GS.TS - Thầy thuốc nhân dân Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện (BV) E được mệnh danh là người thầy thuốc tài giỏi có "bàn tay vàng" vá lành nhiều trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em mắc tim bẩm sinh.
Ông còn ghi dấu ấn trên bản đồ y khoa thế giới với phương pháp mổ nội soi hoàn toàn với 4 lỗ trocart vá thông liên nhĩ và được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Ông là người tiên phong làm BV E “lột xác” trở thành một địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân trong và ngoài nước.
Hiện ông còn là Chủ tịch Hội phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết cơ duyên nào ông lại chọn chuyên ngành tim mạch cũng như chuyên tâm hơn đến đối tượng trẻ bị dị tật tim bẩm sinh?
-GS.TS - Thầy thuốc nhân dân Lê Ngọc Thành: Tôi vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống là nghề y ở Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội) khi cả cụ nội và bà nội đều làm nghề y. Vì thế, ngay từ nhỏ, tôi thấm dần được nghiệp y cũng như chứng kiến nhiều nỗi đau do bệnh tật của không ít bệnh nhân nghèo.
Suốt những tháng năm trên giảng đường Đại học Y Hà Nội, tôi luôn có khát vọng trở thành người thầy thuốc giỏi, cứu chữa được nhiều người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo.
Tốt nghiệp Đại Học Y Hà Nội năm 1984, tôi làm bác sĩ Nội trú BV Việt Đức- Đại học Y Hà Nội khoá 11 (1983-1987), ngày sau khi tốt nghiệp bác sĩ Nội trú tôi được nhận về công tác tại khoa Tim mạch - BV Việt Đức và được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Tim mạch & phẫu thuật lồng ngực năm 2004.
Với cương vị một bác sĩ, hàng ngày vẫn phải chứng kiến cảnh nhiều cháu bé chết vì bị mắc bệnh tim bẩm sinh, tôi dường như thấy mình “mắc nợ” nhiều lắm.
Lúc đó, tôi luôn tự hỏi: vì sao ngành phẫu thuật Tim của nước nhà chưa thể thực hiện thường qui được những ca mổ đối với trẻ nặng dưới 10kg, đặc biệt ở Bv VĐ, cho đến 2005 chưa thể thực hiện được?
Đi tìm câu trả lời này, sau 4 lần sang Pháp tu nghiệp (1989, 1993, 1997, 2005), tôi đã quyết tâm học bằng được kỹ thuật này từ người thầy - Bs Yves Lecompte-một phẫu thuật viên Tim bẩm sinh hàng đầu thế giới.
Nhờ vậy, tháng 9 năm 2005, sau gần 40 năm thực hiện phẫu thuật tim mạch, BV Việt Đức đã thành công trong việc mổ tim cho trẻ nặng dưới 10 kg. Từ ca mổ tim trẻ em thành công này đã mở ra cơ hội sống cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Đây cũng là lý do tôi chuyên tâm chọn lĩnh vực này…
Là một người thuận tay trái, trong khi một trong những tiêu chí cần và đủ đối với bác sĩ khoa ngoại thời bấy giờ là: Phải thuận tay phải và tay không có mồ hôi. Ông đã phải làm thế nào để trở thành người có “bàn tay vàng” trong việc mổ can thiệp?
- Năm thứ 2 khi đi thực tập tại BV Bạch Mai, tôi đã thích Ngoại khoa. Tuy nhiên do thuận tay trái nên tôi phải tập sử dụng tay phải. Ban đầu tập tay phải đánh răng, tập lấy kéo cắt, tập cầm kim tiêm đều bằng tay phải. Tôi kiên trì rèn luyện đến 4 năm thì thành thạo để thi tuyển vào bác sĩ nội trú.
Nghĩ lại mà tôi thấy thương những bệnh nhân từng bị tôi tiêm bắp lúc tôi luyện tay thuận! Chắc họ đau lắm mà không dám kêu ca!
Không chỉ điều trị và vá lành trái tim cho người bệnh, cứ mỗi dịp cuối tuần ông lại cùng các bác sĩ trẻ đi khám sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ em ở khắp các vùng quê của mọi miền Tổ quốc. Sau những lần khám đi tầm soát như vậy, ông chiêm nghiệm ra điều gì?
- Những bước chân của các bác sĩ BV E đã in dấu ở rất nhiều tỉnh thành: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên...
Sau mỗi chuyến đi đó, tôi chiêm nghiệm ra được điều quý báu trong cuộc sống: “Hãy dạy bác sĩ trẻ cách làm người trước khi làm nghề”.
Bởi vì, những lần đi khám như thế này không chỉ giúp y bác sĩ chúng tôi nâng cao trình độ chuyên môn, mà còn thêm thương yêu và cảm thông với người bệnh, đồng thời quyết tâm mang lại nhịp đập hoàn thiện đến cho những trái tim khiếm khuyết.
Ông có thể chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ khi “tự nguyện” mổ miễn phí cho một trẻ mắc tim bẩm sinh nhiễm HIV… Hành động này của ông đã lan tỏa một bài học sâu sắc về y đức mà Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn thường nhắc tới…
- Ồ, vậy à! (cười). Tôi còn nhớ cách đây vài năm, có một cháu bé mắc tim bẩm sinh nhưng bị nhiễm HIV từ mẹ. Thay vì được tiếp nhận vào điều trị bệnh, cháu đã bị một số cơ sở y tế từ chối điều trị và phẫu thuật vì e ngại lây nhiễm...
Sau một lần bệnh của cháu tái phát nặng, bà của cháu viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu cứu… Bộ trưởng điện cho tôi. Tôi đã hội ý với ban lãnh đạo và nhanh chóng ca phẫu thuật miễn phí cho cháu bé được tiến hành ngay lập tức với với sự tham gia mổ trực tiếp của tôi.
Sau đó, tôi và các đồng nghiệp đã cùng nhau góp một ngày lương và kêu gọi các nhà hảo tâm cùng góp kinh phí để cháu bé được tiếp tục an tâm điều trị…
Ông được biết đến là một trong những người sáng lập chương trình “Trái tim cho em”. Những ca mổ tim cho bệnh nhân thường có chi phí không nhỏ, Trung tâm tim mạch đã làm thế nào để mổ được cho nhiều người hơn?
- Tôi nhớ mãi ngày đầu khai trương Trung tâm tim mạch, để có tiền phẫu thuật cho trẻ em mắc tim bẩm sinh. Bên trong phòng mổ, tôi cùng các bác sĩ phẫu thuật vá lành trái tim cho các con và bên ngoài các ca sĩ vẫn cất tiếng hát để quyên góp tiền ủng hộ.
Nay, nhờ có nhiều quỹ hỗ trợ như Trái tim cho em, VinaCapital... và nhiều nhà hảo tâm khác nên người bệnh mắc bệnh tim mạch có cơ hội được phẫu thuật nhiều hơn. Thông qua các quỹ hỗ trợ này, tôi đã “từ chối” tiền mặt mà đàm phán “đổi” lấy máy móc, trang thiết bị và đào tạo nâng cao tay nghề cho bác sĩ phẫu thuật...
Từ ca mổ đầu tiên thành công cho một bệnh nhân 4 tháng tuổi, nặng 6kg ở Hoài Đức (Hà Nội), bị tim bẩm sinh nặng đã tạo tiền đề cho hành trình để tôi thắp lên đốm lửa đầu tiên, cùng xã hội chung tay vì một “Trái tim cho em”.
Mỗi năm, nước ta có tới 15 nghìn trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số đó được phẫu thuật, can thiệp kịp thời. Con số 10.000 bệnh nhi còn lại cần phẫu thuật tim mỗi năm để giành lại sự sống đã và sẽ là nỗi trăn trở của những thầy thuốc giỏi y nghiệp, sáng y đức như GS. TS Lê Ngọc Thành.
Phải chăng vì nhìn thấy sự tâm huyết này của ông mà nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đề nghị ông về thành lập và điều hành Trung tâm Tim mạch, BV E vào tháng 8 năm 2009- nơi ông có cơ duyên trả “nợ” nghiệp duyên với người bệnh mắc tim mạch, đặc biệt là với trẻ bị dị tật tim bẩm sinh hay không?
- Đúng vậy! Nhiều người nói với tôi, dù là người sinh ra với một trái tim khỏe mạnh nhưng không hiểu sao tôi lại có thể cảm giác được cái “đau ở trái tim” của bệnh nhân.
Nhưng đối với cá nhân tôi, nỗi đau lớn nhất trong đời làm bác sĩ của tôi là chứng kiến nhiều cháu bé chết mà không làm gì được.
Đã có rất nhiều cháu tử vong trong khi xếp hàng chờ được mổ. Làm sao để không còn trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh vì nghèo mà không được phẫu thuật? Đây cũng chính là lý do cho sự ra đời Trung tâm tim mạch, BV E.
Ký ức những ngày đầu thành lập Trung tâm Tim mạch, BV E trong ông như thế nào?
- Vạn sự khởi đầu nan, tôi đã dồn hết tâm sức cho chuyên ngành tim mạch, vừa trực tiếp phẫu thuật, vừa đào tạo nhân lực và tìm kiếm nguồn tài trợ để nơi đây trở thành mái nhà thắp lên niềm tin cho bệnh nhân tim mạch.
Những năm qua, Trung tâm thực hiện hàng chục nghìn ca phẫu thuật tim cho bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi từ sơ sinh 1 tháng tuổi đến những cụ già sắp bước sang tuổi 90, có những bệnh nhi nặng chỉ 2,5 kg vẫn được phẫu thuật thành công.
Trung tâm Tim mạch BV E giờ là địa chỉ tin cậy của những người mắc bệnh về tim mạch. Tuy nhiên để mọi người có được cơ hội phẫu thuật tim mạch rất cần sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là sự quan tâm của truyền thông.
Trong quá trình phát triển của BV E, chắc hẳn ông vẫn còn nhiều điều trăn trở?
- Tôi đã “đấu tranh” để làm sao giành được giành suất xây dựng BV đạt tiêu chuẩn 4-5 sao. Sao cứ nghĩ BV tư nhân hoặc liên doanh mới có thể làm điều này. Bệnh nhân cứ dồn lên các BV tuyến trung ương như BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Nhi trung ương… trong khi các tuyến dưới ngồi “chơi”.
Bởi vì, hệ thống khám chữa bệnh tuyến dưới từ cấp xã phường hoạt động không hiệu quả, gây lãnh phí.
Tôi thiết nghĩ ngành y tế nên chăng xây dựng hệ thống các BV khu vực thật hoành tráng, quy tụ các bác sĩ y tá giỏi, đầu tư trang thiết bị hiện đại... để khám chữa bệnh cho người dân bớt khổ. Và tôi đang muốn xây dựng BV E theo mô hình như vậy!
Đó là chưa nói đến việc chảy máu chất xám, ngoại tệ, lãng phí nhân lực trình độ cao… Trong tương lai gần, chúng ta sẽ xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” tại chỗ.
Chỉ khoảng 5-7 năm nữa, các BV tư nhân có liên doanh với nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài sẽ hình thành và phát triển. Họ sẽ nhanh chóng thu hút các bác sĩ có tay nghề giỏi cùng nhiều bệnh nhân về đó. Lúc đó, chúng ta không chỉ chảy máu chất xám mà sẽ còn mất cả tiền bạc nữa, trong khi dịch vụ đó chúng ta có thể phải làm chủ được hoàn toàn.
Gần đây, BV E trở thành một địa chỉ quen thuộc của những người bị bệnh tim. Ông có thể nói gì về thương hiệu BV E trong thời điểm hiện nay?
- Đúng vậy! Sau năm 7 hoạt động, Trung tâm tim mạch đã phát triển thành một trung tâm tim mạch hoàn chỉnh gồm nội khoa, phẫu thuật và can thiệp tim mạch. Hiện bệnh nhân ở các tuyến khác chuyển về BV E rất nhiều, bởi các kỹ thuật khó đã được các bác sĩ làm chủ được. Như về tim mạch, ngoài mổ và can thiệp thông thường, Trung tâm tim mạch BV E đã cập nhật được những kỹ thuật thế giới đang làm, thậm chí cả những cái thế giới chưa có những báo cáo ghi nhận thực hiện.
Đặc biệt, Trung tâm trở thành cơ sở đầu tiên trong cả nước triển khai thường quy kỹ thuật mổ Tim hở nội soi hỗ trợ và Nội soi toàn bộ như: thay van tim 2 lá, vá thông liên nhĩ, U nhầy trong Tim, Thông sàn Nhĩ thất bán phần... cùng với phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim, vá Thông liên thất... cho người bệnh.
Nhờ đó, người bệnh khi mổ không còn bị cưa xương ức, sau mổ ít đau hơn, hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng và ra viện sớm hơn so với biện pháp mổ mở kinh điển.
Số lượng người bệnh đến khám chữa bệnh tại BV đều tăng lên hàng năm. Trung bình mỗi năm BV khám và điều trị gần 300 nghìn lượt bệnh nhân ngoại trú và hơn 20.000 bệnh nhân nội trú.
Điều gì đã giúp cho BV E có được sự thay đổi mang tính đột phá đến như vậy, thưa ông?
- Phải kể đến sự giúp đỡ GS Shunji Sano – chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tim bẩm sinh ở trường đại học Okyama (Nhật Bản), từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã phát triện được đội ngũ bác sĩ giỏi, tay nghề cao thực hiện được các phẫu thuật phức tạp như tim một thất, bất thường trở về tĩnh mạch hệ thống, hội chứng Shone, thân chung động mạch toàn bộ, bán phần, cửa sổ chủ phế... làm chủ các kỹ thuật phức tạp như phẫu thuật Ross, Switch, Fontant.., với gần 10 ngàn ca được phẫu thuật thành công.
Điều đặc biệt, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ của khoa cấp cứu BV E và đơn vị can thiệp mạch vành Trung tâm tim mạch đã cấp cứu thành công nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trong vòng 30 phút - thời gian vàng để can thiệp cứu quả tim của bệnh nhân...
Cao điểm, đã từng có một ngày, các bác sĩ ở đây đã nghẹt thở giành giật sự sống cho 8 bệnh nhân nhồi máu cơ tim và 3 bệnh nhân đặt máy tạo nhịp cấp cứu trong tình trạng cấp cứu rất nặng, thậm chí có nhiều bệnh nhân đã ngừng tim được cấp cứu tim đập trở lại , thở máy... sau đó các bác sĩ tiến hành can thiệp, phẫu thuật.
Bệnh viện E “thay da đổi thịt”
BV E được xây dựng mới khang trang, sạch sẽ và trang thiết bị hiện đại và đã “lột xác” khi triển khai dự án xây dựng khoa khám bệnh và điều trị ngoại trú hiện đại theo tiêu chuẩn có quy mô 50 buồng khám bệnh.
BV được trang thiết bị máy móc tiên tiến, đội ngũ y bác sĩ tay nghề, đáp ứng được 2.000 lượt khám ngoại trú/ngày với tổng mức đầu tư là 358 tỉ đồng và hoàn thành vào năm 2018, hứa hẹn giải quyết tận gốc tình trạng quá tải và tạo môi trường khám chữa bệnh thân thiện với người bệnh.
Cảnh quan của BV luôn xanh - sạch - đẹp giống như công viên với hàng cây xanh mướt, vườn hoa khoe sắc thắm, ghế đá…
Xây dựng một BV xanh - sạch - đẹp, thân thiện với người bệnh. BV cũng vừa đưa khu lưu trú cho người nhà bệnh nhân vào sử dụng. Xóa đi hình ảnh người nhà bệnh nhân vì tiết kiệm chi phí hoặc không đủ tiền để thuê nhà trọ tư nhân cạnh bệnh viện.
Ông đã từng chia sẻ về những băn khoăn về quỹ BHYT cho việc khám chữa bệnh của người dân…
- Theo tôi Nhà nước phải quản lý BHYT, bởi đang có thực trạng BHYT phân theo tuyến, đã sinh ra tệ nạn, các bệnh viện tuyến dưới giữ bệnh nhân lại mà không chuyển bảo hiểm lên tuyến trên.
Hãy coi BHYT giống như thẻ ATM, có nghĩa là người bệnh tự biết mình có bao nhiêu tiền, và tiêu hết bao nhiêu. Các cơ quan chức năng nên xây dựng gói dịch vụ cho từng loại bệnh ở từng tuyến cụ thể, nếu bệnh đó ở tuyến huyện được quỹ BHYT chi trả 100%; lên tuyến tỉnh: quỹ BHYT chi trả 60%, người bệnh đồng chi trả 40%; lên tuyến trung ương: tỷ lệ là 80% và 20% chẳng hạn…
Người bệnh có thẻ BHYT có quyền được khám, điều trị ở bất kỳ cơ sở y tế nào vì luật đã quy định như vậy.
Tại sao lại chia đầu thẻ BHYT đăng ký khám ban đầu cho từng bệnh viện? Tôi nghĩ cần xóa bỏ điều này. Bởi vô cùng nguy hiểm khi chia đầu thẻ BHYT cho các cháu nhỏ từ 0-16 tuổi cho một bệnh viện y học cổ truyền không có chuyên khoa nhi… Chẩn đoán, điều trị sai “sẩy một ly đi một dặm”, có thể phải trả giá bằng tính mạng của cháu bé.
Nhiều người nói ông quá thẳng thắn khi chia sẻ quan điểm về đào tạo bác sĩ hiện nay…
- Người ta vẫn nói, nghề Y là nghề đặc thù với việc đào tạo cơ bản 6 năm. Để trở thành bác sĩ có tay nghề, họ vẫn tiếp tục phải học thành bác sĩ nội trú, Thạc sĩ, Tiến sĩ… Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ của bác sĩ không có bất kỳ “đặc biệt” nào. Thậm chí, một số chính sách của các bộ ngành gây cản trở quá trình học tập của thầy thuốc.
Ở Việt Nam, một số người đang "ngộ nhận" cứ học xong đại học là trở thành... bác sĩ ngoại khoa.
Đơn cử, như câu chuyện bác sĩ nội trú bị từ chối thi nghiên cứu sinh. Bác sĩ nội trú là hệ đào tạo đặc thù của ngành y so với các ngành đào tạo khác. Thi tuyển ngặt nghèo, học tập gian khổ, khắc nghiệt... nhưng họ lại bị từ chối thi nghiên cứu sinh là một sự thiệt thòi rất lớn…
Hay như việc đào tạo bác sĩ chuyên tu hay tại chức để khám chữa bệnh tôi nghĩ là không nên có hệ đào tạo này, nhất là chuyên ngành ngoại khoa. Đào tạo theo hình thức chuyên tu hoặc tại chức chỉ tồn tại trong thời kỳ trước đây chứ ở nước ngoài, để thành một bác sĩ ngoại khoa, sau khi tốt nghiệp đại học, người thầy thuốc đó phải có 3 - 5 năm mổ chung tất cả các loại bệnh, sau đó 3- 5 năm sau mới lựa chọn chuyên ngành ngoại chuyên sâu để được đào tạo thành bác sĩ phẫu thuật...
Còn ở Việt Nam, một số người đang “ngộ nhận” cứ học xong đại học là trở thành… bác sĩ ngoại khoa.
Công việc bận rộn, thời gian ông dành cho gia đình như thế nào?
- Công việc cuốn tôi đi, vợ con tôi chịu thiệt thòi. Nhiều lúc tôi ước thời gian một ngày dài hơn 24 giờ để tôi có đủ thời gian giải quyết công việc và có thời gian giành cho gia đình nữa.
Đã nhiều năm, vào dịp lễ Tết hầu như tôi không được ăn bữa cơm Tất niên với gia đình. Giao thừa, tôi đều ở bệnh viện cùng với những y bác sĩ trực, hỏi thăm, động viên người bệnh đang điều trị tại bệnh viện.
Thậm chí, có năm tôi phải trực tiếp mổ cấp cứu vì trong tim mạch, không kể giờ giấc, nếu cần cấp cứu, các y, bác sĩ phải lao vào “trận tuyến” ngay.
Điện thoại tôi bật 24/24h, vì có nhiều đêm bác sĩ tuyến tỉnh xin hỗ trợ về một ca cấp cứu. “Cứu người như cứu hỏa” tôi chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho các đồng nghiệp ở phòng mổ tuyến tỉnh. Nhiều bệnh nhân được cứu sống, gọi điện cám ơn tôi, có lẽ đấy là món quà quý báu nhất mà tôi nhận được…
Ngoài thời gian làm việc ở bệnh viện, tôi dành ngày cuối tuần bên vợ con, gia đình nội, ngoại. Niềm vui bình dị của một bác sĩ bận rộn, đơn giản là được “chia sẻ” mọi điều từ quan niệm cuộc sống, công việc với người con trai đã lựa chọn theo nghiệp của cha. Đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi vì ngay từ nhỏ con đã thấm đẫm triết lý sống của người thầy thuốc được truyền từ nhiền thế hệ trong gia đình chúng tôi…
Công việc của một bác sĩ ngoại khoa và lãnh đạo chuyên môn rất căng thẳng, mệt mỏi. Để cân bằng công việc và thời gian nghỉ ngơi, ông làm thế nào?
- Trong cuộc sống đời thường, tôi vẫn dành thời gian cho thể thao và tâm hồn cho tình yêu âm nhạc.
Chính nhờ tiếng nhạc bay bổng của bài Làng tôi (Văn Cao), Du Kích Sông Thao (Đỗ Nhuận), Bài ca hy vọng (Văn Ký)… đã giúp tôi xua tan căng thẳng và thêm yêu đời, yêu người, tiếp tục công hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Xin chân thành cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!