Bán hạ không chỉ nổi tiếng với công dụng trị ho mà còn giúp giảm viêm họng, mất ngủ, nhức răng... Cùng tìm hiểu về tác dụng, liều lượng và cách dùng bán hạ hiệu quả qua bài viết sau nhé!
1 Giới thiệu chung về cây bán hạ
Tên gọi khác: Củ chóc, Lá ba chìa, Chóc chuột, Bán hạ ba thùy.
Tên khoa học: Typhonium trilobatum (L.) Schott., thuộc họ Ráy (Araceae).
Đặc điểm thực vật học
Mô tả cây:
- Bán hạ nam là loại cây thân thảo, cao từ 20-30 cm. Thân rễ (củ) có hình cầu, với các khía ngang đặc trưng và nằm dưới mặt đất .
- Lá: Mọc từ củ, cuống dài pha màu đỏ tím nhạt, gốc loe rộng thành bẹ. Phiến lá xẻ 3 thùy, mép uốn lượn, đầu nhọn. Gân lá mặt dưới đôi khi có màu đỏ tím.
- Cụm hoa: Hoa mọc thành bông mo, ngắn hơn lá. Mo có ống hình trứng, bên ngoài màu lục nhạt pha đỏ tím, bên trong đỏ hồng. Hoa có mùi khó ngửi, trục hoa màu hồng, phần mang hoa đực và hoa cái có cấu trúc khác biệt rõ rệt.
- Thân rễ chế biến: Khi được chế biến, thân rễ già (vị thuốc Bán hạ nam) có dạng phiến khô, đường kính 0,5-3 cm, màu trắng ngà hoặc vàng nhạt, bề mặt cứng và chắc. Vị nhạt, gây tê lưỡi, ngứa nhẹ khi tiếp xúc.
Phân bố và sinh thái: Cây Bán hạ nam phân bố rộng rãi từ vùng đồng bằng đến trung du và miền núi ở nhiều nơi. Loài cây này thích nghi tốt với môi trường ẩm và đất giàu dinh dưỡng.
Bộ phận dùng: Thân rễ (Rhizoma Typhonii trilobati).
Cách thu hái, chế biến bán hạ
Thu hái và chế biến:
Thời điểm thu hoạch: Khi cây lụi tàn.
Cách thu hoạch và chế biến: Thân rễ được đào lên, rửa sạch, cắt bỏ rễ con. Sau đó, thân rễ được ủ trong 7-10 ngày để lớp vỏ ngoài mềm nát, tiếp theo chà xát để bóc hết vỏ ngoài. Thân rễ được hấp cách thủy đến khi chín đều (không còn phần nhân trắng đục), thái thành phiến dày 0,2-0,3 cm, rồi phơi hoặc sấy khô.
Phân loại: Củ to được gọi là Nam tinh, củ nhỏ gọi là Bán hạ.
Cách chế biến trước khi sử dụng: Trước khi dùng, thân rễ cần được xử lý để giảm tính độc bằng cách ngâm với nước vo gạo, nước vôi, phèn chua hoặc tẩm cam thảo.
Thành phần hóa học: Các nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng Bán hạ nam chứa các hợp chất như Alkaloid, Flavonoid và hợp chất Phenol. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu chi tiết về thành phần hóa học và dược tính của loài cây này.
Cây bán hạ có tên khoa học là Typhonium trilobatum (L.) Schott. thuộc họ Ráy (Araceae)
Cách phân biệt bán hạ Việt Nam và bán hạ Trung Quốc
Tiêu chí | Bán hạ Việt Nam | Bán hạ Trung Quốc |
Tên khoa học | Typhonium trilobatum (L.) Schott. (Araceae) | Pinellia ternata (Thunb.) Breit. (Araceae) |
Nguồn gốc | Phân bố tại Việt Nam, từ đồng bằng đến trung du và miền núi. | Trồng chủ yếu tại Trung Quốc, ở các tỉnh có khí hậu ôn đới. |
Thùy lá | Lá xẻ 3 thùy rõ ràng, mép lá uốn lượn, mặt dưới lá đôi khi có tím. | Lá hình tim hoặc mũi tên, thùy ít rõ, mỏng hơn, màu xanh tươi. |
Hình thái củ | Củ nhỏ, hình cầu hoặc gần cầu; phiến khô trắng đục, chắc, khô cứng. | Củ to, dài hơn; phiến khô vàng nhạt hoặc trắng sáng, mịn hơn. |
Thành phần hóa học | Chứa Alkaloid, Flavonoid, hợp chất Phenol. | Chứa nhiều Alkaloid (như Ephedrine), dược tính rõ rệt. |
2 Các tác dụng của bán hạ đối với sức khỏe
Giúp giảm ho
Theo Trung Hoa Y học Tạp chí (1954, 5: 325-330), một nghiên cứu đã đánh giá tác dụng giảm ho của cây Bán hạ nam trên mèo. Mèo được gây triệu chứng ho bằng cách sử dụng 1 ml cồn iod 1%, sau đó điều trị bằng nước sắc Bán hạ nam 20% .
Kết quả cho thấy liều 0,6 g Bán hạ nam/kg trọng lượng cơ thể có hiệu quả giảm ho rõ rệt. Ngoài ra, nghiên cứu của Linh Mộc Đạt (1931) tại Nhật Bản cũng chỉ ra rằng hoạt chất alkaloid và ancol trong cây Bán hạ có khả năng ức chế thần kinh trung khu và thần kinh ngoại biên, giúp làm dịu cơn ho.
Cây bán hạ có tác dụng hỗ trợ giảm ho
Chống nôn
Linh Mộc Đạt (1931) cũng ghi nhận rằng phytosterol trong Bán hạ có tác dụng chống buồn nôn. Nghiên cứu của Kinh Lợi Bàn (1935) trên chó cũng cho kết quả tương tự, chứng minh Bán hạ nam có khả năng giảm cảm giác buồn nôn. Tuy nhiên, việc sử dụng nước sắc từ Bán hạ nam sống lại có thể gây phản tác dụng, làm tăng triệu chứng nôn. Vì vậy, cần chế biến đúng cách trước khi sử dụng .
Phytosterol trong Bán hạ có tác dụng chống buồn nôn
Giảm đau
Chiết xuất lá Bán hạ nam (T. trilobatum) đã được thử nghiệm trên chuột bằng phương pháp gây quặn bụng bằng axit acetic. Theo Ahmed và cộng sự, liều chiết xuất 250 mg/kg và 500 mg/kg cho thấy hiệu quả giảm đau đáng kể so với nhóm đối chứng. Tỷ lệ ức chế cơn đau được tính dựa trên sự giảm số lần co quặn bụng so với nhóm không được điều trị .
Kháng viêm
Hoạt tính kháng viêm của Bán hạ nam được thử nghiệm qua mô hình gây phù tai bằng xylene trên chuột. Kết quả cho thấy chiết xuất ở liều 250 mg/kg và 500 mg/kg có khả năng giảm viêm rõ rệt, tương đương với thuốc Diclofenac sodium . Điều này khẳng định tiềm năng kháng viêm mạnh mẽ của loài dược liệu này.
Ngăn ngừa tiêu chảy
Nghiên cứu theo phương pháp của Jebunnessa và cộng sự đánh giá tác dụng chống tiêu chảy của chiết xuất Bán hạ nam trên chuột . Liều 250 mg/kg và 500 mg/kg chiết xuất lá thô giúp giảm đáng kể tình trạng tiêu chảy do dầu thầu dầu gây ra, đồng thời kéo dài thời gian tiềm tàng và giảm lượng phân lỏng.
Cây bán hạ hỗ trợ điều trị tiêu chảy
Làm lành vết thương
Nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất methanol và ethyl acetate của cây Bán hạ nam có hiệu quả làm lành vết thương vượt trội so với các loại chiết xuất khác . Các kết quả ghi nhận tốc độ co rút vết thương, thời gian biểu mô hóa và độ bền vết cắt đều được cải thiện đáng kể khi sử dụng chiết xuất từ cây Bán hạ nam.
Kháng ký sinh trùng
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất methanol từ củ khúc khắc có hoạt tính chống ký sinh trùng nổi bật so với các chiết xuất khác . Trong đó, hai hợp chất sinh học chủ đạo được tách ra từ chiết xuất này là axit linoleic và axit palmitic, với khả năng kháng ký sinh trùng đã được kiểm chứng trên B. malayi – một loài giun chỉ gây bệnh.
Cả chiết xuất methanol thô và các hợp chất riêng lẻ đều không gây tác động bất lợi nào đối với dòng tế bào đại thực bào J774.A.1, cho thấy tiềm năng an toàn để phát triển thành thuốc kháng ký sinh trùng.
Kết quả nghiên cứu khẳng định tiềm năng của củ khúc khắc như một nguồn dược liệu quý trong việc phát triển thuốc kháng ký sinh trùng mới, đặc biệt là với những loại ký sinh trùng kháng thuốc hiện nay.
Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng thuốc tẩy giun đúng cách an toàn và hiệu quả
3 Cách sử dụng bán hạ an toàn và hiệu quả
Bán hạ nam chứa các chất gây tê, ngứa vì vậy cần chế biến kỹ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn. Quy trình chế biến cụ thể :
Ngâm nước sạch:
Ngâm bán hạ nam trong nước sạch liên tục trong 15 ngày.
Hằng ngày thay nước và khuấy đảo để loại bỏ tạp chất.
Ngâm với hỗn dịch gừng, vôi và phèn chua:
Chuẩn bị hỗn dịch gồm gừng tươi giã nhỏ, vôi tôi và phèn chua dạng dung dịch.
Ngâm bán hạ nam vào hỗn dịch này trong 10 ngày, sau đó vớt ra, rửa sạch và để ráo nước.
Ngâm nước sạch lần hai: Tiếp tục ngâm bán hạ nam trong nước sạch thêm 7 ngày, thay nước hằng ngày.
Phơi khô và sao với trấu:
Sau khi hoàn tất ngâm, vớt ra, phơi khô.
Sao với trấu cho đến khi lớp ngoài của bán hạ nam chuyển sang màu vàng chanh.
Liều lượng: Mỗi ngày dùng từ 4 – 12g bán hạ nam, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh.
Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc tán hoặc thuốc hoàn, phối hợp với các vị thuốc khác để tăng hiệu quả.
Lưu ý khi sử dụng:
Không dùng cho người bị táo nhiệt: Tránh làm nặng thêm tình trạng khô nóng trong cơ thể.
Thận trọng với phụ nữ mang thai: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y học trước khi sử dụng.
Bán hạ nam chứa các chất gây tê, ngứa vì vậy cần chế biến kỹ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn
4 Một số bài thuốc có sử dụng bán hạ
Lưu ý rằng trước khi sử dụng bất kì loại thảo dược hoặc dược liệu nào để chữa bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế hoặc bác sĩ y học cổ truyền. Đồng thời, tìm hiểu về cách sử dụng các loại dược liệu và liều lượng cụ thể để tránh những tác dụng không mong muốn.
Bài thuốc trị chóng mặt do nấc cụt, phong đàm, gương mặt xanh xao và mạch huyền
Thành phần: Bán hạ sống, hàn thủy mạch nướng, thiên nam tinh sống, mỗi vị 40g .
Cách làm:
Tán nhuyễn các nguyên liệu thành bột mịn, trộn với nước để tạo hỗn hợp sệt.
Đun hỗn hợp đến khi thuốc nổi lên mặt nước, giã nát và vo thành viên nhỏ cỡ hạt ngô.
Cách dùng: Uống 50 viên mỗi lần, kết hợp với nước gừng để tăng hiệu quả.
Bài thuốc trị bệnh hen suyễn lâu ngày, ho và khó thở
Cách 1:
Thành phần: Bán hạ nam, hạnh nhân, tô tử (mỗi vị 8g), bạch linh, trần bì, cam thảo (mỗi vị 10g) .
Cách dùng: Sắc uống hằng ngày.
Cách 2:
Thành phần: Bán hạ nam (12g), ma hoàng (8g, bỏ rễ), mật ong, bồ kết sao vàng.
Cách làm: Nghiền mịn tất cả nguyên liệu, bảo quản trong lọ thủy tinh.
Cách dùng: Uống 2-3 lần/ngày, mỗi lần 2-3g bột thuốc pha với nước ấm, duy trì đến khi thuyên giảm.
Bài thuốc trị ho có nhiều đờm, nôn mửa, thượng bị trướng tức
Thành phần: Bán hạ nam (250g, chế), cam thảo (75g), bạch phục linh (250g), trần bì (250g).
Cách làm: Nghiền mịn các nguyên liệu, trộn với sinh khương.
Cách dùng: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 9-15g.
Bài thuốc trị ho có đờm, sốt kèm theo ho, khó thở và miệng khát
Thành phần: Bán hạ nam (6g, chế), đình lịch (8g), ma hoàng (8g), tô tử (8g), hạnh nhân (10g), xạ can (10g), đại táo (12g), sinh khương (4g), thạch cao (20g) .
Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày đến khi hết triệu chứng.
Bài thuốc chữa chữa rắn cắn, ong đốt
Ong đốt: Gọt vỏ củ bán hạ nam, giã nát và đắp trực tiếp lên vết đốt .
Rắn cắn: Sau khi loại bỏ chất độc, đắp bán hạ nam giã nát lên vết thương. Lưu ý: Luôn theo dõi và đến cơ sở y tế nếu cần thiết.
Bài thuốc trị nhức đầu
Thành phần: Bán hạ (280g), đinh hương (4g).
Cách làm:
Trộn đều hai vị thuốc với nước tạo hỗn hợp dẻo, bọc bằng giấy bạc và nướng chín.
Trộn hỗn hợp đã nướng với nước gừng, vo viên cỡ hạt mè.
Cách dùng: Uống 25-30 viên/lần, kèm với trần bì.
Bài thuốc trị chán ăn, hồi hộp, nôn ọe
Thành phần: Bán hạ (0,5kg), gừng tươi (0,5kg), phục linh (120g).
Cách dùng: Sắc với nước, chia làm 3 lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn nóng.
Bài thuốc trị cứng lưỡi, sưng lưỡi
Thành phần: 20 củ bán hạ.
Cách làm: Nấu chín, cắt lát, sao vàng với rượu hoặc mật ong.
Cách dùng: Ngậm khi còn nóng, thay mới khi nguội.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị cứng lưỡi, sưng lưỡi
Bài thuốc trị nôn khi có thai
Thành phần: Bán hạ (80g), can khương (40g), nhân sâm (40g).
Cách làm: Tán mịn hỗn hợp, trộn với nước gừng và bột miến, vo viên cỡ hạt ngô đồng.
Cách dùng: Uống 10 viên/lần.
Bài thuốc trị nôn, tiêu chảy ở trẻ em
Thành phần: Bán hạ (4g, ngâm nước 7-10 lần), gừng sống (10 lát), trần hương mễ (4g).
Cách dùng: Sắc lấy nước nóng cho trẻ uống.
5 Một số lưu ý khi dùng bán hạ
Chế biến đúng cách
Tương kỵ trong sử dụng bán hạ: Bán hạ phản ô đầu, nghĩa là không được dùng chung với ô đầu trong bất kỳ bài thuốc nào, để tránh phản ứng bất lợi.
Phương pháp chế biến để giảm độc tính của bán hạ
Để bán hạ phát huy hiệu quả và giảm độc tính:
- Ngâm nước nóng: Dược liệu cần được ngâm trong nước nóng ít nhất nửa ngày để loại bỏ chất gây nhớt và giảm độc. Nếu không chế biến đúng cách, bán hạ có thể gây kích ứng cổ họng, dẫn đến ngứa hoặc khó chịu.
- Kết hợp với sinh khương (gừng tươi): Các danh y Đông y thường phối hợp bán hạ với sinh khương, bởi gừng có khả năng khử độc của bán hạ giúp làm giảm tính kích ứng và tăng hiệu quả điều trị.
Gợi ý khi sử dụng bán hạ trong các bài thuốc Đông y: Bán hạ là vị thuốc quý trong Đông y, nhưng việc sử dụng cần đảm bảo đúng liều lượng, cách chế biến và phối hợp với các dược liệu khác. Người dùng nên tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Dược liệu cần được ngâm trong nước nóng ít nhất nửa ngày để loại bỏ chất gây nhớt và giảm độc
Độc tính của bán hạ
Cây thuộc họ Araceae, trong đó có bán hạ là những loại thực vật chứa độc tính đặc trưng, tuy chưa được nghiên cứu sâu rộng nhưng đã được ghi nhận qua các trường hợp lâm sàng. Các loài Dieffenbachia và T. trilobatum trong họ này có các hợp chất hóa học như :
- Saponin, glycosid sinh xian.
- Hợp chất phenolic, flavonoid.
- Tinh thể oxalat canxi không hòa tan (raphide).
Cơ chế gây độc
Cấu trúc hóa học đặc biệt: Củ của họ Araceae chứa các tế bào chuyên biệt (idioblast) với các tinh thể oxalat canxi dạng kim. Khi nhai củ, các tinh thể này vỡ ra cùng với enzyme phân giải protein, gây tổn thương nghiêm trọng niêm mạc miệng, họng, và đường tiêu hóa.
Tác động cấp tính: Trong vài phút sau khi nuốt, người bệnh có thể gặp:
- Cảm giác rát bỏng ở miệng.
- Phù nề họng, khó nuốt.
- Loét, tăng tiết nước bọt, mất tiếng.
Trong trường hợp nặng, phù nề họng tiến triển có thể gây tắc nghẽn đường thở.
Oxalat canxi và nguy cơ hạ calci huyết:
- Tinh thể oxalat canxi có thể liên kết với canxi trong máu, dẫn đến nguy cơ hạ calci huyết.
- Một lượng lớn oxalat có thể lắng đọng trong tim, phổi, gan và thận gây tổn thương các cơ quan này.
Khử độc đường tiêu hóa:
- Sử dụng than hoạt tính hoặc các biện pháp tương tự thường không hiệu quả.
- Việc theo dõi và giữ thông đường thở là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong trường hợp phù nề hoặc tắc nghẽn đường hô hấp trên.
- Phù nề niêm mạc: Xông khí dung adrenaline đã cho thấy hiệu quả nhanh chóng trong giảm phù nề niêm mạc. Antihistamin không mang lại lợi ích đáng kể trong trường hợp này.
Nôn mửa và mất nước:
- Hồi sức dịch và sử dụng thuốc chống nôn nếu cần.
- Uống nhiều nước để thúc đẩy bài tiết oxalat canxi qua thận.
Xét nghiệm và can thiệp y tế:
- Theo dõi điện giải máu, đặc biệt là canxi, chức năng thận và số lượng tế bào máu.
- Trong trường hợp hạ calci huyết có triệu chứng, tiêm tĩnh mạch cacbonat canxi là biện pháp cần thiết.
- Nếu thận bị tổn thương, bệnh nhân có thể cần chạy thận nhân tạo.
Ai không nên dùng bán hạ?
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: Sử dụng bán hạ có thể gây ra tình trạng táo nhiệt. Vì vậy, phụ nữ trong giai đoạn này nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y học cổ truyền trước khi sử dụng.
Người âm hư, ho khan hoặc khạc ra máu: Bán hạ có tính cay nóng mạnh, dễ gây kích ứng với các trường hợp âm hư, ho táo, miệng khát, tổn thương tân dịch, huyết chứng hoặc đàm nhiệt. Những đối tượng này cần kiêng dùng hoặc sử dụng rất thận trọng dưới sự giám sát của chuyên gia.
Xem thêm:
- Kỷ tử là gì? Khám phá 7 tác dụng của kỷ tử trong y học, làm đẹp
- Đỗ trọng có tác dụng gì? Công dụng và liều dùng đỗ trọng
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bán hạ — từ công dụng, liều dùng đến cách sử dụng an toàn. Đừng quên tham khảo ý kiến chuyên gia nếu có ý định sử dụng dược liệu này để đảm bảo hiệu quả và tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Nếu thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ đến người thân và bạn bè cùng biết nhé!
Bạn đang xem bài viết Cây bán hạ: Tác dụng, cách dùng, bài thuốc trị bệnh tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].