
Xét nghiệm HIV ở CDC tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: báo Hà Tĩnh
Theo các số liệu thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Tĩnh phát hiện mới 52 trường hợp dương tính với HIV, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 17 người.
Tại Hà Tĩnh, trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến hết năm 2020, Hà Tĩnh đã khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư ở mức 0,14% và đạt mục tiêu 3 giảm: giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Mỗi năm, ngành y tế tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV từ 3.500 - 6.000 mẫu. Có 87% bệnh nhân được điều trị ARV. 96% số người bị nhiễm HIV ở Hà Tĩnh được được quản lý và điều trị ARV; 100% phụ nữ phát hiện nhiễm HIV lúc mang thai, chuyển dạ đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con....
Lũy kế từ năm 1997 (phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên) đến nay, có 216/216 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS với 1.959 trường hợp (nam chiếm 80%, nữ 20%), trong đó có 938 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, 404 trường hợp tử vong do AIDS. Hiện nay, tại Hà Tĩnh có 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 210/216 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, hiện nay, Khoa Phòng chống HIV/AIDS đang quản lý, điều trị cho 449 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 271 bệnh nhân nam, 155 bệnh nhân nữ; trẻ em dưới 15 tuổi là 22 bệnh nhân. Có 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 216/216 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS.
Đối với những người có bệnh nền hoặc sức đề kháng yếu nói chung và người nhiễm HIV/AIDS suy giảm miễn dịch nói riêng khi nhiễm COVID-19 tình trạng sẽ nặng hơn so với những người khỏe mạnh khác.
Đối với những người nhiễm HIV có số lượng tế bào CD4 thấp và những người nhiễm HIV nhưng chưa điều trị bằng thuốc ARV thì khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nguy cơ bệnh sẽ càng nặng hơn so với những người có số lượng tế bào CD4 cao và những người tuân thủ điều trị ARV tốt.
Nhiều ca bệnh COVID-19 tử vong thời gian qua đều có các dữ liệu lâm sàng cho thấy, các yếu tố nguy cơ tử vong chính do COVID-19 có liên quan đến tuổi già và các bệnh khác kèm theo. Do đó, nếu người nhiễm HIV cao tuổi, có các bệnh nền kèm theo như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường… thì nguy cơ tử vong sẽ càng cao. Do đó, những đối tượng này cần phải thực hiện khám, uống thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ và duy trì lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng.
Để phòng tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2, những người nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sỹ. Thực hiện kiểm tra sức khỏe và tuân thủ điều trị như uống thuốc đúng liều, đúng giờ.... Xây dựng một kế hoạch chăm sóc bản thân nếu phải ở nhà trong một vài tuần. Cố gắng tối đa liên lạc trực tuyến với phòng khám, điều trị HIV để được tư vấn, hướng dẫn.
CDC Hà Tĩnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng lây truyền HIV cho người bệnh; tư vấn xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ; thực hiện có hiệu quả dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; duy trì hiệu quả 3 cơ sở điều trị và 3 cơ sở cấp phát thuốc Methadone.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, CDC Hà Tĩnh đã hướng dẫn cho bệnh nhân HIV/AIDS tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Kết quả, trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch HIV/AIDS của Hà Tĩn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, Hà Tĩnh đã khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư ở mức 0,14% và đạt mục tiêu 3 giảm: giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Mỗi năm, ngành y tế tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV từ 3.500 - 6.000 mẫu. Có 87% bệnh nhân được điều trị ARV.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Hà Tĩnh đã đặt ra mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,18% vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Cho đến ngày nay, HIV/AIDS vẫn là một vấn đề sức khỏe lớn đối với cộng đồng. Chính vì thế, bên cạnh công tác phòng, công tác điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS cũng là một vấn đề quan trọng.
Thế giới chưa ghi nhận phương pháp hay loại thuốc nào chính thức chữa khỏi bệnh cho người bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, với việc ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các biện pháp dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc HIV hiệu quả như Hà Tĩnh, việc nhiễm HIV đã trở thành một tình trạng sức khỏe mãn tính có thể kiểm soát được, giúp người nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài; mặt khác kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ HIV/AIDS lây lan.
Hà ThươngBạn đang xem bài viết Hà Tĩnh làm tốt công tác điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].