nguyen binh khiem 00000
Empty

Dự án Trường học Hạnh phúc lần đầu tiên được tổ chức bởi UNESCO Bangkok năm 2014. UNESCO nghiên cứu và đưa ra một khung hướng dẫn gồm 22 tiêu chí cho một Trường học Hạnh phúc, nằm trong 3 yếu tố chính, hay còn gọi là 3 chữ P: People (Con người), Process (Hệ thống) và Place (Môi trường).

Tại Việt Nam, năm 2017, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức lễ phát động "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một Trường học Hạnh phúc". Trong đó ba giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Từ đó, cuộc vận động xây dựng Trường học Hạnh phúc phù hợp với điều kiện thực tế đã được ngành Giáo dục các tỉnh, thành cũng đẩy mạnh.

Tuy nhiên, như thế nào là Trường học Hạnh phúc thực sự, làm gì để có Trường học Hạnh phúc, Trường học Hạnh phúc cần gì... vẫn là những trăn trở của thầy, cô giáo, nhà quản lý giáo dục và phụ huynh.

PV Gia Đình Mới đã có buổi trò chuyện cùng Nhà giáo – TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), xoay quanh những vấn đề của Trường học Hạnh phúc.

Empty

PV: Hiện nay từ khóa “Trường học Hạnh phúc” đang được đề cập khá nhiều, theo thầy thế nào là Trường học Hạnh phúc?

TS Hòa: Bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, làm thế nào để tạo dựng ngôi trường hạnh phúc được ngành Giáo dục của chúng ta hết sức chú trọng.

Không phải cho tới bây giờ, ngành Giáo dục mới đặt ra nhiệm vụ xây dựng Trường học Hạnh phúc. Từ nhiều năm trước, trong hệ thống giáo dục phổ thông đã có phát động phong trào lớn với chủ đề “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Đó chính là linh hồn của Trường học Hạnh phúc. Ở đó học sinh đến trường tràn ngập niềm vui với bạn, với việc học, với thầy cô và với ngôi trường mà mình được học hành. Thầy cô đến trường cũng vui với trò, với đồng nghiệp, giữ lửa và tâm huyết với nghề.

Mới đây, cuộc vận động xây dựng Trường học Hạnh phúc ra đời. Tôi cho rằng, ý nghĩa của cuộc vận động này cũng vẫn là việc kiến tạo môi trường học đường sao cho mang lại niềm vui, động lực cho cả thầy và trò, cha mẹ học sinh, từ đó mang lại hiệu quả cho hoạt động giáo dục.

Chúng ta đều hiểu rằng, hạnh phúc là trạng thái cảm nhận và nó rất khác nhau ở mỗi con người. Tôi cho rằng, về cơ bản, một ngôi trường hạnh phúc là nơi giáo viên, nhân viên, học sinh đều cảm thấy hạnh phúc khi được an toàn, yêu thương và tôn trọng. Điều này trước hết phải do giáo viên, học sinh và phụ huynh cảm nhận chứ không có thước đo.

Với các cơ sở giáo dục, để xây dựng Trường học Hạnh phúc, chúng ta phải xác định đây không phải là một mô hình, bởi nếu là mô hình thì không có độ mở, xây dựng theo mô hình sẽ khó khăn đối với những trường học ở mọi vùng miền khác nhau.

Trường học Hạnh phúc là cách vận hành nhà trường để học sinh, giáo viên và phụ huynh cảm nhận được hạnh phúc. Từ đó trở thành động lực nội tại để giáo viên say mê cống hiến, học sinh hứng thú học tập, sáng tạo, tiến bộ và nên người. Trường học Hạnh phúc có được khi ta thay đổi cách vận hành nhà trường với mục tiêu giáo dục vì sự phát triển con người, vì con người.

PV: Thầy đánh giá như thế nào về cuộc vận động xây dựng Trường học Hạnh phúc được Bộ GD&ĐT phát động?

TS Hòa: Đầu tiên tôi cho rằng đây là cuộc vận động rất có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày nay đang có điều kiện hơn, đầy đủ hơn, có sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội... nhưng hạnh phúc chưa hẳn đã tỷ lệ thuận với những tiến bộ đó. Nếu xây dựng được môi trường học đường hạnh phúc đúng nghĩa, ở đó thầy cô, học trò đều hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh và cả xã hội hạnh phúc.

Nhưng để tạo nên những ngôi trường hạnh phúc cũng không hề dễ dàng. Chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế hiện nay học sinh đi học vẫn bị đè nặng bởi áp lực điểm số, giáo viên vẫn phải chạy theo thành tích, chỉ tiêu đặt ra từ cấp trên, tình trạng bạo lực học đường rất đau lòng giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh, phụ huynh với giáo viên…

Tôi nhấn mạnh rằng, Trường học Hạnh phúc là ở đó từ người quản lý, cán bộ giáo viên và học sinh đều cảm nhận được niềm vui. Chứ chúng ta không nên chỉ cho rằng Trường học Hạnh phúc là nơi học sinh hạnh phúc. Bởi thầy cô hạnh phúc thì sẽ lan tỏa niềm hạnh phúc tới cho học sinh và học sinh đến lớp luôn vui vẻ, tích cực và tiến bộ mỗi ngày chính là động lực để các thầy cô say mê cống hiến.

Để xây dựng những ngôi trường hạnh phúc thực sự, tôi cho rằng các nhà trường và người quản lý, thầy cô giáo, phụ huynh cần thay đổi. Mỗi cơ sở giáo dục cần xác định xây dựng Trường học Hạnh phúc là một quá trình lâu dài và phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đơn vị mình.

nguyen binh khiem title phu 2

PV: Theo thầy, các tiêu chí để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc là gì? Lãnh đạo nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh... đóng vai trò như thế nào?

TS Hòa: Một Trường học Hạnh phúc có nhiều tiêu chí nhưng 3 tiêu chí quan trọng, có tính định hướng là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà.

Cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.

Yêu thương là cốt lõi của giáo dục và cảm hóa học sinh, sức mạnh của giáo dục nằm ở yêu thương và công cụ cũng là tấm lòng yêu thương của thầy cô dành cho học sinh. Yêu thương bắt nguồn từ thái độ lắng nghe, thấu cảm và phản hồi tích cực.

Để xây dựng được Trường học Hạnh phúc, mỗi thành viên trong nhà trường đều giữ vai trò chủ chốt. Người quản lý phải đề ra được mục tiêu giáo dục của nhà trường, gương mẫu và tạo điều kiện để giáo viên sáng tạo, đổi cách dạy học, kiểm tra, đánh giá, giúp học trò được hạnh phúc khi đến trường.

Các thầy cô giáo cần nắm bắt tâm lý của học sinh trong thời đại 4.0, tôn trọng học sinh, tích cực tự học để cập nhật và thay đổi được tư duy, thái độ, hành động của mình trong sự tương tác giữa người dạy và người học.

Với học sinh, hình thành và phát triển các năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

PV: Để thực hiện được những tiêu chí trên, theo thầy “chìa khóa” nằm ở đâu?

TS Hòa: Yếu tố quan trọng để tạo nên những ngôi trường hạnh phúc là mục tiêu giáo dục ở mỗi nhà trường. Mục tiêu giáo dục chính là định hướng để đề ra các hoạt động giáo dục.

Theo tôi, quan điểm giáo dục vì mục tiêu phát triển con người cần được nhận thức một cách nghiêm túc thay vì đào tạo ra hàng loạt học sinh giỏi hay đạt điểm cao. Bởi chúng ta hiểu rằng, mỗi đứa trẻ sinh ra đã mang tâm lý, năng lực và khả năng học tập khác nhau, mỗi em sẽ có năng lực nổi trội riêng. Đó có thể thuộc về gen di truyền, hoặc ảnh hưởng của địa phương nơi cư trú hay gia đình.

Thầy cô giáo cứ rập khuôn, bằng mọi giá muốn các em phải học giỏi như nhau, được điểm cao như nhau vô hình chung tạo ra áp lực rất lớn cho cả thầy và trò.

Hơn nữa, các kỳ thi, điểm số và bài kiểm tra là một phần tự nhiên của hệ thống giáo dục, nhưng chúng không phải là mục tiêu cuối cùng. Chúng chỉ đơn giản là phương tiện kết thúc. Kiến thức học thuật là quan trọng, nhưng trong thời đại của AI, điều đó là chưa đủ; họ cần các kỹ năng xã hội, kỹ năng cảm xúc, sáng tạo và khả năng làm việc nhóm.

nguyen binh khiem text 2

Mục đích của giáo dục vì sự tiến bộ và phát triển của học sinh là phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, thực tiễn (giáo dục cái đầu, trái tim, bàn tay) của mỗi em. Các thầy cô trang bị kiến thức, kỹ năng, năng lực và các giá trị đạo đức vững chắc nhằm định hướng cho các em trong cuộc sống.

Khi nhà trường đặt ra mục tiêu giáo dục là vì sự tiến bộ và phát triển của học sinh, khi đó học sinh nào cũng sẽ được tôn trọng và thấy mình có giá trị. Bởi nếu bắt trẻ làm những điều bản thân không giỏi thì không khác gì “bắt cá phải leo cây”. Học sinh được chăm lo và tôn trọng sự khác biệt thì các em sẽ hạnh phúc và phát huy được sở trường, sức sáng tạo.

Do đó, nếu trường nào, người quản lý nào, giáo viên nào, phụ huynh nào còn "đua" thành tích, còn "so" điểm số thì vẫn chưa thể xây dựng Trường học Hạnh phúc. Giáo dục không nên chạy theo thành tích mà hãy vì sự tiến bộ, phát triển theo đúng năng lực của mỗi học sinh.

-Xin trân trọng cảm ơn Thầy! 

Empty

 

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính