng mọi thứ không diễn ra như mình đã nghĩ. Tuần đầu sau sinh mình bị tắc tia sữa đau nhức. Tuần tiếp theo từ viện về nhà, khi sữa đã thông thì loay hoay mãi làm sao con bú được vào khớp và tia sữa mạnh thì con không bị sặc. Sang tháng thứ 3, cứ 2-3 giờ sáng là con dậy khóc, khóc rất lâu khiến mình vô cùng lo lắng, thậm chí bị stress. Ông bà ở quê dùng đủ hèm nhưng không ăn thua. Và mình nhận ra hình như mình có dấu hiệu của trầm cảm sau sinh, mình đã chia sẻ với mọi người, nhờ sự giúp đỡ.
Với sự giúp đỡ của mọi người, mình nhận ra việc khóc đêm của con là vấn đề sinh lý, một khoảng thời gian sau con sẽ tự hết. Do vậy, mình không quá lo lắng nữa, mình cùng mẹ chồng chăm con ban đêm, ban ngày mình tranh thủ ngủ lấy lại sức, tập thiền và chăm sóc bản thân.
Đến ba bé sau, mình rút kinh nghiệm từ bé đầu, mình thả lỏng, chuẩn bị nhẹ nhàng và đơn giản nhất trong mọi vấn đề khi chăm con, từ yếu tố tinh thần tới dinh dưỡng của con, dinh dưỡng của mẹ, các lịch sinh hoạt.
Mình nương theo con, thoải mái trong tinh thần giúp mình không bị gò ép, căng thẳng khi chăm ba bé sau. Mình thấy, thoải mái tinh thần là yếu tố đầu tiên để mẹ muốn nhàn mà nuôi con khỏe mạnh.
PV: Chị đánh giá như thế nào về các phương pháp chăm con mà nhiều bà mẹ hiện nay áp dụng?
Chị Thùy Dương: Đó đều là những phương pháp khoa học được viết nên bởi những chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này với mục đích giúp cho hành trình nuôi con của các bà mẹ được nhẹ nhàng hơn. Nếu mẹ nào áp dụng thành công thì đó cũng là điều tuyệt vời cho cả mẹ và bé.
Còn với nhà mình, cả 4 bé mình nuôi con cũng rất đơn giản, từ việc cho con bú, đến khi con ăn dặm mình đều nương theo con. Ví dụ như khi từ 0 - 6 tháng, mình có sữa đủ cho con ăn, sau đó đến thời kỳ ăn dặm, mình cho con ăn thử những loại đồ ăn, thực phẩm đủ dinh dưỡng phù hợp với con và con thích loại đồ ăn nào đó, con khỏe mạnh, phát triển thì mình sẽ cho con ăn những thức ăn đó.
Mình nghĩ rằng không có một phương pháp nào là sẽ đúng cho tất cả các con mà mỗi đứa trẻ sẽ có một sự đáp ứng khác nhau với phương pháp mà mẹ đưa ra. Mặc dù có những phương pháp nuôi con là rất tốt, rất khoa học nhưng nếu con không đáp ứng, tức là không phù hợp với con thì mẹ nên đổi sang phương pháp khác phù hợp với con.
Mình cho rằng, khi chăm con, mẹ không nên gò ép theo những cái gọi là tốt nhất nhưng không phù hợp với con mà nên nương theo con để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với con để hai bên hợp tác với nhau thì khi đó con cũng được chăm khỏe mạnh và mẹ thì nhàn hơn, thoải mái hơn. Phù hợp chính là từ khoá thứ hai mình chọn để chăm con không bị căng thẳng, áp lực.
Ví dụ khi con ăn dặm, nếu theo một phương pháp nào đó thì con phải ăn khẩu phần cơm, khẩu phần rau nào đó dù con không hợp tác. Mẹ thì cứ cố gắng để con ăn nên hai mẹ con phải “vần vò” nhau rất lâu mà vẫn không hiệu quả, con không có những bữa ăn vui vẻ, ngon miệng.
Khi đó mẹ hãy chuyển sang phương pháp khác. Sự thoải mái trong tinh thần của con cũng là điều quan trọng để con tiếp nhận mọi thứ và gắn kết mẹ và con.
PV: Vấn đề dinh dưỡng và vi chất để con khỏe mạnh được chị chú trọng như thế nào?
Chị Thùy Dương: Mình quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng và các vi chất vì đây là các yếu tố quyết định cho sự phát triển của các con. Tuy nhiên, mình không áp đặt cứng nhắc việc thực hiện dinh dưỡng và bổ sung vi chất mà sẽ theo cơ thể của con và sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tiêu chí của một đứa trẻ khỏe mạnh với mình đó là con ăn ngon miệng món con lựa chọn, con nhanh nhẹn, hoạt bát, không bệnh tật. Chứ mình không đặt ra tiêu chí con phải mập mạp hay cao bao nhiêu theo tiêu chuẩn nào đó. Do vậy, mình tôn trọng nhu cầu ăn uống của con. Từ giai đoạn ăn sữa mẹ, sữa công thức, tới ăn dặm và ăn thô.
Ví dụ như vấn đề con ăn sữa công thức. Mình có quan niệm rất cởi mở về việc sử dụng sữa công thức cho các con. Đó là khi sữa mẹ không đủ, hoặc đến khi mẹ đi làm trở lại, mình cho con ăn thêm sữa bột để con no, khi đó con ngoan và cũng được bổ sung vi chất từ sữa bột.
Hay vấn đề bổ sung vi chất, mình đưa con khám dinh dưỡng định kỳ, từ đó bổ sung các vi chất như canxi, vitamin A theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt là cậu con trai lớn, con tập luyện thể thao nên mình chú trọng việc khám dinh dưỡng và bổ sung canxi cho con.
PV: Trên Facebook cá nhân của chị có rất nhiều hình ảnh các chuyến đi chơi của cả gia đình, đặc biệt là khi các con còn rất nhỏ. Mỗi chuyến đi như vậy chắc cũng có những vất vả?
Chị Thuỳ Dương: Vợ chồng mình cùng có sở thích đi du lịch nên luôn cố gắng đưa các con đi chơi, khám phá để đưa các con đến gần hơn với thế giới bên ngoài.
Chuyến đi mà mình nhớ nhất là khi bé thứ tư mới bốn tháng rưỡi, cả nhà đi Lô Lô Chải - kết hợp vừa đi chơi vừa đi thăm học sinh của ngôi trường còn rất nhiều khó khăn ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Có một số khó khăn như chuyến đi năm đó đúng vào thời tiết rất lạnh, có bé thứ ba bị say xe bởi cung đường cua từ TP Hà Giang vào tới Lô Lô Chải. Nhưng các con đều vượt qua hết, có trải nghiệm rất tuyệt vời khi được sống, được hiểu và biết chia sẻ cùng các bạn nhỏ ở đây.
Hay như chuyến đi gần đây nhất là lên Sơn La 3 ngày. Các con hào hứng leo núi, thậm chí các con còn kéo mẹ lên bằng sự động viên rất dễ thương "Mẹ cố lên, chúng con lên được rồi"... Và mỗi chuyến đi về, các con lại đầy ắp những trải nghiệm, những kỷ niệm đẹp với những vùng đất mới, con người mới. Từ đó tâm hồn, vốn sống của các con được bồi đắp rất phong phú.
Để làm được điều này, đầu tiên là các con phải khỏe, khỏe về thể lực và khỏe cả tinh thần. Còn mình thì sẽ phụ trách việc sắp xếp lịch trình. Chuyến đi nào cũng rất vui!
PV: Vừa đông con, mà con lại còn nhỏ nhưng chị thường xuyên đi công tác dài ngày, chị động viên các con như thế nào để vượt qua thói quen có mẹ bên cạnh mỗi ngày?
Chị Thuỳ Dương: Mình cho rằng mỗi người mẹ không nhất thiết phải hy sinh, đánh đổi tất cả vì con mà mình nghiêng về hướng mẹ con sẽ hiểu và đồng hành cùng nhau, từ khi con còn nhỏ.
Một người mẹ khi sinh con sẽ có rất nhiều biến đổi về tâm lý. Và khi quay lại công việc cũng đòi hỏi người mẹ sắp xếp và cân bằng lại. Tùy từng giai đoạn, người mẹ sẽ lựa chọn phù hợp để tốt cho cả mẹ, cả con. Khi muốn thì người mẹ sẽ hoàn toàn sắp xếp được chứ không phải đánh đổi như kiểu phải dừng lại những chuyển đi công tác, đắn đo sự phát triển trong công việc...
