Trốn chạy khỏi thành phố: Vì sao người trẻ Trung Quốc chọn 'nghỉ hưu sớm'?

Ánh Dương
Trong bối cảnh áp lực công việc và cuộc sống tại các đô thị ngày càng gia tăng, một trào lưu mới đang hình thành tại Trung Quốc khi nhiều thanh niên quyết định rời bỏ thành phố để nghỉ hưu sớm về nông thôn tĩnh dưỡng. Họ muốn tìm kiếm sự bình yên, thoát khỏi guồng quay căng thẳng của cuộc sống hiện đại…

Thế hệ Gen Z và Gen Y của Trung Quốc ngày càng chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống "nghỉ hưu" của họ ở nông thôn trên mạng xã hội, có người bị sa thải, có người tự nghỉ việc, cũng có những người đơn giản là đang thất nghiệp.

Họ ghi lại cuộc sống hàng ngày, từ trồng rau, nấu ăn đến thiền định và chia sẻ trên các nền tảng như Douyin hay Xiaohongshu, thu hút hàng trăm nghìn người tương tác.

Nguyên nhân

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi 16 đến 24 tại Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 21,3% vào tháng 6 năm 2023 (Theo Reuters). 

Nhiều thanh niên cảm thấy mệt mỏi với môi trường làm việc căng thẳng và cạnh tranh khốc liệt tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt và giá nhà đất tại các đô thị lớn liên tục tăng cao, tạo thêm gánh nặng tài chính cho người trẻ. Việc phải chi trả tiền thuê hoặc trả góp mua nhà khiến họ ít có cơ hội dành thời gian cho bản thân và phát triển sở thích cá nhân.

Một hội chợ việc làm tại Bắc Kinh đông đúc sau diệp Tết. (Ảnh: Reuters)

Một hội chợ việc làm tại Bắc Kinh đông đúc sau diệp Tết. (Ảnh: Reuters)

Tâm lý kiệt quệ và nguy cơ đổ vỡ tinh thần cũng là nguyên nhân quan trọng. Nhiều bạn trẻ than phiền về tình trạng burnout do làm việc quá mức, thiếu kết nối xã hội và cảm giác bị đánh mất giá trị bản thân trong guồng quay công việc.

Giới trẻ hiện đại không chỉ muốn có một công việc ổn định, mà còn mong muốn lối sống cân bằng, nơi họ có thể kết nối với thiên nhiên và cộng đồng, từ đó tái tạo năng lượng và nuôi dưỡng sức sáng tạo cho tương lai.

Những áp lực này đã thúc đẩy họ tìm kiếm một lối sống mới, chậm rãi và bình yên hơn. Điều đó dẫn đến việc nhiều người trẻ ở thành thị Trung Quốc chọn chuyển về các vùng nông thôn để "nghỉ hưu".

“Viện dưỡng lão” cho người trẻ “nghỉ hưu sớm”

Theo CNBC, họ chọn sống tại các vùng quê như Vân Nam, Quý Châu hay Tứ Xuyên, nơi chi phí sinh hoạt thấp (chỉ bằng một phần tư so với Thượng Hải) và môi trường bình yên phù hợp để “chữa lành”. 

Wang Dong, 29 tuổi, nhiều tháng nay anh không đi làm, cũng không có ý định đi làm, mà dành thời gian ở Đại Lý, thành phố thơ mộng ven hồ Nhĩ Hải thuộc tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. 

Wang-Dong

"Tất cả chúng ta đều có khó khăn riêng tại từng thời điểm, chúng ta cần chú ý tới bản thân trong hiện tại. Đối với tôi, trải nghiệm có được trong giai đoạn này có ý nghĩa không thể đo lường bằng vật chất", Wang chia sẻ tại mội "nhà nghỉ hưu dành cho thanh niên" ở Đại Lý hồi tháng 4. 

Wang chuyển tới đây sau khi mệt mỏi với công việc trong ngành dịch vụ khách sạn. Anh dành thời gian đi chùa, học trà đạo, đi chơi với bạn mới quen hoặc đơn giản là không làm gì. Wang sẽ ở lại đây ít nhất một tháng nữa và "chưa có kế hoạch cụ thể cho cuộc sống giai đoạn sau".

Nắm bắt xu hướng “nghỉ hưu sớm”, nhiều cơ sở kinh doanh ở Trung Quốc nằm ở các thị trấn nhỏ, vùng ngoại ô hoặc nông thôn, cho ra đời mô hình “viện dưỡng lão cho khách hàng trẻ”.

Nơi lý tưởng để "nằm thẳng" - một lối sống mặc kệ đời thay vì nỗ lực cống hiến và trang trải cuộc sống nhằm phản kháng thầm lặng trước áp lực rộ lên những năm trở lại đây ở Trung Quốc.

Yan Bingyi, 37 tuổi, chủ một nhà nghỉ kiểu này thường sắp xếp những hoạt động tập thể như nấu nướng hoặc đi dã ngoại.

"Tất cả chúng ta đều đối mặt áp lực xã hội vô hình trong cuộc đời và cảm thấy khó khăn khi áp lực tích tụ đến mức độ nào đó”, Yan nói. 

Phản ứng của xã hội

Những thanh niên Trung Quốc trò chuyện cùng nhau sau khi xem buổi biểu diễn tại một

Những thanh niên Trung Quốc trò chuyện cùng nhau sau khi xem buổi biểu diễn tại một "nhà hưu trí" dành cho người trẻ tuổi. (Ảnh: AFP)

Trào lưu này nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng, với nhiều ý kiến trái chiều. Một số người ủng hộ cho rằng đây là cách để giới trẻ tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống.

Trong khi đó, một số khác lo ngại về tương lai nghề nghiệp và sự phát triển cá nhân của những người trẻ chọn nghỉ hưu sớm, từ bỏ trách nhiệm xã hội và đóng góp cho nền kinh tế.

“Tôi cho rằng người ta không nên nằm thẳng cả đời. Sau thời gian ngắn ở đây, tôi hy vọng mọi người có thể thích nghi lại với cuộc sống, không tới mức cảm thấy bị nghiền nát dưới áp lực thành thị", Yan nói.

Chen Qiankun, 21 tuổi, cho rằng thay vì đến những “nhà nghỉ hưu”, người trẻ nên dồn sức vào những mục tiêu mà nhà nước khuyến khích. Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hồi sinh các vùng nông thôn trong quá trình bùng nổ kinh tế của đất nước. 

Chen chuyển từ tỉnh Quảng Đông tới làng Đông Vọng, một ngôi làng nhỏ có dân số chỉ 106 người. Mục tiêu của Chen là dạy người dân địa phương kỹ năng mới để gia tăng thu nhập, hồi sinh vùng nông thôn. 

"Không có vấn đề gì nếu thanh niên muốn 'nằm thẳng' trong ngắn hạn, nhưng tôi phản đối lối sống trì trệ trong thời gian dài", Chen nói. Nếu không giải quyết được tình hình này, sẽ có làn sóng thanh niên thực sự nghỉ hưu.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi áp lực mưu sinh và chạy đua thành công ngày càng đè nặng lên đôi vai thanh niên, trào lưu nghỉ hưu sớm không chỉ là một phản kháng cá nhân, mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho xã hội về việc đánh giá lại khái niệm thành công. Bởi muốn phát triển bền vững đòi hỏi chính sách an sinh xã hội, cơ hội việc làm và kết nối cộng đồng tốt hơn.

Trào lưu thanh niên Trung Quốc 'nghỉ hưu sớm' tại nông thôn phản ánh khát khao tìm kiếm sự bình yên và cân bằng trong cuộc sống hiện đại đầy áp lực.

Xu hướng này có thể không phải là sự từ bỏ, mà là hành trình tái tạo năng lượng, tìm kiếm giá trị cốt lõi của giới trẻ. Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy giới trẻ đang chủ động định hình lại lối sống của mình. 

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính