Căng thẳng điều trị cho bé trai 5 tuổi bị u tế bào mầm dị ứng với thuốc

Bé trai 5 tuổi được chẩn đoán u tế bào mầm, được chỉ định điều trị, tuy nhiên khi dùng thuốc đã có nhiều triệu chứng phản vệ.

Bé trai Nguyễn V. A ( 5 tuổi) được chẩn đoán u tế bào mầm và được chỉ định điều trị theo đợt tại khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Ở chu trình đầu tiên, bệnh nhi không có biểu hiện bất thường. Đến đợt điều trị thứ  2 khi bệnh nhân mới truyền thuốc Epotosid được 3 phút thì có triệu chứng phản vệ: nổi ban, mạch nhanh, khó thở, SpO2 giảm (88-92%).

Rất may mắn, sau khi được các bác sĩ kịp thời cấp cứu, cháu bé đã qua cơn nguy hiểm.

TS.BS Lê Thu Hương, Chuyên khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vấn đề nảy sinh là bé A. không có lựa chọn điều trị nào khác ngoài Epotosid. 

  Bệnh nhi bị chẩn đoán u tế bào mầm nhưng phản vệ với thuốc điều trị

Bệnh nhi bị chẩn đoán u tế bào mầm nhưng phản vệ với thuốc điều trị

Các bác sĩ lúc này đứng trước 2 lựa chọn khó khăn: Một là chỉ định bệnh nhi ngừng thuốc (điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh của trẻ), hai là tiến hành giải mẫn cảm cho bệnh nhi –phương án chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Một cuộc hội chẩn liên khoa đã được tổ chức. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ thống nhất tiến hành giải mẫn cảm cho cháu V. A theo quy trình 14 bước.

Đặc trưng của giải mẫn cảm là nhắc lại từng liều nhỏ và tăng dần dị nguyên là thuốc gây dị ứng sau mỗi khoảng thời gian cố định. 

Mục đích của giải mẫn cảm là tạo khả năng dung nạp với thuốc. Tổng liều sẽ được thực hiện trong quá trình giảm mẫn cảm, cho phép bệnh nhân điều trị với phác đồ tốt nhất của liệu pháp điều trị.

Cháu Nguyễn V.A được các bác sĩ tiến hành giải mẫn cảm và đã hoàn thành liệu trình điều trị 5 ngày.

Với bệnh nhân phản ứng với thuốc cần điều trị giải mẫn cảm, các bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định từ liều nhỏ từ từ tăng dần làm sao cho bệnh nhân sử dụng được thuốc đó mà không xảy ra phản ứng. 

Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng phản ứng với thuốc liệu trình giải mẫn phải lặp lại các bước nhỏ trước đó. “Đây là một công việc đòi hỏi sự kỳ công vì phải  thực hiện  từng li từng tí, vừa làm vừa phải điều chỉnh theo diễn biến của từng bệnh nhân” - bác sĩ Lê Thu Hương chia sẻ.

Sau khoảng thời gian được các bác sĩ tích cực chăm sóc, cháu V.A đã kết thúc đợt điều trị và ra viện. Các bác sĩ chuyên khoa Miễn dịch- dị ứng đã tiếp nhận và tiến hành  giải mẫn cảm cho một số trường hợp bệnh nhi phản ứng với các thuốc điều trị…

Đa số các trường hợp bệnh nhân chỉ có phản ứng trên da. Cháu V.A là trưởng hợp điển hình của phản ứng nặng với thuốc điều trị với  phản ứng phản vệ rất rõ, phải cấp cứu như cấp cứu sốc phản vệ.

Cũng theo bác sĩ Hương, để có thể kịp thời xử trí các tình huống bệnh nhi phản ứng thuốc trong quá trình điều trị, quá trình giải mẫn cảm cho các bệnh nhi đều được thực hiện tại cơ sở hồi sức cấp cứu với sự túc trực phối hợp chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa hồi sức. 

Nếu bệnh nhi vượt qua được liệu trình giải mẫn đủ liều  điều trị đầu tiên mà không xuất hiện phản ứng gì thì từ sau đó cháu bé sẽ được điều trị theo phác đồ. 

Liệu pháp giải mẫn cảm tạo ra sự dung nạp với thuốc, tuy nhiên nếu thuốc không được dùng thường xuyên sự dung nạp sẽ mất đi, bệnh nhân sẽ phải giải mẫn cảm khi dùng lại thuốc đó.

Hồng Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính