Bài nghiên cứu: Sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở

Bài viết của bà Nguyễn Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Empty

TÓM TẮT

Nghiên cứu được thực hiện trên mẫu gồm 550 cặp cha mẹ - con ở tuổi học sinh trung học cơ sở, tại bốn tỉnh/thành phố, bằng phương pháp điều tra bảng hỏi.

Sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở là một trạng thái cảm xúc, một biểu hiện của thái độ đối với con, được tạo ra từ sự đánh giá của cha mẹ về thực trạng đời sống của con theo những tiêu chuẩn chủ quan của họ hay là sự so sánh giữa thực trạng cuộc sống của con với những tiêu chuẩn mà họ mong đợi, kỳ vọng.

Sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở về tổng thể ở mức cao, hầu hết các khía cạnh đời sống của các con cũng được phần lớn cha mẹ hài lòng ở mức cao. Phẩm chất đạo đức của con và mối quan hệ của cha mẹ với con được hài lòng cao nhất; Thói quen sinh hoạt hàng ngày được hài lòng thấp nhất.

Hầu như không có sự khác biệt rõ rệt về mức độ hài lòng giữa các nhóm cha mẹ theo đặc điểm nhân khẩu xã hội của họ cũng như của con họ. Có sự khác biệt đáng kể về mức độ hài lòng giữa các nhóm cha mẹ có con đạt kết quả học tập và rèn luyện khác nhau, cũng như giữa nhóm cha mẹ có số lượng con khác nhau.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, sự hài lòng với cuộc sống nói chung, cũng như sự hài lòng với một số khía cạnh, cụ thể của cuộc sống là chủ đề được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới và ở Việt Nam. Bởi vì, sự hài lòng với cuộc sống là một chỉ báo về chất lượng cuộc sống, sự hạnh phúc của các cá nhân/các nhóm xã hội - những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa toàn cầu, được mọi người trong xã hội quan tâm (Andrews F.M. và Withey S.B., 1976; Nguyễn Thị Xuân Mai, 2018).

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Xuân Mai (2018) cho thấy, có nhiều quan niệm khác nhau về sự hài lòng với cuộc sống:

- Theo Andrew (1974), sự hài lòng với cuộc sống là một đánh giá tổng thể (từ tiêu cực đến tích cực) về cảm xúc và thái độ đối với cuộc sống của một người, tại một thời điểm cụ thể.

- Diener và cộng sự (1985) cho rằng: sự hài lòng với cuộc sống là nhận thức của cá nhân về những so sánh dựa trên sự tương thích giữa các điều kiện sống của họ với các tiêu chuẩn chủ quan của bản thân.

- Trong khi đó, theo quan niệm của Veenhoven (1996), sự hài lòng với cuộc sống là mức độ đánh giá tích cực về chất lượng cuộc sống tổng thể của mỗi người.

- Sousa và Lyubomirsky (2001) cho rằng, sự hài lòng với cuộc sống là sự chấp nhận các điều kiện sống hoặc sự thỏa mãn các nhu cầu và mong muốn về cuộc sống nói chung.

Như vậy, theo các nhà khoa học, sự hài lòng với cuộc sống của một cá nhân/một nhóm người là sự đánh giá/nhận thức về cuộc sống thực tế của chủ thể, dựa trên tiêu chuẩn của chính họ; là một trạng thái cảm xúc hay biểu hiện thái độ của họ dựa trên sự đánh giá/nhận thức về cuộc sống. Sự hài lòng với cuộc sống thường mang tính chủ quan.

Trong nghiên cứu này, sự hài lòng với cuộc sống của một cá nhân/một nhóm người là một trạng thái cảm xúc, một biểu hiện của thái độ đối với cuộc sống, được tạo ra từ sự đánh giá của chủ thể về thực trạng cuộc sống của họ theo những tiêu chuẩn chủ quan của bản thân hay là sự so sánh giữa thực trạng cuộc sống với những tiêu chuẩn mà họ mong đợi, kỳ vọng.

Nguyễn Thị Xuân Mai (2018) cho rằng, sự hài lòng với cuộc sống có thể được tiếp cận theo hai cách: cách thứ nhất, tiếp cận từ dưới lên/từ cụ thể đến tổng quát, tức là sự hài lòng với cuộc sống là kết quả tổng hợp của sự hài lòng với các khía cạnh khác nhau của cuộc sống (chẳng hạn như gia đình, công việc, thu nhập); cách thứ hai, tiếp cận từ trên xuống, có nghĩa là, sự hài lòng với tổng thể cuộc sống là nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng với từng khía cạnh cụ thể của nó. Sự hài lòng với tổng thể cuộc sống và sự hài lòng với các khía cạnh của nó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Ở Việt Nam, gần đây, cùng với sự hài lòng với công việc, sự hài lòng với đời sống gia đình cũng được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Nghiên cứu “Sự hài lòng về hôn nhân và gia đình”, bằng thang đo Likert (5 bậc), Hoàng Bá Thịnh (2012) cho biết, mức độ hài lòng với đời sống gia đình (bao gồm: hài lòng với hôn nhân, với con, với mối quan hệ với con) của người dân ở cả miền Bắc và miền Nam tương đối cao và cao hơn so với hài lòng với các khía cạnh khác (với kinh tế, với nghề nghiệp, thu nhập hay với điều kiện sống của họ).

Nghiên cứu của Dương Thị Thu Hương và Hoàng Bá Thịnh (2013) về “Sự hài lòng về hôn nhân, về mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái và các yếu tố tác động” cho thấy: sự hài lòng với hôn nhân chịu ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê của tình yêu; trong khi đó, sự hài lòng với mối quan hệ giữa cha mẹ - con chịu tác động đáng kể của các yếu tố như tình trạng hôn nhân, số người chung sống và số lượng tài sản có giá trị.

Kết quả nghiên cứu “Sự hài lòng với hôn nhân và các yếu tố tác động” của Nguyễn Hà Đông (2015) cho thấy, sự hài lòng với hôn nhân chịu tác động của các yếu tố như sự hòa hợp về tình dục, sự hỗ trợ về tình cảm, việc thường xuyên tổ chức các sự kiện đặc biệt, mức sống của hộ gia đình, nhóm nghề nghiệp của cặp vợ chồng và nơi cư trú.

Nguyễn Thị Hoa (2017), tìm hiểu sự hài lòng với đời sống hôn nhân của phụ nữ đã kết hôn ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam cho thấy, phần lớn khách thể nghiên cứu khá hài lòng với đời sống gia đình nói chung và với người bạn đời của mình - người chồng. Lưu Thị Lịch (2019) nghiên cứu sự hài lòng với hôn nhân trong 5 năm đầu cho thấy, phần lớn khách thể tham gia nghiên cứu hài lòng với đời sống hôn nhân trong 5 năm đầu. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra có sự khác biệt về sự hài lòng giữa vợ và chồng, giữa các nhóm có trình độ học vấn, địa bàn sinh sống (nội thành và ngoại thành) và tình trạng con (có con và chưa có con).

Nghiên cứu còn cho thấy, trong 5 yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng về cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng được xem xét: mối quan hệ vợ chồng, hành vi giao tiếp với người bạn đời, mức độ hòa hợp, ứng xử của người bạn đời và mức độ đáp ứng mong đợi về cuộc sống hôn nhân thì mối quan hệ vợ chồng là yếu tố có ảnh hưởng nhiều nhất, trái lại, hành vi giao tiếp với người bạn đời là yếu tố có ảnh hưởng ít nhất.

Kết quả của các nghiên cứu cho thấy, tương tự sự hài lòng với cuộc sống, sự hài lòng với công việc/sự hài lòng với đời sống gia đình là kết quả tổng hợp của sự hài lòng với các khía cạnh nhỏ hơn, cụ thể hơn của công việc/của đời sống gia đình (Graham, 1982; Chermerhorn, 1993; Spector, 1997; Robbins và các cộng sự, 2003 - dẫn theo Trịnh Tú Anh và Lê Phương Linh, 2015; Nguyễn Thị Vân Hạnh, 2013; Trần Kim Dung, 2005; Dương Thị Thu Hương và Hoàng Bá Thịnh, 2013; Lưu Thị Lịch, 2019...).

Nhìn chung, những nghiên cứu về sự hài lòng với đời sống gia đình ở nước ta cho thấy, khách thể nghiên cứu khá hài lòng với đời sống gia đình nói chung, với đời sống hôn nhân nói riêng. Đó là một trong những cơ sở để khẳng định sự ổn định và phát triển bền vững của gia đình ở nước ta. Tuy nhiên, những nghiên cứu về sự hài lòng với đời sống gia đình ở nước ta chủ yếu tìm hiểu sự hài lòng với đời sống gia đình từ góc nhìn tổng thể hoặc sự hài lòng với đời sống hôn nhân của các cặp vợ chồng, sự hài lòng với các khía cạnh khác; sự hài lòng của cha mẹ với con còn ít được quan tâm.

Mặt khác, kết quả của nhiều nghiên cứu về mối quan hệ cha mẹ - con ở tuổi học sinh trung học cơ sở cho thấy, đây là một mối quan hệ có nhiều khó khăn, có nhiều mâu thuẫn và xung đột. Điều đó chủ yếu xuất phát từ những biến đổi tâm lý trong giai đoạn dậy thì, giai đoạn các con chuyển từ trẻ con sang người lớn (Nguyễn Thị Hoa, 2003; Nguyễn Văn Khoa, 2003; Đỗ Hạnh Nga, 2006; Ngô Thị Hà, 2014...).

Vậy, sự hài lòng của cha mẹ với con ở lứa tuổi học sinh trung học cơ sở hiện nay như thế nào? Đó là điều chúng tôi sẽ đề cập đến trong bài viết này.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi cho rằng: “Sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở là một trạng thái cảm xúc, một biểu hiện của thái độ đối với con, được tạo ra từ sự đánh giá của cha mẹ về con ở tuổi học sinh trung học cơ sở theo những tiêu chuẩn chủ quan của họ hay là sự so sánh giữa thực trạng các khía cạnh đời sống của con với những tiêu chuẩn mà họ mong đợi, kỳ vọng.

Sự hài lòng ở đây được tiếp cận theo mô hình từ dưới lên, tức hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở là sự hài lòng mang tính tổng thể, nó bao gồm sự hài lòng với các khía cạnh khác nhau trong đời sống của con, được cha mẹ quan tâm: hoạt động học tập, phẩm chất đạo đức, hành vi ứng xử trong gia đình, quan hệ với bạn bè, định hướng tương lai, quan hệ với cha mẹ của trẻ ở độ tuổi học sinh trung học cơ sở.

2. Khách thể và phương pháp nghiên cứu

2.1. Khách thể nghiên cứu

Nghiên cứu về sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở được thực hiện trên mẫu nghiên cứu gồm 550 cha mẹ có con ở lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, tại bốn tỉnh/thành phố: Hà Nội, Cần Thơ và Hòa Bình và Trà Vinh.

Tại mỗi tỉnh/thành phố trên, một trường trung học cơ sở được chọn làm địa bàn nghiên cứu, theo tiêu chí sau: ở hai thành phố lớn (Hà Nội và Cần Thơ), hai trường được chọn là hai trường chất lượng cao, có nhiều thành tích trong lĩnh vực giáo dục; trong khi đó, ở hai tỉnh, hai trường được chọn là hai trường đại trà. Hai mô hình trường học trên có nhiều điểm khác biệt nhau rất lớn:

- Hai trường chất lượng cao là các trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học khá đầy đủ và hiện đại, giáo viên có trình độ cao và nhiệt tình. Bên cạnh đó, phần lớn học sinh ở trường chất lượng cao có điều kiện kinh tế gia đình ở mức khá cao (Lê Huyền, 2013). Học sinh vào trường phải qua vòng thi tuyển, là những người có thành tích cao trong những năm học trước và đạt tiêu chuẩn đầu vào của trường. Ở đó, sự cạnh tranh trong học tập và rèn luyện của học sinh cao, học sinh chịu áp lực lớn.

- Hai trường đại trà là nơi có nhiều học sinh người dân tộc ít người, điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, điều kiện sống của gia đình các em còn rất hạn chế. Ở đó, hoạt động học tập của học sinh về cơ bản mang tính tự nguyện, tự giác, ít có sự cạnh tranh, các em ít bị áp lực.

Cách chọn mẫu như vậy nhằm phát hiện sự khác biệt có thể có về sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở ở thành thị và nông thôn, ở các trường chất lượng cao và các trường đại trà ở vùng sâu vùng xa.

Dưới đây là một số đặc điểm của mẫu nghiên cứu (tỷ lệ % chỉ tính những trường hợp có đủ thông tin, không tính trường hợp thiếu thông tin).

Bảng 1: Một số đặc điểm của nhóm khách thể cha mẹ

Tiêu chí

Các nhóm

Số lượng

Tỷ lệ %

Giới tính

Nam

202

36,7

Nữ

348

63,3

Nơi ở hiện nay

Thành thị

324

60,4

Nông thôn

212

39,6

Dân tộc

Kinh

385

73,6

Dân tộc thiểu số

138

26,4

Tôn giáo

Không tôn giáo

403

77,8

Có tôn giáo

115

22,2

Học vấn

Tiểu học và THCS

152

28,1

THPT và trung cấp

93

17,2

Cao đẳng và đại học

173

32,0

Trên đại học

123

22,7

Mức sống

Dưới trung bình

52

9,6

Trung bình

279

51,7

Trên trung bình

209

38,7

Tuổi

Dưới 40 tuổi

164

34,1

Từ 40 đến 44 tuổi

181

37,6

45 tuổi trở lên

136

28,3

Nghề nghiệp

Nông dân

97

17,8

Công nhân

48

8,8

Công chức, viên chức, lực lượng vũ trang

244

44,5

Kinh doanh, làm nghề tự do

158

28,9

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu. Nghiên cứu nội dung này gồm 2 loại câu hỏi: loại thứ nhất gồm những câu hỏi tìm hiểu thông tin cá nhân của khách thể. Loại thứ hai là một thang đo về sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở, gồm 7 mệnh đề (item) về các khía cạnh đời sống của học sinh trung học cơ sở được cha mẹ quan tâm nhiều.

Empty

Thang điểm gồm 10 bậc: 1 tương ứng với mức độ thấp nhất - “Hoàn toàn không hài lòng”, mức độ hài lòng tăng dần đến 10 là mức cao nhất - “Hoàn toàn hài lòng”. Điều đó có nghĩa là điểm trung bình (M) của các item/thang đo càng cao, mức độ hài lòng càng cao và ngược lại, điểm trung bình càng thấp, mức độ hài lòng càng thấp. Điểm trung bình tối đa là 10 và tối thiểu là 1.

Tuy nhiên, về tần suất xuất hiện câu trả lời, chúng tôi xử lý theo 3 mức để thuận lợi cho việc phân tích kết quả nghiên cứu: thấp (từ 1 đến 4 điểm), trung bình (từ 5 đến 7 điểm) và cao (từ 8 đến 10 điểm) và một số mức độ cụ thể đặc biệt (mức 10 và 1 - 2).

Độ tin cậy của thang đo Sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở là 0,87.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở

Kết quả ở bảng 2 cho thấy, cha mẹ hài lòng với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở về tổng thể ở mức cao (M ≈ 8,0; SD = 1,3, điểm trung bình tối đa là 10 và tối thiểu là 1,8). Trong đó, 60 cha/mẹ (chiếm hơn 10%) có điểm hài lòng với tổng thể đời sống của con gần như tuyệt đối (M ≥ 9,50), trái lại, chỉ 1 cha/mẹ (chiếm 0,2%) có điểm hài lòng ở mức dưới 2 điểm (M = 1,8).

Xem xét sự hài lòng với từng khía cạnh đời sống của con ở tuổi này được cha mẹ quan tâm, kết quả cho thấy, hầu hết các khía cạnh được phần lớn cha mẹ hài lòng ở mức cao (từ 62,0 đến 78,5% số người trả lời ở mức cao); trái lại, số người hài lòng ở mức thấp chiếm tỷ lệ không đáng kể (dưới 4% ở hầu hết các khía cạnh). Trong đó, những khía cạnh được cha mẹ hài lòng cao nhất là Phẩm chất đạo đức của con và Mối quan hệ của con với cha mẹ (đều có M = 8,4; SD = 1,6).

Bảng 2: Phân bố các mức hài lòng và điểm trung bình của thang đo Sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở

Các khía cạnh

Mức độ hài lòng (%)

M

SD

Thấp

Trung bình

Cao

Học tập

3,0

32,3

64,7

7,8

1,7

Phẩm chất đạo đức

2,6

18,8

78,5

8,4

1,6

Hành vi ứng xử với cha mẹ và người thân gia đình

3,2

22,6

74,2

8,0

1,7

Thói quen hàng ngày

7,2

43,7

49,1

7,2

1,9

Quan hệ bạn bè

3,5

28,5

68,0

7,9

1,6

Định hướng tương lai

3,9

34,1

62,0

7,7

1,7

Mối quan hệ của con với cha mẹ

2,0

22,9

77,1

8,4

1,6

Chung

7,97

1,3

Đây là những thông tin tích cực, đáng mừng. Thứ nhất, kết quả về sự hài lòng cao của đa số cha mẹ (chiếm 78,5%) với Phẩm chất đạo đức của con là một chỉ báo nói lên rằng, thực trạng đạo đức của học sinh trung học cơ sở trong nghiên cứu này không theo xu hướng đạo đức xuống cấp của một bộ phận giới trẻ hiện nay, khiến dư luận xã hội lo lắng, được một số phương tiện thông tin đại chúng thường nói đến (Song Giang, 2018; Trương Nguyên Tuệ, 2019).

Thứ  hai, sự hài lòng cao của phần lớn cha mẹ (chiếm 77,1%) với mối quan hệ của họ với con cho thấy mối quan hệ đó tích cực, phù hợp với mong đợi của cha mẹ, không theo xu hướng bất đồng, mâu thuẫn, khó khăn được phản ánh trong nhiều nghiên cứu đã được thực hiện (Nguyễn Thị Hoa, 2003; Nguyễn Văn Khoa, 2003; Đỗ Hạnh Nga, 2006; Ngô Thị Hà, 2014).

Từ góc độ lý luận, sự hài lòng của mỗi người cha/mẹ với những khía cạnh đời sống của con mình mang tính chủ quan, xuất phát từ sự đánh giá của chính họ, theo những tiêu chuẩn của bản thân họ, song kết quả về sự hài lòng của đa số khách thể trong một mẫu nghiên cứu đủ lớn - theo tiêu chuẩn thống kê (Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008) - là những điều đáng được quan tâm.

Tuy nhiên, liệu đây có phải là những xu hướng biểu hiện mới, mang tính phổ biến của học sinh trung học cơ sở ở nước ta? Và điều gì dẫn đến sự thay đổi đó? Để làm rõ những điều này, cần có những nghiên cứu được thực hiện ở phạm vi rộng hơn, khách thể mang tính đại diện hơn và cần tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của họ.

Trái lại, thói quen hàng ngày của con được cha mẹ hài lòng thấp nhất (M = 7,2; SD = 1,9), chỉ gần 1/2 số cha mẹ có sự hài lòng ở mức cao. Có lẽ, có nhiều nguyên nhân khiến cha mẹ ít hài lòng với khía cạnh này. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy: một trong những nguyên nhân khiến một số cha mẹ ít hài lòng với con là việc các em ít giúp cha mẹ công việc gia đình: “Nhìn chung, tôi hài lòng với con gái mình, nhưng chỉ hơi buồn là cháu ít quan tâm đến công việc gia đình, ít giúp mẹ làm việc vặt trong nhà” (nữ, 42 tuổi, phụ huynh học sinh nữ lớp 6, Trường THCS C.T., Trà Vinh).

Tình trạng ít tham gia công việc gia đình của trẻ em hiện nay cũng được phản ánh ở kết quả nghiên cứu của Phan Thị Mai Hương (2016). Một nguyên nhân khác có thể xuất phát từ việc ham thích chơi game của các em. Kết quả của một nghiên cứu do Trần Thành Nam thực hiện cho thấy, trong số 500 học sinh lớp 7, 8, 9 các trường THCS ở Hà Nội tham gia nghiên cứu, có 266 học sinh thường xuyên chơi game; có 76,7% học sinh chơi game bất kể khi nào rảnh, chơi trước và sau giờ ăn cơm lần lượt là 36,8% và 34,6% (dẫn theo Vĩnh Hà, 2020). Việc các em thích chơi game, dành nhiều thời gian chơi game, ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt của các em có lẽ cũng là điều phiền muộn của không ít người làm cha mẹ.

 Nhìn chung, xem xét sự hài lòng của cha mẹ trên toàn mẫu nghiên cứu với con ở tuổi học sinh THCS cho thấy: sự hài lòng với đời sống tổng thể của con ở mức cao; phần lớn cha mẹ cũng hài lòng với các khía cạnh đời sống của con ở mức cao. Trong đó, phẩm chất đạo đức của con và mối quan hệ giữa con với họ được hài lòng ở mức cao nhất, trái lại, thói quen sinh hoạt hàng ngày của con được hài lòng thấp nhất.

3.2. Sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở: so sánh giữa các nhóm cha mẹ theo đặc điểm nhân khẩu xã hội của họ

Bảng 3: Khác biệt điểm trung bình hài lòng giữa các nhóm cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở

Các đặc điểm cha/mẹ

M

SD

p

Giới tính

Nam

8,03

1,24

0,31

Nữ

7,91

1,30

Nơi ở

Nông thôn

7,86

1,44

0,17

Thành thị

8,02

1,17

Dân tộc

Kinh

8,00

1,20

0,40

Dân tộc thiểu số

7,93

1,51

Tôn giáo

Không tôn giáo

7,92

1,24

0,16

Có tôn giáo

8,09

1,33

Tuổi

Dưới 40 tuổi

7,84

1,26

0,15

Từ 40 đến 44 tuổi

8,09

1,19

45 tuổi trở lên

8,04

1,49

Học vấn

Tiểu học và trung học cơ sở

7,79

1,53

0,13

Trung học phổ thông và trung cấp

8,09

1,37

Cao đẳng và đại học

8,09

1,03

Trên đại học

7,93

1,16

Nghề nghiệp

Công chức, viên chức, lực lượng vũ trang

7,98

1,07

0,07

Công nhân

7,60

1,71

Kinh doanh, làm nghề tự do

8,08

1,16

Nông dân

7,79

1,60

Mức sống

Dưới trung bình

7,91

1,45

0,47

Trung bình

7,91

1,36

Trên trung bình

8,05

1,13

Số con

Một con

7,97

1,23

0,01

Hai con

8,05

1,22

Ba con trở lên

7,58

1,53

Kết quả thực hiện phép so sánh điểm trung bình hài lòng giữa các nhóm cha mẹ theo một số đặc điểm nhân khẩu xã hội (bảng 3) cho thấy:

- Không có sự khác biệt về điểm trung bình hài lòng giữa phần lớn các nhóm cha mẹ.

- Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về điểm trung bình hài lòng giữa một số nhóm sau:

Nhóm cha mẹ là công nhân có điểm trung bình hài lòng thấp hơn nhóm cha mẹ kinh doanh, làm nghề tự do.

Nhóm cha mẹ trẻ tuổi nhất (dưới 40 tuổi) có điểm trung bình hài lòng thấp hơn nhóm cha mẹ lớn tuổi nhất (từ 45 tuổi trở lên).

Nhóm cha mẹ có trình độ học vấn thấp nhất (tiểu học và THCS) có điểm trung bình hài lòng thấp hơn nhóm cha mẹ có trình độ cao đẳng và đại học.

Những khác biệt trên đây nói lên rằng, trong các nhóm cha mẹ được nhắc đến, các cha mẹ ở nhóm thứ nhất hài lòng với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở thấp hơn các cha mẹ ở nhóm thứ hai.

Tuy nhiên, sự khác biệt về mức độ hài lòng của các nhóm cha mẹ trên đây chỉ mang tính riêng lẻ, không phản ánh sự khác biệt chung của các nhóm trong cùng một loại theo tiêu chí phân chia.

- Điểm trung bình hài lòng của cha mẹ có số con khác nhau có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Trong đó, điểm trung bình hài lòng của nhóm cha mẹ có một con và nhóm cha mẹ có hai con cao hơn đáng kể giá trị tương ứng của cha mẹ có ba con.

Kết quả này gợi ý rằng, số lượng con trong gia đình có thể là yếu tố tác động đến mức độ hài lòng với con ở tuổi THCS, trong đó, những cha mẹ có tối đa hai con theo quy định của pháp lệnh dân số và kế hoạch hóa gia đình của Nhà nước Việt Nam (Pháp lệnh dân số, 2013) có mức độ hài lòng với con cao hơn nhóm cha mẹ có 3 con trở lên. Tuy vậy, để có kết luận chính xác thì cần nghiên cứu sâu hơn với sự đối chiếu nhiều yếu tố khác.

Kết quả trên đây nói lên rằng, mức độ hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở dường như không chịu tác động của các đặc điểm nhân khẩu xã hội của cha mẹ như: giới tính, nơi ở, dân tộc, tôn giáo, mức sống và chịu tác động ít của các đặc điểm: trình độ học vấn, nghề nghiệp, lứa tuổi của cha mẹ, nhưng chịu tác động rõ của yếu tố số lượng con.

Liệu mức độ hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở có liên quan với một số đặc điểm nhân khẩu xã hội và thành tích học tập, rèn luyện của con? Dưới đây, chúng tôi sẽ làm rõ điều đó.

3.3. Sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở: so sánh giữa các nhóm cha mẹ theo đặc điểm nhân khẩu xã hội và kết quả học tập, rèn luyện của con

So sánh sự hài lòng với con học sinh trung học cơ sở giữa các nhóm cha mẹ theo đặc điểm nhân khẩu xã hội của con cho thấy:

- Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về điểm trung bình mức độ hài lòng của cha mẹ với con theo các đặc điểm của con như: giới tính, khối lớp, thứ tự sinh.

- Điểm trung bình sự hài lòng của cha mẹ với con có kết quả học tập và rèn luyện khác nhau cũng có sự khác biệt rõ rệt. Cụ thể là: điểm trung bình mức độ hài lòng của cha mẹ có con là học sinh đạt hạnh kiểm tốt cao hơn đáng kể so với giá trị đó của các nhóm cha mẹ có con đạt hạnh kiểm thấp hơn - khá và trung bình. Tương tự, điểm trung bình mức độ hài lòng của cha mẹ có con là học sinh đạt học lực giỏi cao hơn có ý nghĩa thống kê so với giá trị đó của các nhóm cha mẹ có con đạt học lực khá, trung bình và yếu. Những khác biệt đó có nghĩa là cha mẹ có con đạt hạnh kiểm loại tốt/học lực loại giỏi hài lòng với con hơn nhóm cha mẹ có con đạt hạnh kiểm và học lực ở mức thấp hơn.

Bảng 4: Khác biệt điểm trung bình hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở theo một số đặc điểm của con

Các đặc điểm của con

M

SD

p

Giới tính

Nam

7,92

1,24

0,48

Nữ

8,01

1,32

Khối lớp

Lớp 6

7,94

1,22

0,20

Lớp 7

7,87

1,41

Lớp 8

7,89

1,35

Lớp 9

8,17

1,08

Thứ tự sinh

Con đầu

8,01

1,14

0,32

Con thứ

7,77

1,54

Con út

7,99

1,38

Xếp loại hạnh kiểm

Trung bình

7,57

1,42

< 0,01

Khá

7,60

1,43

Tốt

8,07

1,22

Xếp loại học lực

Yếu và trung bình

7,83

1,51

< 0,01

Khá

7,69

1,36

Giỏi

8,14

1,10

Những kết quả trên cho thấy, sự hài lòng của cha mẹ với con học sinh THCS hầu như không liên quan đến một số đặc điểm nhân khẩu xã hội của con. Trong khi đó, có sự liên quan rõ nét đến kết quả học tập và rèn luyện đạo đức của các con - những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của học sinh.  

4. Kết luận

Sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở là một trạng thái cảm xúc, một biểu hiện của thái độ đối với con, được tạo ra từ sự đánh giá của cha mẹ về thực trạng đời sống của con theo những tiêu chuẩn chủ quan của họ hay là sự so sánh giữa thực trạng cuộc sống của con với những tiêu chuẩn mà họ mong đợi, kỳ vọng.

Sự hài lòng với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở của cha mẹ trong nghiên cứu này được tiếp cận theo mô hình từ dưới lên, tức là hài lòng với đời sống tổng thể của con, bao gồm sự hài lòng với các khía cạnh khác nhau được cha mẹ/các em quan tâm: hoạt động học tập, phẩm chất đạo đức, hành vi ứng xử trong gia đình, quan hệ với bạn bè, định hướng tương lai, quan hệ với cha mẹ.

Sự hài lòng của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở về tổng thể ở mức cao, đồng thời, hầu hết các khía cạnh đời sống của các con cũng được phần lớn cha mẹ hài lòng ở mức cao. Trong đó, cha mẹ hài lòng nhất với phẩm chất đạo đức và mối quan hệ của họ với con; hài lòng thấp nhất với thói quen sinh hoạt hàng ngày của con.

Empty

Kết quả nghiên cứu này chỉ ra một số điểm mới so với kết quả của những nghiên cứu trước đây như sau: thứ nhất, mối quan hệ của cha mẹ với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở trong nghiên cứu này mang tính tích cực, theo mong đợi, kỳ vọng của cha mẹ, không giống với tính chất tiêu cực, khó khăn của mối quan hệ này theo kết quả của những nghiên cứu trước; thứ hai, sự đánh giá của cha mẹ về phẩm chất đạo đức của con ở tuổi học sinh trung học cơ sở rất tích cực, khác với xu thế nhìn nhận tiêu cực, lo ngại của dư luận xã hội về vấn đề này ở giới trẻ hiện nay.

Mức độ hài lòng với con ở tuổi học sinh trung học cơ sở giữa các nhóm cha mẹ theo đặc điểm nhân khẩu xã hội của cha mẹ cũng như của con ít có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi đó, mức độ hài lòng của cha mẹ với các nhóm con có kết quả học tập và rèn luyện khác nhau có sự khác biệt đáng kể, trong đó, cha mẹ có con đạt học lực loại giỏi và hạnh kiểm loại tốt hài lòng hơn các nhóm cha mẹ có con đạt kết quả ở các mức thấp hơn. Mức độ hài lòng của các nhóm cha mẹ có từ một đến hai con cao hơn rõ rệt giá trị tương ứng của cha mẹ có từ ba con trở lên.

Kết quả nghiên cứu này có hàm ý chính sách rằng, quy định của Pháp lệnh dân số: mỗi cặp vợ chồng có quyền sinh từ một hoặc hai con là có cơ sở khoa học và mang tính nhân văn, nó góp phần làm tăng cảm nhận hạnh phúc (biểu hiện cụ thể là tăng sự hài lòng với con) của những người làm cha mẹ.

Chú thích

Bài viết này là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ năm 2019 - 2020: Quan niệm và kỳ vọng của cha mẹ trong giáo dục con lứa tuổi trung học cơ sở; Viện Tâm lý học chủ trì; PGS.TS. Lê Văn Hảo làm chủ nhiệm.

------- 

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tiếng Việt

1. Trịnh Tú Anh và Lê Phương Linh (2015). Xây dựng mô hình đo lường sự hài lòng của nhân viên trong công việc tại cảng hàng không - Sân bay Pleiku. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh. Số 1 (40). Tr. 42 - 49.

2. Trần Kim Dung (2005). Đo lường mức độ thỏa mãn đối với công việc trong điều kiện của Việt Nam. Tạp chí Phát triển Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Tập 8. Số 12.

3. Nguyễn Hà Đông (2015). Sự hài lòng với hôn nhân và các yếu tố tác động. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới. Số 4. Tr. 3 - 14.

4. Song Giang (2018). Tình trạng xuống cấp trong lối sống của một bộ phận giới trẻ. https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/tinh-trang-xuong-cap-trong-loi-song-cua-mot-bo-phan-gioi-tre-339471/.

5. Ngô Thị Hà (2014). Mối quan hệ qua lại của học sinh trung học cơ sở với cha mẹ trong một số hoạt động cơ bản của lứa tuổi các em. Luận văn Thạc sỹ. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Vĩnh Hà (2020). Học sinh nghiện game, ngăn làm sao?. https://tuoitre.vn/hoc-sinh-nghien-game-ngan-lam-sao-20200611120001731.htm.

7. Nguyễn Thị Vân Hạnh (2013). Sự hài lòng với cuộc sống của người Việt Nam hiện nay xét trên góc độ nghề nghiệp, việc làm và mức sống. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tập 29. Số 3. Tr. 10 - 18.

8. Nguyễn Thị Hoa (2003). Một số đặc điểm tâm sinh lý đặc trưng của thiếu niên. Trong sách: Những tổn thương tâm lý của thiếu niên do bố mẹ ly hôn (Văn Thị Kim Cúc chủ biên). Tr. 42 - 69. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội.

9. Nguyễn Thị Hoa (2017). Sự hài lòng với đời sống gia đình của phụ nữ đã kết hôn ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Tâm lý học khu vực Đông Nam Á lần thứ nhất: Hạnh phúc con người và phát triển bền vững. Tập 1, Tr. 274 - 283. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

10. Dương Thị Thu Hương (2012). Các yếu tố tác động đến sự hài lòng với cuộc sống tinh thần. Tạp chí Xã hội học. Số 4 (120). Tr. 64 - 75.

11. Dương Thị Thu Hương, Hoàng Bá Thịnh (2013). Sự hài lòng về hôn nhân, về mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái và các yếu tố tác động. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới. Số 5. Tr. 16 - 26.

12. Phan Thị Mai Hương (2016). Báo cáo tổng hợp đề tài cấp Bộ: Thái độ vô cảm của trẻ vị thành niên trong gia đình. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

13. Nguyễn Văn Khoa (2003). Tìm hiểu mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái về nhu cầu chọn bạn của học sinh lớp 8, 9 quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sỹ Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

14. Lưu Thị Lịch (2019). Sự hài lòng với cuộc sống hôn nhân trong 5 năm đầu chung sống của các cặp vợ chồng tại Hà Nội. Luận án Tiến sỹ. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

15. Nguyễn Thị Xuân Mai (2018). Đo lường sự hài lòng với cuộc sống. Tạp chí Kinh tế và Phát triển. Số 252 (II). Tr. 11 - 19.

16. Đỗ Hạnh Nga (2006). Xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con lứa tuổi học sinh trung học cơ sở về nhu cầu độc lập. Tạp chí Tâm lý học. Số 5. Tr. 35 - 41.

17. Pháp lệnh dân số (2013). Chương II, Điều 10. Công báo số 463 + 464, ngày 08-8-2013. Nguồn: congbao.chinhphu.vn.

18. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích kết quả nghiên cứu với SPSS. Tập 2. NXB Hồng Đức. Hà Nội.

19. Trương Nguyên Tuệ (2019). Suy nghĩ về thực trạng đạo đức xã hội hiện nay. http://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/suy-nghi-ve-thuc-trang-dao-duc-xa-hoi-hien-nay-124824.

Tài liệu tiếng Anh

20. Andrews F.M. and Withey S.B. (1976). Social indicators of well-being: America’s perception of life quality. New York. Plenum. DOI: 10.1007/978-1-4684-2253-5.

Nguồn: Tạp chí Tâm lý học, Số 2 (263), 2 - 2021

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính