Những trò chơi ngày thơ bé của bạn thường diễn ra ở đâu? Trong khoảng sân nhỏ gần nhà, trên sân trường, một góc phố nào đó... dường như trẻ con có thể tìm ra những trò chơi ở bất cứ đâu, miễn là người lớn cho chúng đủ thời gian trước khi nghe tiếng gọi về ăn cơm thân thuộc.
Thế nhưng với những đứa trẻ ngày nay, có lẽ những không gian để chúng vui đùa thoải mái chẳng dễ mà có được. Cách nhanh nhất để chúng được giải trí, chẳng phải là chiếc màn hình điện thoại với những trò chơi cuốn hút ngay trước mắt kia sao?
Những tâm hồn bé thơ vẫn luôn cần lắm một khoảng không rộng mở, với những màu sắc không chỉ tồn tại như những điểm ảnh pixel trên màn hình điện tử.
Trong một tòa ở phố Phạm Tuấn Tài, có một lớp học xinh xắn đem đến những không gian như thế, với cái tên đầy ngẫu hứng – Hiha Art.
Không gian sáng tạo cho các bé từ 5 – 14 tuổi, tại sao không?
Những nét vẽ nguệch ngoạc ngây ngô của trẻ con có thể chứa đựng trong đó là cả một thế giới đầy màu sắc – mà điều tuyệt vời nhất, đó là thế giới ấy dường như không có bất kỳ rào cản hay giới hạn nào.
Mong muốn giúp những em nhỏ được thỏa sức tạo nên thế giới của riêng mình, Thạc sỹ - Giảng viên Mỹ thuật ứng dụng Nguyễn Thị Hương Thảo đã mở lớp nghệ thuật sáng tạo cho trẻ em Hiha Art.
Ở đây, bạn sẽ không chỉ tìm thấy giấy vẽ và bột màu, bởi nó hướng đến sự sáng tạo trên vô vàn chất liệu và cách thức khác nhau: màu sáp dầu, thuốc nước, acrylic, vải, xé dán, làm thủ công...
Đây đó trong lớp học là những tác phẩm của học viên – một đại dương với những chú cá làm từ... đĩa nhựa, một chiếc cây trang trí bằng giấy báo, những món đồ chơi vải màu sặc sỡ... – phải chăng đó là điều tạo nên cảm giác dễ chịu mỗi khi bước vào không gian của lớp học đầy màu sắc ấy?
Từ phương pháp giảng dạy nước ngoài cho đến lớp học cho các bé Việt Nam
Lớp học Hiha Art được dựa trên phương pháp Reggio Emilia – phương pháp giúp trẻ khám phá thế giới một cách tự do và sáng tạo. Reggio Emilia là phương pháp được bắt nguồn từ nước Ý, nơi rất coi trọng các dịch vụ cho trẻ em và gia đình.
Kể từ khi ra đời 1940 đến nay, phương pháp Reggio đã đi đến các trường mầm non trên khắp thế giới, cũng như phát triển những thiết kế đa dạng cho học sinh tiểu học.
Phương pháp Reggio xoay quanh cách học của trẻ và lấy trẻ em làm trung tâm, trong đó trẻ là người tham gia học tập một cách chủ động, tự đề xuất và tương tác với môi trường xung quanh.
Các lớp học theo phương pháp Reggio thường có một xưởng chế tạo riêng để trẻ thỏa sức sáng tạo và thể hiện ý tưởng, tâm tư của mình qua những vật liệu đời thường, các giáo viên cũng lưu lại những sản phẩm và quá trình thực hiện của trẻ, khiến các bé cảm thấy tự tin hơn khi nhìn thấy những gì mình đã làm được.
Tuy có nhiều sự tiến bộ là thế, nhưng để đưa được phương pháp ấy vào một lớp học nghệ thuật dành cho các bé ở Việt Nam, gắn kết với các bố mẹ Việt cũng không phải là điều đơn giản.
‘Điều khó khăn nhất khi thành lập Hiha Art chính là sự mới mẻ của nó, Hiha Art đi theo hướng khác với nhiều trung tâm dạy vẽ cho trẻ em khác, mình cần phải để phụ huynh hiểu được rằng điều quan trọng không phải là khiến con họ vẽ đẹp, vẽ ‘đúng’ theo một tiêu chuẩn nào đó, mà là khơi gợi nên sự sáng tạo của các bé’ – Giám đốc của Trung tâm, Giảng viên Nguyễn Thị Hương Thảo chia sẻ về những khó khăn trong việc tạo nên Hiha Art.
Để đem đến cho các bé một không gian thoải mái, khiến phụ huynh cởi mở hơn với những phương pháp giáo dục mới, nữ giám đốc nhiệt tình và tự tin ấy cũng không ít lần trăn trở:
‘Có những phụ huynh chỉ đơn thuần muốn con tập trung chú tâm hơn khi làm gì đó, nhưng cũng có những phụ huynh muốn con phải vẽ thật đẹp, mỗi ngày ở lớp học về là có một bức tranh đẹp.
Đối với bản thân mình, bên cạnh việc giúp các em phát huy năng khiếu, điều mình hướng tới là giúp các bé được học một cách vui vẻ và phát triển tư duy, thay vì gò ép và bắt các bé phải tạo nên những bức tranh đẹp như người lớn mong muốn.
Mình đã nói chuyện, tâm sự với phụ huynh rất nhiều, rằng cái giá trị nhất chính là tinh thần, là những tâm tư, tình cảm mà các bé đặt vào trong mỗi bức tranh’.
Bàn tay lấm lem, nét vẽ ngây ngô và ước mơ lấp lánh
Trong buổi triển lãm từ thiện ‘Tấm vé tuổi thơ’ trưng bày tranh của các ‘họa sĩ nhí’ – mà số tiền bán tranh sẽ được dành để tặng quà cho các bạn nhỏ khó khăn ở Hà Nội – ánh mắt của những cô bé, cậu bé được bố mẹ đưa tới xem tranh luôn lấp lánh niềm vui.
Có lẽ, điều mà những người làm cha, làm mẹ mong muốn chỉ cần có thế - được thấy con mỉm cười, được thấy con vui đùa cùng các bạn, với những ngón tay lấm lem màu vẽ.
Chị Đặng Bằng Giang (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), mẹ của bé Thảo Nguyên chia sẻ: ‘Mình cho bé học được khoảng 2 tháng rồi, mình được biết giám đốc của trung tâm là cô Hương Thảo cũng học từ ĐH Mỹ thuật ra nên mình rất tin tưởng.
'Bé nhà mình rất thích, lúc nào cũng chỉ mong đến thứ Hai để tới lớp của các cô, hôm nào học là lại nhắc mẹ suốt. Mục đích của mình không phải là mai sau con thành họa sĩ tài năng hay gì cả, chỉ là muốn con được làm những gì con thích thôi’.
Chị Thanh Băng, mẹ của bé Trọng Quân cũng tâm sự về lý do đưa con đến với Hiha Art: ‘Mình chỉ mong muốn con có thể cảm nhận được cái đẹp, nghe bản nhạc biết nó hay ở đâu, ngắm nhìn một bức tranh biết nó đẹp như thế nào.
Bản thân mình cũng không nặng nề chuyện bé có vẽ đẹp hay không, mình chỉ muốn bé được tiếp xúc, được cảm nhận, được biết đến các chất liệu, sau này biết đâu nó có thể trở thành một cách thư giãn của con ngoài việc học’.
Phần lớn những phụ huynh đưa con đến với Hiha Art đều là những người đang mong muốn tìm kiếm cho con một môi trường được học, được chơi, và quan trọng nhất – được ước mơ.
Chỉ giản dị như thế thôi, nhưng đâu phải ai cũng có thể mơ? Mà giấc mơ của trẻ con thì hồn nhiên và trong trẻo lắm, ai nỡ lấy đi của chúng bao giờ.
Ngắm những bức tranh của các bạn được trưng bày trong triển lãm, Minh Hằng khoe với cô: ‘Từ lúc 3 tuổi con đã vẽ rồi, ở nhà con cũng có nhiều tranh lắm. Sau này con sẽ làm nhà thiết kế, vẽ quần áo cho mọi người mặc’.
Có lẽ ước mơ của cô bé 6 tuổi ấy sẽ thay đổi vào một ngày nào đó, nhưng thế giới trong ánh mắt em khi nói về những bức tranh và vui đùa cùng bạn bè khiến ta muốn ‘xin một tấm vé đi tuổi thơ’ quá đỗi.
Món quà cho trẻ con từ những người đã – từng – là – trẻ - con
Lớp học
‘Câu chuyện về học vẽ của mình là từ khi mình còn bé xíu, lúc ấy mẹ đã đưa đi học vẽ rồi và trong quá trình học và phát triển, sau quá trình học và phát triển để rồi thi vào ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, sống đúng như ước mơ của mình, mình nhận ra một điều rằng: Những người mà có một khả năng hay kiến thức về thẩm mỹ nhất định thì sẽ dễ để thành công và có hướng phát triển tốt hơn.
Trong quá trình nghiên cứu của mình, mình nhận thấy rằng trẻ con được học vẽ từ nhỏ sẽ có nhiều lợi ích cho tư duy khi động não để nghĩ ra các đề tài cho bức tranh của mình.
Điều thứ hai là khi các em vẽ, các em có cơ hội để thể hiện lên trang giấy tất cả những tâm tư, tình cảm của mình, giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Các em có thể bộc lộ những điều mà không nói ra được bằng lời’.
‘Không phải cứ giỏi là có thể dạy trẻ con vẽ, mà điều quan trọng là phải có sự thấu hiểu về tâm lý – hiểu về lập trình tư duy NLP, hiểu về những tâm tư, tình cảm của trẻ - khi đó, mình mới có thể khơi gợi và khuyến khích các bé được.
Do đó mình muốn tạo ra một lớp vẽ như vậy, để các bé có một môi trường thể hiện hết những khả năng vô tận trong mỗi đứa trẻ’.
Chị Lê Thu Hà chia sẻ: ‘Con mình mới học được 1 buổi thôi, nhưng bé có vẻ thích lắm nên tôi cũng thấy vui. Bản thân tôi không hiểu lắm về vẽ, nhưng cũng muốn tìm cho con một nơi phù hợp.
Có rất nhiều trung tâm theo kiểu ‘Con phải vẽ thế này, con phải vẽ thế kia’, nhưng ở đây thì để cho các bé thỏa sức vẽ theo ý thích và xu hướng của mình, cô giáo có thể chỉ định hướng về mặt thẩm mỹ thôi, tôi nghĩ như vậy các bé mới phát huy được sự sáng tạo’.
Thầy… chia sẻ những cảm nhận về lớp học: ‘Đời sống ngày càng được nâng cao, và sau này dân trí có cao hay không chính là ở những lớp học, những hoạt động như thế này đây.
Trẻ con lớn lên có thể làm rất nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng nhờ thế mà chúng có thể phát triển toàn diện nhất.
Tôi cảm thấy những hoạt động như triển lãm tranh từ thiện này tưởng như là rất nhỏ bé, giống như chỉ một mầm cây nhỏ, nhưng lâu dài có thể tạo nên cả một khu rừng’.