Hắc lào - một bệnh da liễu do nhiễm vi nấm gây ra cảm giác ngứa ngáy và vô cùng khó chịu cho người bệnh. Vậy bệnh hắc lào có nguyên nhân là gì, có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về căn bệnh này nhé!
1 Bệnh hắc lào là gì?
Hắc lào (ringworm, hay nấm da, lác đồng tiền) là một bệnh da liễu do vi nấm thuộc nhóm Dermatophytes gây nên.
Biểu hiện ban đầu của bệnh là vùng da tổn thương có hình tròn như đồng tiền hoặc bầu dục với đường viền đỏ rõ ràng. Vùng da bị bệnh có màu đỏ hồng hoặc rám nắng, các nốt ban nổi rõ, trên bề mặt xuất hiện các mụn nước, tập trung ở các mép của ban. Kèm theo đó là triệu chứng ngứa da, nhất là khi ra mồ hôi.
Hắc lào là bệnh da liễu không nguy hiểm hay ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh ảnh hưởng đến tinh thần, gây ra cho người bệnh cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và nhiều bất tiện trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Nếu không được điều trị, bệnh có thể để lại các vết thâm, sẹo trên da gây mất thẩm mỹ, lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, làm tăng mức độ tổn thương da hoặc chàm hóa. Vùng da bị hắc lào có thể nổi mụn mủ vàng, mụn nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập nếu người bệnh gãi, và tổn thương vùng da đang nhiễm nấm.
Tuy không gây nguy hiểm nhưng khả năng lây lan của bệnh hắc lào là điều đáng lo ngại. Bệnh không chỉ có khả năng lây lan ra các vùng da trên các bộ phận khác mà còn lây cho cả những người sống chung, tiếp xúc cơ thể hoặc trực tiếp hoặc dùng chung quần áo, vật dụng cá nhân với người bệnh.
Hắc lào (ringworm) là một bệnh da liễu do vi nấm thuộc nhóm Dermatophytes gây nên
2 Nguyên nhân gây ra bệnh hắc lào
Theo thống kê, có khoảng 40 loài nấm khác nhau có thể gây ra bệnh hắc lào. Mỗi loài nấm sẽ gây bệnh ở các vùng nhất định:
- Trichophyton: Gây bệnh nấm trên da, tóc, móng.
- Microsporum: Gây bệnh nấm ở da và móng.
- Epidermophyton: Gây bệnh nấm ở da và tóc.
Những loại nấm này có thể sống trên da của bạn và các loại bề mặt khác, đặc biệt là những vùng nóng, ẩm ướt. Chúng cũng có thể sống một thời gian dài dưới dạng bào tử trong đất.
Nguyên nhân gây bệnh hắc lào chủ yếu đến từ thói quen vệ sinh cá nhân chưa sạch sẽ, nguồn nước bị nhiễm bẩn, môi trường sống không đảm bảo vệ sinh,... khiến vi nấm dễ phát triển và gây bệnh hắc lào trên da. Các nguyên nhân gây bệnh hắc lào cụ thể như sau:
- Thói quen vệ sinh thân thể kém, chưa sạch sẽ, ít tắm gội, cơ thể đổ nhiều mồ hôi khiến cho vi nấm dễ sinh sôi phát triển và gây bệnh trên da.
- Mặc quần áo bị ẩm, ướt tạo điều kiện cho vi nấm phát triển thuận lợi và gây bệnh.
- Tắm gội ở những nơi có nguồn nước bị nhiễm bẩn khiến cho vi nấm dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
- Do lây nhiễm từ người đã mắc bệnh hắc lào, bao gồm: Mặc chung quần áo với người bệnh bị nhiễm hắc lào hoặc đang bị các bệnh nhiễm nấm trên da; Bơi hoặc tắm chung với người bị nhiễm hắc lào.
- Quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc trực tiếp lên vùng da bị hắc lào của người bệnh.
Nấm có thể lây nhiễm sang người theo các cách sau:
- Con người với con người: Bạn có thể bị nhiễm nấm nếu tiếp xúc hoặc dùng chung đồ cá nhân với người bị hắc lào.
- Động vật với con người: Bạn có thể bị hắc lào sau khi chạm vào động vật bị nhiễm bệnh hoặc thậm chí là những vật dụng mà động vật đó đã tiếp xúc. Mèo và chó là những nguồn lây phổ biến, nhưng các động vật khác, chẳng hạn như gia súc, gia cầm, cũng có thể lây lan nấm.
- Vật dụng với con người: Bạn có thể bị nhiễm trùng nếu tiếp xúc với đồ vật hoặc bề mặt có chứa nấm, chẳng hạn như điện thoại hoặc sàn nhà tắm công cộng.
- Đất với con người: Con người và động vật có thể bị hắc lào sau khi tiếp xúc trực tiếp với đất mang vi nấm.
Bệnh hắc lào có thể lây từ động vật sang con người
3 Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh hắc lào
Hắc lào là một bệnh ngoài da rất phổ biến hiện nay. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh hắc lào, đặc biệt là người dân sống ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiều. Các đối tượng sau có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Sống trong môi trường nóng hoặc khí hậu ẩm ướt.
- Tham gia các môn thể thao có va chạm và tiếp xúc với đối phương, như đấu vật hoặc bóng đá.
- Sử dụng phòng tắm công cộng hoặc phòng thay đồ chung.
- Tiếp xúc gần gũi với động vật.
- Mang giày hoặc quần áo chật, làm trầy da.
- Mắc bệnh tiểu đường.
- Bị béo phì hoặc thừa cân.
- Tiết mồ hôi quá nhiều.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh tật kéo dài, suy dinh dưỡng hoặc đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch.
Thừa cân hoặc béo phì là một trong những tác nhân làm gia tăng nguy cơ bị hắc lào
4 Các vị trí thường bị nấm hắc lào và dấu hiệu của bệnh hắc lào
Các triệu chứng chung và dễ nhận biết nhất bao gồm:
Ngứa ngáy, phát ban hình nhẫn, da đỏ, có vảy, nứt nẻ, rụng lông, tóc. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 4 - 14 ngày sau khi da tiếp xúc với vi nấm gây bệnh hắc lào.
Biểu hiện cụ thể của bệnh hắc lào để phân biệt với các bệnh da liễu khác là:
- Bệnh thường xuất hiện ở các kẽ da có nếp gấp lớn như nếp lằn mông, vùng thắt lưng quanh bụng, hai bên bẹn,... và cả những vùng kín.
- Tổn thương ban đầu dưới dạng các đám nhỏ tròn như hình đồng xu, hoặc hình bầu dục, ranh giới rõ sau đó lan dần các đám liên kết với nhau tạo thành mảng lớn hình đa cung nổi nhẹ trên bề mặt da có màu đỏ hoặc nâu, thường gây bong tróc vảy có cạnh sắc cứng và ngứa ngay tại vị trí tổn thương.
- Một số trường hợp có thể kèm theo các mụn nước nhỏ phồng rộp hoặc các mụn mủ vàng do bị bội nhiễm bởi cào, gãi gây xước da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Ngứa dữ dội và khó chịu là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh hắc lào, đặc biệt là ở gần vị trí tổn thương. Triệu chứng này thường xuất hiện khi cơ thể ra mồ hôi.
Nấm hắc lào thường phát triển ở chân hoặc thân mình với các tổn thương đa dạng về hình thái và vị trí:
Hắc lào trên các vùng da thông thường (thân và tay chân)
Hắc lào được sử dụng phổ biến nhất để chỉ nhiễm nấm ngoài da trên thân và tay chân. Khi mắc bệnh, người bệnh thường có biểu hiện nổi ban đỏ và ngứa. Các tổn thương hình nhẫn thường xuất hiện trên vùng da hở ở cổ, thân và/hoặc tứ chi.
Hắc lào trên các vùng da thông thường (thân và tay chân)
Hắc lào trên da đầu
Hắc lào trên da đầu (Tinea capitis) là hắc lào xuất hiện dưới chân tóc, nấm da đầu lan rộng bằng cách lây lan trực tiếp qua các tế bào trên da đầu hay gián tiếp dùng chung lược, mũ với người bị bệnh.
Các triệu chứng của hắc lào da đầu thường là rụng tóc, vùng da khô có vảy, mẩn đỏ và ngứa. Trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện mụn mủ, da phồng rộp, sưng đau, hoại tử da, chảy nước trên da.
Bệnh thường xuất hiện phổ biến ở trẻ em.
Hắc lào trên da đầu
Hắc lào vùng háng
Hắc lào vùng háng (Tinea cruris) dùng để chỉ nhiễm nấm ngoài da ở mặt trong của đùi, bẹn, háng, mông, màu da vùng bị hắc lào khác hẳn so với vùng da khác. Bệnh phổ biến nhất ở nam giới và trẻ vị thành niên.
Bệnh thường bắt đầu bằng một vết phát ban đỏ, nâu hoặc xám. Các mảng bị nấm thường lan nhanh hơn ở các vùng da nếp gấp, kèm theo ngứa. Ngứa có thể tăng lên sau khi tập thể dục (do tăng tiết mồ hôi) và có thể không cải thiện sau khi sử dụng thuốc bôi chống ngứa.
Hắc lào vùng háng
Hắc lào ở bàn chân
Bệnh hắc lào ở bàn chân (Tinea pedis) thường xuất hiện ở những người có thói quen đi chân trần tại những nơi công cộng có nguy cơ lây lan và nhiễm trùng cao, chẳng hạn như phòng thay đồ, khu vực tắm chung và bể bơi.
Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ nhận thấy da giữa các kẽ ngón chân trở nên khô và có vảy, nó có thể lan ra lòng bàn chân và gót chân của bạn. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Cảm giác ngứa, châm chích hoặc nóng rát.
- Phồng rộp da.
- Chân có mùi hôi.
Hắc lào ở bàn chân
Hắc lào ở bàn tay
Hắc lào ở bàn tay (Tinea manuum) thường do chạm vào các vùng bị tổn thương do nấm trước đó, chẳng hạn như háng hoặc bàn chân của bạn. Người bệnh có thể quan sát thấy các vết nứt sâu trên lòng bàn tay và da trở nên khô, có vảy. Nếu nhiễm trùng lan rộng, bạn có thể thấy các mảng hình vòng trên mu bàn tay.
Hắc lào ở bàn tay
Hắc lào vùng móng
Hắc lào vùng móng (Tinea unguium) thường ảnh hưởng đến móng chân nhiều hơn móng tay, vì giày dép thường tạo môi trường ẩm thấp, đây là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển.
Móng bị ảnh hưởng có thể trở nên dày hơn hoặc đổi màu. Người bệnh còn có thể bị nứt móng hoặc trong trường hợp tệ hơn là móng rời hẳn khỏi ngón.
Hắc lào vùng móng
Hắc lào vùng râu
Bệnh hắc lào ở râu (Tinea barbae) gây ảnh hưởng đến má, cằm và phần trên cổ của bạn và có thể gây ra các mảng hói.
Biểu hiện của bệnh là các nốt đỏ có vảy, ngứa ở má, cằm và trên cổ. Các nốt có thể bị đóng vảy hoặc chứa đầy mủ, có thể bị rụng lông, trông giống như mụn trứng cá, viêm nang lông hoặc bệnh về da khác. Một số người cảm thấy mệt mỏi hoặc sưng hạch bạch huyết.
Hắc lào vùng râu
5 Biến chứng của hắc lào
Các bệnh về da liễu thường dai dẳng, lâu khỏi, dễ tái phát và bệnh hắc lào cũng không ngoại lệ. Nếu không có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời, căn bệnh này cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần, đời sống sinh hoạt hàng ngày hoặc có nguy cơ để lại cả những biến chứng như:
- Ảnh hưởng đến tinh thần và chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng ngứa ngáy, sưng đỏ vô cùng khó chịu nhất là khi thời tiết nóng ẩm và cơ thể đổ mồ hôi khiến cho người bệnh mệt mỏi. Về lâu dài có nguy cơ dẫn đến trầm cảm.
- Làm mất vẻ thẩm mỹ của làn da: Hắc lào gây ra các vùng da viêm đỏ, sưng, tróc vẩy có thể để lại các vết thâm, sạm da hay sẹo khi khỏi bệnh gây mất thẩm mỹ cho làn da. Nếu không được điều trị dứt điểm còn có thể gây ra các bệnh lý viêm da như bệnh chàm.
- Hắc lào bội nhiễm và lan rộng trên da: Việc không vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thoa thuốc không đúng cách hay không tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ có thể làm lây lan sang các vị trí khác trên cơ thể, tăng kích thước vùng viêm nhiễm, chàm hóa hay thậm chí có nguy cơ cao lây nhiễm cho người khác.
- Nhiễm trùng nặng: Do người bệnh có hệ miễn dịch kém như trẻ suy dinh dưỡng, bệnh nhân HIV/AIDS.
- Biến chứng kerion - nấm tổ ong da đầu: Người bệnh có thể quan sát thấy sự phát triển các vết loét có mủ, có vảy, thường kèm theo rụng tóc và để lại sẹo.
Các triệu chứng sưng đỏ, ngứa ngáy có thể gây ảnh hưởng tới tinh thần và chất lượng cuộc sống
6 Chẩn đoán hắc lào
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh hắc lào bằng cách kiểm tra da của bạn và đặt câu hỏi dựa trên các triệu chứng chung mà bạn gặp phải.
Để xác nhận chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện sinh thiết da hoặc nuôi cấy nấm. Bác sĩ sẽ lấy mẫu da của bạn hoặc dịch tiết ra từ vết phồng rộp và gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của nấm.
Bác sĩ sẽ kiểm tra da và hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải
Lấy mẫu da/móng xem dưới kính hiển vi
Bác sĩ sẽ cạo một vùng da nhỏ bị ảnh hưởng lên một phiến kính và nhỏ một giọt chất lỏng gọi là kali hydroxit (KOH) lên đó. KOH phá vỡ các tế bào da điển hình, làm cho các phần tử nấm dễ nhìn thấy hơn dưới kính hiển vi.
Lấy mẫu da/móng xem dưới kính hiển vi
7 Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Hãy đến gặp bác sĩ để được chữa trị kịp thời nếu bệnh hắc lào:
- Xuất hiện trên da đầu. Thông thường, bạn sẽ cần dùng thuốc chống nấm theo toa và dầu gội đầu trị nấm.
- Nghi ngờ bị nhiễm trùng (đỏ và sưng tấy).
- Xảy ra trong thời kỳ mang thai.
- Xảy ra trên bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu – ví dụ người đang chữa bệnh bằng hóa trị liệu, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch hoặc bệnh tiểu đường.
- Lây lan sang các vùng khác trên cơ thể.
- Không cải thiện sau khi sử dụng thuốc chống nấm không kê đơn theo chỉ dẫn của dược sĩ.
Hắc lào xuất hiện trên da đầu là dấu hiệu cho thấy nên đến gặp bác sĩ
Nơi khám chữa bệnh da liễu uy tín
- TP.HCM: Bệnh viện Da liễu TP.HCM, Khoa Da liễu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nhân Dân 115,...
- Hà Nội: Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai,...
Bệnh viện Da liễu Trung ương
8 Điều trị hắc lào
Hắc lào là bệnh ngoài da có khả năng lây nhiễm và có thể trị khỏi nếu điều trị đúng cách. Nguyên tắc điều trị dựa trên 2 yếu tố là dùng thuốc và thay đổi lối sống.
Điều trị tại chỗ
Bác sĩ hoặc dược sĩ có thể kê toa với các loại thuốc khác nhau tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Trong trường hợp bệnh mới xuất hiện và còn nhẹ, có thể sử dụng các loại thuốc bôi tại chỗ như kem chống nấm dạng mỡ, gel hoặc thuốc xịt có chứa clotrimazole, miconazole, ketoconazol, terbinafine...hoặc các thành phần khác có liên quan.
Đồng thời kết hợp thêm Vitamin khoáng chất và các thuốc giảm triệu chứng như thuốc kháng Histamin giúp giảm ngứa để hỗ trợ điều trị hiệu quả.
Khi bị hắc lào, bác sĩ thường sẽ kê cho bạn dạng thuốc bôi để điều trị bệnh
Điều trị toàn thân
Điều trị bằng đường uống là cần thiết trong trường hợp nhiễm trùng lan rộng hơn hoặc điều trị tại chỗ không thành công. Bệnh nhân sau khi dùng thuốc thường sẽ khỏi bệnh trong khoảng 2 - 3 tuần.
Một số thuốc kháng nấm đường uống dùng trong điều trị hắc lào là Ketoconazole, Itraconazole,… Có thể dùng Vitamin khoáng chất và thuốc kháng Histamin giúp giảm ngứa hoặc kháng sinh kết hợp nếu xuất hiện mủ hoặc bội nhiễm.
Thuốc uống trị hắc lào chỉ bán khi có chỉ định của bác sĩ
Một số nguyên tắc cần lưu ý để việc điều trị có hiệu quả
- Tuân thủ đúng thời gian sử dụng thuốc để điều trị bệnh nhân, tránh tái phát.
- Điều trị liên tục cho đến khi da lành, sau đó cần thoa thuốc trong ít nhất 2 tuần để tránh tái phát.
- Chú ý không nên gãi, cạo vùng da bị thương tổn trước khi bôi thuốc.
- Khi bôi thuốc cần làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, nếu bôi thuốc không đúng có thể làm bệnh nặng hơn. Ví dụ nếu bôi thuốc quá mạnh, bôi dây sang da lành, da non có thể gây phỏng, ngứa dữ dội.
- Không dùng chung quần áo, vật dụng cá nhân với người khác gây lây nhiễm bệnh.
- Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc uống trị nấm khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Báo cho bác sĩ nếu bạn bị bệnh về gan trước khi sử dụng các thuốc uống trị bệnh.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm gội mỗi ngày, đặc biệt là vùng da bị bệnh cần được giữ sạch sẽ và khô ráo.
- Mặc đồ cotton hoặc chất liệu giúp thấm hút mồ hôi nhanh.
Các trường hợp sau đây nên tái khám bác sĩ:
- Điều trị sau 4 tuần không có dấu hiệu cải thiện (Thời gian điều trị thông thường từ 2 - 4 tuần).
- Tình trạng bệnh nặng hơn, xuất hiện mụn mủ, gây viêm đau.
Sau khi da lành, cần thoa thuốc trong ít nhất 2 tuần để tránh tái phát
9 Biện pháp phòng ngừa, ngăn ngừa bệnh hắc lào tái phát và tránh lây nhiễm hắc lào
Hắc lào là một bệnh có khả năng tái phát rất cao, người bệnh có thể thấy các dấu hiệu hoàn toàn biến mất sau một thời gian điều trị nhưng chúng sẽ quay lại khi gặp điều kiện thích hợp. Vì thế, người bị hắc lào nên chú ý những điều dưới đây trong và sau khi điều trị để hạn chế nguy cơ tái phát bệnh:
- Từ bỏ thói quen dùng thuốc bừa bãi: Nhiều trường hợp nhiễm nấm là do người bệnh lạm dụng thuốc kháng sinh và thuốc corticoid. Vì kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, còn corticoid gây ức chế miễn dịch nên các vi nấm càng có điều kiện tăng sinh phát triển.
- Diệt nấm: Rắc bột chống nấm ở những vật dụng cá nhân như quần áo, mùng mền, chiếu gối...
- Không dùng chung vật dụng cá nhân, quần áo với người khác, tránh làm việc trong môi trường nóng ẩm, ra nhiều mồ hôi.
- Giữ cho cơ thể luôn khô ráo, thoáng mát. Hạn chế mặc quần áo ẩm ướt, quần áo chật. Lựa chọn các loại vải có khả năng thấm hút mồ hôi tốt như cotton.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ thường xuyên.
- Tránh tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh. Vệ sinh sạch sẽ cho chó, mèo và những thú cưng khác để tránh lây nhiễm.
- Hạn chế đi chân trần ở những nơi công cộng như phòng tắm, phòng thay đồ chung.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các loại Vitamin.
- Tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi ăn uống khoa học, điều trị triệt để các bệnh liên quan.
Hạn chế đi chân trần ở những nơi công cộng như phòng tắm, phòng thay đồ chung
Xem thêm:
- Bệnh lang ben là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị.
- Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa vi khuẩn ăn thịt người.
- Đậu mùa khỉ lây lan như thế nào? Các con đường lây lan của bệnh đậu mùa khỉ.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn các thông tin về bệnh hắc lào, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả. Nếu bạn thấy hay và hữu ích, đừng quên chia sẻ cho bạn bè và người thân cùng biết nhé!
Nguồn: Mayoclinic, Healthline
Bạn đang xem bài viết Bệnh hắc lào: Nguyên nhân và phương pháp điều trị, phòng ngừa bệnh tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].