Huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS

Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có quy định cụ thể, rõ ràng về việc huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS.

  Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

HIV - theo định nghĩa tại Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Human Immunodeficiency Virus” là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.

AIDS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Acquired Immune Deficiency Syndrome” là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong.

Luật này quy định các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV và các điều kiện bảo đảm thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.

Tại mục 2, chương II của Luật có quy định về việc huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS. 

Theo đó, gia đình có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho các thành viên trong gia đình về phòng, chống HIV/AIDS, chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV.

Khuyến khích tự nguyện xét nghiệm HIV đối với người trước khi kết hôn, dự định có con, phụ nữ mang thai.

Gia đình của người nhiễm HIV có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, động viên tinh thần giúp người nhiễm HIV sống hoà nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Tại nơi làm việc, người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:

Thứ nhất, tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân;

Thứ hai, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV;

Thứ ba, tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng có các trách nhiệm khác về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.

Các sơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức giảng dạy cho học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống HIV/AIDS, lồng ghép với giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản và thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác trong cơ sở đó.

Về việc phòng, chống HIV/AIDS trong các nhóm người di biến động

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho người ở nơi khác đến cư trú tại địa phương mình.

Chủ, người quản lý điều hành cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, bến bãi đậu xe, đậu tàu, thuyền, cơ sở kinh doanh du lịch hoặc dịch vụ văn hóa, xã hội khác có trách nhiệm phối hợp với cơ quan phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV thích hợp cho người sử dụng dịch vụ tại cơ sở của mình.

Người đứng đầu cơ quan kiểm dịch y tế tại cửa khẩu có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho người nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh.

Cơ quan, tổ chức có hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS đối với người lao động, người đi học.

Trong cộng đồng dân cư, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có các trách nhiệm sau đây:

Thứ nhất, tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, giáo dục sự thương yêu, đùm bọc đối với người nhiễm HIV, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, họ tộc, quê hương, bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam;

Thứ hai, tổ chức chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV và gia đình họ, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;

Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ trưởng dân phố, trưởng cụm dân cư, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng làng, trưởng ấp, trưởng phum, trưởng sóc, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các dòng họ, trưởng tộc, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng trong việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS;

Thứ tư, xây dựng và phát triển mô hình gia đình văn hóa, tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc gắn với việc phòng, chống HIV/AIDS;

Thứ năm, tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ.

Tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc có các trách nhiệm: tuyên truyền, vận động và giáo dục các gia đình trên địa bàn tham gia và thực hiện các quy định về phòng, chống HIV/AIDS; Lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào phong trào quần chúng, hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ tại cộng đồng và các hoạt động xã hội khác; Đấu tranh chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ.

Nhà nước khuyến khích dòng họ, hàng xóm, bạn của người nhiễm HIV động viên về tinh thần, chăm sóc, giúp đỡ và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội.

Đối với người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao có quyền tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật phù hợp với khả năng, điều kiện của mình. 

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ cho người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia nhóm giáo dục đồng đẳng và các hình thức tổ chức sinh hoạt khác trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS theo quy định cửa pháp luật.

Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được thực hiện các hoạt động: Tuyên truyền và tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV theo quy định của Chính phủ; Cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định Chính phủ;Tư vấn và hỗ trợ cho người có hành vi nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV; Hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm HIV; Tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS; Các hoạt động khác về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật”

Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng chống HIV/AIDS. Việc huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS trong Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã cụ thể hóa những biện pháp xã hội trong công tác này. 

Gia đình là hạt nhân cơ bản của xã hội. Trong phòng, chống HIV/AIDS, gia đình là đơn vị đầu tiên có thể dễ dàng phát hiện, ngăn chặn các thành viên tiếp xúc với các nguy cơ, tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm... Gia đình cũng là nơi hỗ trợ, chăm sóc hiệu quả, gần gũi, giúp những người không may nhiễm HIV bớt cảm giác cô đơn, bị kỳ thị... 

Đặc biệt, để phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em dính líu đến các tệ nạn xã hội, có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng, vì đây chính là nơi quản lý, giáo dục, định hướng nhận thức và hành vi cho giới trẻ, qua đó góp phần xây dựng một xã hội trong sạch, lành mạnh, ổn định và phát triển.

Phải khẳng định rằng không nơi đâu có thể tổ chức giáo dục, theo dõi, giám sát việc phòng, chống ma túy; phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, hút, chích, thử… các loại ma túy; cảm hóa và động viên người nghiện tham gia cai nghiện ma túy có hiệu quả bằng gia đình. Thiết nghĩ, để phát huy vai trò của gia đình trong phòng, chống ma túy cho giới trẻ (một trong những nguồn lây nhiễm HIV cao nhất), cần phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho gia đình thông qua việc tổ chức trang bị kiến thức giáo dục, nhất là những kiến thức cần thiết về phòng, chống ma túy, truyền thông giáo dục sức khỏe cho các bậc cha mẹ, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, các thành viên tôn trọng, quan tâm lẫn nhau. 

Vai trò của người phụ nữ trong gia đình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng cần được quan tâm hơn. HIV/AIDS có thể đe dọa cấu trúc gia đình, gây mất ổn định trong cộng đồng, hơn thế nữa còn làm chậm sự phát triển của thế hệ tiếp theo. Riêng phụ nữ và trẻ em gái chịu nhiều thương tổn, khổ đau, mất mát, kỳ thị do AIDS. 

Thực hiện Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), huy động vai trò gia đình, thiết nghĩ các cấp, ngành cũng cần tập trung chỉ đạo các cấp hội thực hiện những nội dung chính gồm: Nâng cao nhận thức, kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho các tầng lớp phụ nữ nói chung, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Chú trọng truyền thông tới nhóm phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm cao, nhóm phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dịch đang phát triển. Tăng cường hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo nhằm giúp phụ nữ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Ðồng thời tích cực phòng, chống các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ, lạm dụng tình  dục trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Gia Bảo

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính