Cao Bằng từng bước kiềm chế sự gia tăng người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn

Với các biện pháp cụ thể, quyết liệt, tích cực, những năm gần đây Cao Bằng đã từng bước kiềm chế sự gia tăng người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ nhiễm HIV tăng chậm.

  Tại tỉnh Cao Bằng, công tác giám sát phát hiện HIV/AIDS được thực hiện tại 10/10 huyện, thành phố. Hằng năm, toàn tỉnh thực hiện 6.000 - 8.000 mẫu xét nghiệm HIV (Ảnh minh họa). 

Tại tỉnh Cao Bằng, công tác giám sát phát hiện HIV/AIDS được thực hiện tại 10/10 huyện, thành phố. Hằng năm, toàn tỉnh thực hiện 6.000 - 8.000 mẫu xét nghiệm HIV (Ảnh minh họa). 

Theo các số liệu thống kê, trường hợp đầu tiên nhiễm HIV được phát hiện tại tỉnh Cao Bằng là vào năm 1997. Đến nay 10/10 huyện, thành phố và 121/161 xã, phường, thị trấn đã có người nhiễm HIV (75,1% số xã). Đến nay, toàn tỉnh có 2.464 người nhiễm HIV, trong đó, 1.671 người chuyển sang AIDS tại 123/161 xã, phường, thị trấn; 1.331 người nhiễm HIV/AIDS tử vong, số người HIV/AIDS còn sống là 1.133 người. Trong giai đoạn năm 2018 - 2020, mỗi năm phát hiện trung bình khoảng 50 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm từ 30% - 40% so với các năm của giai đoạn 2010 - 2015. 

Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 50 trường hợp nhiễm HIV mới, không có trường hợp mới chuyển sang giai đoạn AIDS (bằng với cùng kỳ năm 2020), có 13 trường hợp HIV/AIDS tử vong (giảm 14 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020). Có 654 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ARV tại 14 cơ sở trên địa bàn tỉnh, trong đó, 9 bệnh nhân trẻ em, 260 bệnh nhân tham gia điều trị ARV được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế từ nguồn vốn địa phương.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền Cao Bằng đã xác định rõ phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Hằng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo tổ chức tốt các chiến dịch truyền thông nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12); lồng ghép triển khai chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong các hoạt động chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình. Các lĩnh vực y tế, an ninh trật tự, hoạt động xã hội... liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS cũng được quan tâm đặc biệt.

Trung bình, mỗi năm ngành Y tế Cao Bằng tư vấn xét nghiệm từ 3.200 - 3.500 người, 100% trường hợp dương tính được chuyển đến các phòng tư vấn xét nghiệm HIV và tiếp cận điều trị ARV; cấp phát trên 40.000 chiếc bơm kim tiêm sạch và trên 20.000 chiếc bao cao su.

Công tác truyền thông tiến tới thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông trực tiếp, tư vấn, cung cấp kiến thức phòng chống HIV/AIDS được tổ chức được trên 1.000 buổi với hơn 400.000 lượt người tham dự; phát sóng hơn 100 phóng sự, chuyên mục về phòng, chống HIV/AIDS trên truyền hình.

Công an tỉnh phối hợp với các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; thực hiện tốt khảo sát các đối tượng ma túy, mại dâm và có các biện pháp quản lý và giáo dục cảm hóa.

Công tác giám sát phát hiện HIV/AIDS được thực hiện tại 10/10 huyện, thành phố thông qua hệ thống báo cáo về người nhiễm HIV, bệnh nhân chuyển AIDS, bệnh nhân tử vong mới phát hiện hằng tháng và báo cáo kết quả xét nghiệm phát hiện HIV. 

Các chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được đẩy mạnh. Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được mở rộng ra tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đến nay, số bệnh nhân đang điều trị là 1.301 người tại 12 cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã mang lại những hiệu quả nhất định về mặt kinh tế, cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Nguồn lực đảm bảo tài chính của tỉnh trực tiếp hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm cho người nhiễm HIV để duy trì điều trị thuốc ARV liên tục và suốt đời. Hiện, tổng số bệnh nhân đang được điều trị ARV toàn tỉnh là 615 người, trong đó có 96% bệnh nhân được điều trị thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế.

Việc triển khai rộng khắp, đa dạng các biện pháp trên địa bàn tỉnh đã góp phần từng bước kiềm chế sự gia tăng người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ nhiễm HIV tăng chậm. Từ năm 2015 đến nay, số trường hợp nhiễm HIV mới và tử vong do giảm 50% so với trong giai đoạn 2010 - 2015. Để đạt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, tỉnh định hướng tiếp tục công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng phạm vi triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV đối với nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV...

Từ năm 2021, công tác điều trị cho người nhiễm HIV từ nguồn bảo hiểm y tế sẽ triển khai tại 100% huyện, Thành phố trên địa bàn.

Ngày 12/11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ký ban hành Kế hoạch số 3118/KH-UBND về tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cao Bằng năm 2021 (từ ngày 10/11 - 10/12).

Mục tiêu của kế hoạch nhằm tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; giảm số người nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS; giảm tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 và tiến tới chấm dứt dịch AIDS tại Cao Bằng vào năm 2030.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 có chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.

Lan Hạ

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính