Thông qua đó, nhằm giáo dục cho thanh niên về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, củng cố niềm tin của thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH ở nước ta hiện nay. Bài báo tập trung làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung biện pháp bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên CNXH ở nước ta cho thanh niên, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên được Hội nghị thành lập Đảng (2/1930) thông qua đã nêu rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là: làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, để đi tới xã hội cộng sản. Luận cương chính trị tháng 10/1930 nhấn mạnh con đường phát triển của cách mạng Việt Nam: …bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN). Sự lựa chọn con đường XHCN đã rõ ràng và dứt khoát ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Trên nền tảng lý luận Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Cách mạng XHCN là cuộc cách mạng sâu sắc nhất, triệt để nhất, chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Nhưng, “nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: CNXH không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”, để “ai cũng được làm việc, được ăn no mặc ấm, được học hành, người già yếu thì được giúp đỡ, các cháu bé thì được săn sóc”[1].
Tuy nhiên, theo Người, để biến đổi một xã hội cũ thành một xã hội mới, không phải là một chuyện dễ. Do đó, “Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”[2].
Chủ thể xây dựng CNXH phải là “những con người mới XHCN”. Đó là những con người “có tư tưởng và tác phong XHCN”, “có ý thức làm chủ Nhà nước”, “thấm nhuần sâu sắc tinh thần tập thể XHCN và tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà”, “biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ, đùn đẩy công việc”; đồng thời, phải biết “thắng được chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác”, bởi nó là “kẻ địch nguy hiểm của CNXH”.
Người còn chỉ rõ: CNXH là “do nhân dân tự xây dựng lấy”, muốn xây dựng CNXH thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất và “muốn phát triển sức sản xuất thì trước hết phải nâng cao năng suất lao động và muốn nâng cao năng suất lao động thì phải tổ chức lao động cho tốt”[3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Muốn xây dựng CNXH, trước hết cần có những con người XHCN”[4]. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm đến chủ thể xây dựng CNXH, trong đó đặc biệt quan tâm đến công việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng cho đời sau.
Đối với thế hệ trẻ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng XHCN vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết…”[5].
Do đó, nhiệm vụ của Đảng là phải đào tạo lớp người vừa có lý tưởng cách mạng, có phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, có niềm tin tất thắng vào CNXH, không ngại khó, ngại khổ phục vụ nhân dân, đất nước; vừa có học vấn, trình độ chuyên môn.
Theo Người: “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”[6].
Hiện nay, Đảng ta đã nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về quy luật và tính quy luật phát triển của xã hội. Nếu như trước đây, nhận thức về CNXH chỉ đơn giản là “một xã hội tốt đẹp, nằm ở nấc thang phát triển cao hơn CNTB” với 3 thuộc tính cơ bản:
- Một là, xóa bỏ tư hữu, thiết lập chế độ công hữu (toàn dân và tập thể) đối với tư liệu sản xuất (tư bản, đất đai).
- Hai là, nguồn lực kinh tế được quản lý, phân phối theo kế hoạch của Nhà nước, sản xuất và phân phối theo chỉ tiêu pháp lệnh, không theo cơ chế thị trường.
- Ba là, làm theo năng lực và hưởng theo lao động, nhưng thường thì lao động chỉ được đánh giá trên thời gian mà ít quan tâm trên chất lượng...
Thì hiện nay, Đảng ta đã định hình rõ nét và cụ thể hơn bằng một hệ thống quan điểm lý luận về CNXH. Trong đó, đã khái quát thành 8 đặc trưng: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng, đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[7].
Đảng ta cũng đã xác định cụ thể hơn 8 phương hướng xây dựng CNXH và 8 mối quan hệ lớn về đổi mới phát triển XHCN. Nếu 8 đặc trưng là những nội dung định hướng XHCN, thì 8 phương hướng, chính là con đường đi lên CNXH, là mô hình xây dựng CNXH trong thực tiễn của nước ta; 8 mối quan hệ có ý nghĩa là những quy luật, những tính quy luật mà công cuộc đổi mới, phát triển ở Việt Nam tất yếu phải tuân thủ.
Việc Đảng ta chủ trương chuyển sang kinh tế thị trường bắt đầu từ chủ trương phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường; xác định rõ về vị trí, vai trò các thành phần kinh tế, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế;... là những bước đột phá lớn về lý luận, hướng cách mạng XHCN ở nước ta đi đúng với quy luật phát triển của lịch sử xã hội. Điều đó, đã làm thay đổi quan trọng cách nhìn, cách đánh giá, ứng xử đối với kinh tế thị trường và nhất là với kinh tế tư nhân, những thành tựu của tư duy nhân loại mà CNTB làm, CNXH cũng phải làm.
Hơn 30 năm đổi mới, con đường đi lên CNXH ở nước ta tuy vẫn còn những khuyết điểm, chưa thực sự đáp ứng với kỳ vọng lớn lao của nhân dân, nhưng nhìn tổng thể, những thành tựu đạt được là rất to lớn có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế lớn như hiện nay. Và Đảng luôn giữ vững niềm tin vào con đường đi lên CNXH, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của Cách mạng Việt Nam”.
Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch vẫn cố tình bỏ qua những nỗ lực và thành tựu đã đạt được của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang ra sức tấn công nhằm hạ bệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng ta, bôi nhọ CNXH hiện thực…, hòng làm cho nhân dân ta, nhất là thanh niên mất phương hướng, dao động về mục tiêu, lý tưởng, mất lòng tin vào CNXH, ảo tưởng về CNTB hoặc một con đường thứ ba nào đó.
Mặt khác, quá trình thực hiện kinh tế thị trường ở nước ta, bên cạnh những thành tựu đã được được, mặt trái của nó cũng gây ra nhiều tiêu cực tác động xấu đến kinh tế - xã hội, đến đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ trong xã hội ta.
Trong lúc đó, tư duy cũ về CNXH dưới hình thức này hay hình thức khác vẫn còn để lại dấu ấn nhất định; hậu quả khủng hoảng kinh tế - xã hội thời kỳ bao cấp đã làm méo mó mô hình CNXH, tác động xấu đến nhận thức, tình cảm của nhân dân ta… Tất cả những vấn đề đó đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nhận thức của thế hệ trẻ, nhất là thanh niên.
Do đó, để bồi dưỡng niềm tin cho thanh niên về con đường đi lên CNXH ở nước ta hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:
- Một là, thường xuyên giáo dục thanh niên về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, về ý thức trách nhiệm với xã hội. Tăng cường giáo dục cho thanh niên có nhận thức đúng về đường lối đổi mới, cung cấp đầy đủ thông tin về những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, phản ánh sự hiện thực hoá lý tưởng XHCN được thực hiện ở mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh để củng cố niềm tin cho thanh niên vào CNXH.
- Hai là, phát huy tinh thần tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của thanh niên, góp công góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mỗi thanh niên phải thường xuyên tự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu đứng khó khăn, gian khổ; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ, ngại rèn ở thanh niên. Phát huy tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
- Ba là, xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội thật trong sáng, lành mạnh tạo điều kiện để thanh niên được phát triển toàn diện, được cống hiến. Đây sẽ là những nhân tố có tác động trực tiếp rất lớn đến quá trình sống, hoạt động và làm việc của thanh niên, đến quá trình chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên. Vì vậy môi trường thuận lợi sẽ thúc đẩy, tạo động lực để thanh niên phấn đấu vươn lên, làm cơ sở để có được niềm tin sâu sắc vào CNXH. Do đó cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, dân chủ, đoàn kết, yêu thương, thực sự là “con người mới XHCN”, tạo động lực để xây dựng CNXH.
- Bốn là, giáo dục nâng cao cảnh giác cách mạng và kiên quyết đấu tranh chống lại hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn, các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm hạ bệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, phá hoại sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Đồng thời, đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục có hiệu quả các tiêu cực nội sinh gây mất niềm tin vào Đảng, vào chế độ. Hướng dẫn và tạo điều kiện để thanh niên trực tiếp tham gia ngày càng nhiều hơn vào cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, qua đó củng cố niềm tin cho thanh niên và không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ lý tưởng XHCN.
Tóm lại, con đường đi lên CNXH mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan và sự lựa chọn của lịch sử. Trong bối cảnh hiện nay bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên CNXH là một đòi hỏi cấp thiết của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng thành công CNXH hiện thực ở nước ta. Từ đó, thanh niên cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tác giả: Nguyễn Đình Thi, khoa Lý Luận Mác - Lênin, Học viện Phòng không- Không quân
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Trọng Chuẩn (đồng chủ biên), (1997), Những quan điểm cơ bản của Mác-Ăngghen-Lênin về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội.
2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, 13, 15, Nxb. CTQG, Hà Nội.
3. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội.