Đái tháo đường là bệnh lý phổ biến, tuy nhiên, rất ít người biết rằng nếu bệnh không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy tìm hiểu về biến chứng đái tháo đường qua bài viết dưới đây nhé!
Đái tháo đường và biến chứng của bệnh
Đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh lý đặc trưng bởi sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng insulin trong cơ thể. Điều này khiến các tế bào không thể sử dụng glucose trong máu làm năng lượng và dẫn đến đường máu cao.
Khi bệnh diễn biến lâu ngày mà không được phát hiện và kiểm soát đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến đa cơ quan trong cơ thể như:
- Tim và mạch máu.
- Gan, thận.
- Thủy tinh thể mắt.
- Thần kinh.
1 Biến chứng của bệnh tiểu đường
Dựa vào thời điểm khởi phát và tốc độ tiến triển của bệnh mà biến chứng đái tháo đường được chia thành 2 nhóm chính gồm:
Biến chứng cấp tính
Những biến chứng cấp tính thường diễn ra trong 1 khoảng thời gian ngắn và xuất hiện do cơ thể không đủ insulin làm tình trạng đường máu trong cơ thể quá cao. Một số biến chứng cấp tính hay gặp gồm:
Nhiễm toan ceton.
Nhiễm toan ceton là biến chứng khá ít gặp và có thể xảy ra trong đái tháo đường tuýp 1.
Trong nhiễm toan ceton, dù lượng đường trong máu rất cao nhưng cơ thể không thể sử dụng chúng để sản xuất năng lượng vì thiếu insulin. Thay vào đó, tế bào sẽ chuyển hóa chất béo thành năng lượng và hình thành acid cetonic gây toan máu.
Bệnh nhân có thể gặp biến chứng nhiễm toan ceton trong một số trường hợp sau:
- Tự ý ngưng insulin dài ngày.
- Mắc kèm theo bệnh viêm nhiễm cấp tính.
- Chấn thương hoặc stress.
Vì thế, để tránh biến chứng nhiễm toan ceton, bệnh nhân được chỉ định insulin nên tuân thủ chặt chẽ quy định liều và theo dõi tác dụng phụ.
Tăng áp lực thẩm thấu
Tăng áp lực thẩm thấu là biến chứng thường gặp và khởi phát âm thầm hơn, nhất là ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. Tình trạng này xảy ra ở bệnh nhân có đường máu có làm tăng lượng đường trong hệ tiết niệu dẫn đến kéo nước ra ngoài cơ thể gây ra mất nước nặng, thậm chí hôn mê.
Biến chứng này có thể xảy ra ngay cả trên những bệnh nhân tuân thủ liều insulin. Một số yếu tố dẫn đến bệnh là:
- Không kiểm tra đường huyết thường xuyên trong quá trình dùng insulin.
- Bệnh cấp tính đồng mắc: viêm nhiễm, căng thẳng.
Các biến chứng cấp tính của đái tháo đường có thể dẫn đến hôn mê
Biến chứng mạn tính
Những biến chứng mạn tính của đái tháo đường thường diễn biến rất chậm, có thể đến vài năm. Vì thế, bệnh nhân ít khi nhận ra cho đến khi triệu chứng nặng khiến việc điều trị gặp khó khăn.
Một số biến chứng mạn tính của đái tháo đường thường gặp gồm:
Bệnh tim và đột quỵ
Đái tháo đường là bệnh lý gây rối loạn các chu trình chuyển hóa trong cơ thể và làm tăng nguy cơ tổn thương các lớp nội mạc mạch máu. Từ đó, làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch như:
- Xơ vữa động mạch.
- Bệnh mạch vành.
- Nhồi máu cơ tim.
- Nhồi máu não.
Bệnh thận
Lượng đường trong máu cao trong một khoảng thời gian dài có thể làm tổn thương mạch máu cầu thận và hình thành các mảng xơ hóa. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh thận đái tháo đường. Khi mắc biến chứng này, bệnh nhân thường biểu hiện:
- Tăng huyết áp.
- Hội chứng thận hư.
- Viêm cầu thận hoại tử.
- Suy thận cấp hoặc suy thận mạn.
Bệnh thần kinh tiểu đường
Các sợi thần kinh ngoại biên và mạch máu chi phối cho nó có thể bị phá hủy bởi tình trạng đường huyết cao kéo dài trong nhiều năm. Điều này dẫn đến bệnh thần kinh do đái tháo đường với các biểu hiện:
- Tê bì tay chân.
- Cảm giác nóng ran, ngứa rát ngoài da.
- Đau tại đầu ngón tay, ngón chân.
- Liệt dạ dày.
- Rối loạn cương dương.
- Giảm ham muốn.
Bệnh võng mạc
Bệnh nhân đái tháo đường có thể xuất hiện các bệnh lý về võng mạc gây nhìn mờ, hình ảnh bị biến đổi do tổn thương hệ vi mạch trong mắt. Biến chứng này hay xuất hiện sau 5 năm mắc đái tháo đường ở cả type I và type II.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện một số bệnh về mắt khác như:
- Đục thủy tinh thể.
- Bệnh glaucoma.
Bệnh về da
Tình trạng đường máu cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Vì thế, bệnh nhân đái tháo đường thường dễ bị viêm ngoài da, chậm liền vết thương hoặc hoại tử bàn chân.
Nhìn mờ là triệu chứng do tổn thương võng mạc ở bệnh nhân đái tháo đường
2 Bị tiểu đường bao lâu thì xuất hiện biến chứng?
Thời gian xuất hiện biến chứng đái tháo đường là khác nhau ở mỗi bệnh nhân tùy theo mức độ kiểm soát đường máu:
- Biến chứng của bệnh có thể xảy ra sớm và cấp tính hơn nếu đường máu luôn ở ngưỡng cao, trong thời gian dài.
- Ngược lại, ở bệnh nhân được kiểm soát đường máu tốt, thời gian xuất hiện biến chứng sẽ muộn hơn.
Các biến chứng mạn tính thường tiến triển từ từ và không có biểu hiện rõ ràng trong nhiều năm, có thể từ 5 - 10 năm. Tuy nhiên, một số bệnh nhân tiểu đường type II có thể được phát hiện các biến chứng kể từ khi phát hiện bệnh.
Thời gian xuất hiện biến chứng sẽ phụ thuộc vào mức độ kiểm soát đường máu
3 Cách phòng ngừa biến chứng tiểu đường
Biến chứng đái tháo đường là một tình trạng nặng làm việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Vì thế, người bệnh đái tháo đường nên áp dụng một số biện pháp sau để hạn chế biến chứng như:
- Kiểm soát tốt đường huyết bằng cách tuân thủ điều trị của bác sĩ.
- Bỏ thuốc lá.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế đồ chiên rán, đồ ngọt và rượu bia.
- Tăng cường vận động, thể dục thể thao hàng ngày.
- Khám sức khỏe định kỳ 1 tháng/lần để đánh giá tình trạng đường máu và phát hiện sớm biến chứng.
- Tránh stress, căng thẳng.
- Kiểm soát cân nặng theo chuẩn BMI của Tổ chức Y tế thế giới, giữ tỉ lệ eo/ hông luôn cân đối.
Bệnh nhân không nên ăn quá nhiều đồ ngọt để tránh biến chứng của bệnh đái tháo đường
Xem thêm:
- Bệnh tiểu đường nên ăn trái cây gì? 20 loại quả tốt cho người bệnh
- Bệnh tiểu đường ăn ổi được không? 9 lợi ích của ổi với bệnh tiểu đường
- Hướng dẫn cách thử tiểu đường (đo đường huyết) bằng máy đo tại nhà
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn nhiều kiến thức bổ ích cho bạn về các biến chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường. Bạn hãy thực hiện lối sống lành mạnh và tuân thủ phác đồ điều trị bệnh để hạn chế những biến chứng nhé!
Bạn đang xem bài viết 7 biến chứng đái tháo đường nguy hiểm và cách phòng ngừa tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].