‘Reng, reng, reng’ - 06 giờ 06 phút sáng 8/11/2023, tổng đài trực cấp cứu Bệnh viện E kêu vang! Nhân viên Tổ Chăm sóc khách hàng – Phòng Công tác xã hội trực tổng đài nhanh chóng nhấc máy: “Alo, Cấp cứu ngoại viện Bệnh viện xin nghe!”. 30 giây tiếp nhận thông tin ban đầu của người bệnh từ Trung tâm cấp cứu 115, nhân viên này gọi báo cho ca trực cấp cứu. Ngay lập tức, hệ thống cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện E khởi động: xe cấp cứu được điều động, một kíp trực cấp cứu (gồm 1 bác sĩ, điều dưỡng) tức tốc đến hiện trường… vào lúc 06 giờ 10 phút.
Địa chỉ nhà người bệnh ở ngõ 463, An Dương Vương, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cách Bệnh viện E chừng 5km, nhưng chỉ 10 phút sau, xe cấp cứu của Bệnh viện E đã có mặt (6 giờ 20 phút). Kíp cấp cứu nhanh chóng sơ cứu tại chỗ, đánh giá dấu hiệu sinh tồn và toàn trạng của người bệnh.
6 giờ 25 phút, người bệnh được đưa lên xe cấp cứu, cho thở hệ thống ôxy trang bị trên xe cấp cứu và chuyển tới khoa Cấp cứu, Bệnh viện E lúc 6 giờ 35 phút. Tại đây các bác sĩ tiếp tục tiến hành cấp cứu, đánh giá lại dấu hiệu sinh tồn và chỉ định các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, sử dụng thuốc cấp cứu cho người bệnh qua cơn nguy kịch…
BS Vũ Việt Sơn – Khoa Nội Gan mật – người tham gia trực tiếp cấp cứu người bệnh chia sẻ, đây là ca bệnh đầu tiên của hệ thống cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E. Người bệnh có tiền sử mắc bệnh lý xơ gan, viêm gan B từ nhiều năm nay. Tối ngày 7/11/2023, người bệnh có biểu hiện chướng bụng, sốt cao, khó thở, tiểu ít… Rạng sáng 8/11/2023, tình trạng càng trầm trọng với hiện tượng khó thở tăng lên, huyết áp tụt và sốc nhiễm khuẩn. Người nhà người bệnh đã gọi 115, đưa người bệnh cấp cứu vào Bệnh viện E.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và đưa ra đánh giá người bệnh có tiên lượng rất nặng, với hiện tượng sốc, huyết áp tụt, mạch chậm… Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong.
22 giờ 15 phút ngày 3/12/2023, hệ thống cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E nhận được cuộc gọi cấp cứu tới nhà bệnh nhân H.T.L địa chỉ Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội trong tình trạng rất mệt, yếu nửa người. Kíp trực cấp cứu ngoại viện nhanh chóng tới khám và chẩn đoán nhồi máu não cấp.
Bệnh nhân được cấp cứu ban đầu và chuyển vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện E lúc 22 giờ 34 phút. Bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu cấp, chụp CT sọ não cấp và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Sau đó bệnh nhân được điều trị tiếp tục tại đơn vị Đột quỵ và can thiệp mạnh máu - Khoa Cấp cứu. Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân ra viện trong tình trạng ổn định, hết liệt.
Đây là 2 trong số hàng trăm các ca cấp cứu ngoại viện mà Tổ cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E đã chớp giờ vàng cấp cứu thành công người bệnh. Nhân lực của Tổ cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E gồm Khoa cấp cứu, ekíp trực cấp cứu, bác sĩ nội trú, tổ xe và Tổ chăm sóc khách hàng - Phòng Công tác xã hội.
BSCKII Phạm Xuân Hiếu – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện E cho biết, cấp cứu cho người bệnh là phải ‘tiết kiệm’ đến từng giây bởi thời gian tiếp cận người bệnh càng nhanh thì cơ hội người bệnh được cứu càng khả quan.
“Do đó, chúng tôi luôn đặt mục tiêu với phương châm “tại chỗ, khẩn trương, kiên trì và đúng kỹ thuật”, bằng mọi cách phải cấp cứu nhanh nhất có thể cho bệnh nhân. Lực lượng cấp cứu 115 chỉ cần nghe cuộc gọi là sẵn sàng “lên đường” ngay lập tức. Không chỉ có những người tiếp cận bệnh nhân, ngay cả lực lượng điều phối cấp cứu khi nhận cuộc gọi luôn sẵn sàng khai thác và hướng dẫn người nhà có thể thực hiện một số biện pháp sơ cấp cứu khi chờ xe cấp cứu đến”.
BS Hiếu chia sẻ, lực lượng tham gia cấp cứu được đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu, phát hiện xử trí đúng tình huống và đưa bệnh nhân vào khoa cấp cứu của các cơ sở y tế sao cho nhanh nhất, an toàn nhất. Khi tiếp cận được bệnh nhân, bác sĩ sẽ đánh giá rất nhanh toàn trạng người bệnh để quyết định phương án xử trí ngay lập tức.
Điển hình đối với các ca cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim có thể hoặc không còn cung cấp máu, cũng như oxy cho các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, phổi và tứ chi… Do đó, người bệnh ngừng tuần hoàn phải được cấp cứu nhanh nhất có thể, để trước hết tuần hoàn trở lại và thứ hai giảm thiểu tối đa những biến chứng có thể xảy ra với bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, không chỉ cần một tình yêu nghề, những người làm cấp cứu ngoại viện cần có bản lĩnh, tinh thần thép. Bất kể trời nắng hay mưa, ngày hay đêm, chỉ cần có cuộc gọi là kíp trực nhanh chóng lên xe xuất phát. “Mặt trận” làm việc của ekip cấp cứu ngoại viện luôn “xông pha” ở ngoài cộng đồng và bị chi phối bởi nhiều yếu tố phức tạp. Ở đó, không hề có “lớp bảo vệ” nào, nhân viên y tế phải luôn nhạy bén để tự ứng cứu nếu có tình huống nguy hiểm. Thậm chí, nguy hiểm đó xuất phát từ việc tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà. Lúc này, nhân viên y tế phải người bình tĩnh nhất và luôn giữ cho mình “cái đầu lạnh và trái tim nóng”.
Cán bộ y tế cấp cứu ngoại viện cũng phải đối diện với hàng loạt những rào cản, từ tâm lý, trạng thái, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, sự hoang mang từ phía gia đình đến những tác động ngoại vi môi trường hay diễn biến bất ngờ trong quá trình vận chuyển… Đó cũng là những gì mà đội vận chuyển cấp cứu bắt buộc phải vượt qua bằng những kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và khả năng ứng biến, xử trí tình huống.
Sau 2 tháng triển khai, hệ thống cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E đã tiếp nhận 152 cuộc gọi từ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội và người dân. Ekip cấp cứu ngoại viện đã xử trí nhanh chóng, khẩn trương và chính xác hầu như các tình huống cấp cứu cho người bệnh.
“Những khó khăn, trở ngại ban đầu đã qua, ekip cấp cứu ngoại viện giờ đã “vào guồng”. Sau cuộc gọi vài chục giây là những hình ảnh đã trở nên quen thuộc: Những bước chạy vội vã, gấp gáp, tiếng còi xe hú và chiếc xe cấp cứu vút đi... Ekip cấp cứu ngoại viện luôn sẵn sàng lên xe tức tốc “lao” đến địa chỉ người bệnh, tới hiện trường với mong muốn duy nhất là vẫn trong giờ vàng để tăng khả năng cứu người bệnh”.
Bác sĩ Hiếu cũng chia sẻ, ngoài trình độ chuyên môn, bản lĩnh đối diện với những nguy hiểm, ở ekip cấp cứu ngoại viện còn là trái tim nồng ấm và những xúc cảm rất đỗi con người trước những thời khắc quyết định sự sống còn của bệnh nhân. Cán bộ y tế sẵn sàng cõng người bệnh từ nhà cao tầng mà lối cầu thang rất nhỏ, hẹp, dốc không thể dùng cáng, hay cũng có tâm trạng như người thân khi bệnh nhân tiên lượng nặng, họ lại càng thêm nỗ lực để mang lại sự sống cho người bệnh.
“Điều đặc biệt nữa là đằng sau những vất vả, từng cán bộ y tế đều cảm nhận được công việc của mình đem lại ý nghĩa rất lớn cho cộng đồng. Họ hào hứng khi làm việc, với nhiều cảm nhận khó tả, những cảm xúc vỡ òa khi mình tự tay cứu sống một bệnh nhân ở cộng đồng.
Tổ cấp cứu ngoại viện gồm các bác sĩ cấp cứu, bác sĩ sản khoa, điều dưỡng khó có thể quên được ca cấp cứu sản phụ đẻ rơi trong nhà tắm ở Cầu Giấy tháng 1 vừa qua. Khi nhận được thông tin, họ nhanh chóng tới nơi, tiến hành vệ sinh, nhanh chóng ủ ấm, cắt dây rốn cho em bé; giữ ấm cho mẹ và chuyển hai mẹ con về bệnh viện chăm sóc. Bế đứa trẻ trên tay là sự xúc động đến nghẹn ngào, vỡ òa cảm xúc của ekip vì đã kịp thời hỗ trợ để hồi sinh nhân lên sự sống”.
TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E cho biết, Tổ cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E ra đời bởi Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện E nhận thấy nhu cầu cấp cứu các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích… là rất lớn, trong khi Hệ thống cấp cứu 115 Hà Nội chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cấp cứu của người dân.
“Kỹ năng sơ cấp cứu ngoại viện của người dân hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Đơn cử, người bệnh đột quỵ (đột quỵ não và đột quỵ tim) với khoảng thời gian vàng từ 3 giờ – 4 giờ đầu sau khi khởi phát, nếu người bệnh được cấp cứu kịp thời và đưa đến bệnh viện đúng lúc thì cơ hội sống và phục hồi rất cao. Nhiều trường hợp chấn thương do tai nạn giao thông, lao động, sinh hoạt… không được xử trí cấp cứu ban đầu, không được kiểm soát các chức năng sống (như đường thở, hô hấp, tuần hoàn), không được băng bó, cầm máu, cố định xương gãy đúng cách… làm mất cơ hội cứu chữa, thậm chí tử vong trước khi được đưa đến viện.
Với lợi thế là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh với nhiều chuyên khoa mũi nhọn như tim mạch, cơ xương khớp, chấn thương chỉnh hình, tiêu hóa, gan mật, hồi sức tích cực… Bệnh viện E mong muốn và tin tưởng có thể đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh của người dân.
Do vậy, từ ngày 1/11/2023, Bệnh viện E tham gia vào hệ thống cấp cứu ngoại viện cùng với Trung tâm cấp cứu 115 cho người dân ở Hà Nội. Việc tham gia cấp cứu ngoại viện góp phần giảm tải cho Trung tâm cấp cứu 115 và đặc biệt đem lại lợi ích cho người dân và cho xã hội”.
Bệnh viện E đã chủ động trang bị từ nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc men cho Tổ cấp cứu ngoại viện. Bệnh viện E cử ê kíp cấp cứu thường trực 24/24 giờ, gồm bác sĩ, điều dưỡng, xe cấp cứu được trang bị máy móc thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại sẵn sàng đáp ứng cấp cứu trước bệnh viện của người bệnh trên địa bàn Hà Nội nhanh nhất, sớm nhất để sơ cấp cứu và đưa người bệnh đến Bệnh viện kịp thời.
TS Hựu cũng chia sẻ thêm, khi Tổ cấp cứu ngoại viện tới hiện trường, sau khi tiến hành sơ cấp cứu ổn định ban đầu cho bệnh nhân, sẽ căn cứ theo tình trạng sức khỏe người bệnh và nguyện vọng của họ để chuyển tới các cơ sở y tế phù hợp, trong đó có Bệnh viện E.
Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện E cũng mong muốn sự hợp tác toàn diện với Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội sẽ giúp cán bộ y tế nâng cao nghiệp vụ cấp cứu ngoại viện, hoàn thiện hệ thống vận chuyển cấp cứu và trở thành một địa chỉ cấp cứu ngoại viện uy tín… nhằm chăm sóc toàn diện sức khỏe người dân được tốt hơn.