Trước tình hình bùng phát dịch đậu mùa khỉ trong năm 2022 ở nhiều nước gây tâm lý lo lắng và hoang mang cho nhiều người. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ để tránh nhầm lẫn với các bệnh khác và có hướng điều trị phù hợp.
Năm 1958, virus đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus cư trú trên động vật được phát hiện tại phòng thí nghiệm và sau đó gây bệnh đậu mùa khỉ trên người năm 1970. Dịch bệnh bùng phát ở Châu Phi và tiếp tục lan rộng ra các nước trên thế giới với các triệu chứng ban đầu là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết và phát ban.
1 Triệu chứng giai đoạn xâm lấn
Bệnh lây truyền khi có các tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây bệnh, thông thường là tiếp xúc với các vết loét, dịch mụn nước, máu, nước bọt… của động vật hay người bị nhiễm virus. Thời gian ủ bệnh cho đến khi phát bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6 đến 13 ngày nhưng ở một số người có thể dao động từ 5 đến 21 ngày.
Giai đoạn xâm lấn tối đa khoảng 5 ngày, có các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường như sốt, nhức đầu dữ dội, đau lưng, đau cơ và suy nhược. Tuy nhiên dấu hiệu nhận biết đặc trưng của đậu mùa khỉ trong giai đoạn xâm lấn này là nổi hạch, sưng hạch bạch huyết (khác với bệnh tương tự có như là bệnh thủy đậu, sởi, đậu mùa).
Mặc dù giai đoạn xâm lấn dấu hiệu khá giống cảm cúm nhưng đậu mùa khỉ có kèm theo nổi hạch
2 Triệu chứng giai đoạn phát ban trên da
Sau thời kỳ xâm lấn tầm khoảng 1 cho đến 3 ngày thì sẽ xảy ra giai đoạn phát ban trên da, kéo dài 2 đến 4 tuần. Phát ban hình thành từ vết tổn thương da rất nhỏ đến các nốt sẩn ngứa, sau đó nổi mụn nước, xuất hiện mủ (các mụn chứa đầy dịch màu vàng), rồi đóng vảy khô và cuối cùng bong ra.
Vị trí nổi phát ban ít tập trung ở thân, thường tập trung nhiều ở mặt và lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng niêm mạc miệng. Chính vì thế bệnh ảnh hưởng khá nhiều đến thẩm mỹ.
Đôi khi phát ban bắt đầu ở bộ phận sinh dục, quanh hậu môn và không lan sang các bộ phận khác nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh STDs – là một bệnh lý nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Các ca nhiễm trong năm 2022 đã ghi nhận một vài trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Giai đoạn phát ban của đậu mùa khỉ thường kéo dài 2-4 tuần, từ các vết ngứa rát trên da phát triển thành các mảng vảy khô
3 Khi nào gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu đậu mùa khỉ dưới đây, hãy đến thăm khám ngay bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời.:
- Phát ban.
- Các nốt mụn nước.
- Các dấu hiệu khác nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ.
Đồng thời nếu được chẩn đoán mắc đậu mùa khỉ, bạn nên thông báo cho những người đã tiếp xúc để theo dõi và phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ lây lan.
Thăm khám ngay bác sĩ khi có dấu hiệu của đậu mùa khỉ
Chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ
Sau khi thăm khám các triệu chứng lâm sàng, nếu bạn có dấu hiệu nhiễm bệnh bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu mô từ vết mụn nước bị vỡ rồi phân tích trong phòng thí nghiệm.
Để kết quả chẩn đoán chính xác hơn bác sĩ có thể cho bạn làm xét nghiệm máu để kiểm tra các kháng thể, sự xuất hiện của kháng thể đặc trưng với bệnh đậu mùa khỉ chứng minh có sự xuất hiện của virus gây bệnh.
Xét nghiệm máu xác định kháng thể đậu mùa khỉ
Các bệnh viện điều trị bệnh đậu mùa khỉ uy tín
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Da liễu TP HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới,...
- Tại Hà Nội: Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương, Bệnh viện Bạch Mai,...
Xem thêm:
- Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị thuỷ đậu
- Thủy đậu kiêng gì? 3 loại thực phẩm bạn cần tránh xa khi bị thủy đậu
- Cách chăm sóc bệnh nhân thủy đậu hiệu quả, không để lại sẹo
Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm cho bạn những thông tin về dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!
Nguồn: Kidshealth, Who, Webmd, Clevelandclinic
Bạn đang xem bài viết Dấu hiệu đậu mùa khỉ giúp bạn nhận biết bệnh chính xác tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].