Chương trình trình diễn “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức.
Việc chọn khu vực giếng Thiên Quang trong Khu Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám làm nơi trình diễn áo dài thực sự là 1 ý tưởng đặc sắc và đầy ý nghĩa.
Tổng đạo diện, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: "Với tôi, Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang vẻ đẹp cổ kính, và quan trọng đây chính là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Việc tổ chức trình diễn áo dài tại nơi gắn với lịch sử của Hà Nội sẽ góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống dân tộc".
Trong đêm trình diễn, công chúng được chứng kiến những hình ảnh, vẻ đẹp của 21 di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, được các nhà thiết kế bằng sự sáng tạo, bằng ngôn ngữ thời trang đưa lên những tà áo dài truyền thống, mang nhiều thông điệp và đầy tinh tế.
21 bộ sưu tập tham dự lần này được các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ các di sản, trong đó có thể kể đến 3 bộ sưu tập của 3 nhà thiết kế là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Minh Minh; “Cao nguyên đá Đồng Văn” của Hoài Nguyễn và “Giao duyên” của Trịnh Bích Thủy.
Nhà thiết kế Hoài Nguyễn với thương hiệu nổi tiếng áo dài Hương Giang mang đến những câu chuyện nhỏ về miền đá Hà Giang. Bộ sưu tập đưa người xem như được đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc đầy gian khó nhưng đẹp huyền ảo.
Sự khắc nghiệt của thiên nhiên khiến cho con người Hà Giang sống luôn mạnh mẽ và hiên ngang, "sống trên đá, chết nằm trên đá, những con người từ miền đá sinh ra...".
Thông qua ngôn ngữ của thời trang, của áo dài, nhà thiết kế Hoài Nguyễn họa lên những địa danh nổi tiếng như dốc Thẩm Mã, Phố Cáo, Đồng Văn... Những vẻ đẹp vừa lãng mạn vừa nguyên sơ ấy giữa khung cảnh kỳ vĩ của miền sơn cước như một bản hòa tấu đầy ấn tượng đã được thể hiện rất khéo léo trên bộ sưu tập áo dài "Hoa Miền Đá".
Bộ sưu tập với tên gọi “Giao duyên” của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy là một sự sáng tạo độc đáo, những đặc trưng về văn hóa và trang phục của vùng đất Bắc Ninh được nhà thiết kế này đưa vào áo dài.
Hình ảnh “cái yếm lụa sồi, cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân”, những làn điệu dân ca của liền chị, nét đẹp duyên dáng của liền chị cùng chiếc nón quai thao đặc trưng được nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy tái hiện đặc sắc trong tà áo dài.
Nhà thiết kế kiêm nữ họa sĩ Minh Minh với thông điệp “Áo dài kể chuyện” đã mang đến Văn Miếu bộ sưu tập với chủ đề phong tục thờ cúng Hùng Vương- Câu chuyện thần tiên.
Chị cho biết: “Chúng ta lớn lên với những truyền thuyết Lạc Long Quân Âu Cơ, Mai An Tiêm, Tiên Dung Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự tích trầu cau.... các vị Thần Thánh đã trở nên bất tử trong lòng người Việt Nam. Tôi đã mang đến Lễ hội Áo dài - Văn hoá di sản Việt Nam bộ sưu tập lấy cảm hứng từ đề tài này.
Tôi vẽ các câu chuyện theo trí tưởng tượng của mình và hình dung các nhân vật trong truyền thuyết. Câu chuyện được đặt trên nền sóng nước biển Việt Nam và những đám mây ngũ sắc”.
Hoài Nguyễn, Minh Minh, Bích Thủy đều là những nhà thiết kế có tiếng, với những thương hiệu được biết đến nhiều năm. Ba người phụ nữ này là bạn bè thân thiết, chung tình yêu, niềm đam mê với áo dài.
Cùng với các nhà thiết kế khác, những người phụ nữ với sự sáng tạo, niềm đam mê và tinh thần lao động miệt mài, nghiêm túc đã đóng góp vào thành công của đêm trình diễn.
Dù đã nhiều năm làm trong ngành thời trang, tham dự nhiều các buổi trình diễn áo dài khác nhau, nhưng cả Hoài Nguyễn, Minh Minh và Bích Thủy đều có chung niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao khi tham gia vào “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, bởi đây là một chương trình lớn và rất đặc biệt.
Thông qua những sáng tạo nghệ thuật đầy tâm huyết của các nhà thiết kế, chương trình góp phần định danh, định vị áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, với tình cảm thiêng liêng của người dân Việt dành cho chiếc áo dài, vẻ đẹp và sự tự hào về một chiếc áo đại diện hình ảnh của dân tộc.