Thêm nữa, mình luôn nghĩ rằng, trong hành trình nuôi con, bố mẹ chăm con nhưng cũng là quá trình con phải tự lớn lên, và có những thử thách con phải tự đối mặt, tự giải quyết. Kể cả từ việc sinh thêm một em ra, người anh người chị phải chấp nhận việc mẹ san sẻ thời gian, sự quan tâm chăm sóc dành cho em. Đấy cũng là vấn đề mình buộc con phải đối mặt và con vượt qua vì mẹ ko thể bao bọc mãi được.
Vấn đề đi công tác cũng vậy, mình thẳng thắn với các con rằng công việc của bố mẹ là như vậy. Bố mẹ sẽ có những khoảng thời gian phải đi công tác. Trước khi đi công tác, mình luôn nói với các con: Mẹ phải đi công tác vài ngày, mẹ sẽ rất nhớ các con, các con cố gắng ở nhà học hành và ngoan. Xong về mẹ con mình lại gặp nhau và chơi với nhau, lại rất yêu thương nhau. Mẹ cũng đang cố gắng đấy vì mẹ rất nhớ các con nhưng mẹ sẽ cố vượt qua nên các con cũng hãy cố gắng mấy ngày. Mình nghĩ việc nuôi con và đồng hành cùng con là cả 2 bên đều phải tự vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Điều đó là cần thiết trong hành trình của con.
Công việc truyền thông của mình rất hay phải đi công tác dài ngày. Do vậy, các con đã quen với việc thỉnh thoảng mẹ lại vắng nhà 5 - 7 ngày. Thậm chí, trong 4 bé, có bé còn đi công tác cùng mẹ từ khi còn trong bụng mẹ. Bạn ấy mới được 5 - 6 tháng nhưng đã bay cùng mẹ vào tận Đà Nẵng, cùng mẹ làm sự kiện dưới thời tiết nắng nôi 38 – 39 độ…
Tất nhiên, khi quyết định như vậy, mình phải đặc biệt chú ý tới sức khỏe của mình, những biểu hiện của con trong bụng. Đến khi sinh bé ra, được 6-7 tháng, mình lại dẫn con đi công tác cùng mẹ, có bà nội đi cùng. Khi tới nơi làm việc, mình sắp xếp thời gian hợp lý để con ăn, con ngủ, mình làm việc và khoảng thời gian ba mẹ con bà cháu chơi với nhau…
Đến nay, việc mình đi công tác đã thành quen thuộc với cả nhà, với các con. Việc này cũng giúp các con hiểu hơn công việc của mẹ và biết chia sẻ với sự vất vả của mẹ. Bên cạnh đó cũng giúp mình yên tâm với sự tự lập của các con.
PV: Sự hỗ trợ từ gia đình, người thân có giúp chị nhàn hơn trong chăm sóc con?
Chị Thuỳ Dương: Điều đó là đương nhiên rồi. Mình may mắn có bà nội, bà ngoại hỗ trợ. Nhưng mình muốn nhấn mạnh tới điểm tựa lớn nhất của người phụ nữ sau sinh chính là người chồng.
Quá trình mới sinh xong, người phụ nữ rất nhạy cảm nên nếu được người chồng hãy ở bên cạnh người vợ và chia sẻ với vợ trong việc chăm con.
Có thể công việc bận rộn nhưng hãy thể hiện sự quan tâm tới vợ từ câu nói tới những hành động nhỏ nhất hàng ngày. Một người chồng biết quan tâm, yêu thương vợ thực sự là một điểm tựa rất lớn của người phụ nữ sau sinh và sẽ giúp cho hành trình chăm con của cả 2 mẹ con đượckhỏe mạnh, vui vẻ.
Do đó, mình vừa được làm mẹ tuyệt vời cũng vừa được sống cùng đam mê, cống hiến cho công việc để mọi thứ phát triển tốt hơn. Hành trình làm mẹ 4 con của mình cũng vì những điều trên mà trở nên vui vẻ, ý nghĩa và hạnh phúc!
Nội dung: Việt Hưng Thiết kế: Trang Đặng