Thịt đỏ khi được ăn đủ và đúng cách sẽ cung cấp nguồn năng lượng tuyệt vời cho cơ thể. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và một số bệnh ung thư nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu về tác hại của thịt đỏ với cơ thể qua bài viết dưới đây nhé.
1 Thịt đỏ là gì? Phân loại thịt đỏ
Thịt đỏ là gì?
Thịt đỏ có nguồn gốc từ động vật có vú chẳng hạn như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt nai,... Chúng được đặt tên như vậy vì có màu đỏ khi còn sống, trong khi đó thịt gà, gà tây và các loại thịt khác từ gia cầm (chim) là thịt trắng vì sau khi nấu chín sẽ có màu trắng.
Thịt đỏ có nguồn gốc từ động vật có vú như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt nai,...
Các loại thịt đỏ
Thịt đỏ được phân loại dựa vào nguồn gốc của loài động vật cụ thể. Ngoài ra, thịt đỏ cũng có thể được phân biệt bằng cách nuôi và chế biến như:
- Thịt thông thường: Thịt thông thường là thịt từ động vật được nuôi và tiêu thụ thức ăn làm từ ngũ cốc trong các cơ sở chăn nuôi tập trung (CAFO).
- Thịt ăn cỏ: Loại thịt này có nguồn gốc từ những con bò ăn cỏ và không được nuôi dưỡng trong cơ sở chăn nuôi tập trung.
- Thịt hữu cơ: Để có nhãn hữu cơ, thịt có nguồn gốc từ động vật tiêu thụ 100% thức ăn hữu cơ và thức ăn thô xanh kết hợp với chăn nuôi thả tự nhiên. Ngoài ra, chúng cũng không được sử dụng thuốc kháng sinh hoặc hormone kích thích tăng trưởng.
- Thịt đã qua chế biến: Những sản phẩm này thường được làm từ động vật nuôi thông thường và trải qua nhiều phương pháp chế biến khác nhau như sấy khô hoặc hun khói. Ví dụ xúc xích, thịt xông khói,...
- Thịt chưa qua chế biến: Các loại thịt chưa được xử lý hoặc chế biến kỹ thường được gọi là chưa qua chế biến, thường dùng để chỉ các loại thịt được chế biến tối thiểu như thịt bò xay hoặc thịt thăn.
Thịt đỏ được phân loại dựa vào nguồn gốc của loài động vật, cách nuôi và chế biến
2 Giá trị dinh dưỡng của thịt đỏ
Thịt đỏ cung cấp một lượng lớn chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể. Trong mỗi 100g thịt bò nạc xay với 20% là mỡ cung cấp:
- Lượng calo: 254 kcal.
- Chất đạm: 17,2g.
- Chất béo: 20g.
- Carbohydrate: 0g.
- Chất xơ: 0g.
Protein trong thịt bò là protein hoàn chỉnh chứa tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể cần để phát triển và duy trì cơ, mô. Ngoài ra, 100g thịt đỏ còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin B12, kẽm, canxi, kali, phốt pho, selen, sắt,...
Tuy nhiên, cách nuôi thịt cũng có thể ảnh hưởng đến thành phần dinh dưỡng của chúng nhưng những khác biệt này tương đối nhỏ và không đáng kể.
Thịt đỏ cung cấp một lượng lớn chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể
3 Có nên ăn thịt đỏ không?
Mặc dù thịt đỏ chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng cho sự phát triển của cơ thể, tuy nhiên những chất dinh dưỡng này cũng có thể được tìm thấy trong nhiều nguồn thực phẩm khác.
Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc tăng cường tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể gây ra một số bệnh lý mãn tính như tiểu đường, bệnh mạch vành, suy tim, đột quỵ, ung thư và thậm chí là tử vong.
Vì thế, nhiều tổ chức y tế trên thế giới như Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, WHO và AHA đều khuyến cáo nên hạn chế ăn thịt đỏ. Đồng thời, nếu tiêu thụ thịt đỏ, bạn nên chọn các loại chưa qua chế biến, thịt nạc và ăn cùng với nhiều nguồn protein khác để mang lại chế độ dinh dưỡng toàn diện, cân bằng.
Nhiều tổ chức y tế trên thế giới đều khuyến cáo nên hạn chế ăn thịt đỏ
4 Các tác hại của thịt đỏ đối với sức khỏe
Nguy cơ mắc bệnh tim
Một nghiên cứu năm 2020 cho rằng tiêu thụ nhiều thịt đỏ, bao gồm cả các loại đã qua chế biến và chưa qua chế biến có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Từ đó cũng kết luận rằng việc thay thế thịt đỏ bằng protein từ thực vật như các loại đậu, quả hạch hoặc đậu nành có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
Trimethylamine N-oxide (TMAO) là một chất chuyển hóa do hệ vi sinh vật đường ruột tạo ra có liên quan cơ học đến cơ chế bệnh sinh của bệnh tim xơ vữa động mạch. Nghiên cứu năm 2019 cho thấy những người ăn thịt đỏ thường xuyên có hàm lượng chất chuyển hóa trimethylamine N-oxide (TMAO) cao hơn gấp 3 lần so với những người ăn thịt trắng hoặc protein từ thực vật.
Ngoài ra, thịt chế biến sẵn thường chứa hàm lượng muối cao nên khi tiêu thụ sẽ gia tăng lượng natri trong máu. Từ đó có thể dẫn đến cao huyết áp và liên quan chặt chẽ hơn đến nguy cơ mắc bệnh tim.
Tiêu thụ nhiều thịt đỏ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn
Nguy cơ ung thư
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định tiêu thụ thịt đỏ, đặc biệt là các loại thịt chế biến sẵn có khả năng gây ung thư đại tràng và ung thư dạ dày cao hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy và tuyến tiền liệt cao hơn ở những người ăn thịt đỏ.
Các nghiên cứu khác cho thấy rằng việc tiêu thụ cả thịt đỏ có thể tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư vú,...
Một đánh giá năm 2018 cho rằng những người tiêu thụ nhiều thịt đã qua chế biến và chưa qua chế biến có nguy cơ ung thư vú cao hơn với tỷ lệ lần lượt là 9% và 6%.
Tiêu thụ thịt đỏ có thể tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư
Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2
Một nghiên cứu cho thấy việc thay thế một khẩu phần 100g thịt đỏ mỗi ngày bằng nguồn thực phẩm giàu protein khác như trứng, sữa, ngũ cốc,... có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Đồng thời cũng có thể điều chỉnh các yếu tố trung gian tiềm ẩn của bệnh tiểu đường như chỉ số khối cơ thể (BMI), mỡ bụng,...
Một nghiên cứu khác năm 2021 nhận ra rằng việc thay thế tiêu thụ thịt đỏ bằng các nguồn protein khác có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2.
Theo đánh giá của 15 nghiên cứu năm 2021, những người tiêu thụ nhiều thịt đỏ đã qua chế biến và chưa qua chế biến có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn lần lượt là 27% và 15% so với những người tiêu thụ lượng thấp nhất. Do đó, giảm tiêu thụ thịt đỏ được xem là mục tiêu cho biện pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường loại 2.
Những người tiêu thụ nhiều thịt đỏ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn
Tăng nguy cơ tử vong
Một nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ăn thịt đỏ, đặc biệt là thịt chế biến sẵn trong suốt 8 năm có tỷ lệ tử vong cao hơn. Việc tăng tổng lượng tiêu thụ thịt đỏ ít nhất nửa khẩu phần ăn mỗi ngày có thể khiến nguy cơ tử vong cao hơn 10%.
Nghiên cứu trên hơn 120.000 người trong 10 năm cho thấy nitrit trong thịt đỏ chế biến sẵn có thể làm tăng tỷ lệ tử vong nói chung cũng như bệnh tim mạch và hô hấp.
Những người ăn thịt đỏ trong suốt 8 năm có tỷ lệ tử vong cao hơn
Béo phì
Thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa và calo. Từ đó có thể làm rối loạn mức cholesterol, dẫn đến tăng cân và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy tiêu thụ nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn là yếu tố nguy cơ gây béo phì.
Tiêu thụ nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn là yếu tố nguy cơ gây béo phì
Gây viêm
Một nghiên cứu năm 2022 cho rằng tiêu thụ thịt đỏ có thể thúc đẩy tình trạng viêm. Đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính và gây suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể.
Tiêu thụ thịt đỏ có thể thúc đẩy tình trạng viêm
Ảnh hưởng đến sức khỏe tiêu hóa
Thịt đỏ có hàm lượng protein và chất béo cao. Từ đó, khi tiêu thụ chúng có thể gây ra các triệu chứng rối loạn hệ
tiêu hóa đối với một số người khó tiêu hóa chất béo.
Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều chất béo cũng có thể dẫn đến chứng trào ngược dạ dày thực quản, tiêu chảy, gây ảnh hưởng đến sức khỏe hệ tiêu hóa.
Trào ngược dạ dày là tình trạng khó chịu phổ biến. Tìm hiểu thêm về trào ngược dạ dày, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Hãy đọc để tìm hiểu cách quản lý và giảm bớt các triệu chứng khó chịu này!
Tiêu thụ thịt đỏ có thể gây ra các triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa
5 Cách nấu thịt đỏ ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?
Khi một người nấu thịt ở nhiệt độ cao bằng cách chiên hoặc nướng trên lửa, một số hóa chất amin dị vòng và hydrocacbon thơm đa vòng sẽ được hình thành trong thịt. Các chất này có thể gây ra những thay đổi trong DNA dẫn đến ung thư.
Từ đó, Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã đề xuất một số cách nấu để giảm xuất hiện chất trên như sau:
- Không nấu thịt đỏ, kể cả thịt trắng trên ngọn lửa trần hoặc bề mặt kim loại quá nóng.
- Làm chín sơ thịt trước trong lò vi sóng để giảm thời gian nấu thịt ở nhiệt độ cao.
- Trước khi nấu, hãy ướp thịt trong nước xốt chứa mật ong và thảo mộc để giảm các hợp chất amin dị vòng gây độc cho cơ thể.
- Nấu ăn nhẹ nhàng hơn bằng cách hầm và hấp thay vì nướng và chiên.
- Nếu nấu ở nhiệt độ cao, hãy thường xuyên lật thịt để tránh bị cháy.
- Không ăn phần thịt cháy.
- Kết hợp ăn thêm các loại rau xanh giàu chất chống oxy hóa như rau lá xanh đậm cùng với thịt.
Không nấu thịt đỏ trên ngọn lửa trần hoặc bề mặt kim loại quá nóng
6 Nên sử dụng thịt đỏ bao nhiêu một ngày?
Thịt đỏ có thể là nguồn dinh dưỡng cho cơ thể nhưng bạn có thể cung cấp protein và dưỡng chất từ hỗn hợp đậu, ngũ cốc, trứng, sữa, cá,... mà không cần ăn thịt. Những thực phẩm này giúp thay thế thịt đỏ trong bữa ăn hàng ngày nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về protein và vi khoáng chất.
Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AICR) khuyến nghị rằng mỗi người chỉ nên tiêu thụ dưới 3 khẩu phần thịt đỏ, khoảng 340 - 500g mỗi tuần. Đồng thời, họ cũng khuyên nên ăn ít thịt chế biến sẵn nếu có thể.
Bên cạnh đó, AHA cũng cho rằng mọi người nên cắt giảm lượng thịt và chỉ ăn những miếng nạc với khẩu phần không lớn hơn 170g.
Mỗi người chỉ nên tiêu thụ khoảng 340 - 500g thịt đỏ mỗi tuần
Xem thêm:
- 14 tác hại của thuốc giảm cân đối với cơ thể bạn cần biết
- 11 tác hại của thuốc lá tới sức khỏe và mọi người xung quanh
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thêm những thông tin về tác hại của thịt đỏ với cơ thể khi tiêu thụ quá nhiều và không đúng cách. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nhé!
Bạn đang xem bài viết Thịt đỏ là thịt gì? 7 tác hại của thịt đỏ với sức khỏe bạn nên biết tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].