Trần Trúc Linh, Nguyễn Tiến Dũng, Đỗ Phương Chi, Nguyễn Mai San Trang (Hà Nội) đều đang là sinh viên các ngành học liên quan tới kinh doanh. Với phương châm trải nghiệm thực tiễn sẽ mang lại nhiều bài học quý báu mà chưa chắc trên giảng đường đã có, 4 bạn đã mạnh dạn cùng nhau khởi nghiệp ở tuổi 19, 20.
Haengbog là “dấu mốc” đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của Chi, Linh, Dũng và Trang. Tiệm được thiết kế theo phong cách Hàn Quốc với mô hình những chiếc xe màu xanh cốm, bộ bàn ghế cũng nhỏ xinh, những chiếc bình hoa sắc màu, chiếc xe đạp cũng màu xanh tạo nên không gian rất trẻ, rất “chill”.
Thực đơn của Haengbog cũng phong phú và “hot trend” với nhiều món, nổi bật như Phô mai sữa nướng, Tokbokki, Bánh bao kẹp, Dimsum, Viên chiên, Trà sữa Vietnam Airlines, Cà phê muối…
Chọn Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi khởi đầu, 4 cô gái đã thuyết phục được nhà trường để được đặt tiệm đồ ăn vặt nhỏ xinh trong khuôn viên của nhà trường.
Đến Haengbog rất dễ dàng nhận thấy 4 “cô cậu chủ” nhanh nhẹn, tháo vát và cực kỳ niềm nở với khách hàng. Một không khí rất trẻ trung, văn minh khi khách và chủ tiệm luôn xưng hô “cậu – tớ”. Nếu Trang và Dũng phụ trách phần khách order, mang đồ cho khách thì Chi và Linh khéo léo phụ bếp, rán chả cá, làm bánh bao kẹp…
Sau tiếng chuông nghỉ giữa giờ học, nhiều sinh viên của Học viện Báo chí xuống “lót dạ”, trò chuyện, chụp ảnh ở Haengbog - tiệm đồ ăn vặt mới mở trong khu nhà B7.
Mai Phương Thảo (sinh viên năm Nhất khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cùng nhóm bạn thân là một trong những khách hàng đầu tiên của Haengbog.
Thảo đánh giá: “Chúng mình khá ngạc nhiên và thích thú khi trong khuôn viên trường có tiệm Haengbog với menu rất phong phú, có các món “hot trend”, khác với những căng tin và quán ăn thông thường trong và ngoài các nhà trường. Haengbog cũng được thiết kế khá trẻ trung, thích hợp với giới trẻ chúng mình. Đồ ăn khá ngon, sạch sẽ, giá phải chăng. Đặc biệt, Haengbog nằm trong khuôn viên trường rất thuận tiện cho sinh viên”.
“Các bạn chủ tiệm cùng lứa tuổi nên chúng mình cũng rất thoải mái khi order đồ hay có các ý kiến feedback các bạn cũng rất nhiệt tình đón nhận và cả cảm ơn, điều này ở các cửa hàng ngoài nhà trường là vô cùng hiếm” – Nguyễn Hà (sinh viên năm hai Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận xét.
Chi và Linh, Dũng, Trang đều đang là sinh viên rất trẻ của các trường đại học ở Hà Nội. Cả 4 bạn đều học các chuyên ngành liên quan đến kinh doanh như Quản trị Kinh doanh, Marketing và có chung niềm đam mê kinh doanh từ khi còn nhỏ.
“Chúng tôi là những người bạn chơi với nhau từ nhỏ và có 3 điểm chung: Lớn lên trong môi trường gia đình làm kinh doanh; cùng có sở thích kinh doanh từ khi mới vào Đại học và cùng thích đi du lịch. Và ý tưởng mở Haengbog của chúng tôi nảy sinh từ… những chuyến đi du lịch ở nhiều nước” – Trúc Linh kể.
Linh cho biết, thời gian gần đây, nhóm đi du lịch khám phá ở London (Anh Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan thì đều nhận thấy mô hình bán những đồ ăn vặt này tuy nhỏ nhưng rất thu hút rất đông khách, đặc biệt là giới trẻ. Điển hình như ở phố Myeongdong của Hàn Quốc, vô cùng sẵn những chiếc xe bán đồ ăn vặt, sạch sẽ, bắt “trend” và rất ngon.
“Mô hình này rất phù hợp với phong cách và sở thích kinh doanh của chúng tôi khi đòi hỏi vốn nhỏ, phong cách lại trẻ trung, năng động, đồ ăn cũng là những thực phẩm đơn giản, không quá cầu kỳ trong nhập nguyên liệu và chế biến”.
Khi về tới Việt Nam, lúc đầu nhóm Linh cũng định bán ở ngoài đường nhưng qua khảo sát thì nhận thấy ở căng tin của một số trường Đại học, đồ ăn nước uống chủ yếu vẫn là đồ đóng hộp, đồ truyền thống như bánh mì ngọt, nước lon đóng chai, chưa đa dạng các loại đồ ăn hợp với sở thích giới trẻ như tokbokki, chả cá, nem chua rán, thuyền xiên, dimsum mix…
Do vậy, nhóm mong muốn được mở tiệm nho nhỏ ở trong các trường đại học để có thể phục vụ các sinh viên với “giá sinh viên” mà các bạn không phải đặt trên mạng với cước phí cao hoặc mất công lên tận phố để thưởng thức những món này.
“Chúng tôi rất hạnh phúc và cảm ơn nhà trường đã cho phép mở tiệm nhỏ trong khuôn viên trường để phục vụ tốt nhất cho các bạn sinh viên” – Linh chia sẻ.
“Sự ra đời của Haengbog là dấu mốc quan trọng đối với cả nhóm chúng tôi. Tiệm Haengbog mới đi vào hoạt động, vẫn cần rất nhiều thời gian để tiếp cận nhiều hơn với các bạn sinh viên nhưng chúng tôi luôn thấy rất hào hứng và có động lực bởi đây là những bước khởi nghiệp đầu tiên của nhóm. Chúng tôi mong muốn tự mình xây dựng nên thành công của chính mình, từ những hành trình nhỏ bé như Haengbog” – San Trang hào hứng nói.
Để cho ra đời Haengbog, nhóm của Chi đã rất nghiêm túc, bài bản khi liên tục “họp” với nhau để phân công nhiệm vụ, khảo sát nhu cầu, xây dựng thương hiệu, logo, tìm nguồn hàng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, thương lượng giá cả…
“Đó thực sự là quá trình làm việc thực tế đầy thú vị và có giá trị. Những điều được học từ thầy cô, sách vở được các thành viên thực hành trong quá trình chuẩn bị. Học và khởi nghiệp là mối quan hệ tương hỗ. Kiến thức từ trường lớp là nền tảng quan trọng còn trải nghiệm từ thực tế khiến cả nhóm “vỡ vạc” ra rất nhiều điều trong kinh doanh, được trưởng thành hơn thực sự.
Khởi nghiệp mang lại nhiều bài học quý báu mà chưa chắc trên giảng đường đã có. Một trong những bài học đó là đối diện với thất bại, học thêm sự thất bại và bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân” – Phương Chi chia sẻ.
Haengbog đi vào hoạt động, thời gian mở cửa từ 7 giờ sáng tới 17 giờ chiều hàng ngày. Vì vẫn đang học tập ở Đại học RMIT và Kinh tế Quốc dân nên Chi cùng các bạn phân công nhau thời gian phù hợp để vừa đảm bảo việc học tập chỉn chu và việc phụ trách cửa hàng.
“Mặt trái của việc khởi nghiệp sớm ở sinh viên chính là sự mất tập trung trong học tập. Có những trường hợp sẽ bị xao lãng, bị lôi cuốn theo những đồng tiền kiếm được và dần coi việc học là phụ, kiếm tiền là chính, khó hoàn tất được việc học. Chúng tôi luôn xác định cả 2 việc đều vô cùng quan trọng đối với tương lai của chính mình nên cũng thống nhất cả về phân bổ thời gian hợp lý để cân bằng hai việc cùng lúc. Xa hơn là phải có một kế hoạch, chiến lược lâu dài cho cuộc đời, cho sự nghiệp của mình” – Tiến Dũng chia sẻ.