Lần đầu biết tới dịch SARS kinh hoàng năm 2003 qua báo đài, cậu sinh viên trường Y khi đó mới ngoài đôi mươi chưa bao giờ nghĩ được rằng: đến một ngày anh chính là một trong những “chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống dịch bệnh, thảm họa.
Bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội trải lòng với Gia Đình Mới về những đợt dịch bệnh mà anh và đồng nghiệp của mình cùng chiến đấu, những tình huống đầy bất ngờ, đầy ám ảnh và cả những khoảng lặng riêng của một người bác sĩ làm cấp cứu trước bệnh viện.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội năm 2004, bác sĩ Thắng quyết định về trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương làm giảng viên. 6 tháng sau, anh xin nghỉ việc, rời quê nhà, trở lại Thủ đô và vào làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.
Khi còn học đại học, bác sĩ Thắng biết tới dịch SARS kinh hoàng năm 2003 qua báo đài. Anh xót xa trước những con số: trong vòng vài tuần, dịch SARS đã lây lan sang 37 quốc gia thông qua đường hàng không, có khoảng 8.000 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh, 800 người tử vong và 4 y bác sĩ Việt Nam đã ngã xuống. Khi đó, anh không thể ngờ, đến một ngày mình lại là một trong những “chiến sĩ” dũng cảm trên mặt trận chiến đấu phòng chống dịch bệnh.
Đợt dịch bệnh đầu tiên khi bác sĩ Thắng về công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội là dịch cúm A/H5N1. Vào tháng 3 năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo có vài người Việt Nam nhiễm virus cúm.
Những ngày tháng đó, anh bám trụ lại trụ sở làm việc của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội vì muốn giữ an toàn cho người thân của mình. Quần áo bác sĩ Thắng thay ra được gói ghém cẩn thận, gửi ở phòng bảo vệ. Đều đặn cứ 2-3 ngày, chị dâu của anh lại tới đưa quần áo mới và lấy túi đồ đó mang về nhà giặt. Anh giao tiếp với mọi người qua cuộc điện thoại vài phút, còn người thân của anh biết thông tin về anh cũng ngắn ngủi qua vài câu “Em ổn”, “Cả nhà cứ yên tâm”… và những tin tức về dịch bệnh qua báo chí.
Năm 2009, dịch cúm H1N1 xuất hiện và gây chấn động toàn thế giới. Nó lan nhanh tới 214 quốc gia và khiến 18.000 người thiệt mạng trên tổng số 575.000 ca nhiễm bệnh. Bộ Y Tế ghi nhận đại dịch cúm A/H1N1 khiến hơn 9.000 người nhiễm bệnh và có 20 trường hợp đã tử vong. Một thông báo khẩn được phát đi, huy động tối đa lực lượng y bác sĩ trực chiến, trong đó các y bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.
“Anh đừng đi!”
Bác sĩ Thắng nghe câu can ngăn đó trong tiếng khóc từ người vợ mới cưới của mình. Anh chỉ kịp động viên vợ: “Hãy yên tâm! Chờ anh về!” rồi cùng một người đồng nghiệp lên đường nhận nhiệm vụ đặc biệt.
Bởi virus cúm A/H1N1 có khả năng lây qua người khác ngay trong thời kỳ ủ bệnh. Không chỉ lây qua đường hô hấp, tiếp xúc, mà còn lây từ người này qua người khác qua sự tiếp xúc bề mặt như cầm, nắm, chạm vào bề mặt đồ vật mà người bệnh sử dụng. Do đó, công tác kiểm dịch tại sân bay được làm nghiêm ngặt. Bác sĩ Thắng là một trong những người làm nhiệm vụ đó tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Tại Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế của sân bay Nội Bài, người thì sẵn sàng với thiết bị đo nhiệt độ qua tai cho khách, người lại theo dõi khách qua hệ thống máy đo cảm ứng thân nhiệt, người phân loại bệnh nhân có khả năng mắc bệnh hay không…
Nếu có bất cứ trường hợp nào có dấu hiệu ban đầu của bệnh thì sẽ được đưa vào một phòng cách ly riêng để theo dõi. Tại đây, bác sĩ Thắng và đồng nghiệp tiến hành phân loại, nếu người dân có xu hướng mắc bệnh thì sẽ đưa thẳng tới bệnh viện.
Sau 1 tháng làm nhiệm vụ đặc biệt tại sân bay, đồng nghiệp công tác cùng bác sĩ Thắng tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội bị nhiễm virus cúm A/H1N1. Thương đồng nghiệp của mình nhưng chỉ trong phút chốc, bác sĩ Thắng lấy lại tinh thần, không hề nao núng, tiến về phía trước với sự cố gắng và quyết tâm cao độ hoàn thành công việc.
Suốt khoảng thời gian trực chiến tại sân bay Nội Bài, hầu như bác sĩ Thắng không được về nhà. Khoảng 1-2 tuần đầu, anh chỉ di chuyển giữa sân bay và nhiệm sở cơ quan. Điều đó đồng nghĩa với việc anh không được gặp gỡ những người thân yêu nhất của mình. Đứa con nhỏ của anh được gửi về quê nội, nhờ ông bà trông giúp.
Giống như đợt dịch trước, anh chỉ biết hôm nay con chơi ngoan, vợ vẫn khoẻ qua đường truyền sóng điện thoại. Giọng nói của vợ, tiếng bi bô của con anh nghe rõ, khoảng cách cảm tưởng như rất gần mà lại chẳng thể gặp được nhau.
Những lúc nhớ vợ, nhớ con, anh lao vào làm để quên đi. Sau khoảng hơn 2 tháng, anh được trở về nhà. Người vợ kiên nhẫn chờ đợi anh đã đón anh vào lòng trong sự nhớ nhung và tình yêu thương vô bờ bến.
Thời gian đầu nhận việc tại Trung tâm Cấp cứu 115, bác sĩ Thắng lo sợ, không biết mình sẽ tiếp nhận bệnh nhân như thế nào, làm thế nào để vừa cấp cứu khẩn cấp vừa giảm thiểu biến chứng cho bệnh nhân. Sau 2-3 tháng bác sĩ Thắng đi theo xe cấp cứu học việc, được chứng kiến không khí cấp cứu khẩn trương, anh cũng ban đầu quen với guồng quay của công việc.
Khoảng 3h30 ngày 3/8/2016, tiếng chuông reo báo cấp cứu, bác sĩ Thắng vừa kịp lấy số điện thoại của người gọi điện tới Trung tâm, cùng êkip của mình lao ra xe cứu thương đang nổ máy chờ và sẵn sàng hú còi, tiến về hướng số 43 Cửa Bắc – ngôi nhà 3 tầng một tum đang có 9 người đang ngủ đã bị đổ sập.
Bác sĩ Thắng gọi tới số điện thoại vừa lấy được, nghe chỉ dẫn để định hình vị trí của những người bên trong. Lần lượt từng người được chỉ điểm được đưa ra ngoài.
- Còn ai nữa không?
- Em không nhớ được nữa… Em mệt quá rồi…
Đã 3 tiếng trôi qua từ khi đội cứu hộ tới, 6h30 sáng, bác sĩ Thắng không thể liên lạc được với đầu dây bên kia. Đáp lại sự chờ mong của anh chỉ là những tiếng chuông điện thoại chờ dài… Đến 11h30, người mà mấy giờ trước qua điện thoại còn giúp bác sĩ Thắng tìm kiếm nạn nhân đã được tìm thấy và đã tử vong.
Khi đi qua một lối “hầm” xuyên qua đống đổ nát do lực lượng cứu hộ mở đường, bác sĩ Thắng sững người khi nhìn thấy cô gái ấy, tay khom tư thế cầm điện thoại, đeo tai nghe, bản nhạc tiếng Anh vẫn chạy đều…
Một khoảng lặng kéo dài như vô tận. Những bản nhạc dịu êm không đủ níu giữ nạn nhân đó đợi được tới khi đội cứu hộ vào được vị trí khuất nhất của căn nhà. Cô gái ấy là nạn nhân cuối cùng trong vụ sập nhà và công việc tìm kiếm các nạn nhân kết thúc.
Tai nạn xảy đến bất ngờ với số nạn nhân lớn khiến Trung tâm Cấp cứu 115 phải huy động tới 5 đội cấp cứu đến hiện trường. Bác sĩ Thắng nhớ lại: “Thời điểm đó, mỗi phút, mỗi giây đều quý giá.
Ngay khi lực lượng cứu hộ mở được lối đi xuyên qua đống đổ nát bằng các thanh chống, chúng tôi chui vào trong, tìm kiếm nạn nhân đang bị mắc kẹt, xác định thương tật, tình trạng sức khỏe, trợ giúp giảm đau, hỗ trợ đưa họ ra khỏi nơi nguy hiểm. Mọi thao tác phải được thực hiện nhanh gọn và chuẩn xác, bởi đường hầm tạm mở ấy có thể sập xuống bất cứ lúc nào”.
Gần 2 năm sau tai nạn đó, cụm từ “43 Cửa Bắc” trở đi trở lại trong suy nghĩ của người bác sĩ đã có 14 năm làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội như một sự ám ảnh, day dứt khi không thể cứu được nạn nhân vì điều kiện không cho phép.
Trong suốt thời gian làm cấp cứu ngoại viện, bác sĩ Thắng đã tham gia vô vàn ca cấp cứu, chứng kiến không biết bao nhiêu tình huống thảm khốc. Không ít hình ảnh thương tâm trong số đó neo lại nơi tâm trí anh, theo tiếng còi hú inh ỏi đến hiện trường, trở về cơ quan, và cùng với anh sẵn sàng cho những chuyến đi trên chiếc xe “Cấp cứu 115 Hà Nội”.
Bước chân vào nghề cấp cứu ngoại viện, ngoài kiến thức đa khoa vững, các y bác sĩ cũng cần dũng cảm, bản lĩnh ứng phó với những tình huống bất ngờ với địa bàn hoạt động trải rộng và địa hình đa dạng.
Như vậy vẫn chưa đủ, y bác sĩ công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội còn phải trang bị kỹ năng như khiêng, vác, đu dây, leo trèo, giữ thăng bằng… bởi nhiều tình huống phải dùng tới.
Nhớ lại ca cấp cứu cách đây không lâu, người bị nạn nằm vắt ngang qua thanh chắn cầu Long Biên, cách mặt nước 3-4 mét. Đến hiện trường, xác định cách duy nhất để tiếp cận được bệnh nhân là trèo xuống, bác sĩ Thắng và điều dưỡng của kíp trực đã tìm cách lách qua khe hở giữa hai làn đường, dò từng bước trên các thanh dầm để tới được chỗ nạn nhân bị mắc kẹt.
Ngay khi tiếp cận, phán đoán ban đầu cho thấy nạn nhân rơi vào trạng thái vô thức do va đập mạnh, bác sĩ Thắng buộc cố định người đó vào cáng và được người dân ở trên hỗ trợ kéo lên. Bằng cách này, bác sĩ Thắng và đồng nghiệp đã đưa được nạn nhân lên trên an toàn, khẩn trương vào kịp thời tới viện cấp cứu.
Kỹ năng leo trèo còn giúp bác sĩ Thắng cứu được một cụ bà ở tập thể 23 Hàng Vôi, Hoàn Kiếm. Vài người dân xung quanh nhìn thấy cụ nằm bất động trên giường trong thời gian khá lâu, bên cạnh là mâm bát của bữa cơm trưa, họ liền gọi cấp cứu 115. Êkip đã phải rời xe cứu thương, xách theo những vật dụng cần thiết, nhanh chóng chạy vào nơi cụ bà đang hôn mê.
Khi tới nơi, bác sĩ Thắng quan sát thấy phòng cụ ở trên tầng cao và bị khoá trái cửa, không có ai ở nhà. Bằng sự nhanh trí, anh đã đu người, liều mình trèo qua lan can rồi cùng người dân phá cửa vào nhà để cấp cứu cho cụ.
Xác định được nguyên nhân khiến cụ bà hôn mê do hạ đường huyết nên bác sĩ Thắng đã khẩn trương tiêm truyền đường cho cụ. Bà cụ sau đó đã tỉnh nhưng để tránh tình trạng hôn mê trở lại, bác sĩ Thắng cõng bệnh nhân, chuyển lên xe cấp cứu và đưa vào bệnh viện điều trị giúp ổn định đường huyết.
Chuyện cõng bệnh nhân từ các khu nhà tập thể cao tầng không có thang máy tới xe cứu thương, làm vệ sinh cho những người nằm liệt giường trong thời gian dài, vết thương lở loét trước khi thăm khám, cùng người nhà chuyển bệnh nhân đã tử vong đến nhà xác bệnh viện… từ bao giờ đã trở nên quen thuộc với các y bác sĩ làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.
“Sống rồi!” – Chỉ hai từ thôi nhưng đó lại là cả một niềm khao khát và vui sướng khi bác sĩ Thắng và đồng nghiệp của mình đưa bệnh nhân trở lại được với sự sống. Bởi với họ, không có gì quan trọng hơn tính mạng người bệnh. Chỉ cần nhìn những bệnh nhân được hồi tỉnh khiến những người như bác sĩ Thắng vui mừng và cũng chính là một trong các lý do níu chân các y bác sĩ ở lại với nghề.
Những chuyến xe “Cấp cứu 115 Hà Nội” hằng ngày vẫn bền bỉ rú còi trên tuyến đường tới hiện trường, nhanh chóng, khẩn trương cấp cứu tại chỗ và đưa nạn nhân tới bệnh viện. Mỗi niềm vui, nỗi buồn của bác sĩ Thắng cũng theo những chuyến xe đó mà dần đong đầy lên…
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội là Trung tâm chuyên khoa, được giao nhiệm vụ sơ cấp cứu người bệnh, người bị tai nạn tại cộng đồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Sau đó vận chuyển người bệnh cấp cứu, người bị tai nạn tới các khoa cấp cứu của các bệnh viện trên địa bàn để tiếp tục điều trị.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn đáp ứng phục vụ nhiều nhiệm vụ đột xuất do Bộ Y tế, Thành phố và Sở Y tế giao cho như công tác phòng chống dịch, đảm bảo công tác y tế cho các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế diễn ra trên địa bàn thành phố.
Hiện nay Trung tâm đã phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu gồm các xe cấp cứu cùng các kíp cấp cứu thường trực 24/ 24 giờ được bố trí rộng khắp:
Trạm Trung tâm 11 Phan Chu Trinh – Quận Hoàn Kiếm
Trạm cấp cứu khu vực Từ Liêm tại Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, phố Trần Bình, quận Cầu Giấy
Trạm cấp cứu khu vực Thanh Trì tại Bệnh viện đa khoa Thanh Trì, Thị trấn Văn Điển, Thanh Trì
Trạm cấp cứu khu vực Gia Lâm tại Trung tâm y tế Long Biên
Trạm cấp cứu khu vực Hà Đông tại Trung tâm y tế Hà Đông, 57 Tô Hiệu, Quận Hà Đông
Hàng ngày, trung tâm bố trí 15 kíp cấp cứu thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng đáp ứng cấp cứu trước bệnh viện của người bệnh trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là đáp ứng cấp cứu trong tình huống tai nạn hàng loạt hoặc thảm họa xảy ra.
Điện thoại đường dây nóng: 0982 69 08 64
Email: [email protected]
Địa chỉ: 11 Phan Chu Trinh - Hoàn Kiếm - Hà Nội