Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Chế độ ăn và chăm sóc giúp trẻ bị suy dinh dưỡng tăng cân khỏe mạnh

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu cân bằng giữa nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng. Tình trạng này ở trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy cùng tìm hiểu cách chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục qua bài viết dưới đây nhé!

1 Suy dinh dưỡng ở trẻ em là gì?

Suy dinh dưỡng là một thuật ngữ được các chuyên gia sử dụng để mô tả bao quát cho nhiều dạng bất thường về dinh dưỡng như thiếu hụt, dư thừa hoặc mất cân bằng về năng lượng và/hoặc lượng dinh dưỡng đưa vào.

Dưới đây là một số dạng suy dinh dưỡng cụ thể:

  • Suy dinh dưỡng: xảy ra khi trẻ không tiêu thụ đủ thức ăn hoặc chất dinh dưỡng.
  • Thể thấp còi: kích thước cơ thể quá ngắn so với độ tuổi của trẻ.
  • Gầy còm: cân nặng quá thấp so với chiều cao của trẻ.
  • Thiếu cân: cân nặng quá thấp so với độ tuổi của trẻ.
  • Thiếu vi chất dinh dưỡng: thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
  • Thừa cân: cân nặng quá mức so với chiều cao của trẻ.
  • Béo phì: là dạng thừa cân nghiêm trọng nhất.

Suy dinh dưỡng xảy ra khi trẻ không tiêu thụ đủ thức ăn hoặc chất dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng xảy ra khi trẻ không tiêu thụ đủ thức ăn hoặc chất dinh dưỡng

2 Dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng

Dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ chủ yếu liên quan đến cân nặng và sự phát triển của trẻ. Dưới đây là một số triệu chứng suy dinh dưỡng trẻ em:

  • Cân nặng thấp hơn so với chuẩn: trẻ có cân nặng thấp hơn so với mức trung bình của trẻ cùng tuổi và giới tính.
  • Chiều cao kém phát triển: trẻ có chiều cao thấp hơn so với chuẩn phát triển của trẻ cùng độ tuổi.
  • Suy giảm năng lượng: trẻ dễ mệt mỏi, thiếu năng lượng, ít hoạt động hơn so với bình thường.
  • Ăn uống kém: trẻ có xu hướng ăn ít, biếng ăn hoặc không muốn ăn.
  • Chậm phát triển thể chất: trẻ chậm phát triển về các kỹ năng vận động như bò, đi, đứng.
  • Da khô, tóc thưa: da trẻ khô, nhăn nheo, tóc mỏng, dễ gãy rụng.
  • Chậm phát triển trí tuệ: trẻ có thể gặp khó khăn trong học tập, chậm phát triển về ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp.
  • Hệ miễn dịch suy giảm: trẻ dễ bị bệnh, thường xuyên bị cảm cúm, nhiễm trùng.
  • Rối loạn tiêu hóa: trẻ thường xuyên gặp vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón.
  • Thiếu sức đề kháng: trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và các bệnh lý khác do hệ miễn dịch suy yếu.

Xem thêm: Cách đo và tính chỉ số BMI cho nam nữ người Việt chuẩn xác, chi tiết

Trẻ suy dinh dưỡng có cân nặng tăng trưởng chậm

Trẻ suy dinh dưỡng có cân nặng tăng trưởng chậm

3 Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

Ở một số nơi trên thế giới, tình trạng suy dinh dưỡng lan rộng và kéo dài là do thiếu lương thực. Tuy nhiên, ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn thì suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ còn có nhiều nguyên nhân khác như:

  • Trẻ biếng ăn, lượng ăn không đủ nhu cầu năng lượng hàng ngày.
  • Chế độ ăn không đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng.
  • Chế biến thức ăn không đúng cách.
  • Trẻ mắc các bệnh mạn tính kéo dài.
  • Bệnh về đường ruột gây giảm hấp thu dinh dưỡng như nhiễm ký sinh trùng đường ruột, tiêu chảy kéo dài, bệnh crohn...

Trẻ biếng ăn là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng

Trẻ biếng ăn là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng

4 Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến trẻ nhỏ như thế nào?

Theo các chuyên gia, suy dinh dưỡng có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ ở trẻ nhỏ. Điều này khiến trẻ trở nên thấp còi, kém thông minh, chậm chạp, hạn chế trong giao tiếp và học tập... ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của trẻ.

Hơn nữa, tình trạng thiếu dưỡng chất cũng làm hệ miễn dịch suy yếu nên trẻ nhỏ suy dinh dưỡng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm gây ra. Khi mắc bệnh, quá trình hồi phục thường kéo dài hơn so với đứa trẻ bình thường.

Theo thống kê, trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong cao hơn bình thường.

Suy dinh dưỡng làm hệ miễn dịch suy yếu nên trẻ dễ mắc bệnh nhiễm trùng

Suy dinh dưỡng làm hệ miễn dịch suy yếu nên trẻ dễ mắc bệnh nhiễm trùng

5 Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ suy dinh dưỡng

Điều trị phục hồi trẻ bị suy dinh dưỡng

Để phục hồi trẻ bị suy dinh dưỡng thì cần tập trung điều trị một số yếu tố sau:

  • Điều trị tình trạng cấp tính như rối loạn nước - điện giải, nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa...
  • Bổ sung chất thiếu hụt như vitamin A, sắt, canxi, vitamin D, axit folic...
  • Tăng khẩu phần dinh dưỡng ở mức tối đa tùy thuộc vào khả năng tiêu hóa của trẻ.
  • Sử dụng thực phẩm giàu năng lượng như bơ đậu phộng, chuối, hạt óc chó, quả bơ, yến mạch... hoặc thực phẩm bổ sung cung cấp dinh dưỡng đặc biệt.

Bổ sung chất thiếu hụt để điều trị phục hồi cho trẻ bị suy dinh dưỡng

Bổ sung chất thiếu hụt để điều trị phục hồi cho trẻ bị suy dinh dưỡng

Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng nặng

Để giúp trẻ suy dinh dưỡng phục hồi thì việc cải thiện chế độ ăn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng:

  • Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu của trẻ.
  • Chế độ ăn đủ các nhóm chất bao gồm tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất...
  • Cho trẻ ăn phong phú các món ăn trong cùng một bữa.
  • Nếu trẻ không thể ăn nhiều một lần thì nên chia thành nhiều bữa trong ngày.
  • Thức ăn càng đặc càng tốt.
  • Bổ sung thêm dầu chứa chất béo không bão hòa (như dầu oliu, dầu hạt cải và dầu hướng dương...), đường hoặc các loại thực phẩm giàu năng lượng khác vào sữa để đảm bảo mỗi ml thức ăn cung cấp 1 kcal.
  • Cho trẻ ăn tăng cường sau mỗi lần bị ốm.
  • Tốt nhất nên cho trẻ bú sữa mẹ kéo dài sau 12 tháng.
  • Theo dõi định kỳ tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ.

6 Biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em

Để phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em cần chăm sóc trẻ bắt đầu từ thời kỳ thai nghén bằng chế độ ăn của mẹ đầy đủ chất dinh dưỡng. Đồng thời, mẹ cũng cần bổ sung các vi chất cần thiết như sắt, acid folic và theo dõi cân nặng trong suốt thời kỳ mang thai.

Khi trẻ ra đời, nguồn dinh dưỡng phù hợp nhất với trẻ là sữa mẹ. Vì vậy, các bà mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu đời và kéo dài đến khi con được 18 - 24 tháng tuổi.

Khi trẻ được 1 tuổi, bà mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ cả 4 nhóm chất dinh dưỡng. Để tránh việc trẻ chán ăn, mẹ cần đa dạng các loại thực phẩm và chế biến nhiều món ăn hấp dẫn hơn.

Hãy tập cho trẻ thói quen ăn đúng giờ, tập trung vào bữa ăn và tránh để trẻ vừa chơi vừa ăn hoặc sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng...

Ngoài ra, khi trẻ có vấn đề về đường tiêu hóa như mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, ăn khó tiêu thì mẹ có thể chủ động bổ sung cho trẻ men vi sinh hoặc men tiêu hóa để ổn định đường ruột cho con.

Xem thêm

  • Còi xương: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị hiệu quả
  • Biếng ăn tâm lý ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Suy dinh dưỡng ở trẻ em có thể phục hồi tốt nếu trẻ được chăm sóc đúng cách và có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho mọi người xung quanh nhé!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính