Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Suy tim có nguy hiểm không? 6 triệu chứng, biện pháp phòng ngừa

Suy tim là tình trạng bệnh lý làm giảm khả năng cung cấp máu và oxy của cơ thể, bệnh tiến triển làm bệnh nhân khó thở, mệt mỏi trong sinh hoạt thường ngày, do đó giảm chất lượng cuộc sống. Hãy cùng tìm hiểu 6 triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa suy tim nhé thông qua bài viết dưới đây nhé!

Định nghĩa:

Suy tim là bệnh bao gồm nhiều hội chứng lâm sàng phức tạp, là hậu quả của tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng của tim dẫn đến cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể trong nhiều tình huống sinh hoạt của bệnh nhân.

Phân loại (NYHA)

  • Độ I: Không giới hạn hoạt động thể lực. Hoạt động thể lực thông thường không gây triệu chứng suy tim
  • Độ II: Giới hạn nhẹ hoạt động thể lực. Không xuất hiện triệu chứng suy tim khi nghỉ, nhưng các hoạt động thể thao vừa và nhẹ có thể gây triệu chứng suy tim.
  • Độ III: Giới hạn rõ trong hoạt động thể lực. Không xuất hiện triệu chứng suy tim khi nghỉ, nhưng những hoạt động sinh hoạt thường ngày cũng gây xuất hiện triệu chứng suy tim.
  • Độ IV: Triệu chứng suy tim xuất hiện xảy ra cả khi nghỉ ngơi. Với những hoạt động chăm sóc bản thân cũng làm triệu chứng cơ năng suy tim gia tăng.

Nguyên nhân

  • Bệnh động mạch vành
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Bệnh cơ tim
  • Bệnh tiểu đường 
  • Rối loạn nhịp
  • Bệnh tăng huyết áp
  • Bệnh tuyến giáp

1 Các dấu hiệu nhận biết suy tim

Khó thở

  • Khó thở đột ngột vào ban đêm làm bạn thức giấc.
  • Người bệnh thường khó thở khi nằm tư thế đầu thấp, khó thở giảm khi ngồi hoặc đứng dậy.
  • Khó thở khi tập thể dục hoặc vận động gắng sức, tình trạng suy tim nặng có thể khó thở trong hoạt động thường ngày thậm chí ngay cả khi nghỉ ngơi.

Khó thở giảm khi ngồi dậy là triệu chứng suy tim

Khó thở giảm khi ngồi dậy là triệu chứng suy tim

Ho dai dẳng

  • Ho dai dẳng cũng là một trong những triệu chứng của suy tim. Tuy nhiên đây không phải là dấu hiệu khiến chúng ta nghĩ đến suy tim đầu tiên. Khi bệnh nhân ho dai dẳng cần tầm soát những bệnh lý hô hấp trước.
  • Thở khò khè, ho khan kéo dài đôi khi có đờm màu trắng hoặc hồng.

Ho dai dẳng là triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn khác bệnh khác

Ho dai dẳng là triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn khác bệnh khác

Phù nề

Phù là triệu chứng giai đoạn sau của suy tim, khi các biểu hiện khác đã rõ, phù gây ra do sự tích tụ nước ở các mô và cơ quan. Thường phù ở mu bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân, mặt, bụng.

Phù mềm ấn lõm trong suy tim

Phù mềm ấn lõm trong suy tim

Mệt mỏi

Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, ngay cả khi họ chỉ thực hiện các hoạt động nhẹ như đi bộ, leo cầu thang. Điều này có thể do cơ thể không nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết để hoạt động.

Mệt mỏi trong suy tim

Mệt mỏi trong suy tim

Khó tập trung

Sự thay đổi nồng độ của một số chất trong máu, chẳng hạn như natri, có thể làm giảm lưu lượng máu đến não, có thể gây lú lẫn, khó tập trung. Thường bệnh nhân không tự phát hiện mà người nhà hoặc người chăm sóc là người nhận ra trước tiên.

Giảm lưu lượng đến nào làm bệnh nhân suy tim khó tập trung

Giảm lưu lượng đến nào làm bệnh nhân suy tim khó tập trung

Thay đổi cân nặng, chán ăn – mất ngon miệng

  • Thay đổi cân nặng (tăng hoặc giảm cân đột ngột) không phải là triệu chứng điển hình của suy tim. Khi thay đổi cân nặng bất thường cần nghĩ tới bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý nội tiết.
  • Tăng cân đột ngột do giảm lượng máu được đào thải qua thận và làm tích nước ở các cơ quan trong cơ thể như ở tay chân, mặt, phổi.
  • Buồn nôn hoặc mất vị giác: Một số người bệnh có thể trải qua mất vị giác hoặc buồn nôn, chán ăn do suy tim.

Bệnh nhân tăng cân đột ngột cần đi khám để tìm nguyên nhân

Bệnh nhân tăng cân đột ngột cần đi khám để tìm nguyên nhân

2 Suy tim bên trái có nguy hiểm không?

Chẩn đoán và điều trị sớm giúp làm chậm sự tiến triển của suy tim trái, kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Ngược lại, nếu không được chữa trị kịp thời, suy tim trái có thể gây ra các biến chứng như:

  • Rối loạn nhịp tim như nhịp nhanh thất và rung nhĩ
  • Hở van tim
  • Tăng áp động mạch phổi
  • Thiếu máu
  • Trầm cảm hoặc lo lắng
  • Tạo ra cục máu đông trong tim có thể đưa đến đột quỵ não hoặc tắc mạch
  • Suy chức năng các cơ quan như suy gan, suy thận…
  • Suy tim giai đoạn cuối kháng trị
  • Đột tử hoặc tử vong

3 Cách chăm sóc bệnh nhân bị suy tim

Nhận biết các dấu hiệu của bệnh và thăm khám sớm rất quan trọng trong việc chữa trị suy tim.

Ăn uống đủ dinh dưỡng, lành mạnh

  • Chế độ ăn uống cho người suy tim cần bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi. Nhóm thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, vitamin và các chất chống oxy hóa, rất tốt cho tim mạch.
  • Ngoài ra, người bệnh cũng nên ăn một số thực phẩm giàu kali như bông cải xanh, cá hồi, cần tây, chuối, cam, dưa hấu.
  • Các loại sữa giàu vitamin D, canxi, magie, photpho như sữa đậu nành, sữa gạo, sữa chua hoa quả rất tốt cho người bệnh suy tim, đặc biệt với những đối tượng bị suy kiệt sức khỏe do ăn uống không ngon miệng, tiêu hóa kém.
  • Bên cạnh đó cũng cần hạn chế tối đa muối và các thực phẩm giàu natri, chất béo, chất đạm, thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn hoặc lên men như dưa muối, cải bắp, đậu đỗ.
  • Lượng nước nạp vào cơ thể mỗi ngày cần đúng theo chỉ định của bác sĩ (dựa vào mức độ suy tim và nhu cầu của bệnh nhân).
  • Không truyền dịch khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Người bệnh phù tay, phù chân nhiều phải hạn chế bổ sung nước vào cơ thể cũng như có chế độ ăn nhạt tối đa để tránh bị tích nước.
  • Riêng bệnh nhân có sử dụng thuốc chống đông (thế hệ cũ - kháng vitamin K) để điều trị suy tim không nên ăn các loại rau có màu xanh đậm như cải bó xôi, đậu xanh, củ cải, mùi tây, rau diếp để tránh ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.

Một số lưu ý đối với bệnh nhân bị suy tim

Sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích có thể khiến bệnh thêm trầm trọng. Vì vậy, bỏ thuốc lá và rượu bia là điều cần thiết cho bệnh nhân suy tim trong điều trị cũng như dự phòng bệnh tái phát.

Thường xuyên tập luyện thể dục

Luyện tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp người bệnh kiểm soát cân nặng, ổn định huyết áp, nhịp tim cũng như đường huyết.

Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn các động tác vừa phải, nhẹ nhàng và tăng dần cường độ. Nên tránh những hoạt động thể lực nặng như nâng tạ, chạy bộ hay những bài tập đòi hỏi phải căng, duỗi cơ liên tục.

Thay đổi chế độ ăn góp phần quan trọng trong điều trị suy tim

Thay đổi chế độ ăn góp phần quan trọng trong điều trị suy tim

4 Một số lưu ý đối với bệnh nhân bị suy tim

Bệnh suy tim có thể gây nên rất nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử, suy gan, hạ huyết áp, tràn dịch màng phổi, suy thận,...

Vì thế, càng phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm thì việc điều trị bệnh càng giảm được tỷ lệ tử vong và cải thiện hiệu quả chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Khi mắc các bệnh lý có nguy cơ dẫn đến suy tim cần tích cực điều trị và theo dõi sát sao để tránh bệnh tiến triển nặng, khiến tim làm việc quá tải và chịu nhiều áp lực.

Song song với đó, muốn phòng ngừa hiệu quả bệnh suy tim, cách tốt nhất là kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh như: cao huyết áp, bệnh động mạch vành, đái tháo đường, béo phì, cholesterol cao,...

Ngoài ra kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh thì cần phải khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần để phát hiện sớm dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh hoặc bệnh lý có thể gây ra suy tim.

Những người bị suy tim cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc, thay đổi liều lượng hay uống bất kỳ loại thuốc nào khác. Đồng thời chú ý tái khám đúng hẹn hay khi đã dùng thuốc mà triệu chứng bệnh không cải thiện.

5 Các biện pháp phòng ngừa bệnh suy tim

  • Không hút thuốc: Hút thuốc làm xơ vữa mạch máu và làm tăng huyết áp. Bên cạnh đó, hút thuốc còn làm giảm nồng độ oxy trong máu.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo và protein nạc.
  • Hạn chế chất béo bão hòa tìm thấy trong thịt, trứng, sữa, mỡ động vật.
  • Hạn chế muối: muối làm cho cơ thể giữ nước khiến tim phải làm việc nhiều hơn.
  • Hạn chế rượu bia: rượu bia làm ảnh hưởng đến một số loại thuốc, suy yếu tim và làm tăng nguy cơ nhịp tim không đều.
  • Tập thể dục vừa phải: giúp giữ cho trái tim và cơ thể khỏe mạnh.
  • Giảm căng thẳng: Những cảm xúc như lo lắng hoặc tức giận có thể khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên gây tăng gánh nặng lên tim.

6 Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Tái khám với bác sĩ ngay khi tình trạng bệnh không giảm sau khi dùng thuốc, nghỉ ngơi
Một số dấu hiệu bệnh suy tim trở nặng cần thăm khám ngay lập tức:

  • Cảm giác khó thở tăng lên vào ban đêm.
  • Cơ thể bị sưng phù nhiều hơn, tăng cân nhanh không rõ lý do
  • Thường xuyên bị khó thở, đánh trống ngực, hồi hộp, ngất.
  • Khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hay luyện tập thường ngày hay cảm thấy mệt mỏi, khó thở.

Các xét nghiệm, chẩn đoán

Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ hỏi bạn về các triệu chứng, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ mắc bệnh suy tim, chẳng hạn: Tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tiểu đường.
Các xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán suy tim có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: chẩn đoán các bệnh có thể ảnh hưởng đến tim như tiểu đường, rối loạn lipid máu.
  • X-quang ngực: cho thấy hình ảnh sơ lược của phổi và tim.
  • Điện tâm đồ: để ghi lại các tín hiệu trong tim, có thể thấy tim đập nhanh hay chậm, phát hiện các rối loạn nhịp nhanh chóng. Phương pháp này thực hiện nhanh chóng và không gây đau cho bệnh nhân.
  • Siêu âm tim: sóng âm thanh tạo ra hình ảnh của tim đang đập cho thấy kích thước và cấu trúc của tim, van tim và lưu lượng máu qua tim.
  • Nghiệm pháp điện tâm đồ gắng sức: trong một số ít trường hợp dùng theo dõi tình trạng rối loạn nhịp và bệnh mạch vành.
  • Chụp CT: sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh cắt ngang của tim.
  • Chụp cộng hưởng từ tim: sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của trái tim.
  • Chụp mạch vành: giúp phát hiện tắc nghẽn trong động mạch tim.

Siêu âm tim là phương pháp phổ biến chẩn đoán suy tim

Siêu âm tim là phương pháp phổ biến chẩn đoán suy tim

Các bệnh viện chuyên khoa tim mạch uy tín

Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các bệnh viện chuyên khoa Nội, Tim mạch. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:

  • TP. HCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM,…
  • Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108,...

Xem thêm:

  • Bệnh nhân suy tim cần lưu ý những gì?
  •  9 nguyên nhân suy tim thường gặp có thể bạn chưa biết
  • Suy tim là gì? Biến chứng nguy hiểm và cách phòng ngừa bạn nên biết

Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn thêm nhiều thông tin về bệnh suy tim. Hãy chia sẻ bài viết đến người thân và bạn bè nếu cảm thấy hữu ích nhé!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính