Ngưu tất là một loại cây thảo họ rau dền có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể. Vậy ngưu tất có tác dụng gì? Ngưu tất được sử dụng để trị bệnh gì? Cùng tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé!
1 Giới thiệu về ngưu tất
Mô tả ngưu tất
- Tên gọi khác: hoài ngưu tất, cây cỏ xước, cỏ sướt hai răng.
- Tên khoa học: Achyranthes bidentata Blume.
- Thuộc họ: Amaranthaceae (họ Rau dền).
Rễ chính cây ngưu tất có hình trụ dài. Thân có cạnh, màu lục hoặc nâu tía. Lá ngưu tất mọc đối, gân lá có màu nâu tía ở mặt trên phiến lá.
Cụm hoa ngưu tất mọc ở các kẽ lá và ngọn thân, phát triển dài ra và áp sát vào cuống của cụm hoa. Hoa ngưu tất có 5 lá đài và 5 nhị dính với nhau. Quả ngưu tất có hình bầu dục và có 1 hạt.
Ngưu tất là một cây thân thảo họ rau dền, có nhiều công dụng trong trị bệnh
Bộ phận dùng làm thuốc
Rễ của cây ngưu tất có giá trị dược lí nên đây là bộ phận được dùng làm thuốc. Vào mùa đông, khi thân và lá của cây đã héo thì người ta sẽ thu hái rễ cây, cắt bỏ phần cổ rễ và các rễ con, sau đó rửa sạch và đem phơi khô.
Thành phẩm thu hoạch được có mùi hương đặc biệt, vị hơi ngọt, màu vàng hoặc vàng tro.
Rễ ngưu tất được sử dụng để làm thuốc
Thành phần hoá học
Rễ cây ngưu tất có thành phần hóa học đa dạng như saponin tritecpenoid, polysaccharid, emodin rutin, inokosteron, sterol ecdysteron, arginine, alkaloids, coumarins, đồng, sắt...
Trong đó, saponin tritecpenoid là một trong những thành phần chính, hoạt chất này khi thủy phân sẽ tạo ra đường và oleanolic acid.
Ngưu tất chứa nhiều thành phần hoá học có ích cho sức khoẻ
Cách dùng - liều dùng
Ngưu tất thường được dùng dưới 2 dạng:
- Dùng sống: rễ ngưu tất sau khi rửa sạch, ráo nước thì thái mỏng rồi sấy khô và dùng sống. Ngưu tất dùng sống các tác dụng điều trị khí trệ huyết ứ như trong trường hợp đau họng, chấn thương, bầm tím, khó đẻ...
- Dùng chín: có thể tẩm rượu hoặc tẩm muối, sau đó sấy khô. Ngưu tất dùng chín có tác dụng bổ can, lợi khí, mạnh gân cốt, chữa tê thấp, đau mình mẩy, đau lưng, chân tay co quắp.
Bạn có thể sử dụng ngưu tất sắc nước hoặc ngâm rượu uống với liều dùng là 6 - 12g. Lưu ý nên nên dùng đúng liều lượng để đảm bảo hiệu quả và an toàn, tránh quá liều và các tác dụng phụ gây ảnh hưởng sức khỏe.
Bạn có thể dùng ngưu tất sống hoặc chín với liều dùng là 6 - 12g
2 Tác dụng của ngưu tất
Theo Y học hiện đại, trong một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc trên đông vật sử dụng ngưu tất, cho thấy một số tác dụng như:
- Làm dịu sức căng của tử cung ở chuột bạch và thỏ dù có thai hay không.
- Chỉ làm dịu tử cung ở mèo không có thai và tăng co bóp tử cung ở mèo có thai.
- Co bóp tử cung mạnh ở chó nhưng sau đó dịu lại.
- Làm yếu sức co bóp cơ tim và cơ trơn tá tràng của ếch.
- Lợi tiểu.
- Giảm huyết áp tạm thời ở động vật đã được gây mê.
- Kích thích vận động của tử cung ở liều cao.
Trong y học cổ truyền, ngưu tất có tác dụng hoạt huyết, điều kinh, trừ ứ, mạnh gân cơ, kích thích tiểu tiện và bổ can thận. Cụ thể, ngưu tất có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh sau:
- Điều trị bế kinh khi kết hợp với đào nhân, tô mộc, hương phụ.
