Tóm tắt:
Lao động trong các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lao động tại Việt Nam. Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của giáo dục đến thu nhập của người lao động trong khu vực này. Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu là dữ liệu Điều tra Lao động việc làm năm 2022 của GSO. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Trình độ giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến thu nhập của người lao động. So với người lao động có bằng cấp Tiểu học hoặc không bằng cấp, Tác động biên trung bình đến thu nhập là lớn nhất đối với người lao động có bằng cao đẳng hoặc đại học. Các chính sách về đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục có vai trò quan trọng trong đảm bảo tăng thu nhập và bền vững đối với lao động khu vực kinh tế tư nhân.
Từ khóa: kinh tế tư nhân, giáo dục, thu nhập, thâm niên, hợp đồng, doanh nghiệp tư nhân.
Nghiên cứu về ảnh hưởng của giáo dục đến thu nhập đã được nghiên cứu từ rất lâu bởi các công trình của Becker và Mincer (Becker, 1962; Mincer, 1974). Tại Việt Nam, nghiên cứu về ảnh hưởng của giáo dục đến thu nhập được nghiên cứu thường xuyên theo sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Các nghiên cứu đều khẳng định mối quan hệ tác động cùng chiều của chất lượng vốn nhân lực, đo lường thông qua trình độ giáo dục của người lao động, đến thu nhập và tình trạng công việc của người lao động.
Đối với Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ năm 2016 đến năm 2021, đóng góp của khu vực kinh tế cho sự phát triển kinh tế - xã hội tăng từ 51,3% lên 59,5%. Đồng thời, khu vực kinh tế tư nhân cũng đối mặt với nhiều khó khăn do biến động của kinh tế thế giới (Lê Tiến Dũng, 2022). Lực lượng lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng cao trong toàn bộ lực lượng lao động của Việt Nam. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động và nâng cao đời sống người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân là vấn đề quan trọng và cần được cập nhật thường xuyên.
Nghiên cứu sử dụng số liệu Điều tra việc làm năm 2022 và chúng tôi giới hạn nghiên cứu đối với người lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân. Mối quan hệ giữa giáo dục và nguồn thu nhập được xây dựng từ các mô hình lý thuyết trong kinh tế học cổ điển (Mincer, 1974), đồng thời dựa trên các nghiên cứu gần đây được tiến hành tại Việt Nam Thông qua mô hình đa biến, nghiên cứu tập trung vào 2 câu hỏi nghiên cứu:
Nghiên cứu sử dụng Điều tra lao động việc làm năm 2022 (Tổng cục Thống kê, 2021). Đây là cuộc điều tra quan trọng trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia và có mục đích nhằm thu thập thông tin về tình trạng tham gia thị trường lao động của những người từ 15 tuổi trở lên hiện đang sống tại Việt Nam. Kết quả của cuộc điều tra là cơ sở cho các chỉ tiêu thống kê quốc gia về lao động, việc làm, thất nghiệp và thu nhập của người lao động. Sau quá trình xử lý sạch, dữ liệu thu được gồm 53.333 lao động trong khu vực kinh tế tư nhân. Các biến quan sát trong nghiên cứu được kế thừa từ các nghiên cứu trước đó (Doan et al., 2018; Trịnh Thị Hường và cộng sự, 2021; Trịnh Thị Hường và cộng sự, 2023; Bùi Quang Tuyến và Đỗ Vũ Phương Anh, 2021). Chi tiết thông tin các biến quan sát ở Bảng 1.
Mô hình tác động của giáo dục đến thu nhập được tiến hành thông qua mô hình hồi quy đa biến:
Trong đó i là chỉ số quan sát; Thunhap là thu nhập hàng tháng của người lao động; giaoduc là biến định lượng, đo lường thông qua bằng cấp đào tạo cao nhất. Các biến về đặc điểm nhân khẩu học, đặc điểm việc làm và nơi sống được đưa vào mô hình thông qua biến . Lựa chọn các biến đưa vào mô hình được tiến hành theo hình thức hồi quy từng bước (stepwise regression) và kiểm định về độ phù hợp của mô hình (kiểm định đa cộng tuyến và phương sai sai số thay đổi). Các tính toán được thực hiện trên phần mềm mã nguồn mở R, phiên bản 4.3.2 và các gói hỗ trợ là tidyverse, readstata13, AER, lmtest.
Bảng 1 thể hiện thống kê mô tả các biến quan sát của 53.333 lao động trong khu vực kinh tế tư nhân. Tuổi trung bình của người lao động là 35-36 tuổi. Tuổi trung bình năm 2022 tương đương với độ tuổi trung bình của người lao động năm 2018 ( Bùi Quang Tuyến và Đỗ Vũ Phương Anh, 2021). Tỷ lệ lao động nam giới cao hơn tỷ lệ lao động nữ giới. Lương trung bình của người lao động là 8 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập trung bình của lao động khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) cao hơn so với mức thu bình quân của toàn bộ người lao động Việt Nam quý 4 năm 202 (Tổng cục Thống kê, 2022). Người lao động sở hữu bằng Trung cấp cơ sở - Trung học phổ thông chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là bằng Cao đẳng - Đại học. Tỷ lệ bằng Sơ Trung cấp là 17.55%. Thâm niên người lao động trong khoảng 3 - 9 năm chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tỷ lệ lao động có thâm niên từ 1 - 2 năm và thâm niên trên 9 năm bằng nhau. Thời gian làm việc trung bình của người lao động là 47 giờ/tuần, cao hơn mức quy định bình quân 40 giờ/tuần của Luật Lao động Việt Nam. Bên cạnh thời gian lao động, người lao động dành khoảng 13 giờ/tuần cho các công việc nhà (chăm sóc trẻ em dưới 15 tuổi và giặt quần áo). Tỷ lệ lao động không có hợp đồng chính thức (bao gồm các hình thức không có hợp đồng lao động, thỏa thuận miệng và giao khoán) là 18%. Lao động trong khu vực kinh tế tư nhân có hợp đồng lao động từ 1 - 3 năm và hợp đồng không thời hạn chiếm tỷ lệ cao nhất (tương ứng 45% và 27,88%). Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc khá cao (chiếm 78%) và cao hơn năm 2018 và năm 2020 (Bùi Quang Tuyến và Đỗ Vũ Phương Anh, 2021; Trịnh Thị Hường và cộng sự, 2022). Tỷ lệ lao động khu vực thành thị chiếm đa số. Vùng sinh thái có lực lượng lao động khu vực tư nhân lớn nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.
Bảng 1. Thống kê mô tả các biến quan sát
Chú thích: Biến liên tục thể hiện giá trị trung bình và độ lệch chuẩn (trong ngoặc); Biến định tính thể hiện giá trị %.
Thu nhập của người lao động theo mức phân vị và bằng cấp cao nhất được thể hiện ở Bảng 1. Lao động sở hữu bằng Cao đẳng - Đại học có mức thu nhập cao nhất trong tất cả các mức phân vị khi so sánh với tất cả các loại bằng cấp sở hữu. Lao động sở hữu bằng Sơ Trung cấp có mức thu nhập đứng thứ 2 đối với tất cả các mức phân vị. Lao động sở hữu bằng Trung học hoặc tiểu học có mức thu nhập thấp hơn và lao động có bằng Tiểu học có mức thu nhập thấp nhất. Chênh lệch thu nhập của lao động sở hữu bằng Tiểu học và Trung học không khác biệt nhiều. Đặc biệt, đối với các mức phân vị cao (trên 60%), khoảng cách thu nhập của nhóm lao động sở hữu bằng Cao đẳng - Đại học với các nhóm bằng cấp khác là lớn hơn, tương tự khi so sánh khoảng cách thu nhập của lao động sở hữu bằng Sơ Trung cấp so với các bằng Trung học và Tiểu học.
Hình 1: Thu nhập của người lao động khu vực doanh nghiệp tư nhân theo mức phân vị và theo bằng cấp cao nhất
3.2. Kết quả hồi quy
Bảng hồi quy về tác động của giáo dục đến logarit thu nhập được minh họa ở Bảng 2. Các biến được lựa chọn vào mô hình thoải mãn điều kiện về đa cộng tuyến (thông qua hệ số phóng đại phương sai VIF), kiểm định về phương sai sai số thay đổi Breusch-Pagan (p-value < 0.01). Các biến quan sát đều có tác động có ý nghĩa thống kê tới thu nhập cảu người lao động và giải thích được 39% mức thu nhập của người lao động. Biến phụ thuộc là lôgarít của thu nhập nên các hệ số hồi quy được giải thích theo tỷ lệ % của hệ số hồi quy, trừ biến tuổi được giải thích theo hệ số co giãn. Cụ thể, khi tuổi tăng thêm 1% thì mức thu nhập tăng thêm 4%. Lao động nam có thu nhập trung bình cao hơn 16% so với lao động nữ. So với lao động sở hữu bằng tiểu học hoặc không bằng cấp, lao động sở hữu các bằng cấp khác có thu nhập cao hơn. Lao động sở hữu bằng Cao đẳng - Đại học có mức thu nhập trung bình cao hơn 35% so với các người lao động có bằng tiểu học hoặc không bằng cấp. Lao động đã kết hôn có thu nhập cao hơn so với các tình trạng độc thân và khác. Đặc biệt, lao động có hợp đồng lao động chính thức có mức thu nhập thấp hơn so với người lao động không có hợp đồng lao lao động chính thức, mức thấp hơn khoảng 13%. Lao động có bảo hiểm bắt buộc có mức thu nhập cao hơn so với các lao động ở có tình trạng bảo hiểm khác. Thâm niên làm việc lâu hơn có tác động dương đến thu nhập người lao động. Thời gian làm công việc chính có tác động dương đến thu nhập, trong khi thời gian làm các công việc nhà có tác động âm đến thu nhập. Trong 4 quý điều tra, thu nhập ở các quý II, III và IV đều tăng cao hơn so với lao động được điều tra ở quý I. Lao động ở khu vực nông thôn có mức thu nhập thấp hơn so với lao động ở khu vực thành thị. Về vùng sinh thái, các khu vực có mức thu nhập cao hơn khu vực mặc định (Tây Nguyên) và có ý nghĩa thống kê là đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.
Bảng 2. Kết quả hồi quy
Mức ý nghĩa: *: 5%; **: 1% và ***: 0.1%
Nghiên cứu đánh giá thực trạng giáo dục và thu nhập của người lao động trong khu vực DNTN năm 2022. Kết quả nghiên cứu khẳng định trình độ giáo dục có tác động dương đến thu nhập người lao động. Hơn nữa, khoảng cách chênh lệch cao hơn giữa người lao động sở hữu bằng Cao đẳng - Đại học so với lao động sở hữu bằng tiểu học. Các yếu tố khác tác động đến thu nhập người lao động là tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhận, loại hợp đồng, loại bảo hiểm, thời gian làm việc thời gian làm việc nhà và khu vực sinh sống.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của giáo dục trong nâng cao thu nhập của người lao động trong khu vực DNTN. Đồng thời, người lao động sở hữu bằng Sơ Trung cấp có thu nhập tương đối cao nên các chính sách trong nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh hệ thống các ngành đào tạo Sơ Trung cấp là rất quan trọng để phát triển lực lượng lao động bền vững (Nguyễn Thị Thu Hà, 2021; Nguyễn Văn Lượng và Nguyễn Văn Song , 2021). Bên cạnh đó, người lao động khu vực DNTN được tham gia bảo hiểm xã hội và có thâm niên làm việc lâu hơn có thu nhập cao hơn. Tiếp tục các chính sách cải cách tiền lương và việc làm khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó có khu vực DNTN là rất quan trọng (Tổ chức Lao động quốc tế, 2018; Lê Vương Long và Nguyễn Tiến Dũng, 2021).
Tài liệu tham khảo:
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11 năm 2023]