Virus HIV có thể lây nhiễm qua đường máu từ các dụng cụ sắc nhọn như kim tiêm. Vì vậy, khi bị kim tiêm HIV đâm da hay niêm mạc thì nguy cơ bị nhiễm HIV rất cao. Hãy cùng tìm hiểu cách xử trí trong tình huống bị đâm bởi kim tiêm nghi nhiễm HIV qua bài viết dưới đây nhé!
HIV là gì?
HIV là tên viết tắt của Human Immunodeficiency Virus - một loại virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người. Virus HIV lây truyền qua 3 con đường là tình dục, máu và mẹ sang con.
HIV lây nhiễm và tấn công chủ yếu vào các tế bào trong hệ thống miễn dịch như đại thực bảo, tế bào lympho T của hệ thống miễn dịch. Khi bước vào giai đoạn cuối của bệnh - giai đoạn AIDS thì cơ thể gần như không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh cơ hội khác như vi khuẩn, virus, nấm.
1 Những trường hợp có thể nghi nhiễm HIV
Người được cho là nghi nhiễm HIV phải thỏa mãn 2 yếu tố:
- Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết như máu, sữa mẹ, tinh dịch, dịch âm đạo. Các dịch tiết khác như mồ hôi, nước bọt, nước mắt, nước tiểu... không được xem là yếu tố nguy cơ lây nhiễm.
- Đường tấn công thuận lợi cho virus như qua vết thương hở hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (mũi, miệng, mắt, âm đạo, hậu môn…).
Dưới đây là một số trường hợp có thể nghi nhiễm HIV:
- Kim tiêm đâm vào khi đang thực hiện các thủ thuật như tiêm truyền hoặc lấy máu.
- Các dụng cụ sắc nhọn như dao mổ đâm vào gây chảy máu.
- Bị người khác dùng kim tiêm đâm vào khi đang cấp cứu tai nạn giao thông hoặc bắt tội phạm.
- Mảnh vỡ của ống đựng máu hoặc chất dịch người bệnh đâm vào da.
- Chất dịch của người bị HIV bắn vào vết thương hở ở da hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng).
- Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc có sử dụng nhưng bao cao su bị rách.
- Bị người nhiễm HIV cắn, gây chảy máu.
- Các vật sắc nhọn có dính máu ở khu vực công cộng đâm vào.
- Dùng chung dao cạo có trầy xước chảy máu hoặc dùng chung kim tiêm.
Nguy cơ mắc HIV cao khi bị kim tiêm có nhiễm virus HIV đâm
2 Xử trí khi bị kim tiêm đâm
Xử lý vết thương tại chỗ
Khi bị vật nhọn nghi có dinh virus HIV đâm vào, tuyệt đối không cố gắng nặn máu ra vì sẽ làm tổn thương thêm mạch máu xung quanh và tạo điều kiện thuận lợi cho HIV tấn công cơ thể. Mọi người cần bình tĩnh và xử lý theo các bước dưới đây:
- Nếu các dụng cụ sắc nhọn đâm còn mắc lại, cần nhanh chóng lấy ra.
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, không bịt chặt vết thương lại ngay và để vết thương tự chảy máu ra trong một thời gian ngắn.
- Rửa vết thương kỹ lại bằng xà phòng và nước sạch.
- Đi đến cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá yếu tố nguy cơ nhiễm HIV và tiến hành điều trị phơi nhiễm HIV ngay lập tức.
Khi bị kim tiêm HIV đâm thì hãy rửa vết thương dưới vòi nước chảy
Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm
Các cán bộ y tế sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ phơi nhiễm HIV qua mức độ tổn thương ở vùng tiếp xúc với dịch tiết: nông/sâu, nhỏ/rộng, chảy máu nhiều/ít:
- Nguy cơ thấp: nếu vùng da, niêm mạc phơi nhiễm không bị tổn thương hoặc tổn thương ít (nông, không chảy máu hoặc chảy máu ít).
- Nguy cơ cao: nếu vùng da, niêm mạc phơi nhiễm có tổn thương sâu, rộng, chảy nhiều máu, viêm loét rộng.
Mức độ tổn thương ở vùng tiếp xúc với dịch tiết phản ánh nguy cơ phơi nhiễm HIV
Làm các xét nghiệm cần thiết
Sau khi phơi nhiễm với virus HIV, người bệnh cần được lấy máu để xét nghiệm xem đã từng bị HIV trước đây hay chưa. Tuy nhiên, trong thời gian đợi kết quả xét nghiệm thì có thể tiến hành điều trị phơi nhiễm HIV. Khi có kết quả:
- Nếu dương tính: tức là người bệnh đã từng nhiễm HIV trước đây, cần ngưng điều trị phơi nhiễm ngay.
- Nếu âm tính: tiếp tục điều trị phơi nhiễm đến hết phác đồ.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm để theo dõi trong quá trình điều trị như công thức máu, chức năng gan, thận...
Test HIV được thực hiện để kiểm tra người bệnh có nhiễm HIV trước đây chưa
Điều trị dự phòng nhiễm HIV
Điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm HIV trong vòng 72 giờ đầu có hiệu quả bảo vệ rất cao, khoảng 90 - 95%. Tỷ lệ này sẽ giảm dần nếu trì hoãn thời gian điều trị phơi nhiễm. Vì vậy, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được dự phòng càng sớm càng tốt.
Thời gian điều trị phơi nhiễm kéo dài 28 ngày liên tục với thuốc uống, phối hợp 3 loại thuốc kháng virus theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Dưới đây là một số cơ sở y tế tiếp nhận điều trị phơi nhiễm HIV:
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (tiếp nhận điều trị 24/24).
- Các phòng khám ngoại trú HIV.
- Các Bệnh viện có chuyên khoa truyền nhiễm (y học nhiệt đới).
Điều trị sau khi phơi nhiễm HIV trong vòng 72 giờ đầu có hiệu quả bảo vệ rất cao
3 Những lưu ý khi điều trị phơi nhiễm HIV
Hiệu quả của việc điều trị phơi nhiễm HIV phụ thuộc phần lớn vào sự tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý một số điều dưới đây trong quá trình điều trị:
- Thuốc kháng virus có thể gây ra một số tác dụng phụ (tiêu chảy, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, đau đầu...)
Nhức đầu và chóng mặt trong những ngày đầu sử dụng, nhưng thường người bệnh sẽ quen dần và tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc. - Cần xét nghiệm lại HIV sau 3 tháng kể từ thời điểm có yếu tố nguy cơ hoặc phơi nhiễm virus. Nếu kết quả âm tính thì người bệnh có thể yên tâm rằng mình không bị nhiễm HIV.
Tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả ngừa nhiễm HIV
Xem thêm:
- Thuốc ARV có mấy loại? 10 loại thuốc ARV điều trị HIV hiện nay
- Nguy cơ nhiễm HIV từ dịch vụ làm đẹp: Cách xử lý và phòng ngừa
- Dấu hiệu nhiễm HIV ở nam giới sớm nhất để điều trị hiệu quả
Tóm lại, khi bị đâm bởi kim tiêm nhiễm HIV thì mọi người cần bình tĩnh và xử trí theo từng bước. Tỷ lệ điều trị phơi nhiễm HIV rất cao nếu tuân thủ đúng theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Hãy chia sẻ kiến thức hữu ích này đến những người xung quanh bạn nhé!
Bạn đang xem bài viết Nên làm gì nếu bị đâm bởi kim tiêm nghi nhiễm HIV? tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].