- Kết hợp với các dược liệu khác như quế chi, cẩu tích, tục đoạn để điều trị các bệnh đau khớp ở chân.
- Hỗ trợ điều trị nôn ra máu, chảy máu cam.
- Hỗ trợ điều trị sỏi tiết niệu, viêm bàng quang.
- Hỗ trợ điều trị bệnh tăng huyết áp.
Ngoài ra, ngưu tất cũng có thể gây ra một số độc tính nếu người dùng bị dị ứng với các thành phần có trong dược liệu. Do đó nên hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.
Ngưu tất giúp thông kinh, hoạt huyết để điều trị bế kinh
3 Các bài thuốc trị bệnh từ ngưu tất
Lưu: Các bài thuốc từ ngưu tất dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông Y có chuyên môn trước khi tự thực hiện tại nhà.
Hỗ trợ chữa tê thấp, đau lưng ở người cao tuổi
Ngưu tất có tác dụng mạnh gân cơ, hỗ trợ điều trị bệnh đau khớp được áp dụng trong bài thuốc hỗ trợ tê thấp, đau lưng ở người cao tuổi.
Nguyên liệu:
- 12g ngưu tất.
- 12g tỳ giải.
- 16g độc lực (đơn châu chấu).
- 8g thiên niên kiện.
Cách dùng: phơi khô tất cả các dược liệu sau đó ngâm rượu, dùng mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 10ml.
Ngưu tất có tác dụng mạnh gân cơ, hỗ trợ điều trị bệnh đau xương khớp
Chữa viêm đa khớp dạng thấp
Viêm đa khớp dạng thấp là một bệnh viêm khớp tự miễn mạn tính, có thể sử dụng bài thuốc Đông y chứa ngưu tất để làm giảm nhẹ triệu chứng.
Nguyên liệu:
- 12g ngưu tất, đương quy, phòng phong, tục đoạn, ý dĩ, tang kí sinh, thục địa, bạch thược, đảng sâm, độc hoạt
- 6g tế tân, cam thảo.
- 8g xuyên khung, quế chi.
Cách dùng: sắc uống trước khi ăn mỗi ngày 1 thang, liên tục trong 2 đến 3 tuần. Tùy theo tình hình có thể tiếp tục một liệu trình mới.
Ngưu tất kết hợp với các vị thuốc khác sẽ hỗ trợ chữa viêm đa khớp dạng thấp
Chữa đau lưng, mỏi gối, miệng khô, phong thấp, đau rát họng
Ngưu tất tác dụng hoạt huyết, trừ ứ và mạnh gân cơ nên được ứng dụng trong bài thuốc chữa đau lưng, mỏi gối, miệng khô, phong thấp, đau rát họng.
Nguyên liệu:
- 95g ngưu tất.
- 95g sinh địa hoàng.
- 95g đậu đen.
Cách dùng: tán nhuyễn ngưu tất, sinh địa hoàng trộn với đậu đen đã rang chín. Sau đó, đem hỗn hợp này hấp chính, sau đó bọc vải và ngâm với 1,5 lít rượu trắng. Bạn nên sử dụng ngày 2 lần, mỗi lần uống 15 - 30ml trước bữa ăn.
Ngưu tất có thể giúp chữa đau rát họng
Chữa bệnh thấp khớp trong giai đoạn đang sưng
Bài thuốc chứa ngưu tất giúp làm giảm triệu chứng sưng của bệnh thấp khớp nhờ tác dụng hoạt huyết, trừ ứ.
Nguyên liệu:
- 40g ngưu tất.
- 20g thổ phục linh và cỏ mực.
- 12g ngải cứu và ké đầu ngựa.
- 30g hy thiêm.
Cách dùng: trộn tất cả nguyên liệu lại và sắc lấy nước đặc để uống mỗi ngày 1 thang.
Ngưu tất giúp chữa bệnh thấp khớp trong giai đoạn đang sưng
Chữa đau tụ huyết bụng dưới, phù nề đầu gối, yếu gân cốt
Đau tụ huyết bụng dưới và phù nề đầu gối là tình trạng khí trệ huyết ứ nên cần sử dụng ngưu tất để hoạt huyết, trừ ứ. Bài thuốc dưới đây cũng có thể hỗ trợ điều trị yếu gân cốt vì ngưu tất có tác dụng mạnh gân cốt.
Nguyên liệu:
- 250g ngưu tất.
- 250g địa hoàng.
Cách dùng: ngâm các nguyên liệu trong 1 lít rượu trắng cao độ trong 7 ngày. Sau đó sử dụng 2 lần một ngày, mỗi lần 20ml có thể giúp cải thiện tình trạng đau tụ huyết bụng dưới.
Dùng ngưu tất ngâm với rượu trắng có thể giúp chữa tình trạng đau tụ huyết bụng dưới
Chữa bí tiểu tiện ở người cao tuổi
Bí tiểu thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là nam giới do phì đại tuyến tiền liệt. Nhờ tác dụng kích thích tiểu tiện, ngưu tất được ứng dụng trong bài thuốc chữa ví tiểu tiện.
Nguyên liệu:
- 12g thục địa, hoài sơn, xa tiền tử, ngưu tất.
- 8g trạch tả, phục linh, đan bì, phụ tử chế, sơn thù.
- 4g nhục quế.
Cách dùng: sắc tất cả nguyên liệu với 400ml nước đến khi cô đặc còn 100ml, sau đó chia đều thành 2 phần để uống hết trong ngày.
Ngưu tất có tác dụng lợi tiểu, chữa bí tiểu tiện ở người cao tuổi
Chữa bế kinh, đau bụng kinh, rong kinh
Ngưu tất có công dụng hoạt huyết, trừ ứ nên được sử dụng để giảm triệu chứng đau bụng kinh và tình trạng bế kinh.
Nguyên liệu:
- 12g ngưu tất.
- 8g hương phụ, tạo giác thích, đào nhân, uất kim.
- 16g ích mẫu.
Cách dùng: sắc tất cả các nguyên liệu trên rồi chia làm 3 phần đều nhau uống trước các bữa ăn trong ngày, dùng sau kỳ kinh trong 14 ngày liên tục.
Đối với rong kinh, ngưu tất cũng giúp kinh nguyệt trở nên đều hơn nhờ công dụng điều kinh.
Nguyên liệu:
- 12g ngưu tất, bạch truật
- 8g hương phụ, trần bì, bán hạ, phục linh.
Cách dùng: sắc các nguyên liệu rồi lấy uống mỗi ngày một thang trong 3 ngày liên tiếp.
Người đau bụng kinh có thể sử dụng ngưu tất để làm giảm cơn đau
Chữa tụ máu, ứ máu do bị thương, nhức mỏi tay chân sau khi đi xa về
Tình trạng tụ máu, ứ máu do bị thương hay nhức mỏi tay chân sau khi đi xa về đều có thể tự khỏi nếu không cần điều trị. Tuy nhiên, quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn nếu bạn ứng dụng bài thuốc chứa ngưu tất dưới đây.
Nguyên liệu:
- 100g ngưu tất.
- 30g tỏi đỏ.
- 50g huyết giác.
Cách dùng: ngâm các nguyên liệu với rượu trong ít nhất 30 ngày. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 - 15 ml liên tục trong 10 ngày để chữa nhức tụ máu.
Sử dụng rượu có ngâm ngưu tất giúp chữa nhức mỏi tay chân
Chữa viêm nhiễm ở gan, thận, bàng quang
Tác dụng bổ gan thận của ngưu tất giúp hỗ trợ điều trị viêm nhiễm ở gan, thận, bàng quang qua bài thuốc dưới đây.
Nguyên liệu:
- 15g ngưu tất, sinh địa, mã đề, rễ cỏ tranh, mộc thông, cỏ tháp bút.
- 15g hoạt thạch.
Cách dùng: sắc ngưu tất, sinh địa, mã đề, rễ cỏ tranh, mộc thông, cỏ tháp bút rồi lọc lấy nước và pha chung với hoạt thạch, chia uống 3 lần trong ngày.
Ngưu tất giúp chữa viêm nhiễm ở gan, thận và bàng quang
Chữa viêm cầu thận, vàng da, viêm gan do virus, nhiễm trùng bàng quang
Riêng đối với viêm cầu thận vàng da, viêm gan do virus, nhiễm trùng bàng quang thì bạn có thể ứng dụng bài thuốc dưới đây để tăng tính hiệu quả:
Nguyên liệu: 15g rễ ngưu tất, lá móng tay, rễ cỏ tranh, mộc thông, mã đề, huyết dụ, hồng sâm.
Cách dùng: đem các nguyên liệu trên sắc uống chia 3 lần trong ngày.
Ngưu tất cũng giúp cải thiện tình trạng nhiễm trùng bàng quang
Chữa suy thận, phù thũng
Ngưu tất có công dụng bổ thận nên hỗ trợ điều trị suy thận và chứng phù thũng rất tốt.
Nguyên liệu: 30g ngưu tất, mã đề, cỏ mực, cúc bách nhật.
Cách dùng: sắc tất cả nguyên liệu rồi uống mỗi ngày 1 thang trong liên tục 7 đến 10 ngày.
Ngưu tất sử dụng chung với mã đề, cỏ mực có thể hỗ trợ chữa suy thận
Chữa dính ruột sau mổ
Dính ruột sau mổ là một trong những biến chứng thường gặp nhất sau phẫu thuật mở ổ bụng. Bài thuốc chứa ngưu tất sẽ hỗ trợ dự phòng dính ruột sau mổ.
Nguyên liệu: 50g ngưu tất và mộc qua.
Cách dùng: đem các nguyên liệu ngâm với nửa lít rượu trong một tuần. Uống 15ml mỗi ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Ngưu tất chữa dính ruột sau mổ
Chữa tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim
Ngưu tất có công dụng hoạt huyết và trừ ứ nên được ứng dụng trong điều trị một số bệnh tim mạch như tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim.
Nguyên liệu: 5g rễ ngưu tất khô.
Cách dùng: sắc ngưu tất với 3 bát nước, đun đến khi còn lại 1 bát. Dùng thuốc trước khi ăn 30 phút và sử dụng trong 60 ngày. Nếu không đỡ thì nghỉ 30 ngày trước khi chuyển sang đợt tiếp theo.
Ngưu tất có tác dụng chữa tăng huyết áp
Chữa viêm mũi dị ứng gây sổ mũi
Viêm mũi dị ứng là bệnh mãn tính thường xảy ra vào những thời điểm giao mùa. Ngưu tất giúp giảm triệu chứng sổ mũi và thông thoáng đường hô hấp.
Nguyên liệu: 30g rễ ngưu tất, đơn buốt và lá diễn.
Cách dùng: đem các nguyên liệu sắc với 400ml nước đến khi cạn còn 100ml thì sử dụng lúc còn ấm, uống liên tục trong 10 ngày.
Sử dụng rễ ngưu tất để chữa trị viêm mũi dị ứng
Chữa quai bị
Quai bị là tình trạng viêm tuyến nước bọt do virus gây ra. Uống hoặc súc miệng bằng nước ngưu giã giúp hỗ trợ điều trị quai bị.
Nguyên liệu: Cây ngưu tất tươi.
Cách dùng: giã ngưu tất lấy nước uống và súc miệng, phần bã ngưu tất có thể giữ lại để đắp vào vùng bị sưng do quai bị.
Có thể sử dụng ngưu tất để chữa trị bệnh quai bị
4 Đối tượng không nên dùng ngưu tất
Tuy ngưu tất có rất nhiều tác dụng cho cơ thể nhưng nếu bạn thuộc một trong những trường hợp dưới đây, bạn không nên sử dụng vị thuốc này:
- Phụ nữ mang thai có biểu hiện ra nhiều máu như rong kinh, băng huyết
- Người bị dị ứng với các thành phần trong ngưu tất
- Nam giới có vấn đề về di tinh, mộng tinh
- Không nên sử dụng chung ngưu tất với thịt trâu khi sử dụng ngưu tất để trị bệnh
Phụ nữ mang thai, có biểu hiện ra nhiều máu không nên sử dụng ngưu tất
Xem thêm:
- 9 tác dụng của lá tía tô có thể bạn chưa biết
- 16 tác dụng của cây xuyến chi dành cho sức khỏe bạn nên biết
- Đương quy có tác dụng gì? 11 công dụng của đương quy với sức khỏe
Trên đây là những thông tin về ngưu tất cũng như các bài thuốc trị bệnh từ ngưu tất. Đây là một dược liệu tốt, tuy nhiên nên thận trọng các tác dụng phụ trong khi sử dụng để tránh các nguy cơ gây hại cho sức khoẻ!
Bạn đang xem bài viết Ngưu tất có tác dụng gì? 15 bài thuốc trị bệnh từ ngưu tất tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].