Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể rối loạn chuyển hóa, đường huyết (glucose) tăng cao. Hãy cùng nhau tìm hiểu vài thông tin xoay quanh căn bệnh này để giải đáp cho thắc mắc rằng bệnh tiểu đường có lây hoặc di truyền hay không nhé!
1 Bệnh tiểu đường là gì? Cơ chế của bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là bệnh lý ảnh hưởng lâu dài đến cách cơ thể sử dụng năng lượng phục vụ cho hoạt động thường ngày.
Cơ thể của người bệnh tiểu đường sẽ không tạo ra đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách bình thường. Điều này làm lượng đường trong máu tăng cao và lâu dần có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim mạch, vấn đề thị lực và bệnh thận.
Cơ chế gây bệnh tiểu đường type 1
Đái tháo đường tuýp 1 có do phản ứng tự miễn dịch của cơ thể, cũng như liên quan với các yếu tố khác như sinh non, nhẹ cân, mẹ tiền sản giật nặng .
Tỉ lệ mắc tiểu đường type một thay đổi tùy khu vực, người Đông Á có tỉ lệ mắc rất thấp so với những chủng tộc khác. Sự thiếu hụt insulin gây tăng lượng đường trong máu lên do insulin không được đưa vào tế bào để sử dụng.
Bệnh thường tiến triển nhanh và hay gặp ở người trẻ tuổi như trẻ em, thanh thiếu niên, thanh niên. Cách điều trị duy nhất của tiểu đường tuýp 1 là dùng insulin mỗi ngày.
Đái tháo đường tuýp 1 có cơ chế là do phản ứng tự miễn dịch của cơ thể
Cơ chế gây bệnh tiểu đường type 2
Đái tháo đường tuýp 2 kết hợp nhiều cơ chế, cơ thể kháng lại insulin, tuyến tụy tiết không đủ insulin,... Có hơn 90 - 95% bệnh nhân đái tháo đường thuộc tuýp 2. Ở bệnh đái tháo đường tuýp 2, cơ thể không thể sử dụng insulin một cách bình thường và làm tăng lượng đường trong máu.
Có khoảng 90 - 95% bệnh nhân đái tháo đường thuộc tuýp 2
2 Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường
Một số nguy cơ được cho là làm tăng nguy cơ gây bệnh đái tháo đường bao gồm:
- Tiền căn gia đình trực hệ 1 thế hệ mắc đái tháo đường.
- Lối sống ít vận động - thừa cân.
- Tăng huyết áp.
- Rối loạn lipid máu.
- Tiền căn bệnh lý tim mạch.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (nữ).
- Tiền sử gia đình: Có cha mẹ, anh chị em mắc bệnh tiểu đường.
- Tuổi tác: Đái tháo đường type 1 thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc thanh niên.Đái tháo đường type 2 thường gặp ở người lớn tuổi.
- Người có chế độ ăn nhiều đường.
- Người thường xuyên hút, uống rượu bia.
Tiền căn gia đình làm tăng nguy cơ tiểu đường
3 Bệnh tiểu đường có lây không?
Bệnh đái tháo đường đang là một căn bệnh dần trở nên phổ biến và trẻ hóa trong cộng đồng nhưng tiểu đường không lây qua các đường bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn có người thân bị tiểu đường thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ gia tăng đáng kể. Điều này có thể được chia thành hai nguyên nhân như sau:
Yếu tố nguy cơ di truyền
Nhiều trường hợp mang một số kiểu gen đột biến nhất định ví dụ như SLC30A8, TCF7L2, ADCY5, HNF1A, HNF1B, MTNR1B. Nhóm người mang kiểu gen này có thể xuất hiện tình trạng rối loạn tế bào beta tụy sớm. Và con cháu của họ được di truyền kiểu gen này cũng vậy.
Theo nghiên cứu mối liên quan giữa gen TCF7L2 và tiền đái tháo đường ở những người phụ nữ trung niên cho thấy gen này ảnh hưởng đến nguy cơ tăng đường huyết vì gen TCF7L2 ngăn chặn sự sống của tế bào beta tụy - tế bào đảm nhận vai trò tiết insulin và làm tăng nguy cơ tiền đái tháo đường lên 1.87 lần người bình thường.
Yếu tố nguy cơ ngoại lai làm đề kháng insulin
Béo phì, sinh non nhẹ cân - đặc biệt là những trẻ sinh non nhẹ cân và đến tuổi trưởng thành thì thừa cân, là những người có tỷ lệ đề kháng insulin rất cao. Trẻ sinh nặng hơn 4 kg cũng là nguy cơ đề kháng insulin sau này cao hơn.
Tình trạng thừa cân hoặc quá nhẹ cân tăng sự rối loạn tổng hợp insulin của tuyến tụy và dần dài kéo theo giảm cả khả năng chuyển hóa glucose của cơ thể. Vì vậy người béo phì sẽ có nguy cơ dư thừa lượng đường huyết và mắc bệnh tiểu đường hơn.
Tiểu đường không lây lan mặc dù bạn có thể thấy vài thành viên cùng một gia đình đều mắc bệnh này. Ngoài yếu tố di truyền ra thì lối sống của gia đình đó cũng là nguy cơ hàng đầu làm tăng khả năng mắc bệnh. Nếu các thành viên đều thường xuyên ăn chung thực đơn chứa nhiều chất béo, ít vận động dẫn đến béo phì thì họ đều có thể bị tiểu đường như nhau.
Tiểu đường do yếu tố nguy cơ ngoại lai làm đề kháng insulin
4 Ba mẹ bị tiểu đường thì con có bị tiểu đường không?
Người có ba hoặc mẹ mắc tiểu đường, sẽ tăng nguy cơ mắc gấp 2-3 lần so với người bình thường. Nguy cơ sẽ gấp 5-6 lần ở người con nếu ba và mẹ đều mắc tiểu đường.
Bên cạnh yếu tố di truyền, việc ba mẹ mắc đái tháo đường và con cái họ còn có thêm những thói quen xấu như ăn nhiều chất béo hay lối sống ít vận động thì nguy cơ mắc bệnh là rất cao.
Ba mẹ bệnh tiểu đường có nguy cơ di truyền cho con
5 Bệnh tiểu đường có lây qua đường quan hệ tình dục không?
Bệnh tiểu đường không lây nhiễm qua đường tình dục. Bệnh lây qua đường tình dục thường là các bệnh do lây nhiễm từ vi khuẩn, vi khuẩn hay nấm khi quan hệ tình dục. Còn cơ chế của bệnh tiểu đường là do rối loạn chuyển hóa gây ra.
Vậy ví dụ nếu như vợ và chồng đều mắc tiểu đường thì có thể là do cùng chế độ ăn không lành mạnh trong thời gian dài chứ không phải do quan hệ tình dục.
Bệnh tiểu đường không lây nhiễm qua đường tình dục
6 Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường
Hạn chế các loại đồ ăn nhiều đường trong thực đơn
Bệnh tiểu đường type 1 không liên quan đến lối sống và chế độ ăn uống của bạn. Người bệnh chỉ cắt giảm đường để phòng tránh bệnh tiểu đường type 2.
Bạn chỉ nên giảm đường để có chế độ ăn lành mạnh chứ không phải không sử dụng đường. Đặc biệt nên cắt giảm tối đa các chất làm ngọt nhân tạo, bánh kẹo - thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn
Lượng "đường" nên được hiểu là lượng carbohydrate ăn vào, nghĩa là ngoài việc kiêng ăn ngọt thì bệnh nhân cũng nên hạn chế những thực phẩm giàu tinh bột, hai điều này quan trọng như nhau.
Bạn nên hạn chế các loại đồ ăn nhiều đường trong thực đơn
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn DASH là chế độ ăn lành mạnh được thiết kế với mục đích hỗ trợ điều trị tăng huyết áp hoặc phòng ngừa tăng huyết áp đang được khuyến cáo hiện nay. DASH bao gồm:
- Giảm lượng muối nhập vào.
- Giảm lượng chất béo bão hòa.
- Bổ sung protein từ thịt trắng (gia cầm, cá, ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau,...)
- Bổ sung kali, magie, canxi, chất xơ, rau, củ, quả và chất béo chưa bão hòa.
Chế độ ăn DASH là chế độ ăn lành mạnh cho người bệnh tiểu đường
Vận động thường xuyên
Bên cạnh ăn uống hợp lý, người bệnh nên vận động thường xuyên ít nhất 150 phút mỗi tuần (ít nhất 20 đến 25 phút hoạt động mỗi ngày) với cường độ vừa phải. Lúc tập thể dục, bạn nên tập trung vào các nhóm cơ chính (chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai và cánh tay).
Mục đích của vận động thường xuyên là để giữ cân nặng chuẩn và giúp cơ thể nhạy cảm với insulin hơn, từ đó chuyển hóa glucose tốt hơn.
Ví dụ về các hoạt động thể chất cường độ vừa phải bạn có thể thực hiện bao gồm:
- Đi bộ nhanh, chạy bộ marathon cự ly ngắn.
- Tập nhảy, múa, aerobic.
- Bơi lội.
- Đi xe đạp.
- Chơi các bộ môn thể thao.
Người bệnh nên vận động thường xuyên ít nhất 150 phút mỗi tuần
Kiểm soát lượng đường trong máu
Việc kiểm soát lượng đường trong máu thông qua các chế độ ăn kiêng tạm thời như chế độ ăn nhạt hay chế độ ăn keto có thể giúp giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu cho thấy các chế độ ăn trên sẽ mang lại lợi ích lâu dài trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Bạn nên kiên trì làm theo chế độ ăn và tập luyện lâu dài để duy trì cân nặng khỏe mạnh song song với việc kiểm soát đường huyết của cơ thể. Nhờ vậy, cơ thể chúng ta mới có thể ngăn ngừa được tình trạng đái tháo đường hiệu quả.
Bạn nên kiểm soát lượng đường để ngăn ngừa nguy cơ mắc tiểu đường
Kiểm soát cân nặng
Giảm cân có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Người thừa cân sau khi đưa trọng lượng cơ thể về chuẩn thì đã giảm gần 60% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau khi giảm khoảng 7% cân nặng bằng việc tập thể dục và chế độ ăn uống.
Lưu ý: Ngày nay có thị trường có nhiều loại máy phân tích khối cơ, mỡ, xương. Nhưng bạn chỉ nên kiểm soát, duy trì cân nặng thông qua việc tham khảo chỉ số BMI, tránh giảm cân quá nhanh (>10% cân nặng trong 4-6 tháng).
Giữ cân nặng chuẩn (BMI ~ 22kg/m2) giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Một số biện pháp khác
Bạn nên đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để được kiểm tra chỉ số đường huyết, huyết áp, mỡ máu trong cơ thể.
- Đo đường huyết tại nhà bằng máy đo, que thử đường huyết tại nhà.
- Đo huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà.
- Ngưng hút thuốc, uống rượu bia.
Xem thêm:
- Tiểu đường (đái tháo đường): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị.
- Bệnh tiểu đường nên ăn gì? 18 loại thực phẩm giúp bạn khỏe mạnh hơn.
- Chế độ dinh dưỡng và luyện tập cho người bệnh tiểu đường.
Hi vọng thông qua bài viết này chúng ta đã giải đáp được thắc mắc rằng bệnh tiểu đường có lây không cũng như các cách phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả. Nếu thấy bài viết này bổ ích hãy chia sẻ đến người thân và bạn bè nhé!
Bạn đang xem bài viết Bệnh tiểu đường có lây không? Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].