Xét nghiệm máu bao gồm xét nghiệm nhiều thành phần trong máu như huyết học, sinh hoá, miễn dịch. Bài viết này chúng tôi đề cập đến xét nghiệm Công Thức Máu thường quy được thực hiện trong thăm khám sức khỏe. Từ công thức máu, bác sĩ có thể kịp thời phát hiện nhiều bệnh lý huyết học, nhiễm trùng. Cùng tìm hiểu về xét nghiệm công thức máu qua bài viết dưới đây nhé!
1 Xét nghiệm máu toàn phần là gì?
Xét nghiệm máu toàn phần hay được gọi là tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (CBC) là một xét nghiệm thường quy nhằm đánh giá về số lượng tế bào có trong máu. Từ đó, giúp bác sĩ nhận định tổng quát về sức khỏe của người bệnh và kịp thời phát hiện nhiều bệnh lý về máu.
Các chỉ số cần quan tâm trong kết quả xét nghiệm máu gồm:
- Hồng cầu: số lượng, hình dạng, kích thước hồng cầu.
- Bạch cầu: số lượng, tỷ lệ của mỗi loại bạch cầu.
- Tiểu cầu: số lượng và kích thước tiểu cầu.
- Huyết sắc tố: giúp đánh giá lượng sắt có trong máu nhằm chẩn đoán bệnh lý thiếu máu.
Xét nghiệm công thức máu có thể đánh giá được số lượng tế bào trong máu ngoại vi
2 Xét nghiệm công thức máu để làm gì?
Hầu hết người bệnh khi đến bệnh viện thăm khám đều được chỉ định thực hiện xét nghiệm công thức máu nhằm đáp ứng một số mục đích sau:
Xem xét sức khoẻ tổng thể
Dựa vào các chỉ số được thể hiện trên kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể đánh giá tổng quan về tình trạng sức khỏe của người bệnh như khỏe mạnh, nhiễm trùng, thiếu máu hoặc một số bệnh lý huyết học khác. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra các xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán bệnh.
Kết quả xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát
Chẩn đoán tình trạng bệnh lý
Xét nghiệm công thức máu còn là công cụ hỗ trợ bên cạnh việc khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng của bác sĩ. Nhiều bệnh nhân đến khám với các biểu hiện như sốt, mệt mỏi, hay chảy máu, bầm tím… thường được chỉ định xét nghiệm này để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bầm tím
Kiểm tra tình trạng bệnh lý
Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh lý nhiễm trùng, bạch cầu cấp, giảm tiểu cầu hoặc thiếu máu, công thức máu là xét nghiệm để theo dõi tình trạng bệnh. Nhờ so sánh sự thay đổi của kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng đáp ứng với điều trị và tiên lượng cho người bệnh.
Theo dõi điều trị và biến chứng
Ngoài ra, xét nghiệm công thức máu còn có thể giúp bác sĩ kịp thời phát hiện các tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị như thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị, xạ trị. Nhờ vậy, bác sĩ có thể bổ sung hoặc thay đổi phác đồ phù hợp.
3 Khi nào cần thực hiện xét nghiệm công thức máu
Xét nghiệm công thức máu được chỉ định thường quy như:
- Khám sức khỏe định kỳ hoặc tổng quát.
- Đến khám bệnh vì xuất hiện các triệu chứng: sốt, bầm tím, chảy máu, mệt mỏi, sút cân nhanh chóng…
- Người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, suy thận mạn, ung thư, nhiễm trùng mạn tính…
- Đánh giá hiệu quả điều trị và tác dụng không mong muốn của thuốc.
Bệnh nhân sốt, mệt mỏi có thể được chỉ định làm xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân gây bệnh
4 Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm công thức máu toàn phần
Khi đọc kết quả xét nghiệm máu, các bác sĩ thường quan tâm đến một số chỉ số chính sau:
Kiểm tra | Chỉ số bình thường | Ý nghĩa xét nghiệm |
Hồng cầu | Nam: 4,7- 6,1 triệu tế bào /μL Nữ: 4,2 - 5,4 triệu tế bào/μL | Đánh giá tổng số lượng tế bào hồng cầu trong máu. Tăng: mất nước, sống ở môi trường núi cao, oxy loãng, bệnh tim, bệnh huyết học. Giảm: thiếu máu, bệnh huyết học, mất máu cấp. |
Huyết sắc tố | Nam: 13,8 -17,2 g/dL Nữ: 12,1 - 15,1 g/dL | Đánh giá lượng sắt có trong máu. Tăng: mất nước, rối loạn tăng sinh tủy, thiếu oxy mạn tính, bệnh tim phổi mạn. Giảm: thiếu máu thiếu sắt, thiếu vitamin B12, bệnh thận mạn, mất máu cấp. |
Hematocrit | Nam: 40,7- 50,3% Nữ: 36,1- 44,3% | Tăng: mất nước, cô đặc máu, bệnh đa hồng cầu. Giảm: thiếu máu, suy tim, bệnh thận mạn |
Bạch cầu | 4.500 - 11.000 tế bào/μL | Đánh giá tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý huyết học. Tăng: nhiễm trùng, bạch cầu cấp, rối loạn sinh tủy Giảm: nhiễm virus, suy tủy xương |
Tiểu cầu | 150.000 - 450.000/μL | Đánh giá số lượng tế bào làm nhiệm vụ đông cầm máu của cơ thể. Tăng: viêm, ung thư, rối loạn tăng sinh tủy xương, mất máu cấp, nguy cơ huyết khối. Giảm: xuất huyết, xơ gan, đông máu rải rác trong lòng mạch, tác dụng phụ của thuốc. |
5 Xét nghiệm công thức máu toàn phần bao lâu có kết quả
Thông thường, xét nghiệm công thức máu toàn phần thường được thực hiện nhanh chóng và đơn giản. Vì thế, người bệnh thường được trả kết quả sau khi lấy máu trong ngày, thường là sau từ 1 - 2 tiếng hoặc sau 1 ngày tùy thuộc vào từng phòng xét nghiệm và tình trạng của bệnh nhân.
6 Lưu ý và chuẩn bị khi xét nghiệm công thức máu
Để nhận được kết quả xét nghiệm công thức máu chính xác, phản ánh đúng tình trạng bệnh lý của cơ thể thì bạn nên lưu ý một số điểm sau đây:
- Thông báo với bác sĩ thăm khám về tình trạng mắc các bệnh lý mạn tính, các loại thuốc đang sử dụng hoặc phương pháp điều trị bệnh đang dùng.
- Mang theo kết quả xét nghiệm máu gần nhất.
- Xét nghiệm công thức máu không yêu cầu nhịn ăn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thực hiện thêm những xét nghiệm khác như đường, mỡ máu thì nên nhịn ăn ít nhất 8 tiếng để kết quả thu được là chính xác.
Bạn có thể cần nhịn ăn nếu muốn làm xét nghiệm máu kết hợp với một số xét nghiệm khác
Xem thêm:
- Các xét nghiệm tiểu đường phổ biến hiện nay và lưu ý trước khi thực hiện
- Xét nghiệm HbA1c là gì? Ý nghĩa trong chẩn đoán và điều trị tiểu đường
- Nhiễm độc chì: Triệu chứng, nguyên nhân và nơi xét nghiệm
Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn những kiến thức tổng quát về xét nghiệm công thức máu. Bạn hãy thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để đánh giá tình trạng cơ thể và kịp thời phát hiện cũng như điều trị bệnh nhé!
Bạn đang xem bài viết Xét nghiệm máu là gì? Khi nào cần thực hiện xét nghiệm tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].