Cà Mau đẩy mạnh công tác phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống HIV/AIDS.

  Cà Mau đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thực người dân trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Ảnh minh họa

Cà Mau đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thực người dân trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Ảnh minh họa

Thời gian qua, các cấp, các ngành địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS như: Đẩy mạnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Từ năm 2019, tại Cà Mau đã triển khai mô hình thí điểm “Phòng ngừa tệ nạn mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm” tại địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Sau hơn 1 năm thí điểm, mô hình cho thấy đã phát huy hiệu quả tích cực. Tham gia mô hình, các chị em phụ nữ được vận động khám sức khỏe định kỳ, tư vấn giới thiệu việc làm tại các xí nghiệp thủy sản trên địa bàn thị trấn. Ban chủ nhiệm mô hình vận động các thành viên tham gia góp vốn tương trợ xoay vòng, hỗ trợ cho 07 chị em có hoàn cảnh khó khăn, sử dụng nguồn vốn làm kinh tế như: chăn nuôi, mua bán nhỏ, mua dụng cụ làm móng, uốn tóc…. nâng cao thu nhập. 

Cà Mau cũng nhân rộng các mô hình phòng ngừa tệ nạn mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống ma túy, HIV/AIDS. Tổ chức các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động tệ nạn xã hội như massage, karaoke… Từ đó, góp phần làm dừng, làm giảm tệ nạn ma túy, mại dâm trong cộng đồng.

Luỹ tích đến nay, Cà Mau có hơn 3.633 người nhiễm HIV/AIDS, trung bình mỗi năm tỉnh phát hiện trên 300 ca nhiễm mới, trong đó có khoảng 80% người nhiễm được tiếp cận với các dịch vụ điều trị; 100% xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS. Bệnh nhân điều trị ARV lũy tích là 2.020 trường hợp, tử vong 595 trường hợp và 3.038 người nhiễm còn sống quản lý trên phần mềm HIV INFO 3.1. Bệnh nhân điều trị ARV từ đầu vụ dịch đến nay là  2.020 người. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, có 186 người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện mới, có 136 bệnh nhân được điều trị ARV. Hiện nay, đã có 9/9 huyện, thành phố và 100% số xã, phường và thị trấn trong toàn tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS.

Tình hình nhiễm HIV/AIDS tại Cà Mau có chiều hướng tăng do năm đầu triển khai tìm ca nhiễm mới. Hình thái lây nhiễm HIV có chiều hướng lây nhiễm trong nhóm đối tượng nam có quan hệ tình dục đồng giới và có xu hướng trẻ hóa ở lứa tuổi thanh thiếu niên, có những người nhiễm khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học phổ thông.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, bên cạnh can thiệp dự phòng, ngành y tế triển khai nhiều giải pháp để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị.

Năm 2021, dịch Covid-19 đã gây gián đoạn các hoạt động dự phòng như công tác tuyên truyền và xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Do đó, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, người nhiễm HIV/AIDS khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị.

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Cà Mau, địa phương đã đã triển khai 4 cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại: Trung tâm Y tế huyện Thới Bình, Trung tâm Y tế huyện Đầm Dơi, Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời và Bệnh viện đa khoa Năm Căn. Hiện tại, có hơn 200 đối tượng điều trị nơi cư trú được thực hiện bằng thuốc Methadone.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau việc gián đoạn điều trị làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ lệ tuân thủ điều trị. Khi tuân thủ điều trị, tải lượng vi rút HIV/AIDS của một người giảm xuống mức không thể phát hiện được, giữ cho người đó khỏe mạnh và ngăn ngừa việc lây truyền vi rút về sau. Khi một người không thể điều trị thường xuyên, tải lượng vi rút sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến sức khỏe của người đó. Ngay cả những gián đoạn điều trị ngắn hạn cũng có thể tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe và khả năng lây truyền HIV/AIDS của một người. Chính vì vậy việc điều trị liên tục không được ngắt quãng là yêu cầu quan trọng.

Phòng khám và điều trị ngoại trú HIV/AIDS, Bệnh viện Ða khoa TP Cà Mau hiện đang quản lý và điều trị cho gần 900 bệnh nhân trong tỉnh, hơn 100 bệnh nhân lưu trú từ các tỉnh khác. Trong tình hình dịch Covid-19, phòng khám đã linh hoạt triển khai các biện pháp để bệnh nhân được điều trị liên tục.

Theo dự báo, tình hình dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, vì vậy song song với công tác phòng, chống Covid-19, các địa phương cần tăng cường kiện toàn các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đẩy mạnh tuyên truyền để những đối tượng có nguy cơ cao được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng và điều trị hiệu quả, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Năm Bình

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính