Cây râu mèo là một vị thuốc Đông y có rất nhiều tác dụng tốt cho cơ thể. Râu mèo có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, được sử dụng để trị các bệnh liên quan đến đường tiết niệu. Vậy râu mèo có tác dụng gì? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
1 Giới thiệu cây râu mèo
Cây râu mèo, hay còn gọi là cây bông bạc, râu mèo xoắn, có tên khoa học là Orthosiphon stamineus, thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae). Đây là loại thực vật mọc hoang dại phổ biến ở nước ta như Cao Bằng, Hòa Bình, Lâm Đồng, Phú Yên, Vũng Tàu,...
Mô tả thực vật
Cây râu mèo là cây thân thảo nhiệt đới có chiều cao trung bình khoảng 30 - 60cm. Thân cây có lông, màu xanh khi còn non và khi về già thì chuyển sang màu tím. Lá cây có hình thoi, dài khoảng 4 - 8cm và rộng khoảng 2 - 4cm. Mép lá có răng cưa. Hoa râu mèo có màu trắng với nhị hoa dài ra bên ngoài.
Cây râu mèo là một cây thân thảo nhiệt đới với chiều cao trung bình từ 30 - 60cm
Bộ phận dùng - thu hái và sơ chế
Toàn bộ cây trên mặt đất của cây râu mèo đều được dùng để làm thuốc. Sau khi thu hoạch dược liệu, người ta thường rửa sạch, cắt thành những khúc nhỏ và phơi khô trực tiếp dưới nắng hoặc bằng phương pháp sấy khô.
Phần cây trên mặt đất được dùng làm thuốc
Thành phần hoá học
Trong râu mèo, các nhà khoa học đã tìm ra được nhiều thành phần hoá học như :
- Flavon.
- Polyphenol.
- Protein hoạt tính sinh học, glycoside.
- Một loại dầu dễ bay hơi và một lượng lớn kal.
Trong râu mèo có nhiều thành phần hoá học có lợi cho cơ thể
2 Tác dụng của cây râu mèo
Theo y học cổ truyền
Râu mèo là một trong những vị thuốc được sử dụng phổ biến trong việc điều trị viêm thận cấp và mạn, viêm bàng quang, sỏi niệu, viêm thận phù thũng, sỏi niệu đạo, và bệnh đường tiết niệu.
Râu mèo có tác dụng điều trị thấp khớp
Theo y học hiện đại
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thành phần hoá học có trong cây râu mèo như Flavonoid, Choline, Esculetin,... có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe. Một số tác dụng có thể kể đến như:
- Có tác dụng lợi tiểu, hỗ trợ đẩy mạnh quá trình bài tiết của cơ thể.
- Điều trị nhiễm trùng thận, đường tiết niệu.
- Hỗ trợ điều trị viêm bàng quang, viêm đường niệu đạo.
- Ngăn ngừa hình thành sỏi thận và u ác tính.
Những thành phần trong râu mèo có các chất như orthosiphonin, mesoisonitol là những chất có tác dụng lợi tiểu, giúp tăng đào thải mà không gây mất ion kali. Do đó sử dụng râu mèo làm thuốc lợi tiểu có nhiều tác dụng tốt hơn so với các loại thuốc khác.
Râu mèo hỗ trợ điều trị bệnh viêm bàng quang
3 Cách dùng râu mèo
Bộ phận thường được dùng của cây râu mèo là toàn bộ phần mọc trên mặt đất. Người ta sẽ thu hoạch cành lá mang hoa lúc chớm nở và đem sơ chế. Sử dụng mỗi ngày 5 - 7 g dược liệu khô pha với nước nóng uống trước khi ăn để hỗ trợ điều trị bệnh thấp khớp.
Ngoài ra, dược liệu râu mèo cũng có thể được sử dụng dưới dạng cao lỏng hoặc thuốc sắc để điều trị sỏi thận và sỏi mật.
Dược liệu râu mèo phơi khô đem pha với nước nóng để sử dụng hằng ngày
4 Một số bài thuốc trị bệnh từ cây râu mèo
Bài thuốc trị sỏi tiết niệu với loại sỏi nhỏ
Sử dụng 6 - 10 g dược liệu râu mèo khô để hãm với 500ml nước sôi. Mỗi ngày hãm râu mèo 2 lần và uống trước bữa ăn từ 15 - 30 phút. Bạn nên sử dụng khi nước còn ấm và dùng liên tục trong 10 ngày. Nếu bạn muốn sử dụng tiếp dược liệu thì bạn hãy ngưng trong 4 ngày trước khi bắt đầu đợt sử dụng tiếp theo.
Sử dụng 30g dược liệu mỗi loại bao gồm râu mèo, thài lài, chó đẻ răng cưa để sắc với 800ml nước. Đến khi nước rút còn khoảng 250ml thì lấy nước đó uống trước khi ăn. Sử dụng liên tục trong khoảng 5 - 10 ngày để trị sỏi tiết niệu.
Râu mèo có thể được sử dụng để trị sỏi tiết niệu
Bài thuốc trị chứng tiểu buốt, tiểu rắt
Đun trên lửa 40g râu mèo tươi với 30g thài lài trắng cùng 6g hoạt thạch. Đun xong thì sử dụng trong ngày khi còn ấm. Uống liên tục trong 5 ngày, nếu tiểu tiện trở lại bình thường thì ngưng sử dụng.
Bài thuốc râu mèo trị tiểu buốt, tiểu rắt
Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường sử dụng 50g mỗi loại dược liệu râu mèo tươi, khổ qua toàn cây cùng với 6g cây xấu hổ, đem rửa sạch và sắc uống cùng 800ml nước. Đun với lửa nhỏ và tắt bếp khi còn 250ml.
Uống mỗi ngày 1 lần khi thuốc còn ấm và sử dụng trong liên tục một tháng có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Bài thuốc từ cây râu mèo hỗ trợ điều trị tiểu đường
Bài thuốc trị tiểu ra sỏi, ra máu
Sắc 40g râu mèo dược liệu và 30g thài lài trắng với 600ml nước. Đun đến khi còn 300ml, đun tiếp với 6g hoạt thạch. Chia đều làm 3 lần uống một ngày, mỗi lần 100ml. Sử dụng liên tục trong 5 - 7 ngày.
Râu mèo có tác dụng trị tiểu ra sỏi, ra máu
Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm thận phù thũng
Bạn có thể thực hiện bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh viêm thận phù thũng bằng các sắc các dược liệu bao gồm râu mèo, bạch hoa xà thiệt thảo, mã đề mỗi loại 30g với 1 lít nước. Đun đến khi còn 500ml, sử dụng trong ngày khi còn ấm.
Râu mèo giúp hỗ trợ điều trị viêm thận phù thũng
Bài thuốc trị viêm đường tiết niệu
Sử dụng 30g râu mèo đem sắc chung với 30g thài lài và diệp hạ châu trong 800ml nước đun trong 15 phút với lửa nhỏ. Uống mỗi ngày một thang thuốc trong 7 ngày liên tục.
Bài thuốc từ cây râu mèo trị viêm đường tiết niệu
Bài thuốc trị viêm thận mạn tính, viêm đường ruột, viêm bàng quang
Dùng 40g râu mèo, 30g rễ ý dĩ và tỳ giải cho vào ấm sắc với 500ml nước. Đun đến khi nước rút còn một nửa, uống mỗi ngày một thang trong lúc thuốc còn ấm. Dùng liên tục trong 3 tuần, nếu tình trạng không thuyên giảm thì nghỉ một tuần trước khi bắt đầu liệu trình mới.
Râu mèo giúp điều trị viêm thận mạn tính, viêm đường ruột, viêm bàng quang
Bài thuốc trị viêm, thận dương suy
Chuẩn bị 16g râu mèo, cỏ xước cùng 12g rễ tranh, tô mộc, ruột gà và 20g mã đề sắc chung với 500ml. Nấu trên lửa nhỏ đến khi nước rút còn 200ml, chia làm 2 lần uống trước mỗi bữa ăn. Mỗi ngày uống 1 thang để cải thiện tình trạng viêm, thận dương suy.
Bài thuốc từ cây râu mèo trị viêm thận dương suy
Bài thuốc trị chứng táo bón kéo dài
Sử dụng râu mèo, bông bạc khô, diệp hạ châu, cỏ lưỡi rắn và cỏ mực mỗi loại 30g đem rửa sạch và sắc cùng với 20g atiso trong 1 lít nước. Tắt lửa khi nước rút còn 600ml. Sử dụng trong ngày khi vẫn còn ấm. Dùng mỗi ngày một thang, dùng liên tục trong 3 tuần để điều trị chứng táo bón kéo dài.
Râu mèo có thể trị chứng táo bón
Bài thuốc điều trị viêm gan siêu vi
Sử dụng 30g các dược liệu khô gồm râu mèo, cỏ lưỡi rắn, cây diệp hạ châu, cỏ mực cùng với 20g atiso đem sắc cùng với 1 lít nước. Đun với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước trong ấm còn lại 750ml thì ngừng.
Mỗi ngày uống một thang và uống liên tục trong 3 tuần để hỗ trợ điều trị bệnh viêm ga siêu vi. Nếu không hiệu quả thì nghỉ 1 tuần trước khi sử dụng tiếp.
Sử dụng râu mèo trong hỗ trợ điều trị viêm gan siêu vi
5 Lưu ý khi sử dụng râu mèo
Cây râu mèo là một loại thảo dược khá an toàn đối với sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiều và kéo dài có thể gây ra mất cân bằng ion trong cơ thể do tác dụng lợi tiểu.
Do vậy, bạn nên sử dụng râu mèo một cách hợp lý để tránh mang lại những tác dụng xấu. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ nên cẩn trọng khi sử dụng râu mèo.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để xác định được chính xác liều lượng và tần suất sử dụng râu mèo nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe tổng thể của bạn.
Phụ nữ có thai nên cẩn trọng trong việc sử dụng râu mèo
Xem thêm
- Kim tiền thảo là thuốc gì? Công dụng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng
- Đương quy có tác dụng gì? 11 công dụng của đương quy với sức khỏe
- 9 tác dụng của đảng sâm đối với sức khỏe bạn nên biết
Trên đây là những thông tin về cây râu mèo cũng như những bài thuốc chữa bệnh từ loại dược liệu này. Râu mèo có rất nhiều tác dụng tốt. Tuy vậy, nên sử dụng chúng một cách vừa phải và hợp lý để tránh những tác dụng không mong muốn. Nếu thấy những thông tin trên bổ ích, hãy chia sẻ cho nhiều người cùng biết nhé!
Bạn đang xem bài viết Râu mèo có tác dụng gì? 10 bài thuốc chữa bệnh hay từ cây râu mèo tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].