mo khoa thhp 3
mo khoa thhp sapo

Có rất nhiều tiêu chí để xây dựng Trường học Hạnh phúc nhưng làm thế nào để triển khai thì lại là một câu hỏi lớn. Phóng viên Gia Đình Mới có buổi trò chuyện cùng Nhà giáo - TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) về con đường kiến tạo Trường học Hạnh phúc.

mo khoa thhp titphu 4

PV: UNESCO hay Bộ GD&ĐT đã đưa ra những tiêu chí để xây dựng Trường học Hạnh phúc, theo thầy vì sao các trường vẫn lúng túng khi thực hiện?

TS Tùng Lâm: Dù "Trường học hạnh phúc" là nhiệm vụ của ngành Giáo dục được đề cập khá nhiều trong vài năm gần đây và một số tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM đã có những chỉ đạo để xây dựng nhưng tôi thấy mô hình này chưa thực sự được quan tâm.

Xã hội, phụ huynh thậm chí nhiều giáo viên cũng chưa coi trọng. Điều này thể hiện, khi chọn trường cho con, phụ huynh chủ yếu quan tâm tới các yếu tố như trường học đẹp, khang trang, giáo viên chuyên môn giỏi, mặt bằng thành tích của nhà trường. Ít người để ý đến yếu tố hạnh phúc ở trường học. Với bản thân giáo viên cũng có suy nghĩ Trường học hạnh phúc là một điều gì đó xa vời.

Nguyên nhân thứ hai khiến các trường lúng túng khi xây dựng Trường học Hạnh phúc, đó là chưa xác định được cụ thể thế nào là Trường học Hạnh phúc, chưa áp dụng một cách sáng tạo, hiệu quả được tiêu chí phù hợp với trường mình.

Trường học Hạnh phúc cần những chuẩn mực nhất định. Nhưng mỗi trường có xuất phát điểm khác nhau, đặc điểm khác nhau thì phải lựa chọn những thang bậc khác nhau để phát triển cốt lõi chứ không phải áp dụng các tiêu chí như một cái máy. Nếu áp dụng như một cái máy thì chắc chắn sẽ lúng túng và khó đạt hiệu quả.

gs nguyen tung lam 3

PV: Vậy theo Thầy, đâu là những thách thức cơ bản khiến việc xây dựng Trường học Hạnh phúc gặp khó khăn?

TS Tùng Lâm: Trường học Hạnh phúc là nơi giáo viên, học sinh tự cảm thấy vui vẻ, thoải mái, học tập giảng dạy tiến bộ, hiệu quả. Để kiến tạo Trường học Hạnh phúc phải bắt đầu từ mong muốn, cảm nhận và tự nỗ lực của mỗi cá nhân trong nhà trường, của từng tập thể nhỏ tới tập thể lớn.

Từng cá nhân phải mong muốn được làm việc, học tập trong ngôi trường Hạnh phúc thì mới có ý thức xây dựng Trường học hạnh phúc. Từng cá nhân cũng phải tự cảm nhận thế nào là hạnh phúc khi tới trường thì mới xác định được thái độ, hành vi của bản thân.

Mỗi cá nhân sau khi đã có mong muốn, đã xác định được những việc phải làm để có Trường học Hạnh phúc thì phải nỗ lực thực hiện từng ngày thì sẽ tạo ra Hạnh phúc cho chính bản thân, cho thầy cô, cho học trò, góp phần tạo nên những giờ học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc thì từ đó sẽ có Trường học Hạnh phúc.

Do đó, những khó khăn cơ bản khi xây dựng Trường học hạnh phúc đó là Hiệu trưởng chưa xác định được mục tiêu giáo dục để từ đó truyền cảm hứng cho giáo viên và học sinh. Nếu người quản lý không xác định được mục tiêu giáo dục của nhà trường, chạy đua thành tích, giao chỉ tiêu vượt quá khả năng của giáo viên, học sinh thì sẽ tạo nên áp lực rất lớn.

Thầy cô và học sinh vẫn đang phải đối diện với nhiều áp lực, kỳ vọng từ lãnh đạo, xã hội, phụ huynh. Từ việc giao chỉ tiêu theo hướng áp đặt, "không tưởng", chạy đua thành tích, danh hiệu, rồi tới áp lực từ phụ huynh…

Bên cạnh áp lực công việc, nhiều thầy cô còn phải sống nỗi lo cơm áo gạo tiền khi đồng lương đứng lớp vẫn còn quá khiêm tốn. Một khi người thầy còn chật vật với hạnh phúc của chính mình thì họ còn bao nhiêu thời gian để quan tâm đến hạnh phúc của người trò?

thay Lam 18

Một nguyên nhân nữa đó là các đơn vị chưa chú trọng quản trị cảm xúc cho giáo viên. Giáo viên nào cũng là những con người bình thường với đầy đủ hỉ nộ ái ố. Giáo viên nào cũng từng có những khoảnh khắc cảm thấy mất kiên nhẫn, mất bình tĩnh trước những sai lỗi của học trò, những áp lực của nghề, của cuộc sống.

Giáo viên giữ được mình hay không trong những thời điểm có tính thử thách ấy, chính là ở khả năng làm chủ cảm xúc và chọn cách phù hợp để giải tỏa cảm xúc của mình chứ không trút hết lên đầu học sinh của mình.

mo khoa thhp titphu 3

PV: Xây dựng Trường học Hạnh phúc cần bắt đầu từ đâu, thưa Thầy?

TS Tùng Lâm: UNESCO quy định 3 nhóm tiêu chí (3P) để xây dựng Trường học Hạnh phúc.

Thứ nhất là People (Con người) tức là xây dựng những giá trị nhân văn và những chuẩn mực hành xử tích cực giữa người với người.

Thứ hai là Process (Hệ thống): Đó là các quy trình, chính sách, hoạt động… được thiết kế để vận hành ngôi trường ấy có hợp lý hay không.

Thứ ba là Place (Môi trường), nghĩa là những không gian vật chất lẫn không gian văn hóa giúp cho trường học là một môi trường an toàn, thân thiện với học sinh. Đây là kim chỉ nam cho xây dựng mô hình trường học hạnh phúc.

Xây dựng Trường học Hạnh phúc cũng cần lấy 3 giá trị cốt lõi đó là an toàn, yêu thương và tôn trọng. An toàn là giáo viên và học sinh không xảy ra tình trạng bạo lực học đường, an toàn khi hoạt động, vui chơi trong nhà trường.

Thầy cô và học trò ứng xử với nhau bằng tình yêu thương, dùng tình yêu thương để động viên học trò phát huy ưu điểm cũng như lấy yêu thương để giúp học trò chưa ngoan, học trò mắc lỗi sửa sai, tiến bộ. Cán bộ, giáo viên, học sinh luôn tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt, giáo viên tôn trọng tất cả năng lực của từng học trò chứ không nên đánh giá học sinh dựa vào điểm số.

Điều quan trọng nhất đó là Thầy hạnh phúc, trò sẽ hạnh phúc.

PV: Vậy ai là người 'mở khóa' Trường học Hạnh phúc, thưa Thầy?

TS Tùng Lâm: Tôi muốn nhấn mạnh, để xây dựng trường học Hạnh phúc, mỗi người phải tự cảm nhận được hạnh phúc ở trường học là gì, biết làm cho mình hạnh phúc, tự giành lấy hạnh phúc chứ đừng tìm kiếm hạnh phúc từ người khác, chờ người khác mang lại hạnh phúc cho mình. Các thầy cô phải có tâm thế của người có hoài bão hạnh phúc và sẵn sàng dấn thân vì trường học hạnh phúc.

thay Lam 19

Ai là người tạo ra hạnh phúc trong trường học - tất nhiên là phải có sự đồng lòng, chung sức của cả tập thể và sự nỗ lực của từng cá nhân, có sự phối hợp với phụ huynh học sinh và các đoàn thể liên quan.

Nhưng hiệu trưởng phải là người đầu tàu đi đầu trong việc dựng xây hạnh phúc. Hiệu trưởng trước hết phải là người có hạnh phúc để lan tỏa hạnh phúc. Hiệu trưởng hạnh phúc thì hạnh phúc ấy sẽ lan tỏa tới thầy cô, sẽ đem đến hạnh phúc cho học sinh, cho cha mẹ học sinh.

Hiệu trưởng là người sẽ tạo ra ngôi trường mà ở đó giáo viên, học sinh được sáng tạo, được tôn trọng. Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, nếu tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội.

Người lãnh đạo phải có tầm nhìn, mong muốn xây dựng Trường học Hạnh phúc. Trường học Hạnh phúc không phải để thi đua mà làm sao tạo ra cảm nhận cho giáo viên, học sinh để điều chỉnh công tác quản lý. Nếu người lãnh đạo cũng cứ chạy theo thành tích, thi đua thì sẽ gây áp lực cho giáo viên. Hiệu trưởng phải biết vận dụng, linh hoạt việc điều hành công việc để vừa có thể phát huy thế mạnh của giáo viên, vừa có thể tạo cho họ nguồn năng lượng làm việc tích cực thì mới là hiệu trưởng thành công.

Quản trị nhà trường phải sáng tạo, linh hoạt để quá trình dạy học và giáo dục không áp lực và mang lại hạnh phúc cho mọi người trong trường. Chú trọng tới tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của giáo viên, nhân viên, coi trọng tính kỷ luật để hoàn thành công việc có chất lượng và hiệu quả.

Hiệu trưởng là người giúp giáo viên thoát khỏi những áp lực, sự quá tải trong dạy học. Nếu không, giáo viên không còn sức đâu nghĩ đến trường học hạnh phúc. Trường học với bầu không khí căng thẳng và bất an thì trường học hạnh phúc chỉ là điều viển vông.

Để làm được những điều lớn lao, cao xa thì ngay từ bây giờ, mỗi cán bộ quản lý cần học cách làm những việc nhỏ bé, bình thường như: bình tĩnh lắng nghe, đặt mình vào vị trí của người khác khi xử lý công việc, chú ý đến cảm xúc của người khác khi làm việc, gọi tên cảm xúc, sẵn sàng nói lời xin lỗi, kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp... Hiệu trưởng hãy bắt đầu bằng việc đối thoại cởi mở, dân chủ với giáo viên và học sinh.

Hiệu trưởng là người khởi nguồn và tổ chức, kiến tạo. Ngược lại, sự thành công và hạnh phúc của học sinh, của giáo viên lại là thành công và là niềm vui của Hiệu trưởng chứ không phải thành công của bất kỳ cơ sở giáo dục mang ý nghĩa một đơn vị hành chính nào.

Nhưng tôi cũng cho rằng cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với người Hiệu trưởng. Chế độ đãi ngộ hiện nay với Ban Giám hiệu còn thấp trong khi họ "đứng mũi chịu sào", tạo nên môi trường học đường để giáo viên và học sinh theo lối. Họ xứng đáng được hưởng mức lương như những chủ doanh nghiệp.

PV: Giáo viên là người giảng dạy trực tiếp để truyền cảm hứng, tạo nên những giờ học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, người giáo viên nên có sự thay đổi như thế nào, thưa Thầy?

TS Tùng Lâm: Nếu người hiệu trưởng là người khởi nguồn, tổ chức kiến tạo thì mỗi thầy cô giáo lại là người trực tiếp triển khai các hoạt động kiến tạo đó để gặt hái thành công.

Tôi cho rằng, 5 nguyên tắc ứng xử sư phạm mà mỗi giáo viên cần thực hiện đó là: Kiên trì tôn trọng chấp nhận những mặt mạnh và cả những mặt yếu kém của học sinh; khách quan trong việc nhìn nhận đánh giá mặt mạnh và thiếu sót của học sinh; giúp học sinh thấy rõ những cái lợi, cái hại của mỗi hành vi, cảm xúc bản thân để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội; phải giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng, có việc làm tham gia đóng góp, cống hiến; biết gieo nhu cầu mới và quan trọng là biết tổ chức cho học sinh thực hiện dần yêu cầu giáo dục đó một cách tự giác.

