Đã đến lúc người Việt phải tính lại cách ‘chia con’ sau li hôn

Tôi đang sống ở một nơi mà việc li dị giữa các cặp đôi xảy ra như cơm bữa, thậm chí có những người li dị tận 3-4 lần cũng là chuyện thường.

Sự bất thường trong điều bình thường ở Việt Nam

Là một người mẹ, cũng là một người tham gia mạng xã hội, tôi chung cảm giác giận dữ, bức xúc, ám ảnh và đau xót trước cái chết của bé V.A (8 tuổi) đã bị bạn gái của cha ruột bạo hành.

Tất cả những gì mà dư luận, mạng xã hội đang phản ứng những ngày qua, đó đều cũng là những cảm xúc mà tôi có lúc này.

Nhưng dường như có vẻ như tất cả chúng ta đều đang “chạy” theo sự kiện để phản ứng, để giận dữ nhưng lại đang lúng túng ở việc “truy tận gốc trốc tận ngọn” để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và quyết liệt hành động để hạn chế những câu chuyện đau lòng như thế này tiếp tục xảy ra. 

Trước khi cha mẹ bé li dị, rõ ràng số phận đã đặt bé V.A vào một nơi với đầy đủ điều kiện tốt đẹp ởgia đình ông bà nội quyền thế, có học vị, có vị trí xã hội, có điều kiện kinh tế. Cha tài giỏi, mẹ xinh đẹp, bé đã từng là một tiểu công chúa trong một cuộc sống nhung lụa, hạnh phúc và ấm êm - cuộc sống ấy trọn vẹn lí tưởng cho bất cứ một đứa trẻ nào.

Đã đến lúc người Việt phải tính lại cách ‘chia con’ sau li hôn 0

Bi kịch chỉ bắt đầu khi cha mẹ bé li hôn, vì em trai của V.A còn nhỏ nên toà xử cho ở với mẹ, còn V.A thì sống với cha và người tình của cha.

Có lẽ ít người nhận ra điểm mà cá nhân tôi thấy bất bình thường, nguồn cơn của mọi bi kịch chính là nằm ở điểm này.

Tôi đang sống ở một nơi mà việc li dị giữa các cặp đôi xảy ra như cơm bữa, thậm chí có những người li dị tận 3- 4 lần. Và việc li dị ở xã hội vốn còn nhiều định kiến như Việt Nam - cũng đã trở nên quá bình thường và phổ biến.

Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng việc li dị khi vợ chồng hết tình yêu, không còn muốn chung sống nhau, đi cùng nhau một con đường - chẳng có gì to tát hay ghê gớm, nhưng điều quan trọng là sau khi li dị, chúng ta - những người lớn - sẽ xử lý như thế nào về câu chuyện hậu li hôn.

Tôi nhận thấy dường như các cặp đôi ở Việt Nam vẫn còn bối rối, lúng túng, và thậm chí xử sự kém văn minh… nếu so ngang ra với các cặp đôi phương Tây.

Ở các nước phát triển, toà không bao giờ xử chia con

Nước Pháp - nơi tôi đang sinh sống, khi một cặp vợ chồng ra toà, thì từ toà án đến người cha/mẹ ấy sẽ luôn lấy trẻ con đặt ở vị trí trung tâm trong mọi tình huống để đi đến thoả thuận cuối cùng. (Tôi xin nhấn mạnh ở đây là những cặp cha mẹ li dị khi con cái còn nhỏ - những gia đình có con tuổi trưởng thành thì đơn giản hơn).

Điều đầu tiên và cũng là điều đặc biệt họ khác biệt chúng ta, nó cũng chính là điều hết sức quan trọng để ngăn chặn những bi kịch về sau như chuyện của bé V.A, đó chính là toà án không bao giờ phân xử CHIA TÁCH CON CÁI.

Và họ cũng không trao quyền nuôi con hoàn toàn 100% thời gian cho người cha hay người mẹ (Trừ khi người cha/mẹ có vấn đề về mặt tâm thần, đang chữa bệnh, đang thụ án, hay có những đe doạ gây nguy hiểm đến an toàn của con, có vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng…). 

Đã đến lúc người Việt phải tính lại cách ‘chia con’ sau li hôn 1

Sau khi cha mẹ li hôn, các đứa trẻ sẽ ở với cha một tuần, ở với mẹ một tuần. Các con đang học ở đâu đang sống ở đâu, sẽ vẫn ở nguyên đó, không có gì xáo trộn hay thay đổi. Cha mẹ phải nhanh chóng sắp xếp chuyện mua nhà/thuê nhà, công việc… để có thể tham gia vào việc đưa đón con đi học - như cũ.

Nói chung, trừ việc cha mẹ không còn chung sống với nhau dưới một mái nhà, còn lại, việc li dị không có nhiều tác động “tiêu cực” đến một đứa trẻ, vì các bé vẫn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ từ cha/mẹ của mình.

Ngược lại, khi cha mẹ có người mới, thì phạm vi “gia đình” của các bé lại dường như được mở rộng ra, một cách đông đúc, vui vẻ, đúng kiểu “con anh, con em, con chúng ta”.

Trừ những trường hợp hạn hữu, thì còn lại những cuộc chia tay mà tôi chứng kiến từ những người xung quanh mình, tôi thấy rõ ràng một điều “hai người chia tay, bốn người hạnh phúc”.

Đó hoàn toàn là thứ hạnh phúc thật sự, chứ không phải tô vẽ, làm màu trên mạng xã hội. Và trẻ con thì đơn giản lắm, chỉ cần thấy cha mẹ mình sống hạnh phúc, các bé cũng sẽ sống một cách vui vẻ.

Mỗi dịp Noel, con tôi đều kể chuyện với một giọng điệu rất “ghen tị”: “Mẹ ơi, các bạn lớp con có nhiều quà Noel lắm, quà của ông bà, quà của bố mẹ, quà của cha kế/mẹ kế…”. Tôi bật cười trước những lời kể ngây thơ của con nhưng ngẫm ra, đúng như vậy, với trẻ con, logic về hạnh phúc nhiều khi cũng đơn giản vậy thôi, chỉ là - có - nhiều - quà mỗi khi dịp lễ Tết.

Và vì vậy, mặc dù gia đình ly tán nhưng trẻ không cảm giác mất mát, cô độc, bị bỏ rơi bởi “còn có nhiều quà hơn”, đông vui hơn, được quan tâm nhiều hơn… Các cha dượng/mẹ kế cũng không phải là những hình ảnh ám ảnh xấu xí, ác độc, đáng sợ, gây ám ảnh như chúng ta vẫn thường đọc thấy trong truyện cổ tích.

Các bé “mất” một gia đình nhỏ, nhưng được “bù” lại bởi một gia đình “to”hơn.

Điều ý nghĩa nhất khi không 'chia con' 

Điều vô cùng quan trọng nhất trong việc không 'chia con' là, chính nhờ vào việc tiếp tục sống chung với cha/mẹ ruột thì việc trẻ bị bạo hành (nhất là bạo hành trong thời gian dài) như trường hợp bé V.A là điều gần như không thể xảy ra, hoặc nếu có xảy ra, sẽ được phát hiện rất kịp thời.

Bởi vì cha mẹ các bé vẫn phải giữ liên lạc thường xuyên với nhau để phân chia công việc đưa đón con, và nếu như cha ruột- mẹ kế, hay mẹ ruột - cha dượng nếu có hành vi bạo hành hay thực hiện bất cứ điều gì tiêu cực đối với trẻ, trẻ nhanh chóng có cơ hội để phát tín hiệu “cầu cứu” người còn lại, bố/mẹ cũng nhanh chóng nhận ra những dấu hiệu dấu vết khác lạ trên cơ thể trẻ. 

Đã đến lúc người Việt phải tính lại cách ‘chia con’ sau li hôn 2

Nếu nói những lời từ đáy trái tim của một người mẹ, tôi xin được thật lòng rằng sau khi li dị, kể cả khi mọi chuyện êm đẹp, không có kết cục kinh khủng nào xảy ra, thì việc chia con là vẫn một sự phân chia hết sức thiếu nhân văn, tàn nhẫn, và đau đớn.

Tàn nhẫn với chính bậc phụ huynh (tôi tin rằng, trong chúng ta ở đây không ai có lương tri, có nhận thức bình thường - có thể thấy dễ chịu khi chỉ được sống cùng với một đứa con - và phải xa cách đứa con khác), tàn nhẫn với chính các đứa trẻ (khi phải sống xa cách cha/mẹ và anh chị em ruột thịt của mình).

Nếu gia đình người cha/mẹ chuyển sang thành phố khác sinh sống, thì thật sự mà nói tuy là máu mủ, nhưng phân đoạn cuộc đời về sau đó không khác gì người dưng, và gần như chia cắt ấy là vĩnh viễn.

Tôi cứ đau đáu trong đầu rằng, nếu như việc chia con khi cha mẹ li hôn vẫn còn tiếp tục, việc ngăn cấm vợ/chồng cũ gặp con vẫn diễn ra…. thì ai dám chắc sẽ không còn những nạn nhân tiếp theo trong tương lai?   

Chia nhà, chia xe, chia tài sản, xin đừng chia con…. 

Khi tôi viết những dòng này, tôi vừa nghe tin từ người bạn mình biết sắp ra toà li dị với người chồng tệ bạc. Cô ấy cũng đang rất bế tắc thậm chí là trầm cảm, bởi vì nếu ra toà, cô ấy biết rằng, cô ấy sẽ phải chịu cảnh chia con, cô chỉ được nuôi một con, đứa còn lại sẽ ở với người chồng.

Cô rất sợ hãi rằng bi kịch của mẹ bé V.A cũng sẽ lặp lại với chính mình. Bất giác tôi chợt gai người, sẽ còn tiếp tục bao nhiêu đứa trẻ có cha mẹ li dị sẽ “bị phân chia” theo cách này?

Chia con - trong sự kết thúc không hề êm đẹp của cha - mẹ, chúng ta lấy gì để đảm bảo sẽ không có thêm những bé V.A trong tương lai?

Tô Mai Trang (từ nước Pháp)

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO