Bảo vệ bệnh nhân HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cần Thơ vẫn dành nhiều ưu tiên cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn. Công tác xây dựng Kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được chủ động và triển khai đều khắp địa bàn. Chính vì thế, từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Cần Thơ đến nay, Cần Thơ bảo vệ vững chắc thành quả, chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân HIV/AIDS bị nhiễm COVID-19...
Có thể kể đến nhiều biện pháp mà ngành y tế địa phương đã vận dụng như: tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và nhân viên tiếp cận cộng đồng; thực hiện tiếp cận khách hàng nguy cơ cao bằng nhiều hình thức như online, livestream trên nền tảng các app, mạng xã hội; triển khai hình thức tự xét nghiệm cộng đồng qua vận hành trang web tự xét nghiệm; cấp phát thuốc 3 tháng/lần cho bệnh nhân ARV; nhân viên y tế/nhân viên tiếp cận cộng đồng hỗ trợ cấp phát thuốc ARV, PrEP, Methadone cho bệnh nhân khi cơ sở bị phong tỏa, bệnh nhân bị cách ly/phong tỏa hoặc nhiễm COVID-19.
Ngoài ra, trong thời gian thành phố tăng cường phòng chống dịch, trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ vẫn duy trì thực hiện chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại 06 phòng khám ngoại trú người lớn, 01 phòng khám ngoại trú nhi; duy trì dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại 18 cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Đến nay, chưa phát hiện bệnh nhân HIV/AIDS nhiễm COVID-19.

Lễ khai trương trang web tự xét nghiệm HIV của Cần Thơ. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Báo Cần Thơ
Đẩy mạnh vai trò đồng đẳng viên
Theo thống kê, đối tượng nhiễm HIV tại TP. Cần Thơ, tập trung chủ yếu ở nhóm nam nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Hiện các đối tượng này đang được sự quản lý, hỗ trợ của lực lượng chức năng, các đồng đẳng viên, tiếp cận viên tại địa phương. Với sự nỗ lực thực hiện tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm, tự xét nghiệm tại cộng đồng, nên số người được phát hiện trong những năm gần đây, tăng so với các năm trước.
Cần Thơ nhận định: đồng đẳng viên đóng vai trò cầu nối rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, giúp người nhiễm và cộng đồng có cái nhìn thực tế hơn về căn bệnh HIV/AIDS; cảm thông và chia sẻ đối với những người không may bị nhiễm, để họ có thêm cơ hội sống hòa nhập cộng đồng, góp phần nhanh chóng đẩy lùi HIV/AIDS trong cộng đồng...
Chính việc đẩy mạnh vai trò đồng đẳng viên trong cộng đồng giúp cho công tác phòng chống HIV/AIDS, điều trị cho người nhiễm HIV tại TP. Cần Thơ những năm qua đã có chuyển biến tích cực, số người nhiễm năm sau giảm so với năm trước.
Theo số liệu giám sát năm 2020 từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS đến cuối năm 2020, TP Cần Thơ đứng thứ 13 về số người nhiễm HIV so với cả nước. Trong 10 tháng đầu năm 2021, số nhiễm HIV được phát hiện mới 296 người, chuyển sang AIDS 6 người và tử vong 7 người. So với cùng kỳ năm 2020, số người nhiễm HIV giảm 20 người, số chuyển sang AIDS giảm 16 người và số tử vong giảm 24 người.
TP đã đạt mục tiêu năm 2021 với 94,6% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân và 96,3% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ước chế.
Trước đó, năm 2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Cần Thơ đánh giá là điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của cả nước. Thành phố được Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế chọn triển khai thí điểm nhiều mô hình mới trong phòng, chống HIV/AIDS.
Cần Thơ là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm trang web cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV đồng thời với việc duy trì các hình thức tự xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng ưu tiên cho nhóm nguy cơ cao, còn gọi là “nhóm đích”.… Nhờ đa dạng hóa loại hình xét nghiệm, cơ quan y tế tiếp cận được các nhóm nguy cơ cao để thực hiện xét nghiệm HIV.
Cần Thơ cũng triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP. Ðây là một mô hình mới. Trong năm 2020, toàn thành phố có 429 khách hàng đang sử dụng dịch vụ điều trị PrEP.
Thơ HàBạn đang xem bài viết Công tác phòng chống HIV/AIDS của Cần Thơ có nhiều kết quả khả quan tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].