Ngày xưa ông thầy là kho tri thức, ngày nay thầy cô là định hướng cho học trò, truyền lửa, truyền động lực cho học trò để học trò tự phát triển. Mục đích cao nhất của trường học là phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi đứa trẻ. Không nên áp đặt mong muốn của người lớn lên những đứa trẻ rằng chúng phải ngoan ngoãn, nghe lời, học giỏi. Nhưng như thế thì trẻ không hạnh phúc.

Đầu tiên giáo viên phải làm cho học sinh thích học, biết cách học, có thói quen học và học phải có kết quả. Kết quả ở đây không hẳn là điểm số mà là sự tiến bộ của từng học sinh so với chính em đó. Nếu giáo viên cứ lấy điểm số ra để làm thước đo thì sẽ không phát hiện, phát huy được khả năng của mỗi học sinh.

Các thầy cô giáo cũng cần lưu ý kết hợp giữa "ân" và "uy". Ân là yêu thương, tôn trọng học trò, khích lệ học trò. Mà cái "ân" phải lớn, "uy" giữ cân bằng, chứ không phải lấy uy để khiến học trò sợ mà làm theo.

PV: Để có nền giáo dục hạnh phúc, chỉ nhà trường thầy cô thôi thì không đủ. Thầy đánh giá như thế nào về vai trò của phụ huynh, gia đình và xã hội trong việc tạo dựng môi trường học tập hạnh phúc?

TS Tùng Lâm: Một đứa trẻ hạnh phúc cũng phải là đứa trẻ cảm nhận được hạnh phúc và luôn có sự cố gắng mỗi ngày. Thầy cô và cha mẹ cần kết hợp để dạy trẻ hình thành phong cách sống 5 'Tự':

Thứ nhất là Tự học sáng tạo. Mỗi học sinh đến trường đều phải tìm ra cách tự học sáng tạo phù hợp với năng lực sở trường của mỗi học sinh, duy trì nó trong suốt cuộc đời.

Thứ hai là Tự chủ. Các em cần xây dựng ước mơ, hoài bão bản thân và kiên trì theo đuổi. Làm chủ suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bản thân.

Thứ ba là Tự trọng. Trung thực trong từng lời nói, hành động và nhận lỗi, sửa lỗi.

Thứ tư là Tự tin. Đó là khả năng khẳng định bản thân trong mọi hoàn cảnh sống, là bàn đạp dẫn đến thành công của mỗi người. Muốn tự tin thì các trò phải học tập, trau dồi kiến thức về khoa học và đời sống. Đánh giá đúng năng lực của bản thân, cả điểm mạnh, điểm yếu và kiên trì rèn luyện, luôn suy nghĩ thấu đáo, chín chắn và mạnh dạn nêu chính kiến của bản thân.

Thứ năm là Tự chịu trách nhiệm. Có được điều này học sinh cần suy nghĩ kỹ trước khi làm một việc gì, có ý thức đóng góp cùng cộng đồng và nhìn nhận đúng về thành quả cũng như thiệt hại.

Việc giáo dục để trẻ hình thành phong cách sống 5 Tự trên là không không dễ dàng và cần quá trình "mưa dầm thấm lâu". Việc giáo dục trẻ không thể chỉ là trách nhiệm của của riêng nhà trường, bởi trẻ đâu chỉ học mỗi từ trường hay từ thầy cô giáo.

Không thể có những đứa trẻ hạnh phúc khi phụ huynh phó mặc con cho trường, hoặc xem thầy cô như một công cụ thay mình giám sát con, thực thi những kỳ vọng của mình với con không hơn không kém.

Tôi cũng cho rằng xã hội cần có cái nhìn đúng về những áp lực, vất vả của người giáo viên. Thực tế hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên vẫn chưa được quan tâm đúng mức, áp lực tứ phía bủa vây khiến họ chưa hẳn thực sự cảm thấy hạnh phúc trong hành trình "gieo mầm con chữ".

Cần thiết có chế độ đãi ngộ xứng đáng để mỗi thầy cô yên tâm và thêm động lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Bởi nếu khi người giáo viên còn chật vật với hạnh phúc của họ thì làm sao có thể mang tới hạnh phúc cho học trò của mình?

Xin trân trọng cảm ơn Thầy!

noi dung thiet ke

 

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO