Cúc tần từ lâu đã được y học dân gian sử dụng để điều trị nhiều vấn đề sức khỏe như đau nhức xương khớp, cảm sốt, ho, bí tiểu và hỗ trợ tiêu hóa. Thảo dược này chứa nhiều hoạt chất có giá trị dược tính cao như flavonoid, tinh dầu và các hợp chất chống viêm tự nhiên. Hãy cùng tìm hiểu cây cúc tần có tác dụng gì có tác dụng gì qua bài viết sau nhé!
1 Giới thiệu về cây cúc tần
Cây cúc tần là gì?
Tên tiếng Việt: Cúc tần, Từ bi, Cây lức, Phật phà, Vật và (Tày).
Tên khoa học: Pluchea indica (L.) Less.
Họ: Asteraceae (Cúc).
Đặc điểm thực vật:
Cúc tần là cây nhỏ, cao khoảng 2-3m. Thân và cành lúc non có phủ lông, sau nhẵn dần .
Lá: Hình bầu dục, đầu hơi nhọn, gốc thuôn dài, mép có răng cưa, mặt dưới lá có lông mịn. Kích thước lá dài 4-5cm, rộng 1-2,5cm.
Hoa: Mọc thành cụm ngù ở ngọn, có màu tím nhạt, nhỏ và có cuống ngắn. Lá bắc xếp thành 4-5 dãy, hoa lưỡng tính mỗi cụm hoa gồm 2-3 bông.
Quả: Hình trụ-thoi, có 10 cạnh.
Mùa hoa quả: Tháng 12.
Phân bố: Cây mọc hoang hoặc được trồng phổ biến trên khắp các vùng đồng bằng, miền biển nước ta. Thường được sử dụng làm hàng rào cây xanh và lấy lá làm thuốc.
Cây cúc tần có tên khoa học là Pluchea indica (L.) Less. thuộc họ Asteraceae (Cúc).
Bộ phận dùng làm thuốc: Cành, lá non và rễ của cây cúc tần được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian.
Cành, lá non và rễ của cây cúc tần được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian
Thành phần hóa học của cây cúc tần
Cây cúc tần không chỉ được biết đến với mùi thơm đặc trưng nhờ tinh dầu trong toàn cây mà còn chứa nhiều dưỡng chất quan trọng. Hàm lượng dinh dưỡng trong lá tươi (trên 100g) :
- Protein: 2,9%.
- Protit: 5,7g.
- Lipid: 1g.
- Xenluloza: 5,1g.
- Tro: 2,3g.
- Canxi: 179mg.
- Phospho: 2,3mg.
- Sắt: 0,5mg.
- Caroten: 4,6g.
- Vitamin C: 15mg.
Cây cúc tần là nguồn cung cấp dưỡng chất tự nhiên, hỗ trợ sức khỏe, đặc biệt là trong các bài thuốc dân gian và chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Cây cúc tần không chỉ được biết đến với mùi thơm đặc trưng nhờ tinh dầu trong toàn cây mà còn chứa nhiều dưỡng chất quan trọng
2 Cây cúc tần có tác dụng gì?
Giảm viêm và kháng khuẩn
Ức chế phản ứng viêm: Chiết xuất methanol từ rễ Pulchea indica thể hiện khả năng ức chế mạnh các phản ứng viêm do histamine, carrageenin, serotonin và các tác nhân viêm khác gây ra. Điều này giúp giảm phù nề, viêm đa khớp và sự hình thành mô hạt .
Bảo vệ dạ dày: Chiết xuất giúp hạn chế loét do rượu, indomethacin và các tác nhân kích thích đồng thời giảm đáng kể độ axit và thể tích dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày. Hiệu quả này có thể do cơ chế ức chế enzyme 5-lipoxygenase.
Giảm tổn thương mô: Nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ rễ có khả năng làm giảm phù chân, viêm khớp và bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tổn thương do PAF (yếu tố kích hoạt tiểu cầu) gây ra.
Chiết xuất ethanol từ lá (liều 300 mg/kg) có tác dụng giảm viêm tương tự như indomethacin – một loại thuốc chống viêm phi steroid. Đặc biệt, chiết xuất này còn giảm co thắt bụng do axit acetic gây ra ở chuột, với hiệu quả đạt mức tương đương indomethacin.
Kháng khuẩn và chống oxy hóa
Ức chế sản xuất oxit nitric (NO): Phân đoạn EtOAc từ chiết xuất lá ethanol làm giảm sản xuất NO, đồng thời ngăn chặn biểu hiện iNOS (enzyme tổng hợp NO gây viêm). Điều này góp phần kiểm soát phản ứng viêm cấp tính và hạn chế tổn thương mô .
Ngăn chặn stress oxy hóa: Chiết xuất EtOH từ lá giúp giảm sản xuất ROS (gốc tự do oxy hóa) và giảm biểu hiện các phân tử dính ICAM-1 và VCAM-1, góp phần bảo vệ tế bào mạch máu.
Hỗ trợ giảm cân
Nghiên cứu cho thấy chiết xuất nước từ lá P. indica (750–1000 µg/mL) có khả năng giảm đáng kể sự tích tụ lipid, ức chế quá trình sinh mỡ và điều chỉnh mức protein, carbohydrate, glycogen và axit nucleic trong tế bào mỡ 3T3-L1. Ngoài ra, chiết xuất còn ức chế lipase tuyến tụy ở mức độ đáng kể (tỷ lệ ức chế 11,7–18,4% ở nồng độ 625–1000 ppm) so với orlistat và epicatechin. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển thành thực phẩm chức năng hỗ trợ kiểm soát béo phì .
Đặc biệt, trà thảo mộc P. indica (400–600 mg/kg, đường uống) được chứng minh có hiệu quả cải thiện các chỉ số liên quan đến tăng đường huyết, rối loạn lipid máu và béo phì ở chuột thí nghiệm nuôi bằng chế độ ăn nhiều chất béo. Trà này làm giảm đáng kể các chỉ số triglyceride (TG), cholesterol toàn phần (TC), LDL-C, đồng thời tăng HDL-C và giảm trọng lượng mỡ nội tạng. Hiệu quả này được cho là nhờ vào hàm lượng phenolic, flavonoid và các hợp chất bioactive như axit caffeoylquinic, beta-caryophyllene và gamma-gurjunene.
Nghiên cứu cho thấy chiết xuất nước từ lá cúc tần có khả năng giảm đáng kể sự tích tụ lipid, ức chế quá trình sinh mỡ và điều chỉnh mức protein, carbohydrate...
Ngăn ngừa đái tháo đường
Đái tháo đường (DM) là một rối loạn chuyển hóa phức tạp, đặc trưng bởi sự phá hủy tế bào β tuyến tụy hoặc kháng insulin. Việc giảm glucose máu sau bữa ăn thông qua ức chế α-glucosidase được xem là chiến lược quản lý bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, các thuốc điều trị hiện tại thường có tác dụng phụ, thúc đẩy nghiên cứu về các tác nhân tự nhiên an toàn hơn .
Chiết xuất EtOH từ lá P. indica (100 mg/kg) đã được chứng minh bảo vệ tế bào β tuyến tụy trước tổn thương do cytokine ở chuột STZ (streptozotocin). Nó làm giảm các chỉ số viêm như IFN-γ, TNF-α và IL-1β đồng thời ức chế các caspase và giảm phosphoryl hóa NF-κB p65. Ngoài ra, chiết xuất này tăng cường sự phát triển tế bào β và ngăn apoptosis nhờ thành phần resveratrol và quercetin.
Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất lá MeOH và H2O từ P. indica có khả năng ức chế α-glucosidase và maltase, làm chậm quá trình phân hủy tinh bột thành glucose, giúp ổn định đường huyết. Chiết xuất H2O còn thể hiện khả năng giảm glucose máu (56,37%) cao hơn glibenclamide (49,59%), trong khi chiết xuất MeOH cũng giảm đường huyết ở cả chuột tiểu đường và chuột khỏe mạnh (36,1–41,87%).
chiết xuất lá MeOH và H2O từ P. indica có khả năng ức chế α-glucosidase và maltase, làm chậm quá trình phân hủy tinh bột thành glucose, giúp ổn định đường huyết
Ngăn ngừa ung thư
Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Dù phẫu thuật, hóa trị và xạ trị là những phương pháp chính, chúng thường đi kèm nhiều tác dụng phụ và thiếu tính đặc hiệu, làm gia tăng nhu cầu về các liệu pháp tự nhiên.
Chiết xuất EtOH từ rễ P. indica đã được chứng minh cản trở đáng kể sự sống sót và di chuyển của các tế bào ung thư vòm họng NPC-TW04 và NPC-TW01, đồng thời kích hoạt apoptosis thông qua tăng protein Bax và giảm protein Bcl-2. Ngoài ra, chiết xuất này còn ức chế sự phát triển của tế bào bạch cầu người K562 bằng cách gây ngừng chu kỳ tế bào ở pha G2/M .
Các chiết xuất từ lá và rễ cũng thể hiện khả năng chống di chuyển và chống phát triển mạnh mẽ trên tế bào HeLa và GBM8401 nhờ kích hoạt các protein kháng khối u như p53 và p21, đồng thời ức chế phosphoryl hóa AKT.
Ngoài ra, phân đoạn hexane từ rễ P. indica gây ngừng chu kỳ tế bào GBM ở pha G0/G1 và thúc đẩy quá trình tự thực bào thông qua tăng biểu hiện LC3-II. Điều này mở ra triển vọng ứng dụng trong điều trị ung thư não ác tính.
Các flavonoid và thiophen được chiết xuất từ P. indica còn cho thấy hiệu quả ức chế enzyme CYP-2A6 và CYP-2A13 - hai enzyme liên quan đến việc chuyển hóa nicotine và các chất gây ung thư từ thuốc lá. Đây là cơ sở cho việc phát triển liệu pháp ngăn ngừa ung thư phổi và hỗ trợ cai thuốc lá.
Chiết xuất EtOH từ rễ P. indica đã được chứng minh cản trở đáng kể sự sống sót và di chuyển của các tế bào ung thư vòm họng
Khử độc nọc rắn
Tử vong và thương tích do rắn cắn là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt tại các quốc gia nhiệt đới. Trong một số bệnh viện, huyết thanh kháng nọc độc là biện pháp duy nhất được sử dụng để xử lý rắn cắn. Tuy nhiên, biện pháp này không đảm bảo hiệu quả hoàn toàn trong việc ngăn chặn hoại tử, độc tính thận hoặc hiện tượng chảy máu do nọc rắn gây ra đồng thời còn có nguy cơ gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Vì vậy, người dân tại các khu vực nông thôn thường tìm đến các phương pháp y học cổ truyền hoặc thuốc thảo dược .
Nghiên cứu cho thấy chiết xuất methanol từ rễ P. indica có khả năng trung hòa hiệu quả nọc độc của rắn lục và giảm thiểu tác hại do nọc độc gây ra như xuất huyết hoặc tử vong. Đặc biệt, các hợp chất được tinh chế từ rễ cây này, như 29 và 31, có thể trung hòa nọc độc của rắn hổ mang và rắn lục. Ngoài ra, chúng còn giúp giảm độc tính tim, thần kinh, cũng như hỗ trợ tăng hiệu quả của huyết thanh kháng nọc đa giá khi thử nghiệm trên chuột. Những kết quả này đã củng cố cơ sở khoa học cho việc sử dụng cây P. indica trong dân gian để điều trị rắn cắn.
Bảo vệ sức khỏe gan và thần kinh
Các nghiên cứu đã xác nhận rằng P. indica có tiềm năng trong việc bảo vệ gan và thần kinh, đặc biệt ở các trường hợp tổn thương gan liên quan đến tiểu đường. Chiết xuất từ lá P. indica với liều 50-100 mg/kg trong 2 tuần đã chứng minh khả năng cải thiện tổn thương gan do tăng đường huyết ở chuột, nhờ điều chỉnh phản ứng viêm và giảm stress oxy hóa thông qua ức chế các yếu tố viêm như IL-6, TNF-α, TGF-β1 và NF-κB p65 .
Ngoài ra, chiết xuất methanol từ rễ cây còn cho thấy tác dụng bảo vệ gan đáng kể đối với các tổn thương do CCl4 gây ra. Nghiên cứu đã ghi nhận sự giảm đáng kể enzyme gan trong huyết thanh, bilirubin và các biến chứng liên quan đến gan ở chuột. Chiết xuất này cũng có khả năng kéo dài thời gian ngủ do pentobarbital gây ra, đồng thời giảm các hành vi hung hăng ở chuột được giả thuyết là nhờ tác động lên hệ GABAergic. Những phát hiện này cho thấy tiềm năng của P. indica như một tác nhân bảo vệ hệ thần kinh trung ương và gan hiệu quả.
Cây cúc tần có tiềm năng trong việc bảo vệ gan và thần kinh, đặc biệt ở các trường hợp tổn thương gan liên quan đến tiểu đường
Tác dụng ngừa thai
Vấn đề tăng dân số là một thách thức lớn về mặt kinh tế và xã hội. Trong thời gian gần đây, các nghiên cứu đã tập trung phát triển các biện pháp tránh thai dành cho nam giới và cây P. indica đã nổi lên như một ứng viên tiềm năng .
Chiết xuất lá P. indica được chứng minh có khả năng làm giảm số lượng tinh trùng và spermatid ở chuột đực khi sử dụng liều từ 1,4 đến 5,6 mg/kg trong 10 ngày. Thành phần tannin từ lá đã làm giảm đáng kể nồng độ axit glutamic - một yếu tố cần thiết cho phân bố và chuyển hóa của tinh trùng, dẫn đến giảm khả năng thụ tinh. Điều này gợi ý tiềm năng của P. indica trong việc phát triển một loại thuốc tránh thai tự nhiên dành cho nam giới.
Chữa lành vết thương
Lành vết thương là một quá trình phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như dinh dưỡng, nhiễm trùng, tuổi tác và bệnh lý nền. Trong y học truyền thống Thái Lan, lá P. indica được sử dụng như một chất làm se để chữa lành vết thương và loét.
Chiết xuất ethanol từ lá, giàu flavonoid (19,44 mg/gram), đã được chứng minh có khả năng chống oxy hóa mạnh (IC50 21,53 μg/mL) và an toàn đối với các tế bào fibroblast. Ngoài ra, các hạt nano (NP) được chế tạo từ chiết xuất lá không chỉ cải thiện quá trình hồi phục tổn thương miệng mà còn tăng tính ổn định của sản phẩm, mở ra tiềm năng ứng dụng trong sản phẩm xịt miệng điều trị viêm loét niêm mạc .
Thành phần chính quercetin trong chiết xuất lá cũng có tác dụng ngăn chặn sự tăng sinh quá mức của fibroblast, từ đó giảm thiểu nguy cơ hình thành sẹo hoặc xơ hóa mãn tính. Nhờ những tác dụng này, P. indica được đánh giá là một dược liệu có giá trị trong hỗ trợ và đẩy nhanh quá trình lành vết thương.
Giảm triệu chứng của bệnh trĩ
Bệnh trĩ là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng chảy máu trực tràng và gây khó chịu đáng kể cho người bệnh. Việc điều trị trĩ thường bắt đầu bằng các phương pháp không phẫu thuật như thay đổi chế độ ăn uống, quản lý y tế và thực hiện các biện pháp hành vi .
Trong y học cổ truyền, lá của cây Pluchea indica được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh trĩ. Một nghiên cứu do Senvorasinh và cộng sự thực hiện đã cung cấp cơ sở khoa học cho ứng dụng này. Theo nghiên cứu, chiết xuất trà nóng từ lá P. indica (liều 50 mg/kg/ngày) giúp giảm đáng kể tổn thương trực tràng và trĩ gây ra bởi dầu croton ở chuột thí nghiệm. Điều đáng chú ý là chiết xuất này không làm giảm sự co bóp tiêu hóa, nghĩa là nó không ảnh hưởng đến tình trạng táo bón – một yếu tố thường đi kèm với bệnh trĩ.
Trong y học cổ truyền, lá của cây cúc tần được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh trĩ
Ngăn ngừa lão hóa
Sự hình thành các gốc oxy tự do là một trong những nguyên nhân chính gây ra quá trình lão hóa và nhiều bệnh lý nghiêm trọng như bệnh tim mạch, ung thư và rối loạn hệ thần kinh. Bổ sung các chất chống oxy hóa từ thực phẩm tự nhiên là một trong những cách hiệu quả để ngăn ngừa các tác hại của gốc tự do.
Lá tươi của cây P. indica không chỉ được sử dụng trong các món ăn như súp, salad mà còn được chế biến thành trà và thực phẩm bổ sung tại Thái Lan. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hoạt tính chống oxy hóa vượt trội của chiết xuất từ lá cây này nhờ hàm lượng phenol và flavonoid dồi dào .
Lá cây P. indica không chỉ có tiềm năng lớn trong việc phát triển thực phẩm chống oxy hóa mà còn có thể được sử dụng để bảo vệ cơ thể khỏi quá trình oxy hóa do các yếu tố môi trường và tuổi tác. Các mầm lá non, đặc biệt là thu hái trong giai đoạn ra hoa, được chứng minh có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất, bất kể nguồn gốc địa lý.
Lá cây cúc tần có thể được sử dụng để bảo vệ cơ thể khỏi quá trình oxy hóa do các yếu tố môi trường và tuổi tác
3 Cách sử dụng nước lá cúc tần an toàn, hiệu quả
Cây cúc tần (Pluchea indica) là một loại dược liệu quý trong y học cổ truyền, được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiều loại bệnh nhờ đặc tính kháng viêm, giảm đau và hỗ trợ tiêu hóa .
Công dụng
Giảm cảm sốt, hạ nhiệt: Lá và cành non của cây cúc tần thường được dùng để sắc nước uống hoặc xông hơi giúp hạ sốt, giảm cảm cúm và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Hỗ trợ tiêu hóa, chữa lỵ: Chiết xuất từ lá và cành cây có tác dụng kích thích tiêu hóa, cải thiện chức năng đường ruột đồng thời hỗ trợ điều trị bệnh lỵ.
Giảm đau, chữa mỏi lưng: Lá và cành non được giã nát, trộn với một ít rượu và xào nóng, sau đó đắp lên vùng lưng hoặc hai bên thận. Phương pháp này giúp giảm đau nhức, mỏi lưng và cải thiện tuần hoàn máu ở khu vực bị tổn thương.
Liều dùng
- Dùng trong: Liều lượng khuyến nghị là 8 – 16g dược liệu khô dưới dạng thuốc sắc. Nước sắc cúc tần có thể được uống hằng ngày để hỗ trợ điều trị bệnh hoặc tăng cường sức khỏe.
- Dùng ngoài: Khi sử dụng ngoài da (đắp, xông), liều lượng không bị giới hạn. Tuy nhiên, cần đảm bảo vệ sinh và kiểm tra phản ứng da trước khi sử dụng để tránh kích ứng.
Liều lượng khuyến nghị của cúc tần là 8 – 16g dược liệu khô dưới dạng thuốc sắc
4 Một số bài thuốc có sử dụng cúc tần
Lưu ý rằng trước khi sử dụng bất kì loại thảo dược hoặc dược liệu nào để chữa bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế hoặc bác sĩ y học cổ truyền. Đồng thời, tìm hiểu về cách sử dụng các loại dược liệu và liều lượng cụ thể để tránh những tác dụng không mong muốn.
Cây cúc tần (Pluchea indica) là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền với nhiều công dụng hiệu quả, giúp điều trị các chứng bệnh thường gặp. Dưới đây là các bài thuốc từ cúc tần có thể áp dụng để chữa trị các bệnh lý phổ biến.
Bài thuốc chữa cảm sốt
Nguyên liệu:
- Cúc tần: 20g
- Lá tre: 20g
- Bạc hà: 20g
- Kinh giới: 20g
- Tía tô: 20g
- Cát căn: 20g
- Cúc hoa: 5g
- Địa liền: 5g
Cách dùng: Tất cả các dược liệu trên được nghiền thành bột hoặc viên thuốc. Mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 4-6g. Bài thuốc này giúp hạ sốt, giải cảm và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể .
Bài thuốc chữa ho do viêm phế quản
Nguyên liệu:
- Cúc tần già: 20g, rửa sạch và băm nhỏ
- 2 nắm gạo
- 3g gừng tươi, cắt nhỏ
- 50g thịt lợn nạc, băm nhuyễn
Cách dùng: Tất cả nguyên liệu đem nấu chung thành cháo, nấu đến khi cháo nhừ. Ăn khi còn nóng, tốt nhất là khi đói. Mỗi ngày ăn 3 lần, liên tục trong 3 ngày. Bài thuốc giúp long đờm, giảm ho, giảm viêm ở phế quản .
Bài thuốc xông hơi tiêu trĩ
Nguyên liệu:
- Cúc tần, lá lốt, ngải cứu, lá sung (tỷ lệ bằng nhau)
- 1 củ nghệ vàng
Cách dùng: Các loại lá cây rửa sạch, sau đó nấu cùng 1.5 lít nước. Thêm vài lát nghệ vàng vào nấu cùng. Chờ cho nước thuốc nguội bớt, rồi tiến hành xông hơi hậu môn trong 15 phút. Khi nước còn ấm, ngâm trực tiếp hậu môn vào nước thêm 10 phút nữa. Mỗi tuần xông 2-3 lần. Bài thuốc này giúp giảm đau, co búi trĩ và làm tan các triệu chứng trĩ nhẹ sau 2 tháng sử dụng .
Bài thuốc chữa đau nhức gân xương, thấp khớp
Nguyên liệu:
- Rễ cúc tần: 20g
- Rễ xấu hổ: 20g
- Rễ bưởi bung: 20g
- Rễ đinh lăng: 10g
- Cam thảo dây: 10g
Cách dùng: Sắc tất cả các vị thuốc trên cùng nước để uống. Bài thuốc này giúp giảm đau nhức xương khớp, giảm viêm và cải thiện chức năng gân xương .
Bài thuốc chữa đau mỏi lưng
Nguyên liệu:
- Lá và cành non cúc tần
- Rượu
Cách dùng: Giã nát lá và cành non, trộn với ít rượu rồi sao nóng. Đắp vào nơi đau ở hai bên thận. Bài thuốc giúp giảm đau mỏi lưng và thư giãn cơ bắp.
Bài thuốc giảm đau đầu do suy nghĩ nhiều, tinh thần căng thẳng
Nguyên liệu:
- Cúc tần: 50g
- Hoa cúc trắng: 50g (xé nhỏ)
- Đu đủ vừa chín tới: 100g
- Óc lợn: 100g
Cách dùng: Đun cúc tần, hoa cúc trắng, đu đủ với 1 lít nước đến khi sôi. Sau đó cho óc lợn vào đun thêm 20 phút cho nhừ. Ăn nóng trước bữa cơm, 2 lần/ngày, ăn liên tục trong 1 tuần. Bài thuốc giúp giảm đau đầu do căng thẳng và suy nghĩ quá nhiều .
Bài thuốc chữa chứng bí tiểu
Nguyên liệu: Lá cúc tần phơi khô: 40g (hoặc 100g lá tươi)
Cách dùng: Sau khi rửa sạch, đem nấu lá cúc tần thành nước uống. Mỗi ngày uống thay nước lọc để tăng cường chức năng thận, hỗ trợ điều trị bí tiểu và các vấn đề về tiểu tiện.
5 Một số lưu ý khi sử dụng cây cúc tần
Tham khảo ý kiến chuyên gia y tế: Trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc nào từ cây cúc tần, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả, đặc biệt nếu bạn đang có các vấn đề sức khỏe hoặc đang dùng thuốc điều trị khác .
Trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc nào từ cây cúc tần, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả
Bảo quản đúng cách
- Cúc tần tươi: Nên bảo quản trong tủ lạnh để giữ được độ tươi và các dược tính.
- Cúc tần khô: Cần được thái nhỏ, sau đó phơi hoặc sấy khô, bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và ẩm mốc để duy trì chất lượng lâu dài.
Cẩn trọng với các đối tượng đặc biệt: Phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ nhỏ cần hết sức thận trọng khi sử dụng cây cúc tần. Việc tự ý sử dụng mà không có sự hướng dẫn từ chuyên gia y tế có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn.
Xem thêm:
- 6 tác dụng của hoa cúc chi với sức khỏe bạn nên biết
- Hoa Cúc tím (Echinacea) là gì? Công dụng và lưu ý khi sử dụng
- Kế sữa là gì? Có thể dùng kế sữa để phòng chống ung thư không?
Để sử dụng cúc tần một cách an toàn và đạt hiệu quả cao, người bệnh nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc Đông y hoặc chuyên gia y tế trước khi áp dụng. Điều này giúp đảm bảo liều lượng và phương pháp sử dụng phù hợp với từng tình trạng sức khỏe. Nếu thấy bài viết hữu ích thì hãy chia sẻ đến người thân và bạn bè cùng biết nhé!
Bạn đang xem bài viết Cây cúc tần có tác dụng gì? Công dụng và liều dùng cúc tần tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].