
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, nếu không có can thiệp thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể từ 15- 45%, tuy nhiên nếu được điều trị dự phòng tích cực cho mẹ và con thì tỷ lệ này có thể giảm xuống chỉ còn dưới 2%. Để thực hiện mục tiêu "Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con", Bộ Y tế khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai, phụ nữ có hành vi nguy cơ cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Trước khi mang thai: Phụ nữ nên chủ động đến các cơ sở y tế để tư vấn và xét nghiệm HIV, nhất là những phụ nữ có nguy cơ (có chồng, bạn tình là người nghiện chích ma túy hay nhiễm HIV). Nếu phát hiện nhiễm HIV sẽ được bác sĩ tư vấn, điều trị trước khi có ý định mang thai.
Trong khi mang thai: Tất cả thai phụ cần đến cơ sở y tế đăng ký quản lý thai nghén và tư vấn xét nghiệm HIV, để kịp thời xét nghiệm và phát hiện sớm nhiễm HIV ngay trong những tháng đầu của thai kỳ. Nếu phát hiện nhiễm HIV trong quá trình mang thai sẽ được tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.
Đối với những phụ nữ đã nhiễm HIV: Cần phải điều trị ARV sớm và tuân thủ điều trị tốt để đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Trước khi mang thai cần tư vấn bác sĩ, khám sức khỏe tổng thể và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chủ động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thực hiện khám thai định kỳ và đăng ký sinh con tại các cơ sở sản khoa có cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại: Bệnh viện đa khoa tỉnh, hoặc bệnh viện đa khoa các huyện. Trong quá trình mang thai, sinh con bà mẹ cần tuân thủ điều trị theo tư vấn của bác sĩ để giảm thiểu tối đa khả năng lây truyền HIV cho con.
Chăm sóc trẻ sinh từ bà mẹ nhiễm HIV: Ngay sau khi sinh, trẻ sẽ được uống thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ. HIV có trong sữa mẹ, do đó tốt nhất nên cho trẻ uống sữa công thức. Nếu như gia đình không có điều kiện để cho trẻ uống sữa công thức thì có thể cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó cai sữa và chuyển sang thức ăn bổ sung. Khi trẻ được 4 - 6 tuần tuổi cần đưa trẻ đến Phòng khám đa khoa – chuyên khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV.
Đối với bà mẹ được xác định đã nhiễm HIV/AIDS, theo HCDC, thực hiện “dự phòng từ xa” để tránh lây truyền HIV từ mẹ sang thai nhi và trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cách tiếp cận ABC - một chiến lược dự phòng ban đầu lây nhiễm HIV thông qua tăng cường và hỗ trợ các hành vi tình dục an toàn.
A = Abstain - Kiêng quan hệ tình dục
B = Be faithful - Chung thủy với một bạn tình
C = Condom - Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục
Biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho nam và nữ trong độ tuổi sinh đẻ
- Không nên quan hệ tình dục trước hôn nhân.
- Chung thủy một vợ, một chồng; không quan hệ tình dục với nhiều người.
- Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
- Đến phòng tư vấn hoặc các cơ sở y tế để tìm hiểu các thông tin liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV và phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
- Nếu vợ hoặc chồng đã nhiễm HIV cần đến ngay Phòng khám ngoại trú người lớn, phòng tư vấn sức khỏe để được điều trị sớm bằng thuốc ARV nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cho vợ hoặc chồng.
Phòng tránh thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV
Phụ nữ nhiễm HIV hãy cùng chồng hoặc bạn tình đến Phòng khám ngoại trú người lớn hoặc phòng tư vấn sức khỏe hoặc các cơ sở sản khoa để được:
- Tư vấn và tự quyết định về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn và kế hoạch hóa gia đình.
- Hướng dẫn các biện pháp tránh thai khi phụ nữ nhiễm HIV không muốn mang thai, như sử dụng bao cao su, các loại thuốc tránh thai, dụng cụ tránh thai hoặc triệt sản nam, nữ.
- Tư vấn và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Giới thiệu đến các cơ sở chăm sóc và điều trị và hỗ trợ thích hợp.
Tầm quan trọng của thực hiện xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai
Xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng:
- Giúp phụ nữ mang thai chưa nhiễm HIV tiếp cận các thông tin về HIV, xét nghiệm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và thực hiện các hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho mình và cho con, chăm sóc thai nghén đầy đủ.
- Giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV tự quyết định các vấn đề về sinh con, thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tiếp cận được những cơ sở dịch vụ khi có nhu cầu, nhất là về y tế và hỗ trợ về mặt tình cảm, tâm lý (giúp phụ nữ mang thai ổn định tinh thần, xây dựng nội lực để vượt qua khủng hoảng, vượt qua được sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng, tự quyết và tự tin trong cuộc sống).
Theo dõi tải lượng vi-rút HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh
Theo dõi tải lượng vi-rút HIV nhằm giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV biết được tình trạng điều trị thuốc ARV của mình. Thông qua đánh giá tình trạng cơ thể để quyết định kế hoạch sinh sản, phương thức sinh cũng như kế hoạch nuôi dưỡng con nhỏ.
Điều trị sớm, đúng phác đồ và kết hợp với chăm sóc, can thiệp thích hợp trước sinh, trong khi sinh và sau khi sinh giúp giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống chỉ còn dưới 2% (trong 100 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV chỉ có khoảng dưới 2 trẻ bị nhiễm HIV).
Mẫu TâmBạn đang xem bài viết Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ để loại trừ lây truyền HIV sang con tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].