Với kiến thức về chuyên khoa ung thư được tích luỹ trong quá trình học tập và 12 năm giữ vị trí Phó trưởng Khoa Tia xạ, kiêm nhiệm Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, quãng thời gian 12 năm làm việc tại khoa Dinh Dưỡng kiêm bác sĩ điều trị chuyên khoa Nhi tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bác sĩ Minh Hương hiểu rõ, nếu được phát hiện sớm, 70% bệnh nhân sẽ chữa được ung thư. Còn trong trường hợp tế bào ung thư không được kiểm soát thì người bệnh sẽ hao mòn và chết.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh gia đình lại có 4 người mắc căn bệnh này và sống được hơn chục năm, nên hơn ai hết, bác sĩ Minh Hương thấu hiểu được người bệnh ung thư cần điều gì ngoài những phác đồ điều trị. ‘Đôi khi, người bệnh ung thư còn cần sự sẻ chia, động viên từ gia đình, những người xung quanh còn hơn cả những liều thuốc giảm đau’, bác sĩ thổ lộ.
Làm việc tại khoa Ung Bướu, bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc, ngày nào cũng tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư, trong đó có những bệnh nhân đang ở giai đoạn muộn. Cảm xúc của bà như thế nào?
- Mọi người hình dung xem, cảm giác chứng kiến bệnh nhân cứ đuối dần đuối dần rồi ra đi thì như thế nào? Tôi đau lòng lắm!
Không chỉ tôi có cảm giác như vậy đâu mà hầu như nhân viên y tế chúng tôi, bất kỳ ai chứng kiến bệnh nhân từ chỗ là người gặp gỡ lần đầu tiên cách đây 1 năm, 3 năm, 6 năm, bệnh nhân và các y bác sĩ trở nên thân thiết rồi họ ra đi, đều có cảm giác xót xa.
Nói thật, ngày nào về nhà tôi cũng phải uống thuốc an thần.
Cách đây không lâu, Khoa Ung Bướu, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc tiếp nhận một bệnh nhân nữ trong tình trạng gầy tới mức chỉ còn da bọc xương, phải di chuyển bằng xe lăn.
Điều duy nhất mà tôi có thể can thiệp về mặt thể xác với người phụ nữ sinh năm 1990 đó là lấy máu để đánh giá sức khoẻ bệnh nhân, vì bệnh nhân không đủ sức để làm xác xét nghiệm khác. Lúc đó, tôi suy nghĩ hai vấn đề, hoặc bệnh nhân suy sụp do bệnh ung thư não tiến triển hoặc do tác dụng phụ của việc điều trị trước đó?
Gia đình người phụ nữ trẻ tuổi và chính bản thân cô đều mang trong mình niềm hy vọng một ngày sức khoẻ sẽ tiến triển, dù chỉ là dấu hiệu. Khi đó, vì quá sốt ruột trước tình trạng quan ngại của người vợ, chồng bệnh nhân lên tiếng: ‘Tại sao hôm nay bác sĩ ở Singapore có lịch khám ở bệnh viện mà lại không cho vợ tôi gặp để bác sĩ tư vấn?’
Trước phản ứng mạnh của người thân bệnh nhân, bác sĩ đã nói gì?
- Tôi đến bên chồng của bệnh nhân, nhẹ nhàng trao đổi: ‘Chữa bệnh cho vợ của cậu cần phải đúng thời điểm. Trước tiên vợ cậu cần phải có sức khoẻ thì chúng tôi mới có thể khám chữa bệnh cho cô ấy được. Sức khoẻ hiện tại của bệnh nhân không đáp ứng được bất kì điều trị nào cả…’
Sau một hồi giải thích và tư vấn, gia đình đã đồng ý quyết định để bệnh nhân nằm viện để các y bác sĩ tại BV Thu Cúc nâng cao thể trạng cho cô ấy. Và cũng bởi có lẽ, nếu đưa bệnh nhân về nhà, họ không biết sẽ phải chăm sóc bệnh nhân như thế nào để bệnh nhân có thể giảm nỗi đau về thể xác và được sống những ngày vui vẻ.
Bệnh nhân đó được các y bác sĩ tại đây thực hiện chăm sóc giảm nhẹ đến gần giây phút cuối đời thì được gia đình đưa về. Những ngày cuối đời, bệnh nhân đã được các y bác sĩ tại khoa chăm sóc triệu chứng, có quãng thời gian vui vẻ và ra đi trong thanh thản.
Chăm sóc giảm nhẹ tại khoa Ung Bướu, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
- Chăm sóc giảm nhẹ là các phương pháp điều trị tập trung vào việc ngăn ngừa và quản lý các triệu chứng của bệnh ung thư và những ảnh hưởng, tác dụng phụ do quá trình điều trị gây ra.
Nó cũng hỗ trợ toàn diện cho người sống chung với căn bệnh ung thư và gia đình của họ. Bất cứ bệnh nhân nào, không kể tuổi tác, loại ung thư, hay giai đoạn ung thư, đều có thể được chăm sóc giảm nhẹ. Đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, cần đến chăm sóc giảm nhẹ với mục đích nâng cao chất lượng sống, kéo dài sự sống.
Bệnh càng tiến triển, tiến dần đến giai đoạn cuối thì vai trò của chăm sóc giảm nhẹ ngày càng tăng. Khi điều trị không đặc hiệu nữa thì chỉ còn hoàn toàn chăm sóc giảm nhẹ cho đến lúc bệnh nhân tử vong.
Bản thân bệnh nhân ung thư phải sống cùng với nỗi đau thể xác và quá trình điều trị có thể gây ra các triệu chứng và một số tác dụng phụ. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh như thế nào, thưa bà?
- Chúng ta biết người bệnh ung thư ở giai đoạn muộn thường phải trải qua nỗi đau về cả thể xác và tinh thần. Chính nỗi đau về thể xác khiến người bệnh mất đi ý chí chiến đấu với bệnh tật.
Do đó, song song với việc điều trị, người bệnh ung thư cần được hỗ trợ chăm sóc giảm nhẹ để kiểm soát các triệu chứng và tác dụng phụ của điều trị.
Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư?
- Chăm sóc giảm nhẹ là một khâu quan trọng trong quá trình điều trị ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ giúp hỗ trợ bệnh nhân cả về tinh thần lẫn thể chất, làm tăng chất lượng sống của người bệnh.
Mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ tại khoa chúng tôi là: Điều trị triệu chứng, bao gồm đau, buồn nôn, khó thở, mất ngủ và các vấn đề vật lý khác; kiểm soát lo âu, trầm cảm…; đáp ứng sự quan tâm về tinh thần, hỗ trợ người thân trong vấn đề chăm sóc bệnh nhân ung thư, giúp bệnh nhân kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư tại khoa bà chỉ được áp dụng với bệnh nhân giai đoạn muộn hay cả từ khâu chẩn đoán, phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, điều trị trúng đích?
- Tất cả các trường hợp ung thư đều cần chăm sóc giảm nhẹ, không kể độ tuổi, loại ung thư, giai đoạn bệnh. Tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, chúng tôi chăm sóc giảm nhẹ theo hai đối tượng bệnh nhân: chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn để nâng cao chất lượng sống cho họ và chăm sóc nâng đỡ hằng ngày cho bệnh nhân ngay từ khâu chẩn đoán và điều trị.
Bà chia sẻ, việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư được áp dụng theo hai đối tượng là bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn và bệnh nhân ung thư giai đoạn mới phát hiện. Như vậy, với mỗi đối tượng bệnh nhân, việc chăm sóc giảm nhẹ lại được chú trọng ở các mức độ khác nhau?
- Từ bước chẩn đoán: Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư được thực hiện ngay từ đầu, giúp bệnh nhân và người nhà tiếp cận và từng bước lên kế hoạch chăm sóc càng sớm càng tốt.
Trong quá trình điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị): Chăm sóc giảm nhẹ giúp giảm nhẹ bớt các triệu chứng, tác dụng phụ, nâng cao thể trạng, tăng hiệu quả do điều trị mang lại.
Còn với bệnh nhân ở giai đoạn muộn có thể không tự chủ được sinh hoạt cá nhân, nhiệm vụ của điều dưỡng tại khoa tôi là luôn giữ cho cơ thể bệnh nhân và giường bệnh được sạch sẽ. Họ sẽ thay ga trải giường bất cứ lúc nào thấy cần thiết giúp cho bệnh nhân được sạch sẽ, dễ chịu.
Các phương pháp điều trị giảm nhẹ mà Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc sử dụng là gì?
- Phương pháp điều trị giảm nhẹ tại khoa tôi thường bao gồm: dùng thuốc, thay đổi dinh dưỡng, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ tinh thần và phương pháp điều trị khác. Người bệnh cũng có thể được áp dụng các phương pháp điều trị giảm đau như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật.
Được thành lập từ năm 2014, Trung tâm điều trị ung thư Singapore tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc đã có sự liên kết như thế nào để phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân?
- Như chúng ta đã biết, Singapore là một trong những quốc gia điều trị ung thư nổi tiếng trên thế giới. Sự hợp giữa bệnh viện ĐKQT Thu Cúc và Trung tâm điều trị ung thư Singapore đã mang lại một điều tuyệt vời cho bệnh nhân Việt Nam, người bệnh sẽ được các chuyên gia giỏi nhất về ung thư tại Singapore trực tiếp đến Việt Nam thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị; giúp chẩn đoán chính xác, kịp thời và mang lại giải pháp chữa bệnh tốt nhất.
Quá trình điều trị tuân thủ tiêu chuẩn và phương pháp của Singapore được thực hiện tại Việt Nam sẽ giúp người bệnh giảm thiểu tối đa chi phí ăn ở, đi lại.
Dựa vào mỗi giai đoạn bệnh, mức độ ung thư xâm lấn, tình trạng sức khỏe… mỗi người bệnh ung thư sẽ được xây dựng một phác đồ điều trị riêng, theo tiêu chuẩn Singapore và bác sĩ Singapore sẽ theo dõi trong suốt quá trình điều trị. Thậm chí sau kết thúc liệu trình điều trị, người bệnh vẫn có thể tái khám với bác sĩ đã điều trị cho mình.
Bên cạnh đó, hệ thống trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn Singapore cùng cơ sở vật chất, môi trường điều trị tiện nghi, thoải mái tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả trong điều trị và tầm soát ung thư cho người bệnh.
Bà có thể chia sẻ điểm đặc biệt nhất ở Trung tâm điều trị ung thư Singapore là gì?
- Điểm đặc biệt nhất ở Trung tâm điều trị ung thư Singapre chính là môi trường điều trị.
Vì vậy, chúng tôi xây dựng Trung tâm điều trị ung thư Singapore dựa trên tiêu chí điều trị đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi xây dựng bệnh viện theo mô hình khách sạn, mỗi bệnh nhân được ở một phòng riêng. Trong phòng có đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt cần thiết: bình nóng lạnh, điều hoà nhiệt độ... Đặc biệt, mỗi đầu giường bệnh và trong toilet đều có chuông báo động. Có thể nhận thấy, chúng tôi mong muốn đem lại không khí tự nhiên như ở nhà và thư thái như đi nghỉ dưỡng tại đây.
Đồng thời, bệnh nhân cũng được chăm sóc như người thân bởi những y tá, điều dưỡng viên thân thiện là người Việt Nam, có trình độ chuyên môn được đào tạo tại Singapore.
Với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng nhiều năm kinh nghiệm, luôn tận tình với người bệnh và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc mang tới những điều kiện tốt nhất trong chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư.
Việc chăm sóc bệnh nhân theo tiêu chuẩn Singapore có gì khác biệt so các mô hình khác, thưa bà?
- Bệnh nhân được chăm sóc toàn diện trong phòng bệnh theo tiêu chuẩn Singapore sẽ được gội đầu, tắm rửa, giúp bệnh nhân vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân ăn, cắt tóc cho bệnh nhân, xem phim, nghe nhạc…
Ngoài bác sĩ thì những điều dưỡng tại khoa được đào tạo như thế nào để đáp ứng mô hình này?
- Theo mô hình Singapore, mỗi bệnh nhân đều được chăm sóc bởi một điều dưỡng riêng 24/24. Điều dưỡng và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đều có số điện thoại của nhau. Bất cứ khi nào bệnh nhân và người nhà cần, điều dưỡng đều có mặt và đáp ứng nếu đó là những đòi hỏi chính đáng.
Họ trò chuyện với nhau hằng ngày. Điều đó giúp người bệnh có sự thoải mái khi tiếp xúc với những người kề cận giúp đỡ họ. Khi có bất kì tình huống bất ngờ nào xảy đến, điều dưỡng sẽ ngay lập tức thông báo cho bác sĩ điều trị bệnh nhân đó biết để kịp thời có phương án xử lý.
Điều dưỡng tại khoa tôi không chỉ là người có chuyên môn vững mà phải là người biết cách giao tiếp với bệnh nhân. Có những điều dưỡng làm chuyên môn tốt nhưng không biết cách trò chuyện với bệnh nhân thì chúng tôi không nhận.
Các bác sĩ Việt Nam tại bệnh viện đã có sự phối hợp như thế nào với các y bác sĩ đến từ Singapre?
- Thông thường, cứ 3 tuần sẽ có 1 bác sĩ Singapore đến khám và tư vấn cho bệnh nhân.
Hằng ngày, các bác sĩ Singapore dõi theo tình hình bệnh nhân qua thông tin chúng tôi liên lạc với họ bằng điện thoại hoặc email. Bất cứ lúc nào, không kể ngày đêm, khi chúng tôi liên hệ thì các bác sĩ đều có sự hồi đáp kịp thời.
Có những trường hợp bệnh nhân trong tình trạng khẩn cấp, chúng tôi gửi thông tin sang đó, bác sĩ ngay lập tức gửi phương hướng điều trị qua email, đồng thời gọi điện để tránh chậm trễ.
Chi phí khám và điều trị ung thư tại đây như thế nào?
- Phí khám ung bướu với bác sĩ Việt Nam là 300.000 đồng, với bác sĩ Singapore là 2.550.000 đồng.
Nhiều người bệnh ung thư và gia đình họ lo lắng tới khoản chi phí khi tham gia khám và điều trị ung thư theo mô hình Singapore. Vậy thì, bệnh nhân tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc có được thanh toán theo quyền lợi hưởng Bảo hiểm y tế không, thưa bà?
- Bảo hiểm y tế đặc biệt có ý nghĩa đối với bệnh nhân, nhất là trường hợp điều trị ung thư vì giúp người bệnh chi trả một phần lớn chi phí điều trị, đỡ đi phần nào gánh nặng trên vai người bệnh và gia đình.
Hiểu được điều đó, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc nói chung và Khoa Ung bướu – Phòng khám chuyên gia Singapore nói riêng đã tạo điều kiện tối đa cho người bệnh khi đến khám và điều trị tại đây được hưởng quyền lợi bảo hiểm theo đúng quy định của chính phủ. Chúng tôi cũng tư vấn cho người bệnh nhằm tháo gỡ khó khăn khi gặp các vấn đề phức tạp trong thanh toán bảo hiểm.
Bà chia sẻ, bà các nhân viên của mình đã ở cạnh bệnh nhân vào những lúc cuối đời. Cảm xúc của bà mỗi lần như vậy thế nào?
- Chúng tôi còn chăm sóc cả bệnh nhân lúc họ hấp hối. Tôi nhớ, có lần tôi vừa mới bước vào phòng bệnh, các bạn điều dưỡng quay ra xua tay ‘Cô đi ra đi’. Tôi hiểu là các bạn ấy đang thực hiện những công việc cuối cùng cho người bệnh trong phút lâm chung.
Gắn bó với bệnh nhân trong khoảng thời gian không phải ngắn, chúng tôi còn đến tận nhà đưa tiễn bệnh nhân.
Mặc dù bệnh nhân đang đi tới cái chết, người điều dưỡng vẫn phải thể hiện sự bình tĩnh, cảm thông và giành nhiều thời gian để tiếp tục chăm sóc bệnh nhân theo thường quy như: Tắm, lau người, vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân.
Chúng tôi không nói những điều liên quan đến bệnh tật của bệnh nhân để bệnh nhân nghe thấy, vì sự nghe của bệnh nhân là một trong những giác quan cuối cùng trước khi chết.
Là Trưởng khoa Ung Bướu kiêm chuyên gia dinh dưỡng của bệnh viện, bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của dinh dưỡng với người bệnh ung thư?
- 60 - 70% bệnh nhân ung thư thường đặt câu hỏi với bác sĩ về vấn đề sinh hoạt và dinh dưỡng. Việc đảm bảo đủ dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh có sức khoẻ để chống chọi với căn bệnh và quá trình điều trị nặng nề.
Mỗi năm, nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân chết vì ung thư, trong đó có 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u.
Có nhiều quan điểm về dinh dưỡng trong điều trị ung thư được truyền từ người này sang người kia với tốc độ chóng mặt. Điều này cũng dễ hiểu trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay. Trong đó, có những quan điểm đúng và chưa đúng.
Bà có thể chia sẻ một vài ví dụ?
- Nhiều người nghĩ, nhịn ăn là một cách để khống chế tế bào ung thư phát triển. Thế nhưng, tế bào ung thư có biết điều đâu.
Có nhiều bệnh nhân theo phương pháp thực dưỡng, nhịn ăn nghiêm ngặt đến mức cân nặng giảm sút trầm trọng. Nhiều bệnh nhân chưa hiểu, khi họ không có sức đầy kháng thì việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Có bệnh nhân chỉ có 30 cân thì làm sao có đủ sức khoẻ để điều trị được?
Khi bị bệnh và điều trị bệnh, bệnh nhân ung thư gặp bất lợi như thế nào trong quá trình ăn uống, thưa bà?
- Biếng ăn là vấn đề thường gặp nhất. Nguyên nhân là do nỗi sơ hãi, đôi khi là do tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Tình trạng biếng ăn có thể kéo dài trong vài ngày hoặc lâu hơn.
Bệnh nhân cũng thường bị thay đổi khẩu vị. Thực phẩm có hàm lượng cao thường gây cho bệnh nhân cảm giác đắng hoặc có mùi tanh. Sự thay đổi khẩu vị này sẽ biến mất sau khi chấm dứt điều trị.
Hoá trị hoặc xạ trị ở vùng đầu, cổ… có thể gây ra sự giảm tiết nước bọt và dẫn đến khô miệng, góp phần làm tình trạng chán ăn thêm trầm trọng.
Hầu hết bệnh nhân hoá trị thường có cảm giác buồn nôn và nôn. Ngoài ra, người bệnh thường ngại uống nước. Táo bón cũng là một vấn đề thường thấy ở bệnh nhân ung thư.
Bà có lời khuyên gì về mặt dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư trong mỗi giai đoạn điều trị?
- Bệnh nhân hay hỏi bác sĩ: ‘Làm thế nào để tôi phòng bệnh ung thư tốt nhất? Bác sĩ cười bảo phòng bệnh tốt nhất là sống như người bình thường.
Tuy nhiên, việc bệnh nhân ăn uống như thế nào là quyết định của bác sĩ dinh dưỡng. Dù với bất kỳ lý do gì thì tình trạng biếng ăn, ăn kém cũng cần phải cải thiện.
Cách ăn uống cũng vậy, chúng ta không ăn cái gì quá ít và cũng không ăn cái gì quá nhiều, nên ăn đa dạng thực phẩm. Cần một vài lưu ý như sau:
Trong giai đoạn truyền hoá chất, bệnh nhân hạn chế ăn đồ sống, đồ tái vì sẽ không đảm bảo vấn đề sát khuẩn. Ngoài ra, bệnh nhân nên hạn chế tiếp xúc đám đông và tránh xa những người bị cảm cúm.
Bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc điều trị đúng đích thì không nên ăn bưởi đào.
Như vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ dinh dưỡng và bác sĩ điều trị ung thư?
- Bác sĩ Singapore được đào tạo một cách đầy đủ để trở thành người bác sĩ có kiến thức tổng hợp. Họ nắm bắt được các kiến thức về dinh dưỡng cũng như ung thư đầy đủ để có thể tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân một cách hợp lý nhất.
Trong phòng làm việc tại tầng 8 của Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, đôi tay của người bác sĩ hơn 5 năm làm việc tại khoa Ung Bướu – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, hơn 12 năm làm việc tại BV Ung bướu Hà Nội bất giác lau nhẹ khoé mắt khi nhắc tới các bệnh nhân của mình.
Đôi mắt đỏ hoe và những giọt nước mắt trực trào của bác sĩ Minh Hương khi nghĩ tới sự ly biệt hai thế giới được ngăn lại bằng vài mẩu chuyện vui đến từ những bệnh nhân hồi phục và gần như chiến thắng căn bệnh mang danh ‘án tử hình’ này.
Bệnh nhân ngoài 70 tuổi, đã truyền một đợt hoá chất tại một bệnh viện ở Singapore và sụt 12,5 kg. Bệnh nhân có ý định từ bỏ điều trị dù gia đình đã dốc lòng làm mọi cách để vực dậy tinh thần bệnh nhân…
Bác sĩ Minh Hương và cộng sự của mình tại khoa Ung bướu BV Thu Cúc đã phối hợp cùng gia đình cụ ông, cùng nhau động viên, tiếp thêm sức mạnh ý chí để bệnh nhân có tinh thần chiến đấu với căn bệnh quái ác.
Khi bệnh nhân đồng ý tiếp tục điều trị theo phác đồ, bệnh nhân chỉ ăn được cốc sữa nhỏ và phải ngủ ngồi vì cứ nằm xuống là thức ăn trào ngược dạ dầy thực quản.
8 chu kỳ truyền hoá chất với sự ân cần, chu đáo của các y bác sĩ, sự quan tâm, sẻ chia và đồng hành từ phía người nhà, sức khoẻ của bệnh nhân đã dần được nâng cao và khoẻ mạnh trở lại.
‘Hôm trước, gia đình gọi điện thông báo tình hình sức khoẻ của cụ cho tôi biết. Cụ ông khoẻ tới mức mượn xe đạp của cháu đi loanh quanh’, bác sĩ Minh Hương phấn khởi chia sẻ trước khi kết thúc cuộc trò chuyện với Gia Đình Mới để quay về với công việc chuyên môn của mình bằng việc đi thăm các phòng bệnh.